Đặc điểm của ca chương trong tế đàn Xã Tắc

Ca chương đã có từ các triều đại trước nhà Nguyễn, nhưng thời kỳ phát triển và định hình thành hệ thống bài bản là vào giai đoạn đầu triều Nguyễn từ năm 1802-1885, đây là giai đoạn ổn định và hưng thịnh nhất của triều Nguyễn từ (triều Gia Long đến triều Tự Đức). Có thể nói, trong giai đoạn này âm nhạc cung đình đã phát triển chưa từng thấy so với các triều đại trước đó, nhất là nhạc lễ cung đình, trong đó có hệ thống các ca chương, nhạc chương phục vụ trực tiếp cho các cuộc lễ lạt triều nghi của triều đình hàng năm.

1. Đặc điểm của phần lời ca trong ca chương

Trong tế đàn Xã Tắc có 7 ca chương, mang chữ phong có nghĩa là được mùa. Lời ca ở các ca chương thực chất là các bài cầu khấn, gọi là thài, được trình bày trong các lễ thức tế tự ở đàn Xã Tắc theo một trình tự cụ thể như sau: Diên phong - diễn xướng khi đón thần về (Lễ nghinh thần); Hưng phong - diễn xướng khi dâng cúng rượu lần đầu và dâng cúng lụa (Lễ sơ hiến); Tuy phong - diễn xướng khi dâng cúng rượu lần hai (Lễ á hiến); Mậu phong - diễn xướng khi dâng cúng rượu lần cuối (Lễ chung hiến); Hòa phong - diễn xướng khi hạ đồ cúng (Lễ triệt soạn); Dụ phong - Diễn xướng khi tiễn thần đi (Lễ tống thần); Khánh phong - diễn xướng khi kết thúc cuộc lễ (Lễ vọng ế).

Phần lời ca trong các ca chương này thực chất là những lời cầu khấn thần Xã (thần Đất) và thần Tắc (thần Lúa) được viết bằng chữ Hán, gồm những câu thơ cân phương 4 từ, theo Luật thi, một loại thơ có từ thời nhà Đường ở Trung Quốc. Nội dung của các bài ca chương là những lời cầu khấn, bộc bạch, thành kính cầu xin các vị thần linh bảo vệ, ủng hộ, giúp đỡ để mùa màng tươi tốt, có nhiều lúa gạo, người dân được no ấm. Ca chương Diên phong (ca chương thứ nhất) diễn xướng khi đón thần về dưới đây mang nội dung như vậy.

Ví dụ: Lời ca trong ca chương Diên phong

Duy thần phồn ly - Duy thần có phúc thịnh

Gia ngã thử tắc - Cho lúa nếp lúa tẻ của ta được tốt

Công tại tư dân - Công ơn giúp dân ấy

Vạn tuế lạp thực - Là có gạo ăn muôn đời

Xuân kỳ, thu báo - Tế xuân kỳ, thu báo

Cổ lệ thị thức - Là lễ xưa

Trạc trạc quyết linh - Mong linh quang rực rỡ

Kỳ lâm hữu dực - Giáng tới giúp cho

Có ca chương bày tỏ lòng thành kính, trình bày với thần linh việc chuẩn bị, sửa soạn và thực hiện các thủ tục, dâng hiến các lễ vật cúng tế rất nghiêm cẩn, chuẩn mực, theo đúng phép tắc, lệ xưa. Mong được thần linh chứng giám, chấp nhận và giúp đỡ. Dưới đây là lời ca trong ca chương Hưng phong (ca chương thứ hai), dùng diễn xướng khi dâng cúng rượu lần đầu và dâng lụa (Lễ sơ hiến).

Ví dụ: Lời ca trong ca chương Hưng phong

Phương đàn ngũ sắc - Đàn vuông năm sắc

Tự sự khổng minh - Việc trai tế rất minh

Nhạc kỳ hòa tấu - Nhạc đã hòa tấu

Hoàng hoàng quyết thanh - Tiếng vang êm dịu

Tái trần khuê tuệ - Ngọc lụa bày dâng

Gia trí tương thành - Lễ tốt thành kính

Sơ tâm ngọc toàn - Chén ngọc rượu trong

Hữu tửu duy thanh - Tuần đầu dâng tế

Thần chi cách tư - Thần về cảm cách

Thức yến dĩ ninh - Giúp cho yên vui

Khi cuộc lễ ở trình thức Tống thần (tiễn thần đi, trình thức thứ 11/12), ca chương Dụ phong chính là lời của chủ tế (do nhà Vua hoặc quan Khâm mạng đại thần đảm nhiệm) thành kính tiễn đưa các vị thần Xã và thần Tắc trở về trời sau khi đã hâm hưởng đủ các nghi lễ dâng hiến và kính xin các vị thần giáng phúc tốt lành giúp cho cuộc sống của muôn dân được an khang thịnh vượng.

