1. Múa rối nước truyền thống - Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam
Văn hóa và di sản phản ánh niềm tin và khát vọng, bản sắc dân tộc, cách sống do cộng đồng phát triển và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nói tới di sản văn hóa là nói tới văn hóa, giá trị và truyền thống. Việc bảo tồn di sản văn hóa là vấn đề luôn cần được chú trọng trên toàn cầu vì nó giữ cho sự toàn vẹn của các quốc gia, cộng đồng dân tộc và toàn nhân loại.
Rối đoàn đua thuyền - Nhà hát Múa rối Việt Nam - Nguồn: tác giả
Nghệ thuật múa rối nước là một loại hình nghệ thuật độc đáo, xuất phát từ đời sống, văn hóa, xã hội vùng đồng bằng sông Hồng. Loại hình nghệ thuật này đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là niềm tự hào của dân tộc Việt. Có thể nói, múa rối nước là loại hình sân khấu biểu diễn tổng hợp rất phù hợp với nhận thức của đại chúng, các hình tượng nhân vật rối nước, nội dung các trò và tích trò rối nước, những lời giáo trò đều có nền tảng văn hóa chung của dân tộc, song, cũng rất đa dạng, phong phú, chứa đựng một kho tàng phong phú các kinh nghiệm xã hội, nhân sinh quan, tập tục, chuẩn mực và nề nếp ứng xử trong cộng đồng. Múa rối nước có lịch sử hình thành từ rất lâu đời, phát triển mạnh vào thời Lý - Trần (TK XI-XII). Lịch sử đã cho thấy, nghệ thuật rối nước được hình thành chủ yếu ở khu vực đồng bằng sông Hồng - cái nôi của nền văn minh cổ của dân tộc Việt Nam, là khu vực với nhiều sông, ngòi, hồ, ao, gắn bó mật thiết với đời sống vật chất và tinh thần của cư dân trồng lúa nước. Hoạt động của múa rối nước dân gian Việt Nam gắn với tín ngưỡng làng xã, vừa để lễ bái thờ cúng thần linh, vừa để góp vui trong những dịp lễ, hội làng, ngày vui hay những ngày Tết. Rối nước được hình thành từ tâm tư, tình cảm của người dân lao động, các tích trò rối nước ngắn gọn, phản ánh một cách ước lệ nhưng chân thực cuộc sống lao động sản xuất, miêu tả cuộc sống thường nhật ở làng quê vùng đồng bằng sông Hồng, tái hiện niềm vui trong lao động, trong cuộc sống tình cảm lứa đôi, gia đình. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, múa rối nước vẫn duy trì và phát triển đến ngày nay.
Qua công trình của nhà nghiên cứu về văn hóa và âm nhạc cổ truyền Việt Nam - Trần Văn Khê, người đọc có thể thấy các tiết mục rối nước đều thể hiện các khía cạnh lịch sử văn hóa lâu đời, những khung cảnh sinh hoạt, tín ngưỡng văn hóa và lao động của người nông dân Việt Nam trong nền văn minh lúa nước. Bằng các câu chuyện vui nhộn, sôi động và hấp dẫn, những nghệ nhân múa rối nước truyền tải thông tin hình ảnh về một cuộc sống bình dị, thể hiện những ước vọng giản đơn trong cuộc sống của cư dân vùng đồng bằng sông Hồng xưa: các tiết mục thể hiện tình làng nghĩa xóm, tính cần cù và tình yêu lao động, tinh thần lạc quan, sự sẻ chia - giúp đỡ nhau của người nông dân (Quay tơ dệt cửi, Cày cấy, Thả lưới quăng chài, Chăn vịt, Chăn trâu thổi sáo, Câu ếch, Chọi trâu, Quần nơm úp cá, Đu dây…); Các tiết mục về sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng (Múa bát tiên, Múa rồng, Lân tranh cầu…); có những tiết mục thể hiện tinh thần hợp tác, trách nhiệm, sự tương thân tương ái, tình yêu quê hương đất nước, ước mơ về cuộc sống hạnh phúc, bình yên (Ngày hội xuống đồng, Lễ hội làng tôi, Sự tích Hồ Gươm, Rước kiệu…).
