Nhã nhạc cung đình Huế trong buổi lễ - Ảnh: huetourism.gov.vn
Nhạc lễ trong tế đàn Xã Tắc dưới thời nhà Nguyễn
Có nhiều tài liệu khác nhau nói về quy định sử dụng nhạc lễ trong tế đàn Xã Tắc dưới thời nhà Nguyễn, chúng tôi xin được nêu ra ở đây những loại nhạc được lựa chọn và cách sử dụng chúng như thế nào trong quá trình thực hiện một buổi lễ.
Theo sách Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ, do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn, các loại nhạc được sử dụng trong lễ tế đàn Xã Tắc dưới thời nhà Nguyễn gồm có:
Ca chương: thuộc loại nhạc hát, gồm 7 bài mang chữ phong (được mùa), xếp theo thứ tự: Diên phong, Hưng phong, Tuy phong, Mậu phong, Hòa phong, Dụ phong, Khánh phong.
Đại nhạc: thuộc loại hòa tấu khí nhạc, do dàn nhạc Đại nhạc thực hiện gồm các nhạc cụ hơi và gõ diễn tấu, bài bản đầy đủ gồm có 24 bài. Tuy nhiên, trên thực tế, trong mỗi cuộc lễ tế đàn Xã Tắc thường không sử dụng toàn bộ 24 bài, mà chỉ dùng khoảng 20 bài, thậm chí có lần chỉ diễn tấu 19 bài.
Tiểu nhạc: do dàn nhạc Tiểu nhạc thực hiện, trong đó chủ yếu là nhạc cụ dây diễn tấu. Bài bản đầy đủ gồm 17 bài, trong đó có 10 bài Ngự, còn gọi là 10 bản Tàu (Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hồ quảng, Liên hoàn, Bình bán, Tây mai, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã) và 7 bản độc lập, gồm có: Ngũ đối thượng ngũ đối hạ, Long ngâm, Long đăng, Tiểu khúc, Phú lục địch, Phụng vũ.
Trong 12 bước của một cuộc lễ tế đàn Xã Tắc, các ca chương được dùng để hát lên trong các bước trình lễ thứ 5, 7, 8, 10, 11, 12. Cụ thể, trình thức lễ như sau: Lễ nghinh thần (mời thần tới), diễn xướng ca chương Diên phong - Lễ điện ngọc bạch (lễ dâng lụa - sơ hiến lễ), dâng rượu lần một, diễn xướng ca chương Hưng phong - Lễ á hiến (dâng rượu lần hai), diễn xướng ca chương Tư phong - Lễ chung hiến (dâng rượu lần cuối), diễn xướng ca chương Mậu phong - Lễ triệt soạn (hạ đồ lễ), diễn xướng ca chương Hòa phong - Lễ tống thần (tiễn thần đi), diễn xướng ca chương Dụ phong - Lễ tất (kết thúc lễ tế), diễn xướng ca chương Khánh phong.
Các bản Đại nhạc sẽ hòa tấu ở các bước trình lễ thứ: 2, 4, 5, 7, 10, 12. Cụ thể là các trình thức: Ế mao huyết (chôn lông huyết) - Lễ nghinh thần (mời thần tới) - Lễ điện ngọc bạch (dâng lụa) - Lễ á hiến (dâng rượu lần hai) - Lễ triệt soạn (hạ đồ lễ) - Lễ tất (kết thúc lễ tế).
Các bản Tiểu nhạc sẽ trình diễn ở các bước trình lễ thứ: 1, 3, 4, 6, 10, 11, 12. Cụ thể là tại các trình thức: Lễ quán tẩy (Vua rửa tay) - Lễ thượng hương (dâng hương) - Lễ nghinh thần (mời thần tới) - Lễ truyền chúc (đọc văn tế) - Lễ triệt soạn (hạ đồ lễ) - Lễ tống thần (tiễn thần đi) - Lễ tất (kết thúc lễ tế).