Ví dụ: Lời ca trong ca chương Dụ phong

Lễ nghi kí bị - Lễ nghi đã đủ

Cửu thành dương dương - Chín thành nhạc vang ầm

Mạc bỉ liêu quách - Nơi không trung bát ngát

Thân khứ vô phương - Thần đi không định phương

Tinh thành soi cách - Tinh thành soi tới

Giáng phúc phương phương - Giáng phúc tốt lành

Thứ trưng hiệp ứng - Cho điềm tốt hiệp ứng

Vạn bảo doanh thương - Muôn của báo đầy kho

Nghiên cứu qua cấu tứ câu cú, quy luật vần điệu, số câu, số từ, nhịp điệu và phong thái thể hiện của các ca chương được sử dụng trong lễ tế đàn Xã Tắc, có thể nhận ra một số đặc điểm độc đáo và chặt chẽ của kiểu thơ 4 từ gọi là Luật thi, một loại thơ đường luật có nguồn gốc từ Trung Hoa đã được vận dụng trong ca chương.

Về nội dung, ý nghĩa của lời ca: ngắn gọn, xúc tích nhưng thành kính, thâm sâu; thể hiện sự ngưỡng mộ, niềm tin vào các đấng siêu nhiên (thần Đất, thần Lúa) có liên quan trực tiếp đến mùa màng, sự an yên của mọi người dân, của chế độ và của quốc gia. Lời lẽ không khoa trương, dài dòng nhưng ca từ chọn lọc, thể hiện sự thành tâm, thành ý muốn cầu mong những điều tốt đẹp, thuận lợi cho mùa màng, cho quốc thái dân an.

Về cấu trúc lời ca: các ca chương thường có cấu trúc mỗi bài gồm 8-10 câu thơ, mỗi câu có 4 từ, tạo thành các hình thức: tứ ngôn bát cú, tứ ngôn cửu cú, tứ ngôn thập cú. Trong 7 ca chương, 5 bài có 8 câu (chiếm tỷ lệ 71,42%), gồm các bài: Diên phong, Tuy phong, Hoà phong, Dụ phong Khánh phong; 1 bài có 9 câu là Mậu phong (chiếm tỷ lệ 14,26%); 1 bài có 10 câu bài Hưng phong (chiếm tỷ lệ 14,26 %).

Về vần điệu: các câu thơ có gieo vần là các câu thơ nằm ở vị trí chẵn (các câu thơ ở vị trí thứ: 2, 4, 6, 8, 10). Đồng thời, các từ cuối của các câu thơ ở vị trí chẵn bao giờ cũng ở vần bằng (từ không dấu và từ có dấu huyền). Từ cuối của các câu thơ ở vị trí lẻ (vị trí thứ: 1, 3 ,5, 7, 9) có thể vần bằng hoặc vần trắc nhưng đa số ở vần trắc (các từ mang dấu: sắc, hỏi, ngã, nặng). Từ cuối cùng của mỗi ca chương thường là từ ở vần bằng, không có dấu; trên thực tế là có 6/7 bài có từ cuối bài là từ không dấu, chiếm tỷ lệ 85,71 %.