2. Những nét đặc trưng của con rối nước truyền thống Việt Nam
Về đặc điểm con rối: Hầu hết các con rối Việt Nam đều thuộc thể loại điêu khắc tượng tròn và được tạo bằng gỗ với những kích thước khác nhau. Kích thước của con rối hoàn toàn do nghệ nhân chủ động điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện và nội dung diễn xuất. Tuy nhiên, con rối càng lớn sẽ càng nặng và khó điều khiển. Do vậy, hiếm khi thấy con rối cao trên 1m. Ví dụ như nhận vật rối chú Tễu của phường Nguyên Xá - Thái Bình cao 90cm cần 3 người điều khiển, cô Tiên phường Nguyên Xá cao 85cm. Các con rối được tạo nên đều phản ánh nhận thức của người nông dân về đời sống xung quanh họ như lao động sản xuất, tế lễ, hội hè, cuộc thi...
Về thành phần rối: Nhân vật trong rối nước được hình thành hai thể loại: rối người và rối vật. Rối con người gồm có: người nông dân, ngư dân, ông lão, bà lão, thiếu nữ dệt vải, thanh niên đánh vật, thanh niên đua thuyền, ông đồ, vua, quan… và nhân vật là anh hùng lịch sử hay nhân vật được thần thánh hóa như: Vua, cô Tiên, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Hai Bà Trưng, Phùng Hưng… Với rối hình con vật thì có loại con vật có thực như: rùa, rắn, cáo, trâu, ngựa, gà, vịt, ếch, nhái, cua, cá… nhưng cũng có những con vật huyền thoại: rồng, phượng, lân… thể hiện cho uy quyền, sức mạnh và bình an. Ngoài ra còn có một số đồ đạc, vật dụng với vai trò là đạo cụ cho các nhân vật rối như: cày, bừa, cuốc, gàu tát nước, rổ, đơm, đó bắt tép, nón, cối xay, cần câu, khung cửi, thuyền thúng, mái chèo, võng, lọng, cờ phướn, kèn, trống, sáo…
Về vật liệu sử dụng trong tạo hình con rối nước: Từ xưa các nghệ nhân đã chọn nguyên liệu gỗ để chế tác con rối là gỗ của cây sung. Cây sung mọc ở những nơi đất ẩm, ven các bờ nước ao, hồ, sông, suối hoặc được trồng để tạo bóng mát, để lấy quả, lấy lá. Gỗ sung có ưu điểm là nhẹ, mềm, xốp, thớ xoắn, ít nứt, dễ dàng cho việc chế tác, đẽo gọt mà không bị nứt, vỡ và có khả năng chịu nước. Tuy nhiên, loại gỗ này cũng có hạn chế, đó là có khả năng bị mối mọt và độ bền không cao. Hiện nay, do gỗ sung đã không còn dễ tìm kiếm như trước, giá thành cao hơn, nghệ nhân phải tìm kiếm nhiều công sức và thời gian hơn. Bởi vậy, nhiều nghệ nhân đã sử dụng nguyên liệu thay thế cho một số nhân vật rối hoặc thay thế một vài bộ phận của con rối bằng một số loại gỗ khác như: gỗ vàng tâm, gỗ dổi, gỗ cây hoa sữa (gỗ của cây hoa sữa hay còn có tên gọi là gỗ Mò cua)… Tiếp nữa, ngày nay với sự hỗ trợ của các vật liệu công nghiệp, một số nhân vật rối được thay thể một phần hay toàn phần bằng vật liệu công nghiệp như cao su xốp, composite. Lý do là vật liệu thay thế dễ mua, dễ kiếm, tiết kiệm thời gian và công sức cho nghệ nhân, tăng độ bền, giảm chi phí hơn so với gỗ. Tuy vậy, các phường rối vẫn tôn trọng những quy trình tạo hình con rối theo cách thức truyền thống và luôn có ý thức và trách nhiệm trong việc giữ gìn cách thức tạo hình này.
