Ca khúc nhạc nhẹ từ khi ra đời đến nay đã trở nên quen thuộc trong đời sống âm nhạc thế giới cũng như tại Việt Nam, đặc biệt hấp dẫn với lớp trẻ. Để thể hiện tốt một ca khúc nhạc nhẹ với lối trình diễn chuyên nghiệp, yêu cầu người hát phải hiểu và nắm rõ kỹ thuật biểu diễn. Với sự sáng tạo trong biểu diễn của người hát, bài hát trở nên sinh động hơn. Việc luyện tập các điệu nhảy, xử lý kỹ thuật thể hiện trên sân khấu của ca sĩ biểu diễn ca khúc nhạc nhẹ cần được nghiên cứu và thực hiện một cách nghiêm túc.
Cách biểu diễn dân ca thường theo đặc điểm của từng vùng miền, kết hợp dân vũ của các dân tộc vùng miền đó, chẳng hạn biểu diễn bài dân ca Xòe hoa của dân tộc Thái thường kết hợp với múa xòe - Ảnh: tuoitrethudo.vn
1. Khái niệm nhạc nhẹ, nhạc rock, nhạc pop, kỹ thuật biểu diễn
Nhạc nhẹ
Nhạc nhẹ được hiểu ở hai dạng, nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Ở nghĩa rộng, nhạc nhẹ là tất cả những thể loại âm nhạc có hình thức nhỏ, mang tính giải trí, nhẹ nhàng, dễ hiểu như các tiểu phẩm nhạc đàn, ca khúc... có thể gọi là nhạc nhẹ truyền thống. Với ý nghĩa này, nhạc nhẹ được dùng để đối sánh với các thể loại âm nhạc có hình thức lớn như sonate, giao hưởng, concerto, opera…
Ở nghĩa hẹp, nhạc nhẹ được hiểu là nhạc nhẹ hiện đại, tiêu biểu là jazz, rock, pop (phổ biến ở TK XX), là những thể loại có nhiều đặc điểm khác với nhạc nhẹ truyền thống (nhạc nhẹ ở nghĩa rộng) như tính nhảy múa, tính giải trí... Như vậy, nhạc nhẹ (hiện đại) là loại nhạc mang tính giải trí cao, chú trọng đến tiết tấu mang tính chu kỳ, gắn với nhạc nhảy; về ngôn ngữ âm nhạc, cách hát và biểu diễn có nhiều đặc điểm khác với ca khúc cổ điển thính phòng và dân ca. Bài viết này sử dụng khái niệm nhạc nhẹ theo nghĩa hẹp. Từ đây, để ngắn gọn, tác giả bài viết sử dụng thuật ngữ nhạc nhẹ để chỉ nhạc nhẹ hiện đại và chỉ đề cập tới 2 thể loại là nhạc pop và nhạc rock mà không bàn đến nhạc jazz.
Nhạc rock
Rock là một thể loại của nhạc nhẹ còn được gọi là âm nhạc quần chúng - popular. Chữ rock được gọi tắt từ tập hợp từ rock and roll, là câu hát được lặp đi lặp lại trong các bài hát rhythm and blues của người da đen. Bài viết Nguồn gốc của rock trong cuốn Jazz - Rock - Pop, tác giả V. Konen đã nhận định nhạc rock “được sáng tác do các nhạc sĩ da trắng dựa trên cách tư duy da đen” (1), hay nói cách khác, nhạc rock là sản phẩm kết hợp của nhạc da trắng và nhạc da đen.