Về nhịp điệu thơ: Do có cấu trúc mỗi câu thơ đều có 4 từ, tạo cho nhịp điệu của bài thơ toát lên tính chất nhịp nhàng, đều đặn, cân xứng và vững chãi. Khi tấu lên (đọc lên) ở tốc độ vừa phải hoặc hơi chậm, tạo ra hiệu quả cảm xúc có chiều sâu, tự tin, chắc chắn, trang nghiêm, thành kính và không hấp tấp, vội vàng. Mỗi câu thơ gồm 4 từ được phân chia thành 2 nhóm, mỗi nhóm 2 từ, đây chính là mô hình cấu trúc nhóm 2 từ, tiêu biểu và phổ biến nhất trong ngôn ngữ của người Việt. Mô hình cấu trúc nhóm 2 từ này phù hợp với nhịp điệu phân đôi (loại nhịp có 2 phách, 4 phách…); khi đọc, khi ngâm hoặc khi hát thường có quy luật là, từ thứ nhất không bao giờ rơi vào đầu phách mạnh mà ở phách yếu hoặc phần yếu của phách (dạng lấy đà), từ thứ hai luôn rơi vào đầu phách mạnh. Đây là tư duy nhịp điệu đặc trưng thường gặp trong thơ ca dân gian và âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Tuy nhiên, nhạc lễ cung đình có vai trò và ý nghĩa rất khác với nhạc lễ cũng như các loại nhạc trong đời sống bình dân, do vậy cách thể hiện quy luật của nhóm 2 từ này cũng không giống như ở âm nhạc ngoài cung đình.

2. Đặc điểm của phần âm nhạc trong ca chương

Về cấu trúc

Các ca chương trong tế đàn Xã Tắc là những bài bản được sử dụng trong từng giai đoạn gắn với mỗi trình thức lễ. Lời ca của mỗi ca chương là một bài thơ bằng chữ Hán, theo thể thơ 4 từ, có từ 8-10 câu khác nhau theo cấu trúc của thể thơ Luật thi đã trình bày ở trên. Tuy nhiên, cấu trúc của phần âm nhạc, bao gồm cả giai điệu và phần đệm trong các ca chương lại theo một nguyên tắc khác.

Qua phân tích âm nhạc ở các ca chương chúng tôi nhận thấy, cấu trúc phần âm nhạc của các ca chương thường gồm 3 bộ phận: phần mở đầu - phần giữa - phần kết. Trong đó, phần mở đầu và phần kết là phần phụ, còn phần giữa là phần chính, chứa đựng toàn bộ nội dung mà chủ tế cần trình bày trước thần linh và cũng là nơi có các chất liệu, các câu nhạc chính của bài.

Phần mở đầu là bộ phận thành phần thứ nhất trong cấu trúc 3 phần của các ca chương, nhưng không mang chức năng là phần trình bày, trần thuật như thường thấy trong các tác phẩm âm nhạc theo lối cấu trúc của âm nhạc phương Tây. Nó không có sự hiện diện của ca từ, có nghĩa là phần trình diễn hát chưa xuất hiện. Lúc này giai điệu chính (phần dành cho hát) đang ở trạng thái nghỉ (thể hiện bằng các dấu lặng). Ở phần dành cho dàn nhạc chỉ có sự diễn tấu của bộ gõ, đầu tiên là 3 tiếng chuông lớn, sau đó là khánh lớn và trống tế vào nhịp với các dạng tiết tấu khác nhau, tuỳ theo mỗi ca chương. Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy có tới 5 ca chương có phần mở đầu giống nhau, đó là các ca chương: Tư phong, Mậu phong, Hòa phong, Dụ phong, Khánh phong.

Ví dụ: Phần mở đầu của ca chương Tư phong

Phần mở đầu của ca chương Diên phong cũng có 3 nhịp nhưng lại có phần bộ gõ với những tiết tấu khác hơn.

Ví dụ: Phần mở đầu của ca chương Diên phong

Riêng ca chương Hưng phong có phần mở đầu khác hơn 6 ca chương trên. Sau khi đổ 3 tiếng chuông lớn là vào “Thủ” hát một câu thơ mở đầu với nhịp điệu tự do, sau đó mới bắt đầu vào nhịp cùng sự tham gia của toàn bộ ca công và nhạc công dàn nhã nhạc.

Ví dụ: Phần mở đầu của chương Hưng phong

Có một điểm chung của phần mở đầu là các ca chương đều ở nhịp 4/4 và phần mở đầu bao giờ cũng bắt đầu từ phần yếu của phách mạnh đầu nhịp.

Phần giữa: nếu như ở phần mở đầu chỉ vang lên âm thanh của các nhạc cụ gõ tiết tấu, không có cao độ thì ở phần giữa, giai điệu chính thức sự xuất hiện với đầy đủ các thành phần cần thiết, bao gồm cả các yếu tố chất liệu chính của bản nhạc. Đương nhiên, lời ca và những nội dung chính của bản ca chương đều nằm ở đây.