Về quy trình tạo hình rối: Các nghệ nhân về cơ bản vẫn giữ theo quy trình tạo tác con rối theo cách thức truyền thống từ thế hệ trước trao truyền lại. Quy trình tạo hình này gồm những bước sau:
Bước 1: Tạo mẫu
Đây là bước đầu tiên và cơ bản nhất trong quy trình tạo hình con rối. Nghệ nhân chọn gỗ, cắt gỗ, tạo hình thô những khối gỗ ban đầu để thể hiện nhân vật đang hướng đến. Tùy vào từng nhân vật rối, nghệ nhân sẽ tạo thô theo đặc trưng của nhân vật rối. Các nhân vật rối nước hầu như đều có đặc điểm là quần áo bó sát người, vì lệ thuộc vào thân gỗ nên không thể mở rộng được, hơn nữa các con rối phải chuyển động trong nước nên cần hạn chế sự cản trở của nước. Ở bước này, nghệ nhân cần phải tính đến đặc điểm về trang phục sao cho phù hợp với từng nhân vật rối bởi đa phần, các trò và tích trò cổ thì trang trí phục trang cho rối cũng theo phong cách đời sống thời xưa như: vua, quan có các phục trang gần với tượng ngọc hoàng, tượng hộ pháp trên chùa. Tướng lĩnh, quân lính thường có mũ, quần áo chỉnh tề. Người lao động thường mặc áo cánh kiểu cổ, xẻ vạt giữa hoặc vạt chéo, có khăn buộc thắt lưng, váy hay quần thường ngắn như xắn lên, có những nhân vật nông dân, ngư dân chỉ đóng khố cởi trần, đàn bà cũng có khi chỉ mặc yếm và váy.
Bước 2: Làm khối
Nghệ nhân đo đạc để phân chia tỷ lệ từng phần của con rối, từ đó làm vanh gỗ thành một khối thô mộc. Một khối rối nước thường được chia làm 3 phần: từ đầu đến cổ, từ cổ xuống thắt lưng, từ thắt lưng đến chân. Tùy thuộc vào con rối cụ thể, nghệ nhân sẽ đưa ra các tỷ lệ riêng biệt, đảm bảo làm khối chuẩn cho từng nhân vật rối.
Bước 3: Đục tay
Qua bước đục đẽo thủ công, các nhân vật rối được tạo tác nên hình. Hình dung về con rối nước cũng từ đó mà cụ thể hơn, góp phần mang đến cái thần và cái hồn của nhân vật rối nước.
Bước 4: Chà nhám
Sau khi đã tạo hình con rối qua bước đục tay, người nghệ nhân có thể dùng giấy ráp hoặc máy chà để làm sạch bề mặt con rối. Công đoạn này thực hiện càng cẩn thận bao nhiêu thì con rối được sơn vẽ càng đẹp bấy nhiêu.
Bước 5: Làm vóc
Sau khi chà nhám hoàn chỉnh, con rối được làm vóc bằng quét sơn ta hòa cùng đất sét (một hỗn hợp sơn đen tuyền) lên toàn bộ bề mặt con rối. Khi sơn khô, người nghệ nhân lại quét lớp nữa.
Quá trình được lặp lại tối thiểu 3 lần để đảm bảo sơn ta bám màu tốt và chắc trên bề mặt con rối.
Bước 6: Sơn nhũ
Khi đã có vóc đen, con rối tiếp tục được sơn son thếp bạc (dán những lá vàng hay lá bạc lên một số bộ phận của con rối, tùy theo chủ ý của nghệ nhân tạo tác cho từng nhân vật rối). Phủ thêm một lớp sơn trong, một lớp sơn tổng hợp làm dung môi pha màu, người nghệ nhân thực hiện lên màu cho rối. Sau cùng, phủ một lớp sơn ta để giữ cho màu bóng đẹp, tăng tính thẩm mỹ cho các nhân vật rối nước.
Về quy trình trang trí cho con rối: Các công đoạn như tạo hình, chỉnh và lắp máy rối sau khi đã hoàn thành thì nghệ nhân tiến hành việc sơn trang trí con rối. Hiện nay, có 2 loại sơn để nghệ nhân lựa chọn, đó là: sơn ta hay gọi là sơn truyền thống và sơn công nghiệp hay gọi là sơn tây. Trước kia chưa có sơn công nghiệp thì các nghệ nhân pha chế sơn ta (lấy từ nhựa cây sơn) theo một công thức định sẵn khá cầu kỳ và khi sơn vào con rối phải tùy theo thời tiết để pha, thêm hay bớt thành phần một cách hợp lý nhằm làm con rối bóng, khô nhanh. Thuật ngữ của thợ xưa gọi các công đoạn sơn là: sơn hong, sơn phủ, sơn bó, sơn thí, sơn cầm, sơn bóng. Đầu tiên, người ta sơn hong để gỗ bốc hơi nước nhanh, mang theo nhựa thoát ra, sau đó đến công đoạn sơn bó, sơn thí (2-3 nước) bằng sơn ta (sơn cầm). Đối với các sản phẩm cần thếp bạc thì sau khi sơn các lớp cần thiết người ta phủ thếp bạc rồi sơn 2 lớp sơn bóng (màu cánh gián) cho đẹp và cũng là để giữ lớp thếp bạc được bền lâu.
