Phong cách sáng tác và đặc trưng âm nhạc của ca khúc viết về Hà Nội

Cùng với tiến trình lịch sử của đất nước, nền âm nhạc cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần và niềm tự hào dân tộc. Đặc biệt, những ca khúc viết về Hà Nội đã có bước phát triển rực rỡ và hình thành ba dòng nhạc chính mang phong cách cổ điển châu Âu, phong cách dân gian và phong cách nhạc nhẹ.

1. Ca khúc viết về Hà Nội mang phong cách cổ điển châu Âu

Ngay từ thời kỳ đầu tân nhạc, các sáng tác đã chịu ảnh hưởng từ trào lưu âm nhạc châu Âu, phản ánh những hoạt động của xã hội Việt Nam đương thời, trong đó, các ca khúc viết về Hà Nội ra đời và kịp thời phản ánh đời sống tinh thần, chiến đấu và những diễn biến trong đời sống xã hội của Thủ đô. Dựa trên hệ thống 7 âm diatonicque của âm nhạc châu Âu, các ca khúc viết về Hà Nội theo phong cách này thường có giai điệu, hòa âm, tiết tấu và cấu trúc mạch lạc, chủ yếu sử dụng điệu thức trưởng, thứ tự nhiên hơn là hòa thanh, câu đoạn được phân chia rõ ràng và hầu như cân đối, ngôn ngữ hào sảng, khúc triết. Quan hệ điệu tính giữa các câu, đoạn thường là trưởng - thứ cùng tên hoặc chủ - át, chủ - hạ át, tạo sự tương phản về màu sắc âm thanh. Dựa vào những bài hát, bản nhạc Pháp - châu Âu thịnh hành ở thời kỳ đầu tân nhạc, có thể thấy, giai điệu, tiết tấu của các ca khúc Việt Nam và ca khúc viết về Hà Nội được xây dựng theo những phương thức sau: sử dụng hoàn toàn những âm trong hợp âm ba rải hoặc thêm một số âm ngoài hợp âm; thủ pháp nhắc lại, nhắc lại có thay đổi trong một câu nhạc, đoạn nhạc, hoặc từ đoạn này sang đoạn khác tạo sự gắn bó thống nhất trong cấu trúc câu nhạc; luyến láy một hoặc nhiều âm để làm cho ca từ mềm mại uyển chuyển và phù hợp với các dấu trong tiếng Việt; mô phỏng tiết tấu và hướng tiến hành giai điệu, mô tiến giai điệu.

Một số tác phẩm tiêu biểu cho phong cách này như: Bài ca Hà Nội, Hà Nội mùa thu (Vũ Thanh), Hà Nội niềm tin hy vọng (Phan Nhân), Truyền thuyết Hồ Gươm (Hoàng Phúc Thắng), Giấc mơ mùa lá (Trần Mạnh Hùng)…

2. Ca khúc viết về Hà Nội theo phong cách dân gian

Vùng đất và con người Thăng Long - Hà Nội trải qua bao thế kỷ, từ thời đại Lý - Trần - Lê đến nay, đã có những đóng góp không nhỏ để tạo dựng nên một nền nghệ thuật ca trù độc đáo, đặc sắc. Cũng như các di sản văn hóa khác, ca trù luôn là một sợi dây gắn kết những tinh hoa văn hóa trong quá khứ với những sáng tạo trong tương lai. Điều đó được minh chứng rằng, cho đến nay sức sống trường tồn, vĩnh cửu của nghệ thuật ca trù vẫn được các nhạc sĩ tiếp thu để sáng tác những ca khúc mới trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam nói chung và những ca khúc viết về Hà Nội nói riêng.

Ca khúc về Hà Nội theo phong cách dân gian thường được viết ở nhịp độ chậm rãi, có giai điệu ngân nga, sử dụng nhiều nốt luyến láy, sử dụng những hư từ như “ư, hư…” và có những đoạn nhạc lưu không. Tiết tấu phong phú, đa dạng và có nhiều tác phẩm hay sử dụng giai điệu dạng đảo phách, sử dụng dấu lặng để ngừng nghỉ các câu nhạc, tiết nhạc. Ca khúc viết về Hà Nội mang phong cách dân gian chủ yếu được khai thác từ chất liệu ca trù và thường được các tác giả kết hợp khéo léo giữa điệu thức 5 âm cổ truyền của dân tộc với điệu thức 7 âm trong âm nhạc phương Tây. Có thể nói, số lượng những ca khúc viết về Hà Nội theo phong cách dân gian không nhiều so với phong cách khác, nhưng lại rất tiêu biểu và đặc sắc. Đây thực sự là những sáng tạo của nhạc sĩ, họ đã khéo léo trong việc vận dụng những thủ pháp sáng tác của âm nhạc cổ điển châu Âu kết hợp với âm điệu dân gian đặc trưng, tạo nên màu sắc đặc biệt cho tác phẩm. Một số thủ pháp phát triển giai điệu được vận dụng trong các ca khúc này như: sử dụng những âm trong hợp âm ba rải hoặc thêm một số âm ngoài hợp âm; thủ pháp nhắc lại, nhắc lại có thay đổi trong một câu nhạc, đoạn nhạc, hoặc từ đoạn này sang đoạn khác tạo sự gắn bó thống nhất trong cấu trúc âm nhạc; luyến láy một hoặc nhiều âm, nhấn âm để làm cho ca từ mềm mại, uyển chuyển và phù hợp với các dấu trong tiếng Việt, đồng thời phù hợp với màu sắc dân gian; mô phỏng tiết tấu và hướng tiến hành giai điệu, mô tiến giai điệu; sử dụng thủ pháp nhấn âm và bước trùng âm.