Rock có đặc trưng sử dụng dàn âm thanh điện tử (thành tựu kỹ thuật của TK XX) với nhạc cụ đệm là 3 ghi ta điện và dàn trống. Vì thế, hiệu quả âm thanh của nhạc rock tạo ra có thể khuếch đại với âm lượng cực lớn, khác hẳn với dàn nhạc có âm thanh thật. Điều này làm cho rock có sức hút mạnh mẽ với tầng lớp thanh niên vốn ưa sự sôi động, cuồng nhiệt. Rock thường được biểu diễn với một nhóm ca sĩ và nhạc công gọi là ban nhạc, không theo kiểu dàn nhạc lớn như nhạc cổ điển hay dàn ca sĩ đông người. Thể loại rhythm and blues của nhạc jazz đã mang vào rock đặc điểm tiết tấu có nhiều đảo - nghịch, phách không cân (nhấn lệch), “cách hát khàn thô, ngân nga lạ lùng… hoàn toàn không xuất phát từ lối hát bel canto” (2) khiến cho rock có sự mới mẻ so với các thể loại ca khúc truyền thống trước đây. Rock được chia thành nhiều thể loại khác nhau: hard-rock (rock nặng), sympho-rock (rock giao hưởng), folk-rock (rock dân ca), soul-rock (rock nhẹ, tình cảm)…
Từ những phân tích ở trên, có thể hiểu: nhạc rock là một thể loại của nhạc nhẹ, bắt nguồn từ thể loại rhythm and blues của nhạc jazz, sử dụng âm thanh điện tử với âm lượng cực lớn, dàn nhạc chủ yếu là 3 ghi ta điện và dàn trống, tiết tấu của rock thường hay nhấn lệch, cách hát khác với thanh nhạc cổ điển, rock được biểu diễn theo ban nhạc, nhóm nhạc.
Nhạc pop
Pop là cách gọi tắt của chữ popular (bình dân, quần chúng). Nhạc pop về thực chất là nhạc rock. Trong bài Nhạc Pop là gì, tác giả Vũ Tự Lân viết: “gọi là nhạc Pop thì thực chất cũng là nhạc Rock với mọi hình mọi vẻ của nó” (3). Nhạc rock được nhiều thanh niên ưa chuộng, nhiều show diễn (trình diễn nghệ thuật ngoài trời) của các ban nhạc nổi tiếng có tới vài ngàn người xem. Đặc biệt, sự hâm mộ của lớp trẻ dành cho rock hết sức cuồng nhiệt. Vì vậy, trong xã hội xuất hiện cụm từ popular music để chỉ nhạc rock với hàm ý là loại nhạc bình dân có tính quần chúng cao. Qua quá trình phát triển, rock và pop được hiểu không đồng nhất với nhau, thuật ngữ rock thường để chỉ những bài có tính chất mạnh mẽ, cường độ cực lớn, thuộc loại rock nặng (hard-rock) mà chỉ có một số ít người ưa thích; còn pop là những bài có tính chất nhẹ nhàng, sôi động nhưng không quá mạnh, nhiều đối tượng thưởng thức được, mang tính giải trí cao.
Như vậy, nhạc pop thực chất là nhạc rock, tuy nhiên, qua quá trình phát triển, thuật ngữ nhạc pop để chỉ loại rock nhẹ, có các đặc điểm của nhạc rock nhưng tính chất nhẹ nhàng.
Kỹ thuật biểu diễn
Kỹ thuật biểu diễn trên sân khấu của ca sĩ phải phù hợp với từng dòng nhạc khác nhau. Cách biểu diễn của ca khúc cổ điển thính phòng thường trang nghiêm, lịch sự, tao nhã, duyên dáng. Cách biểu diễn dân ca thường theo đặc điểm của từng vùng miền, kết hợp dân vũ của các dân tộc vùng miền đó, chẳng hạn biểu diễn bài dân ca Xòe hoa của dân tộc Thái thường kết hợp với múa xòe. Cách biểu diễn nhạc nhẹ theo đặc điểm của âm nhạc và thẩm mỹ thưởng thức nhạc nhẹ là thường gắn với nhạc nhảy.
Như vậy, có thể hiểu kỹ thuật biểu diễn là sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc và hình thể, kỹ thuật diễn viên như: sự biểu cảm của ánh mắt, khuôn mặt, động tác tay, bước đi, xử lý micro, sử dụng đạo cụ... để tạo nên tổng thể tác phẩm âm nhạc được trình diễn trên sân khấu, với tư thế và diễn xuất mang tính nghệ thuật.