Quá trình diễn ra lễ tế đàn Xã Tắc
Để chuẩn bị cho một cuộc lễ, trước ngày hành lễ, các quan thuộc Bộ Lễ và Nội vụ đến đàn sửa soạn đồ thờ và hương án đầy đủ theo cách bố trí: Ở giữa trung tâm tầng thứ nhất (tầng trên cùng), bên phải, đặt án thờ bài vị của thần Thái Xã, bên trái đặt án thờ bài vị của thần Thái Tắc, hai bàn thờ này mặt đối diện vào nhau. Ngoài ra, bên phải của tầng này còn thờ Hậu thổ Câu Long Thị và phía trái thờ Hậu Tắc Thị (1) và chuẩn bị chỗ nghỉ tạm của Vua tại tầng hai.
Vào đầu buổi chiều hôm ấy, Thái thường tự rước văn tế đến điện Cần Chánh xin phê duyệt. Hộ vệ Ty loan nghi sắp đủ long đình, tán lọng, nghi trượng đem đến đàn Xã Tắc. Tam sinh (2) và vật phẩm dùng làm tế thần cũng được các quan kiểm tra kỹ lưỡng.
Từ giờ Thân (3-4 giờ chiều), lễ tổng duyệt bắt đầu tiến hành. Các binh lính, các quan bày hàng, cờ, giáo… từ cửa Ngọ Môn chạy dọc hai bên đường đến Xã Đàn, hàng quân dẹp đường cũng trong tư thế sẵn sàng, rồi hàng đèn cũng được thắp sáng suốt đêm.
Đêm ấy, nhân viên Bộ Lễ và Hàn lâm Viện đều có mặt tại đàn Xã Tắc để viết bài vị. Tám vị Quản vệ và các doanh thân binh (là lính hộ vệ nhà Vua) gồm: Vệ thị trung, Cấm y, Loan giá), cấm vệ đều mang gươm, đuốc chờ ở dưới bốn cửa đàn ở tầng thứ nhất, tám lính khác mang gươm đứng chờ ở tầng thứ hai.
Sáng sớm, cờ ở Kỳ đài được kéo lên. Ở Điện Cần Chánh các loại cờ: bạch mao, hoàng việt, cờ mao tiết giát vàng ngọc, giáo đuôi báo, tán quạt, đồ lô, phất trần được bày thành hàng. Các quan tham gia dự lễ đều mặc triều phục chỉnh tề chờ ở đàn Xã Tắc. Các thân phiên, hoàng thân công, bồi tế và các quan văn ngũ phẩm và quan võ tứ phẩm trở lên đến đứng ngoài cửa hữu của đàn để đón Vua. Các quan phẩm trật nhỏ hơn đứng phía nam cầu Kim thuỷ trước cửa Ngọ Môn để đón và tiễn vua.
Sau khi đồ ngự giá, lỗ bộ đã bày trước Đại Cung môn, đúng giờ, các quan Bộ Lễ tâu mời Vua xuất cung. Nhà Vua đội mũ cửu long, mặc áo hoàng bào, đai ngọc, cầm trấn ngọc khuê từ điện Cần Chánh ra ngồi trên ngai. Vị quản vệ ty loan giá mời vua lên ngự liễn. Quan quân thị vệ dàn đi trước, một số theo hầu sau. Nhã nhạc bày ra nhưng không nổi nhạc. Khi Vua ra khỏi Đại Cung môn, bảy phát súng lệnh ở Kỳ đài bắn lên, lầu Ngọ Môn nổi chuông trống. Ngự giá rẽ phải, theo hông điện Thái Hòa, sau đó rẽ trái qua cầu Trung đạo ra cửa Ngọ Môn, các quan văn lục phẩm, quan võ ngũ phẩm trở xuống lần lượt quỳ tiễn Vua. Ngự liễn rẽ hướng Tây rồi sang hướng Bắc. Chuông trống Ngọ Môn ngừng đánh. Ngự liễn đến đàn tế, các quan túc trực ở đây từ trước quỳ đón, ngự liễn đi qua mới đứng dậy. Ngự giá đến đàn tế. Lễ tế bắt đầu theo các nghi tiết sau:
Lễ quán tẩy
Sau khi Vua xuống kiệu thì đến ngồi chỗ nghỉ tạm. Sau đó cung đạo quỳ tâu: Thánh tiến dự hành lễ (xin tiến đến rửa tay làm lễ). Nhà Vua giắt ngọc khuê và rửa tay.
