Nếu ví chùm nhạc sông Lô như một bông hoa đẹp, rực rỡ nhiều màu sắc, ngọt ngào hương vị của hiện thực chiến tranh cách mạng, thì Trường ca Sông Lô của Văn Cao là đài hoa của những cánh hoa, là đường nét quy tụ của những môtíp hoa văn trên một bức thảm len đẹp. Trường ca Sông Lô tựa như bức tranh liên hoàn giàu chất thơ (1).
Sinh ngày 15-11-1923 tại Hải Phòng, nhạc sĩ Văn Cao rời cõi trần ngày 10-7-1995 tại Hà Nội. Là một văn nghệ sĩ đa tài - văn thơ, nhạc, họa - ở lĩnh vực nào, ông cũng để lại dấu ấn mang tính khai mở, có giá trị về nghệ thuật.
Riêng với âm nhạc, những thập niên đầu TK XX, khi văn hóa âm nhạc phương Tây ồ ạt vào nước ta bằng nhiều con đường, ngã ngách khác nhau (theo bước chân những người truyền đạo, con đường quân sự, nhà trường và phong trào hướng đạo sinh, điện ảnh, các phương tiện thông tin, kỹ thuật truyền thanh…). Trước sự áp đảo mạnh mẽ đó, “người Việt Nam đành phải chấp nhận, nhưng chấp nhận theo một cách rất Việt Nam. Sống chung, biết dung hòa và luôn biết biến cái bất lợi thành cái có lợi để phục vụ cho cuộc sống, đó là một trong những bản chất vốn có của người Việt Nam” (2). Là một người trí thức yêu nước, thích những điều mới lạ, Văn Cao đã tiếp thu tính khoa học trong cấu trúc của âm nhạc phương Tây để cho ra đời ca khúc đầu tay Buồn tàn thu, lúc ông 16 tuổi. Đây là dấu ấn quan trọng, là động lực để ông bước vào con đường sáng tạo âm nhạc. Sau Buồn tàn thu là Suối mơ, Bến xuân, Thiên thai, Trương Chi, đã đưa Văn Cao trở thành một trong nhạc sĩ tên tuổi, có tính tiên phong, khai mở cho dòng ca khúc trữ tình lãng mạn của âm nhạc Việt Nam đầu TK XX.
Trong những bước đi chập chững đầu tiên của âm nhạc mới Việt Nam, do bối cảnh xã hội, nên trong quá trình hình thành, ca khúc đã phân thành ba dòng. Bên cạnh dòng trữ tình lãng mạn là dòng ngưỡng vọng lịch sử (tiến bộ yêu nước) và ca khúc cách mạng. Với dòng ngưỡng vọng lịch sử, Văn Cao cũng ghi dấu ấn với ca khúc Gò Đống Đa, Thăng Long hành khúc. Do tác động của lịch sử và được giác ngộ cách mạng, nhân sinh quan và thế giới quan của Văn Cao đã thay đổi, từ lãng tử mơ màng, ông đã nhìn nhận và đi vào cuộc sống hiện thực kháng chiến của nhân dân. Chính vì lẽ đó, với tài năng sẵn có, Văn Cao đã trở thành nhạc sĩ có tên tuổi trong dòng ca khúc cách mạng. Do những yếu tố khách quan tác động, số lượng ca khúc của Văn Cao không nhiều như một số nhạc sĩ khác, nhưng hầu như gắn chặt với những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc như: Tiến quân ca, Tiến về Hà Nội, Ngày mùa, Mùa xuân đầu tiên, đặc biệt, có ca khúc đã làm nên một thể loại độc đáo trong nền thanh nhạc mới Việt Nam, đó là trường ca. Từ đó ca khúc Sông Lô được gắn liền với tên của thể loại trường ca, nên có tên là Trường ca Sông Lô.
Không phải ngẫu nhiên khi tiếp cận với Trường ca Sông Lô, nhạc sĩ Phạm Duy (người bạn thân thiết của Văn Cao), đã nhận xét: “Bài Trường ca Sông Lô của Văn Cao là một tác phẩm vĩ đại… Nét nhạc của trường ca rất mạnh khỏe, rất tươi sáng. Nhịp điệu vô cùng phong phú với những chuyển đoạn rất tài tình. Bài này đánh dấu sự trưởng thành của Tân nhạc... (3).