2. Vai trò của kỹ thuật biểu diễn trên sân khấu
Kỹ thuật biểu diễn đóng vai trò quan trọng cho sự thành công trong trình bày tác phẩm. Kỹ thuật biểu diễn có thể tạo sự lôi cuốn và sinh động, tăng thêm vẻ đẹp cho giọng hát nếu ca sĩ biểu diễn tốt và cũng có thể làm giảm chất lượng của tiết mục nếu kỹ thuật biểu diễn chưa phù hợp. Biểu diễn ca nhạc nhẹ với những động tác sôi động, luôn kết hợp với nhảy, múa thì kỹ thuật biểu diễn lại càng được coi trọng.
Trong thưởng thức nghệ thuật âm nhạc, người xem không chỉ “nghe” để cảm nhận vẻ đẹp của giọng hát mà còn “nhìn” để thấy sự hấp dẫn từ cách trình diễn của ca sĩ. Đời sống hiện đại, phần thưởng thức bằng mắt (nhìn) hiện nay có phần vượt trội, đôi khi còn lấn át phần nghe mà sự thành công của các nhóm nhạc Hàn Quốc (K-pop) là những dẫn chứng sống động. Nếu xét về phần hát, có lẽ một số người cho rằng: nhiều nhóm nhạc K-pop được hâm mộ có giọng hát khá bình thường nhưng vì sao họ được giới trẻ ưa chuộng? Hiện tượng nhóm nhạc Black Pink với sự hâm mộ cuồng nhiệt của giới trẻ Việt Nam phần nào cho ta đáp án của câu hỏi này. Được biết, có người bỏ ra đến 7 triệu đồng để mua 1 vé cho 1 đêm diễn tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội. Giọng hát của các thành viên trong nhóm nhạc này không quá xuất sắc nhưng họ có phong cách biểu diễn rất hấp dẫn, điêu luyện, sôi động; họ chú ý đến các động tác hình thể, phong cách ăn mặc đẹp. Sự thành công đó có sự góp phần rất nhiều của kỹ thuật biểu diễn.
Biểu diễn nhạc nhẹ còn đặc biệt chú ý đến cách dàn dựng sân khấu, trở thành một nét đặc trưng trong phong cách biểu diễn và sử dụng nhiều yếu tố phụ trợ ngoài ca hát như: đạo cụ, đèn màu, hình ảnh minh họa 3D… Trong biểu diễn ca khúc thính phòng cổ điển, các đạo cụ cũng được sử dụng nhưng không đa dạng và phóng khoáng như biểu diễn nhạc nhẹ, các ca sĩ nhạc nhẹ có khi đeo cả mặt nạ lên sân khấu, sử dụng những đạo cụ cũng rất lạ mắt như cách biểu diễn của nữ ca sĩ người Mỹ Madonna là một ví dụ.
3. Rèn luyện một số kỹ thuật biểu diễn ca khúc nhạc nhẹ
Để biểu diễn tốt ca khúc theo phong cách nhạc nhẹ, ca sĩ, người học thanh nhạc cần rèn luyện một số kỹ thuật biểu diễn như sau:
Luyện tập các điệu nhảy
Ca khúc nhạc nhẹ thường có tiết tấu gắn với các điệu nhảy như: disco, chachacha, rumba, slow-rock, slow sulf, tango, valse, boston, bossa nova, pasodoble... Do vậy, việc luyện tập để nhảy tốt các điệu nhạc trên sẽ giúp ca sĩ, người biểu diễn áp dụng vào vận động khi hát những bài hát có các tiết tấu đó. Khi thuần thục các điệu nhảy, ca sĩ sẽ ứng dụng vào bài hát một cách tự nhiên nhất. Cần luyện tập trước gương để vừa hát vừa kết hợp các động tác hình thể được nhuần nhuyễn, tinh tế. Một đặc điểm đáng chú ý là trong biểu diễn nhạc nhẹ, kể cả đơn ca cũng thường có dàn vũ công nhảy phụ họa cùng ca sĩ hát, ca sĩ cũng có những động tác nhảy rất đều với dàn vũ công, để đạt được như vậy, chắc chắn phải luyện tập chăm chỉ.
