Nghề biểu diễn - phần bị lãng quên của ngành Guitar cổ điển Hà Nội

Hằng năm, các học viện âm nhạc, trường âm nhạc tại Hà Nội đào tạo được nhiều nghệ sĩ guitar trẻ. Số lượng người đăng ký học guitar cổ điển trong các câu lạc bộ, các trung tâm âm nhạc tư nhân cũng ngày càng tăng. Tuy có được số lượng học viên dồi dào, nhưng ngành guitar cổ điển tại Hà Nội lại đang gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển lĩnh vực biểu diễn. Hạn chế đến từ việc thiếu tính sáng tạo và phù hợp với thị hiếu khán thính giả trong thời đại mới. Thu nhập từ hoạt động biểu diễn không đủ đảm bảo cho cuộc sống ổn định. Và hậu quả là số lượng nghệ sĩ biểu diễn guitar cổ điển chuyên nghiệp tại Hà Nội có chiều hướng giảm mạnh. Để thúc đẩy hoạt động biểu diễn guitar cổ điển trở thành nghề biểu diễn cần giải pháp tổng thể từ nhiều hướng.

Trải qua quá trình hình thành và phát triển lâu dài, đến nay, ngành guitar cổ điển ở Hà Nội đã xây dựng và tích lũy được nội lực mạnh mẽ. Nhiều trung tâm đào tạo guitar với bề dày hoạt động lâu năm, có thể kể đến các trường chuyên nghiệp do Nhà nước thành lập như: Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội... Ngoài ra, còn có rất nhiều trung tâm tư nhân như Trung tâm Đào tạo âm nhạc Musicland, Trường Âm nhạc Magicmusic, Trung tâm Nghệ thuật Adam, Trung tâm Music Talent, Trung tâm Âm nhạc Phúc Sơn, Trường học Âm nhạc Youngbeat… Mỗi trung tâm đều có nhiều chi nhánh trải dài khắp Hà Nội, đáp ứng nhu cầu học nhạc rất lớn của người dân, trong đó có guitar.

Bên cạnh đó, số lượng nghệ sĩ guitar nổi tiếng khá nhiều. Các nghệ sĩ nổi tiếng trong những năm 90 như: Phạm Ngữ, Nguyễn Thiện Tơ, Hoàng Giác, Tạ Tấn, Văn Vượng, Nguyễn Hải Thoại, Đỗ Trường Giang, Phạm Văn Phúc, Vũ Bảo Lâm, Nguyễn Tỵ, Tôn Thất Đại, Quang Tôn, Đặng Quang Tôn, Đặng Ngọc Long, Nguyễn Thế An, Nguyễn Văn Dị (1). Thế hệ sau có các nghệ sĩ như: Phạm Phương, Nguyễn Quốc Vương, Vũ Việt Cường, Nguyễn Quang Vinh, Lê Đức Sơn, Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Thanh Hằng, Lê Thu, Cao Sỹ Anh Tùng, Nguyễn Văn Phúc, Trần Trung Kiên… Điều này cho thấy, đội ngũ nghệ sĩ guitar Hà Nội đông đảo và có trình độ chuyên môn cao. Họ thực hiện hoạt động giảng dạy và biểu diễn guitar cả trong nước và quốc tế, có đóng góp lớn cho sự phát triển của guitar cổ điển Hà Nội.