Thông tán xướng: Khởi chung cổ (nổi chuông trống).
Xướng: Nhạc sinh tựu vị (nhạc sinh đến chỗ của mình).
Xướng: Hữu tư các tư kỳ sự (quan hữu tư giữ việc của mình).
Nội tán xướng: Tấu nghê bái vị, tiểu nhạc tấu (đến chỗ bái vị, tiểu nhạc tấu lên), tiểu nhạc tấu đến khi nhà Vua đứng vào chỗ bái thì nhạc ngừng đánh.
Lễ ế mao huyết
Thông tán xướng: Ế mao huyết, đại nhạc tác (chôn lông huyết, Đại nhạc tấu) sau khi chôn lông huyết xong, nhạc im lặng.
Lễ thượng hương
Nội tán xướng: Tấu nghệ hương án tiền (tâu đến trước hương án, Tiểu nhạc nổi lên).
Xướng: Tấu quỳ.
Xướng: Tấu tấn khuê (giắt ngọc khuê).
Xướng: Tấu hương (dâng hương), hai hoàng thân công chấp sự cung kính bưng lư hương, hộp hương quỳ hai bên tiến lên, nhà Vua dâng hương.
Xướng: Tấu khuê (cầm ngọc khuê).
Xướng: Tấu phủ phục.
Xướng: Tấu hưng.
Xướng: Tấu bình thân, nhạc chỉ (nhạc ngừng).
Lễ nghinh thần
Thông tán xướng: Nghinh thần.
Xướng: Tấu “Diên phong chi chương” (đàn hát ca chương Diên phong).
Nội tán xướng: Tấu thăng đàn, đại nhạc tác (tấu lên đàn, Đại nhạc nổi lên). Nhà Vua đứng vào vị trí bái thứ nhất thì nhạc ngừng.
Lễ điện ngọc bạch (hành sơ hiến lễ)
Thông tán xướng: Điện ngọc bạch, hành sơ hiến lễ (dâng ngọc lụa, dâng lễ lần thứ nhất).
Xướng: Tấu “Hưng phong chi chương” (đàn hát ca chương Hưng phong). Nhạc nổi lên, 8 hàng múa võ tiến lên…
Lễ truyền chúc
Nội tán xướng: Truyền chúc (đọc văn tế).
Xướng: Tấu phủ phục, tiểu nhạc tác (chủ tế ở tư thế phủ phục, tiểu nhạc nổi lên)…
Lễ á hiến
Thông tán xướng: Hành á hiến lễ (dâng lễ lần hai).
Xướng: Tấu “Tư phong chi chương” (3) (diễn xướng cùng dàn nhạc đệm ca chương Tư phong). Nhạc nổi lên, đồng thời tám hàng múa văn tiến lên…
Lễ chung hiến
Thông tán xướng: Hành chung hiến lễ (dâng lễ lần cuối).
Xướng: Tấu “Mậu phong chi chương” (4). Nhạc nổi lên, đồng thời tám hàng múa văn tiến lên…
Lễ tứ phúc tộ
Xướng: Tứ phúc tộ (ban cho phần lộc). Viên quan theo bên phải án xướng, đến ở bên hương án trong. Nhạc im lặng...
Lễ triệt soạn
Thông tán xướng: Triệt soạn (hạ đồ lễ).
Xướng: Tấu “Hòa phong chi chương” (5) (diễn xướng cùng dàn nhạc đệm ca chương Hòa phong). Nhạc nổi, vị đứng hầu bưng ngọc khuê vàng, ngọc khuê xanh ra, bỏ mỗi thư vào hộp riêng rồi cùng với các quan chấp sự bưng hộp lụa, mâm cổ lần lượt đặt lên kỷ chấp sự bên trái, phải. Lúc này nhạc im lặng.
Nội tán xướng: Tấu giáng đàn, Đại nhạc tác. Nhà Vua xuống đứng ở chỗ lạy thứ hai, lúc này nhạc lại im lặng.