Các điệu nhảy chachacha, rumba, tango, valse, boston, bossa nova đã được định hình từ lâu và có kỹ thuật khá cơ bản với khá nhiều chi tiết tinh tế. Việc học nhảy các điệu đó cần được luyện tập thường xuyên. Nếu ca sĩ không thuần thục các điệu nhảy này sẽ không thể áp dụng vào biểu diễn các bài hát nhạc nhẹ. Chẳng hạn như các bài: Ngõ vắng xôn xao - Trần Quang Huy, Xuân họp mặt - Văn Phụng, Yêu em dài lâu - Đức Huy, Lời thầy cô - Phạm Hải Đăng có thể kết hợp nhảy điệu chachacha; các bài: Vào hạ - Lê Hựu Hà, Để nhớ một thời ta đã yêu - Thái Thịnh, Một ngày mới - Huy Tuấn kết hợp với điệu nhảy rumba hoặc hát các bài Tình thôi xót xa - Bảo Chấn, Kỷ niệm thân thương - Minh Phương, Hờn dỗi - Nguyễn Đức Cường ca sĩ có thể sử dụng những bước nhảy của điệu tango...
Riêng điệu disco khá mới mẻ, thịnh hành vào nửa cuối TK XX mà các ban nhạc như Boney M hay Modern Talking rất ưa chuộng. Các ban nhạc này có nhiều bài sử dụng điệu nhảy disco. Đặc điểm của disco là sôi động, nhảy nhanh và cuồng nhiệt, khá tốn sức, song động tác không khó, không đòi hỏi sự tinh tế như các điệu valse, chachacha hay tango..., tuy vậy, để mang tính hiện đại và đẹp mắt thì lại không dễ. Vì thế, khi học nhảy và biểu diễn kết hợp các điệu này, cần chú ý tính hiện đại, làm sao để các động tác được diễn ra một cách tự nhiên, thoải mái nhưng vẫn có độ dẻo, linh hoạt, sôi nổi, nhẹ nhàng, đẹp mắt. Các bài hát có thể áp dụng điệu nhảy disco như Mưa ngâu - Thanh Tùng, Hoa cỏ mùa xuân - Bảo Chấn, Câu chuyện nhỏ của tôi - Thanh Tùng, Ơi cuộc sống mến thương - Nguyễn Ngọc Thiện, Cây đàn sinh viên - Quốc An...
Ngoài luyện tập những điệu nhảy thông dụng, muốn biểu diễn nhạc nhẹ hấp dẫn, người hát cần luôn tìm tòi, sáng tạo những động tác nhảy độc đáo khác. Ca sĩ Michael Jackson hay các ban nhạc Hàn Quốc thành công chính bởi đã rất sáng tạo trong những động tác nhảy lạ mắt kết hợp với hát. Đôi khi, nhảy trong nhạc nhẹ chỉ là những động tác đơn giản, không cầu kỳ hay mang tính hình tượng như nghệ thuật múa nhưng sự các động tác tạo được ấn tượng cho người xem và cả dàn biểu diễn nhảy đồng đều. Cách nhảy của ca sĩ Michael Jackson với những động tác chân xoay và lướt kết hợp độ dẻo của hình thể và độ lắc của cổ rất đặc biệt khiến ít người có thể học tập được, nhưng những động tác độc đáo của các ban nhạc Hàn Quốc lại không quá phức tạp và có thể học tập được. Hiện nay, nhiều ca sĩ và nhóm nhạc của nước ta cũng học tập cách nhảy tập thể trong biểu diễn nhạc nhẹ K-pop dances như các động tác tay đưa sát thân, vai hơi co lại trong khi người và hông lắc dẻo cả chiều ngang và chiều dọc mà điển hình là nhóm nhạc nữ Hàn Quốc có tên Up & Down rất nổi bật với cách nhảy này.
Tuy vậy, học tập của nước ngoài là để mở rộng kiến thức, tiếp thu cái hay cái đẹp, nhưng ca sĩ Việt Nam phải tự sáng tạo động tác nhảy của riêng mình, mang đặc trưng riêng, nhất là biểu diễn theo nhóm. Các nhóm nhạc như Tam ca 3A, Bức Tường, Mây Trắng... cũng đã tạo được nét riêng. Những năm gần đây, ngoài các ca sĩ như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, nhiều ca sĩ đã đầu tư cho việc dàn dựng các động tác nhảy rất công phu, thành những tiết mục biểu diễn hấp dẫn như của ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, Văn Mai Hương... Chương trình Bước nhảy hoàn vũ có nhiều ca sĩ tham gia là một minh chứng cho việc quan tâm đến nhảy trong biểu diễn của ca sĩ Việt Nam.