Trong hơn 60 năm (từ 1956-2022), các thế hệ nghệ sĩ đã cống hiến cho khán giả thủ đô hàng trăm buổi hòa nhạc, biểu diễn. Âm nhạc của cây đàn guitar đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, hoạt động biểu diễn guitar cổ điển chưa trở thành một nghề tạo ra thu nhập chính cho nghệ sĩ. Các cuộc biểu diễn thường là miễn phí, hoặc nếu có bán vé thì số lượng ít. Tần suất các cuộc biểu diễn không nhiều và liên tục đủ để tạo cho nghệ sĩ nguồn thu nhập ổn định. Vào tháng 8-2011, với vai trò là một nghệ sĩ có biểu diễn guitar, tôi có tham gia một chương trình hòa nhạc độc tấu tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace tại số 24 phố Tràng Tiền Hà Nội (2). Đây là nơi có sân khấu thính phòng đạt chuẩn, chỉ duyệt và thực hiện các chương trình hòa nhạc có chất lượng chuyên môn cao, hấp dẫn. Trong chương trình, nghệ sĩ biểu diễn các tác phẩm mang tính học thuật guitar cao như Gran Jota (Vũ khúc đi săn) của nghệ sĩ guitar, nhà soạn nhạc Tây Ban Nha F.Tarrega, hoặc tác phẩm Valses Poeticos (Các điệu vals thơ mộng) của nghệ sĩ guitar, nhà soạn nhạc Tây Ban Nha E.Granados. Chương trình có giá vé bán là 50.000 đồng, số lượng ghế trong khán phòng khoảng 200 chỗ. Tức, tổng thu khi khán giả đến kín chỗ và chưa tính bất kể phần chi như âm thanh, ánh sáng, hậu đài, thuê sân khấu sẽ là 10 triệu đồng. Để thực hiện được chương trình biểu diễn này, nghệ sĩ phải tập luyện liên tục 6 tiếng mỗi ngày trong khoảng 4 tháng. Như vậy, nếu lấy tổng thu của cuộc biểu diễn chia cho các tháng tập luyện sẽ không đủ chi phí cho nghệ sĩ duy trì cuộc sống.

Từ những khó khăn trên dẫn đến việc, ngành nghề dù có nội lực mạnh mẽ, số lượng nghệ sĩ và học viên đông đảo, nhu cầu nghe guitar lớn nhưng lại không thể phát triển xa hơn được. Nguồn thu nhập chủ yếu của ngành nghề đến từ hai lĩnh vực là giảng dạy và biểu diễn thì trong thực tế mới được một. Việc thu nhập bị giảm đi trong nhiều năm là áp lực lớn làm cho nhiều nghệ sĩ chán nản đã chuyển nghề. Nhiều học sinh, sinh viên trung cấp và đại học guitar chuyên nghiệp không xác định được tương lai rõ ràng sau khi tốt nghiệp cũng đã bỏ dở việc học tập. Nếu cứ như vậy, trong tương lai gần, song song với sự phát triển nhanh chóng của các lĩnh vực âm nhạc khác, sự mai một của guitar cổ điển tại Hà Nội là không thể tránh khỏi.

Từ trước đến nay, trong các chương trình biểu diễn guitar cổ điển, nghệ sĩ thường ưu tiên chọn những tác phẩm bản thân yêu thích. Những tác phẩm này có độ khó cao về kỹ thuật và nghệ thuật mà nghệ sĩ mong muốn cống hiến cho khán giả. Tuy nhiên, để hoạt động biểu diễn guitar thu hút được đông đảo khán giả và từng bước hình thành nghề biểu diễn thì việc xây dựng nội dung chương trình dựa trên việc chọn các tác phẩm mà nghệ sĩ mong muốn là chưa đủ. Vì điều nghệ sĩ tâm huyết, tâm đắc chưa chắc đã là điều các khán giả yêu thích. Một chương trình biểu diễn hiệu quả chính là vừa thể hiện được dấu ấn chuyên môn của người nghệ sĩ, vừa đánh đúng vào nhu cầu thưởng thức của đông đảo khán giả và thu hút được toàn bộ mọi người tới tham dự. Ví dụ như, sau chương trình biểu diễn hòa nhạc độc tấu tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace vào tháng 8-2011, nghệ sĩ Nguyễn Văn Phúc có nhận được nhiều lời bình luận từ các khán giả, nhưng ngạc nhiên, mọi người bày tỏ sự yêu thích nhất đối với phần biểu diễn tác phẩm Bèo dạt mây trôi do nghệ sĩ guitar Đặng Ngọc Long chuyển soạn hơn là những tác phẩm kinh điển của thế giới như Gran Jota hay Valses Poeticos như đã nêu ở phần trên. Như vậy, thực tế cho thấy, đối với khán giả Thủ đô, việc nghệ sĩ thể hiện các tác phẩm kinh điển thế giới được đánh giá cao, nhưng quan trọng không kém chính là thể hiện các giai điệu dễ hiểu, gần gũi để đông đảo khán thính giả có thể lắng nghe, cảm nhận, đánh giá và chia sẻ. Điều này, sẽ tạo nên sự lan tỏa và chờ đón của khán thính giả đối với các chương trình biểu diễn tiếp theo của nghệ sĩ.