Không riêng nhạc sĩ Phạm Duy, nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc cũng có những nhận xét tương tự như vậy (các nhà nghiên cứu trong cuốn Âm nhạc mới Việt Nam tiến trình và thành tựu là một trong những minh chứng cụ thể); và trong đời sống ca nhạc nước nhà những năm qua, không ít ca sĩ nổi tiếng như Quang Hưng, Quý Dương, Kiều Hưng, Trần Hiếu, Quang Thọ, Lê Dung, Quốc Hưng… đã chọn Trường ca Sông Lô để biểu diễn trong nhiều chương trình ca nhạc mang tính học thuật cũng như những ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước. Vậy, điều gì đã tạo nên dấu ấn cho Trường ca Sông Lô? Nguyên nhân thì nhiều, nhưng có lẽ đó là những giá trị về lịch sử và nghệ thuật hàm chứa trong ca khúc thông qua tư duy tinh tế của nhạc sĩ và sự sắp đặt hợp lý trong cấu trúc thể loại.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, niềm vui chưa được tày gang của một dân tộc vừa thoát khỏi ách nô lệ ngoại bang, thì ngay sau đó, đất nước ta lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Khẩu hiệu xuyên suốt của giai đoạn này là: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, văn hóa, nghệ thuật không thể đứng ngoài cuộc, mà cùng đồng hành với dân tộc với khẩu hiệu: “Văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa”. Từ cơ sở nền tảng là đường lối văn hóa của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam (năm 1943), và lời phát biểu khai mạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (năm 1946). Xác định văn hóa cũng là một mặt trận, người làm công tác văn hóa, nghệ thuật đồng thời phải là chiến sĩ cộng sản đi tiên phong trên mặt trận ấy, để sáng tạo ra những tác phẩm phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến… Bối cảnh lịch sử ấy, với đường lối văn hóa ấy - nếu như những năm tháng trước đây, Văn Cao đã giác ngộ và ý thức được trách nhiệm của người chiến sĩ cách mạng, thì giai đoạn này, ông thực sự đã có giá đỡ về mặt tư tưởng, và đó một trong những cơ sở để nhạc sĩ Văn Cao phát huy tài năng trong sáng tạo nghệ thuật.
Với tư cách là một chiến sĩ văn hóa cách mạng, tháng 10-1947, Văn Cao được cử lên Việt Bắc tham gia kháng chiến. Ông qua Phú Thọ, men theo dọc bờ sông Lô để tìm đường lên Chiến khu Việt Bắc. Dặm dài gian nan ấy, Văn Cao được nghe về: chiến thắng oai hùng của bộ đội pháo binh trong trận đánh Đoan Hùng trên sông Lô, tận mắt chứng kiến cảnh xóm làng trơ trụi, xác giặc trôi đầy sông và không khí hồi hởi của nhân dân ở đôi bờ dòng sông Lô, đang bắt tay vào việc xây dựng lại xóm làng; thấy được cảnh oai hùng của đoàn quân chinh chiến thắng trận trên đường về chiến khu, bên cạnh là cảng hùng vĩ của dòng sông Lô đang chảy về xuôi (4). Tất cả những khung cảnh ấy sẽ là đối tượng khách quan, thông qua cảm xúc và tư duy sáng tạo, được nhạc sĩ Văn Cao đưa vào ca khúc. Thông qua Trường ca sông Lô, không phải tất cả, nhưng người nghe có thể hình dung được một phần hiện thực của Chiến dịch Việt Bắc Thu Đông năm 1947 trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc thường cho rằng: ca khúc cách mạng là một biên niên sử bằng âm thanh về hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta ở TK XX. Nhận xét như vậy có phần đúng, bởi mỗi ca khúc là sự phản ánh một trận đánh, một sự kiện ghi dấu ấn trong lịch sử. Trường ca sông Lô của Văn Cao không phải trường hợp ngoại lệ, đó là giá trị về lịch sử mà ca khúc mang lại.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, do đặc điểm thuộc về hình thức, ngôn ngữ của thể loại thanh nhạc không giống với ngôn ngữ của thể loại chuyện, ký hay loại hình sân khấu, điện ảnh. Câu chuyện được kể, không thể tỷ mỷ, mà phải có tính khái quát cao, đây là điều vô cùng khó khăn đối với các nhạc sĩ nói chung. Với nhạc sĩ Văn Cao lại khác, ông luôn tìm cái mới trong cái đã qua và cái đang hiện hữu. Ông muốn kể hiện thực của cuộc kháng chiến bằng ngôn ngữ âm nhạc, và Trường ca sông Lô là biểu hiện rõ nhất cho sự tìm tòi, sáng tạo, để tạo nên một thể loại thanh nhạc mới của Việt Nam.