Lễ tống thần
Thông tán xướng: Tống thần.
Xướng: Tấu “Dụ phong chi chương” (6) (diễn xướng Dụ phong chi chương). Nhạc nổi lên.
Lễ tất
Thông tán xướng: Tư chúc bạch soạn quan các phúng nghệ ế sở (các quan giữ văn tế, lụa và cổ đều đem đến chỗ chôn),
Xướng: Tấu “Khánh phong chi chương” (7) (diễn xướng ca chương Khánh phong càng dàn nhạc đệm). Nhạc nổi lên, lúc bấy giờ văn tế và lụa cổ được đem đốt ở chỗ chôn lông huyết.
Viên nội tán xướng: Tấu nghệ vọng ế bái vị.
Xướng: Tấu lễ tất nhạc chỉ, người đứng hầu ở các án mang ván mỏng ở thần bài đi đốt. Hoàng đế ngự ra phía hữu đàn vuông, lên ngự liễn. Nhã nhạc nổi lên. Ngự giá theo phía phải đàn đi ra. Nhạc lớn, quân nhạc nổi lên. Thân phiên, Hoàng thân công, các quan văn võ làm bồi tế đều hai bên tả hữu đi trước ra quỳ bên ngoài để tiễn. Ngự giá theo đến Ngọ Môn, chuông trống nổi lên. Ngự giá đến phía nam cầu Kim Thủy, quan văn lục phẩm, võ ngũ phẩm trở xuống đứng hai bên tả hữu quỳ đón. Ngự giá đến Đại cung môn, bắn ba phát súng lệnh, chuông trống ngừng đánh, Vua vào nội cung. Kết thúc lễ tế Xã Tắc.
Như vậy, nhạc lễ được sử dụng trong lễ tế đàn Xã Tắc, về cơ bản là có hai bộ phận: Thứ nhất, ca chương, gồm 7 bài hát cùng với dàn nhạc đệm, mang chữ Phong (được mùa), lời ca sử dụng kiểu thơ 4 từ cân phương (theo Luật thi); Thứ hai, các bản hoà tấu dàn nhạc Đại nhạc và dàn nhạc Tiểu nhạc, sử dụng các bài bản trong hệ thống Đại nhạc (có tổng số 24 bài) và Tiểu nhạc (có 17 bài). Tuy nhiên, không dùng toàn bộ 41 bài mà chỉ chọn ra 24 bài và trên thực tế có khi chỉ diễn tấu 20 bài, thậm chí 19 bài.
Từ sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chấm dứt chế độ phong kiến (1945), lễ tế đàn Xã Tắc bị mai một, đàn Xã Tắc đã trở thành hoang phế. Sau khi Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2005), UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho phục dựng đàn Xã Tắc và lễ tế đàn Xã Tắc vào năm 2008, dựa trên cơ sở tuân theo các quy định cơ bản đã có từ thời nhà Nguyễn. Nhờ đó, từ năm 2008 đến nay, lễ tế đàn Xã Tắc vẫn được Trung tâm Bảo tồn di sản Cố đô Huế và Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế duy trì thường xuyên hằng năm vào tháng Trọng Xuân.
___________________________
1. Vợ của thần Đất và vợ của thần Lúa.
2. Gồm ba loại vật nuôi: trâu, dê, lợn.
3. Tư phong: thấm nhuần, hưng thịnh.
4. Mậu phong: tươi tốt, hưng thịnh.
5. Hòa phong: hòa vui và hưng thịnh.
6. Dụ phong: sung túc, hưng thịnh.
7. Khánh phong: mừng được hưng thịnh.
Tài liệu tham khảo
1. Quốc Sử quán triều Nguyễn, Minh Mệnh chính yếu, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1994.
2. Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1-5, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004.
3. Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển Sự lệ, tập 1-8, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2005.
4. Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 1-3, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2006.
5. Quốc Sử quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển Sự lệ tục biên, tập 5-6, Viện Sử học - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xuất bản, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007.
NGUYỄN THỊ VIỆT THẢO
Nguồn: Tạp chí VHNT số 563, tháng 3-2024