Luyện tập động tác của tay và ánh mắt
Động tác (hay còn gọi tư thế hát) sao cho đẹp là một trong những yếu tố quan trọng luôn được đề cập tới trong biểu diễn. Đối với hát nhạc nhẹ, người ca sĩ phải tạo được phong thái hết sức tự tin qua các động tác của hình thể từ dáng đứng, bước đi cho tới động tác của tay, ánh mắt. Ánh mắt của diễn viên luôn được nhìn thẳng vào khoảng không, nét mặt luôn thoải mái và tươi tắn, tạo thiện cảm với khán giả.
Tùy theo đặc điểm tính chất của bài hát là trữ tình, nhẹ nhàng hay mạnh mẽ sôi động mà động tác được diễn xuất phù hợp. Chẳng hạn, bài Hà Nội mùa vắng những cơn mưa của nhạc sĩ Trương Quý Hải, là bài hát thường dành cho đơn ca nữ, mang tính tự sự, trữ tình, nhịp độ thong thả nên xử lý động tác một cách nhẹ nhàng, thoải mái theo tình cảm của từng câu hát. Từ tư thế tay cho tới ánh mắt thể hiện sự mênh mang, dịu dàng như vẻ đẹp của Hà Nội được miêu tả trong bài hát. Đặc biệt chú ý các động tác không gò bó và không nên tuân thủ theo kịch bản có sẵn như những bài hát tập thể. Khi hát câu: “Hà Nội mùa này chiều không buông nắng, phố vắng nghiêng nghiêng cành cây khô…” thì ánh mắt nên nhìn xa xa, một tay có thể đưa lên dần lên phía trước rồi và thu tay dần về gần phía ngực.
Thể hiện ánh mắt, nụ cười hay những động tác giơ tay, đi lại, cách biểu diễn trên sân khấu là một trong những yếu tố quan trọng trong biểu diễn, ngoài đáp ứng được vai trò thẩm mỹ còn giúp người hát có cảm xúc thể hiện giọng hát hay hơn, nâng cao chất lượng của tiết mục biểu diễn.
Một số vấn đề khác cần luyện tập trong biểu diễn nhạc nhẹ
Ngoài các kỹ thuật cần luyện tập nêu trên, trong biểu diễn nhạc nhẹ, còn có một số vấn đề khác như cầm micro, giao lưu với khán giả cũng rất cần được tập luyện. Nếu như biểu diễn ca khúc thính phòng cổ điển thường nghiêm túc duyên dáng, ca sĩ có thể đứng hát cả bài trước micro (có chân), người chỉ đu đưa nhẹ nhàng thì biểu diễn nhạc nhẹ khá thoải mái, thậm chí nhiều khi rất thoải mái, tự nhiên. Phong cách biểu diễn của nhạc nhẹ thường sôi động, náo nhiệt. Có những ca sĩ khi hát đoạn 1 với âm nhạc mang tính tự sự đã thực hiện tư thế đứng khá trang nghiêm trước chân micro như phong cách hát cổ điển nhưng sang đoạn 2 với giai điệu âm nhạc sôi động, trong tiếng vỗ tay hưởng ứng cuồng nhiệt của khán giả, ca sĩ thăng hoa, rút micro ra cầm tay và đẩy vút chân micro vào trong sân khấu rồi hát và nhảy bốc lửa, tạo cảm xúc mạnh mẽ cho tiết mục. Chỉ trong hát nhạc nhẹ mới làm như vậy, còn với hát ca khúc cổ điển hay dân ca thì động tác đẩy vút chân micro vào trong sân khấu của ca sĩ sẽ bị coi là phản cảm.