 Việc lựa chọn tác phẩm như nghệ sĩ mong muốn thường tạo nên chất lượng chuyên môn cao, tuy nhiên, trong nhiều chương trình biểu diễn, do lựa chọn những tác phẩm mới, nội dung phức tạp đã làm cho khán giả khó hiểu, khó cảm nhận. Việc chưa quan tâm thấu đáo tới nhu cầu thưởng thức của khán giả đã dẫn đến số lượng khán giả tham dự các cuộc biểu diễn guitar cổ điển tại Hà Nội chưa nhiều. Do đó, để phát triển hoạt động biểu diễn guitar cổ điển theo hướng thành nghề biểu diễn, trước tiên cần sắp xếp lại các tiêu chí xây dựng nội dung chương trình. Trong đó, cần bổ sung các khuynh hướng sở thích về âm nhạc của khán giả. Đề cao khả năng sáng tạo của nghệ sĩ trong việc tạo nên sự hấp dẫn, đặc sắc khi xây dựng chương trình biểu diễn. Độ khó, độ chuyên nghiệp của các tác phẩm vẫn giữ nguyên trong tiêu chí xây dựng nội dung chương trình, nhưng không nên để ở vị trí hàng đầu và phải linh hoạt hơn khi ứng dụng.

Đưa khán giả trở lại với các chương trình biểu diễn guitar cổ điển

Muốn xây dựng được các chương trình biểu diễn guitar hấp dẫn, thu hút được số lượng lớn người xem, trước tiên phải có các nghiên cứu về thị hiếu âm nhạc của khán giả Hà Nội nói chung, nhất là khán giả trẻ. Trong phạm vi bài báo, chúng tôi tập trung nghiên cứu các video đạt hơn 100 triệu lượt xem của các ca sĩ trẻ. Tuy rằng, còn nhiều ý kiến trái chiều về việc đạt được số lượng người xem lớn như vậy, nhưng đối với ngành biểu diễn guitar cổ điển thì khả năng thu hút số lượng lớn khán giả như các ca sĩ trong video này làm được là điều cần nghiên cứu và học hỏi. Các video chúng tôi nghiên cứu đó là: Bống bống bang bang của nhóm nhạc 365, hiện đạt 551,6 triệu lượt xem; Sóng gió của K-ICM và Jack, đạt 413,2 triệu lượt xem; Nơi này có anh của ca sĩ Sơn Tùng MTP, đạt 309,5 triệu lượt xem (3). Từ đó, rút ra một vài kinh nghiệm có thể ứng dụng cho biểu diễn guitar cổ điển:

Thứ nhất, phải chú trọng ngoại hình và cách ăn mặc. Xu hướng lựa chọn trang phục biểu diễn màu đen khi biểu diễn và chưa quan tâm nhiều đến ngoại hình của các nghệ sĩ guitar cần được điều chỉnh linh hoạt hơn. Trang phục lịch sự, phù hợp vóc dáng, ngoại hình của nghệ sĩ sẽ tạo thiện cảm cho đông đảo khán giả ngay từ cái nhìn đầu tiên. Đây là khởi đầu cho sự yêu mến và ủng hộ lâu dài của khán giả đối với nghệ sĩ.