Trong quá trình nghiên cứu cấu trúc âm nhạc của các ca chương, chúng tôi nhận thấy, âm nhạc trong phần giữa đều được trình bày và phát triển từ một số nét giai điệu giống nhau, đó chính là nét giai điệu chứa chất liệu cơ bản cho toàn bài. Trên cơ sở nét giai điệu cơ bản ấy, trong mỗi ca chương, ở những đoạn khác nhau cũng chỉ có sự phát triển bằng một vài thay đổi về trường độ hoặc âm hình tiết tấu, đi kèm với các thủ pháp lướt, thêu ở cao độ cho phù hợp với dấu giọng của lời thơ. Trên thực tế, ta có thể nhận ra tất cả các ca chương đều phát triển trên một số mô típ âm nhạc có thể gọi là mô típ chủ đạo như ở dưới đây:

Ví dụ: Một số mô típ chủ đạo của ca chương

Trong lối tiến hành giai điệu của các ca chương, các mô típ âm nhạc này tiếp tục được phát triển dưới những biến thể khác khau:

Ví dụ: Sự phát triển mô típ chủ đạo trong ca chương Diên phong

Ví dụ: Sự phát triển mô típ chủ đạo trong ca chương Khánh phong

Ví dụ: Sự phát triển mô típ chủ đạo trong ca chương Tư phong

Phần kết có vai trò kết thúc các ca chương. Sau khi lời bài tế (thài) chấm dứt, dàn nhã nhạc tiếp tục diễn tấu thêm từ 2-3 ô nhịp cuối với lối nhắc lại những nét giai điệu chủ đạo của ca chương. Như vậy, nó thể hiện chức năng của phần kết bổ sung như trong cấu trúc của các bản nhạc thông thường. Bởi vì, tại đây không có sự hiện diện của lời ca, mà chỉ có phần tấu thêm của dàn nhạc, nhằm tạo cảm giác ổn định và sự hoàn chỉnh khi kết thúc bài nhạc.

Ví dụ: Phần kết của ca chương Hòa phong

Phần kết của các ca chương còn lại, dàn nhã nhạc cũng tiến hành theo nguyên tắc trên, tuy nhiên phần tiết tấu của trống tế có thay đổi chút ít.

Ví dụ: Phần kết của ca chương Mậu phong

Qua khảo sát, phân tích phần âm nhạc của 7 ca chương trong tế đàn Xã Tắc, chúng tôi nhận thấy, các ca chương chủ yếu khác nhau về nội dung lời ca, còn những vấn đề khác như cao độ, tiết tấu chỉ có thay đổi chút ít cho phù hợp với dấu giọng hoặc có câu dài, câu ngắn tuỳ theo nội dung bài tế và phụ thuộc vào lượng thời gian diễn ra trình thức lễ mà ca chương gắn vào đó. Những âm hình chủ đạo hầu như quán xuyến toàn bộ các ca chương; dựa vào sự biến chuyển của lời thơ và dấu giọng của từ để biến đổi các âm hình chủ đạo ấy một cách linh hoạt, không khiên cưỡng, gò ép, tạo ra các biến thể khác nhau. Về mặt cấu trúc hình thức, âm nhạc trong các ca chương cũng có sự hình thành cấu trúc câu, đoạn. Tuy nhiên, ý nghĩa câu, đoạn ở đây không giống như trong âm nhạc phương Tây, mặc dù nó vẫn theo nguyên tắc đoạn là do các câu hợp thành. Có một điểm cần lưu ý, trong ca chương, mỗi đoạn nhạc cũng thường gồm 2 câu, mỗi câu 5 nhịp (nhịp 4/4) nhưng mỗi nhịp thường chỉ mang tải 1 từ chính của lời ca, được bố trí nằm ngay ở đầu nhịp, sau đó là các từ phụ như: i, u, ư, ô… điền vào các chỗ trống, vừa để nối sang từ chính ở đầu nhịp tiếp theo, vừa là để có chỗ cho giai điệu nhạc vận động phong phú, tạo ra giai điệu đa dạng, sinh động và không bị phụ thuộc vào lời ca. Sau mỗi câu nhạc có lời ca lại có một câu nhạc lưu không khoảng 1-2 nhịp, không có lời ca, có vai trò như cầu nối được lặp lại nhiều lần có chu kỳ theo chiều dài của bài thơ trong ca chương. Mỗi lần nhắc lại của câu nhạc có lời, phần âm nhạc có thể giữ nguyên và cũng có thể biến đổi ít nhiều cho phù hợp với dấu giọng của lời thơ.