Trong biểu diễn ca khúc thính phòng cổ điển, giữa người biểu diễn và người thưởng thức thường có một khoảng cách phân định khá rõ ràng. Còn trong nhạc nhẹ, phong cách biểu diễn cũng thể hiện tính đại chúng, bình dân, “nhiều khi cả diễn viên và khán giả cùng hát, cùng nhảy, ca sĩ có thể xuống dưới sân khấu hòa cùng với khán giả, thậm chí có thể mời khán giả cùng lên sân khấu nhảy với mình” (4). Trường hợp bài hát Cơn mưa tình yêu của nhạc sĩ Mạnh Quân do nam ca sĩ Hà Anh Tuấn biểu diễn trên sân vận động là một ví dụ về sự giao lưu rất thú vị với các khán giả nữ bằng cách nam ca sĩ hát một câu, sau đó là các khán giả nữ đồng thanh hát câu tiếp theo. Để có thể giao lưu với khán giả, ca sĩ hát phải có một tâm thế hết sức thoải mái, tự tin, trình diễn bài hát nhuần nhuyễn, thường là những bài hát hay, nổi tiếng, phổ biến rộng rãi, rất được quần chúng mến mộ, nhiều người thuộc và hát được mới có thể giao lưu giữa ca sĩ và khán giả như vậy.
Yếu tố tâm lý giữ một vai trò quan trọng trong biểu diễn nhạc nhẹ, các ca sĩ nhạc nhẹ kể cả khi ở ngoài đời luôn có phong thái tự tin. Những ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn nhạc nhẹ thành công, ngoài giọng hát hay họ còn thể hiện sự thăng hoa mãnh liệt, thế giới âm thanh, cảm xúc khiến câu hát và các động tác sân khấu của họ trào dâng hơn, gây xúc động mạnh mẽ tới khán giả. Điều đó cũng lý giải vì sao nhạc nhẹ thu hút giới trẻ tới mức cuồng nhiệt, một buổi diễn có tới hàng ngàn người xem. Để có thể đạt được điều đó, trước tiên cần tới khả năng bẩm sinh của ca sĩ nhạc nhẹ nhưng không thể thiếu yếu tố rèn luyện. Càng rèn luyện nhuần nhuyễn, kỹ thuật biểu diễn càng đẹp hơn, lôi cuốn hơn.
4. Kết luận
Kỹ thuật biểu diễn đóng vai trò quan trọng cho sự thành công trong trình biểu diễn âm nhạc nói chung và ca khúc nhạc nhẹ nói riêng. Trong hát nhạc pop, rock, phong cách biểu diễn có thể được coi ngang hàng với giọng hát, quyết định 50% sự thành công của tiết mục, người xem không chỉ nghe hát mà còn thưởng thức cách trình diễn của ca sĩ. Nhạc nhẹ đòi hỏi cao về nghệ thuật biểu diễn: sôi động, mới mẻ, hấp dẫn, điêu luyện; hình thể đẹp, ăn mặc đẹp, bắt mắt… Vì thế, việc rèn luyện kỹ thuật biểu diễn rất cần được chú ý từ luyện tập nhảy múa, các động tác hình thể, cho đến việc biểu cảm nét mặt, sử dụng micro, tâm lý biểu diễn, chuẩn bị trang phục…
___________________
1. Nhiều tác giả, Jazz - Rock - Pop, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, tr.40.
2, 4. Nguyễn Thị Tố Mai, Những ca khúc Việt Nam có tiếp thu phong cách nhạc Rock, Luận văn ngành Lý luận âm nhạc, Nhạc viện Hà Nội, Hà Nội, 1992, tr.42, 18.
3. Vũ Tự Lân, Lịch sử nhạc Jazz - Rock - Pop, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008, tr.79.
Tài liệu tham khảo
1. Vũ Hội, Nhạc Pop nay ở đâu?, Tạp chí Âm nhạc Việt Nam, số 3-2021.
2. Larry Starr, Christopher Waterman, American popular music (Âm nhạc đại chúng Mỹ), Nxb Đại học Oxford, Hoa Kỳ, 2003-2007.
3. Armand M Leroi, The evolution of popular music: USA 1960-2010 (Sự phát triển của âm nhạc đại chúng Mỹ 1960-2010), royalsocietypublishing.org, 2015.
ĐỖ THỊ LAM
Nguồn: Tạp chí VHNT số 575, tháng 7 - 2024