Hiện nay, nhiều nghệ nhân tạo hình con rối lựa chọn sử dụng sơn công nghiệp trong trang trí con rối… Tùy theo màu sắc, chi tiết trên trang phục và đường nét khuôn mặt con rối mà lựa chọn màu sơn. Theo nghệ nhân tạo hình con rối nước Nguyễn Văn Lai - Trưởng phường rối nước Luy Lâu, Bắc Ninh chia sẻ: có thể từ 6 màu pha thành 8, 12, 16 màu khác nhau, tùy theo từng nhân vật rối nước. Cũng có thể dùng màu phản quang để tăng độ bắt ánh sáng, làm con rối hấp dẫn người xem hơn. Mỗi lớp sơn đều phải được phơi cho khô mới tiếp tục quét được lớp tiếp theo. Thời gian cho sơn khô tùy thuộc vào các yếu tố thời tiết như độ ẩm.
Về máy điều khiển con rối nước: Một con rối được tạo tác gồm hai phần chính: phần thân và phần đế. Phần thân là phần nổi lên mặt nước thể hiện nhân vật, còn phần đế là phần chìm dưới mặt nước giữ cho thân rối nổi trên mặt nước và là nơi lắp máy điều khiển cho con rối cử động. Kỹ thuật điều khiển trong múa rối nước rất được coi trọng, tạo nên hành động của con rối nước trên sân khấu, đó chính là mấu chốt của nghệ thuật múa rối. Máy điều khiển rối nước được chia làm hai loại cơ bản là máy sào và máy dây. Nghệ nhân rối nước đứng trong buồng trò thao tác bằng cây sào hoặc giật con rối bằng hệ thống dây. Tùy theo từng trò rối mà người nghệ nhân lựa chọn loại máy rối phù hợp.
Rối Cô Tiên - Nhà hát Múa rối Việt Nam - Nguồn: tác giả
Máy sào gồm một sào bằng gỗ hoặc bằng tre, ngày nay có sào bằng sắt, loại sào kim loại thường dùng đối với điều khiển rối rồng phun lửa, phun nước. Sào có chiều dài khoảng từ 1,5-3m, đầu sào được gắn một buly hoặc chàng say. Ưu điểm của buly là điều khiển được dễ dàng, con rối quay được 180o, rối đứng trên bàn êm hơn, ít bị nghiêng ngả. Một miếng gỗ tròn được bắt vít chặt trên buly gọi là bàn rối, trên bàn rối có hai vít để gắn vào bệ đối trọng ở chân rối. Khi rối đã đứng trên bàn rối, dây điều khiển rối sẽ quấn quanh buly và khi kéo dây, buly sẽ quay làm cho con rối linh hoạt, quay sang phải, trái hoặc quay tròn. Việc lựa chọn cây sào để đưa vào điều khiển con rối cũng tùy thuộc vào khoảng cách của vị trí từ chỗ người điều khiển đến chỗ con rối và tùy theo trọng lượng con rối cũng như tầm vóc của người điều khiển để khi điều khiển con rối không bị nghiêng, bị lệch thì mới được coi là hoàn thành và thành công cho việc chế tác.
Máy dây thường dùng cho những tiết mục có đông nhân vật rối hay có nhiều con rối kết nối với nhau thành đoàn. Máy dây gồm hệ thống cọc ngầm đóng chắc từ buồng trò ra sân khấu. Những sợi dây thừng được căng và kéo qua hệ thống cọc ngầm này, ở mỗi khúc quanh đặt một chiếc xổng để con rối có thể đi qua các góc vuông mà không bị mắc. Những con rối được buộc vào dây, người điều khiển đứng trong mành kéo một dây, thả một dây theo kiểu ròng rọc để đưa các con rối đi. Những con rối theo bố trí của máy dây có thể đi xa và trở về 20-30m.