Nhìn lại lịch sử của nền âm nhạc mới Việt Nam từ 1945-1954, tác giả Nguyễn Đăng Nghị cho rằng: “sau những bước đi chập chững đầu tiên, thì đây là giai đoạn đang tự hoàn thiện, nghĩa là các nhạc sĩ Việt Nam đang dần thoát khỏi sự trói buộc của ngôn ngữ, cấu trúc âm nhạc phương Tây để đi tìm đến một cách thức, phương thức biểu hiện mới mang bản sắc Việt Nam” (5). Với Trường ca sông Lô, nếu nhìn vào quy mô hình thức bề ngoài, thì giống và được hiểu như một bài hát dài, nhưng thực sự không phải như vậy, mà nó có những kết cấu, khả năng phản ánh cũng như tính chất âm nhạc... hoàn toàn khác với một ca khúc dài bình thường. Mặt khác, trong Trường ca Sông Lô cũng là câu chuyện được kể lại, âm nhạc cũng có đoạn nhắc lại, nhưng không giống với ballat hay rondo, hoặc bất cứ thể loại nào của âm nhạc phương Tây. Các nhà nghiên cứu âm nhạc đồng nhất cho rằng: trường ca nói chung và Trường ca Sông Lô nói riêng, đặc điểm nổi bật đó là tính liên khúc, liên đoạn: một đề tài, một nội dung được thể hiện, diễn giải qua nhiều chặng, nhiều khúc, nhiều đoạn khác nhau. Xét về mặt nội dung đề tài sẽ thấy, những khía cạnh khác nhau của trường ca được thể hiện qua mỗi đoạn, hoặc sự tiến triển của nội dung đề tài được bộc lộ qua từng chặng. Về bố cục và ngôn ngữ âm nhạc thì: “Mỗi khúc, mỗi đoạn có một chủ đề, điệu tính riêng, đôi khi kèm theo cả về nhịp điệu, nhịp phách. Tính độc lập tương đối của mỗi đoạn, mỗi khúc biểu hiện đậm nét hơn do nội dung đề tài phản ánh phức tạp hơn” (6), cụ thể là:
Sau nét nhạc mở đầu có tính khơi gợi, tiếp đến là đến là đoạn 1 được viết ở giọng rê trưởng (D - dur), tốc độ chậm, hình ảnh dòng sông Lô - dòng sông kháng chiến - vẫn chảy hiền hòa qua bãi dài ngô lau trong khung cảnh của núi rừng âm u. Tính chất âm nhạc dàn trải, mênh mang, kết hợp với chất thơ của lời ca, đã dệt nên một bức tranh bằng âm thanh nhiều màu sắc, hình khối khác nhau về một vùng kháng chiến. Đoạn 2, âm nhạc được viết ở giọng son trưởng (G - dur), với tộc độ nhanh vừa, diễn tả niềm vui của đoàn quân pháo binh chiến thắng trở về trong niềm hân hoan của người dân và trong tiếng sóng dâng trào của dòng sông Lô. Sang đoạn 3 viết ở giọng si trưởng (H - dur), tính chất âm nhạc hào hùng theo kiểu hành khúc, diễn tả sức mạnh, ý chí quyết tâm đánh giặc của người chiến sĩ. Đoạn 4, viết ở giọng si thứ (h - moll), tốc độ chậm, tính chất âm nhạc trầm lắng; lời ca miêu tả một đêm lạnh giá, bên ngôi nhà xác xơ, có những người ngồi cạnh bếp lửa chờ đợi ánh chiêu dương. Đoạn 5 là cao trào của tác phẩm, âm nhạc viết ở giọng rê trưởng (D - dur), tính chất âm nhạc trong sáng, kết hợp với lời ca diễn tả cuộc sống đang được hồi sinh sau chiến tranh; niềm vui của người dân trào dâng hình như chỉ có tiếng hát và tinh thần lạc quan trong lao động. Sang đoạn kết, chất liệu âm nhạc được lấy từ câu dạo đầu; tính chất âm nhạc trong sáng hơn; giai điệu lời ca như khẳng định một niềm tin lạc quan vào chiến thắng ngày mai, và mùa xuân tới, dòng sông Lô vẫn trôi “nước in ven bờ xanh in bóng tre”.
Một sự kiện lịch sử được gói gọn trong một tác phẩm âm nhạc. Không chỉ đơn thuần có vậy, mà thông qua Trường ca Sông Lô có thể thấy bước chuyển biến về tâm thức, nhận thức của nhạc sĩ Văn Cao trên các phương diện, đó là: sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tinh hoa âm nhạc phương Tây với âm nhạc Việt Nam để tạo ra một thể loại mới; là sự kết hợp của khéo léo giữa văn - thơ - họa trong một tác phẩm âm nhạc. Điều này không phải nhạc sĩ nào cũng làm được, chỉ có Văn Cao với tài năng thiên phú và được rèn luyện trong cuộc sống hiện thực kháng chiến, cộng với cách tư duy mang tính khai mở, mới đem lại thành công như vậy. Ngoài giá trị về phương diện lịch sử, thì đối với nghệ thuật âm nhạc, Trường ca sông Lô đã góp phần không nhỏ vào “việc định hình rõ một bút pháp về loại thể trường ca Việt Nam” (7). Cho đến thời điểm hiện tại, Trường ca sông Lô của Văn Cao vẫn được giới chuyên môn đánh giá cao và được nhìn nhận như một trong những tượng đài của nền âm nhạc mới Việt Nam.
________________
1, 6. Tú Ngọc, Nguyễn Thị Nhung, Vũ Tự Lân, Nguyễn Ngọc Oánh, Thái Phiên, Âm nhạc mới Việt Nam tiến trình và thành tựu, Viện Âm nhạc xuất bản, 2000, tr.249, 243.
2, 5, 7. Nguyễn Đăng Nghị, Bay lên từ truyền thống, Nxb Văn hóa Thông tin - Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, 2011, tr.22, 38, 109.
3, 4. Trường ca Sông Lô, vi.wikipedia.org.
NGUYỄN DƯƠNG ANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 551, tháng 11-2023