Một số tác phẩm tiêu biểu viết về Hà Nội theo phong cách dân gian: Một thoảng Tây Hồ (Phó Đức Phương), Chiều phủ Tây Hồ (Phú Quảng), Hà Nội linh thiêng hào hoa (Lê Mây), Sóng đàn Thăng Long (Đỗ Đức Liên, phỏng thơ Trần Chính), Sóng đàn Hà Nội (An Thuyên), Hoài niệm Văn Miếu (Duy Quang)…

3. Ca khúc viết về Hà Nội theo phong cách nhạc nhẹ

Kể từ đại thắng mùa xuân năm 1975, lịch sử xã hội Việt Nam đã bước sang một trang mới. Không còn là những tháng ngày của lịch sử đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc mà các loại hình nghệ thuật, trong đó, âm nhạc đã kịp thời theo sát và phản ánh một cách chân thực hai cuộc kháng chiến vĩ đại. Những lời ca tiếng hát như tiếp thêm sức mạnh để cổ vũ tinh thần chiến đấu và đưa đất nước ta đi đến ngày toàn thắng. Khúc khải hoàn ca mùa xuân năm 1975 vang lên cũng là mở đầu cho một thời kỳ mới, thời kỳ của một Việt Nam độc lập, thống nhất và tự chủ, là niềm tự hào và chiến thắng cùng với những âm thanh ngày mới. Ca khúc nhạc nhẹ viết về Hà Nội vẫn tiếp tục phát triển cùng với dòng ca khúc nhạc nhẹ Việt Nam và theo hai hướng chính đó là: sử dụng ngôn ngữ âm nhạc (giai điệu, tiết tấu, hòa âm, hình thức, cấu trúc) của âm nhạc cổ điển châu Âu, được chia thành hai loại gồm ca khúc có tính chất trữ tình, lãng mạn (nhẹ) và ca khúc có tính chất sôi động, hào hứng (mạnh); sử dụng ngôn ngữ âm nhạc (hình thức, cấu trúc) của âm nhạc cổ điển châu Âu kết hợp với ngôn ngữ dân tộc Việt.

Do nội dung trong các ca khúc đã được mở rộng về đề tài, có những ca khúc vui tươi, sôi động, trẻ trung, có những ca khúc trữ tình nhẹ nhàng… nên điệu thức cũng đa dạng hơn, không chỉ đơn thuần là các điệu thức trưởng, thứ tự nhiên được sử dụng trong các ca khúc ở giai đoạn phục vụ kháng chiến, mà còn được sử dụng ở các dạng điệu thức trưởng, thứ hòa thanh và giai điệu. Thậm chí sử dụng cả ly điệu, chuyển điệu hoặc mở đầu bằng một điệu thức, kết thúc lại bằng một điệu thức khác để thay đổi màu sắc âm thanh và làm cho tác phẩm trở nên có sức hấp dẫn hơn. Một số thủ pháp sáng tác cơ bản của âm nhạc cổ điển châu Âu vẫn tiếp tục được sử dụng trong những ca khúc mang phong cách nhạc nhẹ. Bên cạnh đó, sự du nhập những ngôn ngữ sáng tác theo phong cách nhạc trẻ của thế giới đã làm các ca khúc viết về Hà Nội đã trở nên phong phú, đa dạng hơn về đề tài và ngôn ngữ thể hiện, đó là việc xây dựng và phát triển giai điệu theo các hướng như: loại giai điệu sử dụng nhiều mô típ trong các ca khúc để tạo cho bài hát mang tính thống nhất, có sự cô đọng, dễ nhớ và dễ thuộc, mô típ dài có thể là vài ô nhịp, mô típ ngắn có thể chỉ có một ô nhịp hoặc nét nhân tố chủ đề, có thể là quãng hoặc tiết tấu; loại giai điệu không tạo ra cao trào mà chủ yếu chỉ tạo ra sự tương phản giữa hai phần nhưng không rõ nét; loại giai điệu sử dụng nhiều quãng nhảy rộng liên tục, âm vực rộng thường xuất hiện trong những ca khúc khai thác âm điệu dân gian. Một số ca khúc viết về Hà Nội mang phong cách nhạc nhẹ như: Nhớ mùa thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn), Hà Nội đêm trở gió (Trọng Đài - Chu Lai), Cửa ô nhịp phố (Trương Ngọc Ninh), Em ơi Hà Nội phố (Phú Quang, thơ Phan Vũ), Nồng nàn Hà Nội (Nguyễn Đức Cường), Những mùa đông yêu dấu (Đỗ Bảo)…