Dùng rối dây phải có quả phao, phao có thể làm bằng tôn, sắt tây hoặc ống nhựa, có dạng một ống dài hình trụ tròn đường kính khoảng từ 9-11cm, dài 55-60cm. Tùy theo con rối to hay nhỏ mà làm ống to, nhỏ, dài, ngắn, ống phao hai đầu bịt kín bằng bê tông, giữa là buồng khí để tạo độ nổi, một đầu phao gắn một ốc vít để bắt vào chân con rối, chiếc phao này có tác dụng giữ cho con rối đứng thẳng được trên mặt nước.
Dây điều khiển rối thường được dùng là dây nilon, dây cước để dùng được bền, không bị mủn do ngâm nước nhiều. Hệ thống điều khiển con rối thể hiện kỹ thuật, sự khéo léo, tài hoa của nghệ nhân làm rối và điều khiển rối, đem lại sự hấp dẫn cho bộ môn rối nước, đồng thời cũng thể hiện đặc trưng riêng của mỗi phường rối nước.
Ưu điểm của máy dây là con rối có thể di chuyển ra xa mành che nghệ nhân điều khiển, có thể di chuyển tới hàng chục mét, gần với khán giả hơn con rối lắp máy sào. Ví dụ như: phường Đồng Ngư - Bắc Ninh, phường Chàng Sơn - Hà Nội, phường Nam Chấn - Nam Định sử dụng rối dây để mời trầu khán giả, phường rối Ra - Hà Nội sử dụng máy dây để tặng hoa… Tuy nhiên, máy dây cũng có hạn chế là con rối không linh hoạt như con rối điều khiển bằng sào. Do rối máy dây đi theo đường cọc ẩn dưới nước định sẵn từ trước chứ không chuyển động tự do trên sân khấu như rối điều khiển bằng máy sào.
Máy điều khiển được nghệ nhân thiết kế ẩn trong lòng nước, lợi dụng sức nước, tạo sự điều khiển từ xa, quân rối chuyển động, nhảy múa tạo nên từ sự bất ngờ này đến bất ngờ khác, sự hiếu kỳ của người xem. Đây là một trong những yếu tố làm nên sự hấp dẫn của nghệ thuật rối nước Việt Nam và đóng vai trò quyết định cho sự thành công của buổi diễn. Các tích trò rối ở các phường rối nước có thể có sự tương đồng về nội dung tích trò, cách thức tạo hình con rối đều dựa trên cùng một nguyên tắc của điêu khắc tượng tròn, nhưng con rối mỗi phường cũng có những nét riêng, nghệ thuật tạo hình con rối và máy rối mỗi phường có sự thể hiện riêng, có bí kíp riêng góp phần làm nên sự đa dạng trong nghệ thuật rối nước.
Múa rối nước là một trong những loại hình nghệ thuật sân khấu rất đặc biệt, tiêu biểu cho nền văn hóa nghệ thuật dân tộc Việt Nam. Từ nghệ thuật mang yếu tố dân gian, múa rối nước đã trở thành một loại hình nghệ thuật truyền thống và đã có vị trí trong nghệ thuật sân khấu của dân tộc. Những nghệ nhân dân gian đã chắt lọc cái đẹp từ tự nhiên và chuyển nó vào hình ảnh những con rối nước. Người nghệ nhân dân gian đã biến rối nước thành cầu nối giữa đại chúng với với di sản văn hóa dân tộc. Nghệ thuật múa rối nước ngày càng nhận được nhiều sự ngưỡng mộ của bạn bè quốc tế, trở thành một sản phẩm nghệ thuật độc đáo bởi nó thể hiện trí tuệ và sự thông minh, sức sáng tạo của những người dân đất Việt.
______________
Tài liệu tham khảo
1. Trần Văn Khê, Múa rối nước của Việt Nam, Nxb Thời đại, Hà Nội, 2012.
2. Vương Duy Biên, Giá trị mỹ thuật trong nghệ thuật múa rối, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 2, 2001, tr.70-71.
3. Nguyễn Huy Hồng, Nghệ thuật múa rối dân gian, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 2010.
4. Đinh Gia Khánh, Cù Huy Cận, Các vùng văn hóa Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 1995.
5. Tô Sanh, Nghệ thuật múa rối nước, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1976.
Ths VŨ THANH VÂN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 545, tháng 9-2023