Ví dụ: Đoạn nhạc trong ca chương Diên phong

Kết luận

Ca chương là những bản nhạc hát được diễn xướng phục vụ cho một số trình thức trong lễ tế đàn Xã Tắc dưới triều Nguyễn. Phần lời ca trong các ca chương này thực chất là những lời cầu khấn thần Xã (thần Đất) và thần Tắc (thần Lúa), được viết bằng chữ Hán, gồm những câu thơ cân phương 4 từ, theo lối Luật thi, một loại thơ có từ thời nhà Đường ở Trung Hoa, với nội dung thành kính cầu xin các vị thần linh bảo vệ, ủng hộ, giúp đỡ để mùa màng tươi tốt, có nhiều lúa gạo, người dân được no ấm, quốc thái, dân an. Phần âm nhạc ở mỗi ca chương thường có cấu trúc 3 phần: phần mở đầu - phần giữa - phần kết, nội dung chính nằm ở phần giữa, mỗi bài gồm 8-10 câu thơ, được tính là một đoạn, mỗi đoạn gồm 2 câu, mỗi câu thường có 5 nhịp (nhịp 4/4), mỗi nhịp có 1 từ mang ý nghĩa chính nằm ở đầu nhịp sau đó là các từ phụ a, i, u, ô; giai điệu âm nhạc ở các ca chương đều dùng điệu thức Bắc, có vỏ ngoài giống điệu chủy của Trung Hoa nhưng thực chất là khác về cao độ và cách thể hiện. Giai điệu ở các ca chương thường được xây dựng từ một mô hình tiết tấu, với sự kết nối của các quãng 2 trưởng, quãng 3 thứ, quãng 4 đúng, quãng 5 đúng, vận động trong phạm vi quãng 5 hoặc quãng 6 (có số đo nhỏ hơn quãng của phương Tây và Trung Hoa). Có thể nói, ca chương có giá trị cao về mặt lịch sử, văn hóa và nghệ thuật âm nhạc.

____________________

Tài liệu tham khảo

1. Thái Văn Kiểm, Ảnh hưởng Chiêm Thành trong ca nhạc Huế, Nguyệt san Văn Hữu, số 3, 1960.

2. Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huế, Những Đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam, Nxb Hoa Lư, Sài Gòn, 1968.

3. Lê Văn Hảo, Huế giữa chúng ta, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1984.

4. Nguyễn Sĩ Giác, Đại Nam điển lệ toát yếu, Nxb TP.HCM, 1993.

5. Nhiều tác giả, Âm nhạc cung đình, Kỷ yếu Hội thảo, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Ủy ban UNESCO Việt Nam, Viện Âm nhạc Việt Nam, 2002.

6. Văn Thị Minh Hương, Gagaku và Nhã nhạc, Nxb Thanh Niên, 2003.

7. Bùi Minh Đức, Từ điển tiếng Huế, Nxb Văn học, Hà Nội, 2004.

8. Nguyễn Bình Định, Lịch sử âm nhạc phương Đông (phần Đông Nam Á), Giáo trình giảng dạy Đại học, Nhạc viện Hà Nội ấn hành, 2004.

9. Trần văn Khê, Du ngoạn trong Âm nhạc truyền thống Việt Nam (phần âm nhạc cung đình), Nxb Trẻ, TP.HCM, 2004.

10. Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển Sự lệ, tập I-VIII, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2005.

11. Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 1-3, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2006.

12. Quốc Sử quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển Sự lệ tục biên, tập V-VI, Viện Sử học, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế xuất bản, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2007.

13. Nguyễn Việt Đức (chủ biên), Lịch sử âm nhạc cung đình Việt Nam, Nxb Đại học Huế, 2015.

NGUYỄN THỊ VIỆT THẢO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 572, tháng 6-2024

;