Qua phân tích về phong cách và đặc điểm âm nhạc của các ca khúc viết về Hà Nội, có thể nhận thấy sự đa dạng về ngôn ngữ và bút pháp sáng tác. Trong đó, thang âm, điệu thức của âm nhạc châu Âu là cốt lõi để các nhạc sĩ vận dụng vào sáng tác ca khúc về Hà Nội, kết hợp với ngôn ngữ âm nhạc dân tộc và hiện đại để tạo nên những dòng ca khúc có đặc trưng riêng theo phong cách âm nhạc cổ điển châu Âu, phong cách dân gian và phong cách nhạc nhẹ.

Thăng Long - Hà Nội đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, những giai điệu về vùng đất này cũng theo năm tháng được ra đời để phản ánh những nét văn hóa riêng. Nhiều hình thức được các tác giả sử dụng trong những sáng tác của mình tạo nên sự phong phú trong cấu trúc. Hình thức hai đoạn đơn được sử dụng hầu hết trong các sáng tác ca khúc về Hà Nội và có sự phát triển theo xu thế của thời đại, bao gồm hình thức hai đoạn đơn có tái hiện và không có tái hiện. Hình thức ba đoạn đơn tiếp tục được sử dụng để chuyển tải những nội dung lớn hơn, cần có sự phát triển và sự tương phản về tính chất âm nhạc trong từng đoạn. Sự sáng tạo của nhạc sĩ khi sáng tác ca khúc về Hà Nội còn tạo nên những tác phẩm mang tính biến tấu - rondo - trường ca.

Mỗi phong cách âm nhạc đều mang những đặc điểm riêng biệt. Nếu như phong cách cổ điển châu Âu với sự rõ ràng mạch lạc và câu, đoạn cân phương, vuông vắn thì phong cách dân gian có sự pha trộn sắc màu dân tộc, mang tính ngâm ngợi. Để phù hợp với dấu giọng của tiếng Việt, các ca khúc đã sử dụng âm điệu đặc trưng của âm nhạc dân gian Hà Nội - âm điệu ca trù để tạo nên một mảng màu rất độc đáo. Bên cạnh đó là lối cấu trúc không cân phương và dàn trải theo chiều ngang - cái vốn có trong tư duy của người Việt Nam, càng làm cho ca khúc mang phong cách dân gian có những dấu ấn riêng. Các nhạc sĩ đã tiếp thu một cách sáng tạo tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời giữ được những đặc điểm mang tính cội nguồn. Ca khúc Việt Nam sau đổi mới đã có những biến đổi theo nhịp sống của thời đại. Các ca khúc mang phong cách nhạc nhẹ chịu ảnh hưởng từ nước ngoài, kết hợp với ngôn ngữ dân gian, vì vậy vừa mang trong mình những xu thế hiện đại, vừa thể hiện tính dân tộc. Như vậy, bản sắc dân tộc trong ca khúc nói riêng và trong văn hóa Việt Nam nói chung sẽ trường tồn trong sự vận động và biến đổi không ngừng của lịch sử. Có thể nói, phong cách, đặc điểm về ngôn ngữ âm nhạc cũng như cấu trúc của các ca khúc viết về Hà Nội vô cùng phong phú, góp phần không nhỏ trong sự phát triển của dòng ca khúc cách mạng Việt Nam.

_____________

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Lê Hòa, Các đặc điểm phong cách âm nhạc thế kỷ XX và khí nhạc Việt Nam trong âm nhạc chuyên nghiệp, Luận án Tiến sĩ khoa học, Học viện Âm nhạc quốc gia Kiev mang tên P.I. Tchaicovsky, 1997.

2. Phạm Lê Hòa, Những bài hát hay về Hà Nội trong thời gian gần đây, 1000 năm âm nhạc Thăng Long Hà Nội, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 2010.

3. Phạm Lê Hòa, Giáo trình Phân tích tác phẩm âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 2010.

4. Thế Hùng, Mỹ học đại cương, Nxb Văn hóa Thông tin, 2006.

5. Đoàn Thị Đặng Hương, Văn luận, Nxb Văn học, 2000.

6. Phạm Tú Hương, Lý thuyết Âm nhạc cơ bản, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2004.

7. Vũ Tự Lân, Âm nhạc Việt Nam - Tác giả - Tác phẩm, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2009.

Ths BÙI THỊ PHƯƠNG ĐÔNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 512, tháng 10-2022

;