Thứ hai, âm nhạc mang tính chất anh hùng, chiến đấu. Các nghệ sĩ có thể lựa chọn các tác phẩm có tính chất âm nhạc như vậy trong kho tàng tác phẩm guitar cổ điển thế giới. Ví dụ như, lựa chọn thể hiện chương 3 Sonata của tác giả L.Brouwer. Đây là tác phẩm guitar cổ điển có độ khó cao. Âm nhạc của chương nhạc này có tiết tấu dồn dập, nhanh mạnh. Những khoảnh khắc căng thẳng, quyết liệt được đẩy cao lên bằng kỹ thuật “rứt” dây đàn. Những mảng hòa âm liên tục được lặp lại, đan xen tạo ấn tượng. Kết bài bằng kỹ thuật vuốt tay trái từ dưới lên đầu cần đàn làm cho cảm xúc trong khán giả vỡ òa (4).

Thứ ba, về chất nhạc trữ tình. Các nghệ sĩ có thể lựa chọn tác phẩm Lipa vekovaia (Cây thế kỷ) của tác giả S.Rudnev. Đây là tác phẩm guitar cổ điển nổi tiếng của Nga, miêu tả một cô gái có vẻ đẹp điển hình của nước Nga cổ với mái tóc vàng được tết dài chấm gót chân. Tình yêu của cô sâu đậm đến nỗi cô biến thành cây tồn tại nhiều thế kỷ để chờ đợi người mình yêu. Việc giới thiệu nội dung như vậy sẽ khơi dậy cảm xúc và thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả.

Như vậy, các tác phẩm guitar cổ điển nổi tiếng vẫn được lựa chọn sử dụng để đảm bảo phong cách âm nhạc riêng của chương trình biểu diễn, ta chỉ cần bổ sung thêm các tính chất âm nhạc phù hợp với nhu cầu thưởng thức của khán giả, từ đó thu hút họ đến với các chương trình biểu diễn.

Cân đối giữa tỷ lệ học thuật và sự dễ nghe trong nội dung chương trình

Trong chương trình biểu diễn guitar cổ điển, bên cạnh các tác phẩm mà nghệ sĩ lựa chọn, nên bổ sung thêm các tác phẩm mà khán giả yêu thích và muốn nghe. Hai mảng tác phẩm này sẽ được phân bổ trong chương trình theo tỷ lệ 50:50. Như vậy, sẽ mang đến một chương trình vừa đáp ứng đúng nhu cầu người nghe, lại vừa có những điểm mới, chất lượng chuyên môn cao. Lưu ý là hai phần lựa chọn này phải bổ sung tính chất âm nhạc lẫn nhau. Tức, nếu trong phần tác phẩm khán giả thích là bản nhạc buồn, trữ tình, thì trong phần tác phẩm nghệ sĩ chọn lựa sẽ mang tính chất vui vẻ, nhanh nhẹn, và ngược lại.

Sáng tạo trong việc lựa chọn âm nhạc và cách thể hiện

Trong đào tạo guitar cổ điển, nguyên tắc đánh đúng, đánh đủ bản nhạc luôn được tuân thủ nghiêm khắc. Tuy nhiên, trong hướng phát triển hoạt động biểu diễn thành một nghề, nguyên tắc này cần được ứng dụng linh hoạt hơn. Bởi, khi nghệ sĩ hoàn thành khóa đào tạo tại các trường âm nhạc, họ đã thấm nhuần những nguyên tắc học thuật và âm nhạc của họ luôn toát lên phong cách guitar cổ điển. Môi trường biểu diễn trước đông đảo khán giả có nhiều khác biệt với môi trường đào tạo của trường lớp. Phải luôn mang đến những sự mới mẻ trong cách trình diễn mới tạo được sự bất ngờ, gây ấn tượng mạnh và thu hút khán giả. Phải tăng cường tìm kiếm các chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam và tự chuyển soạn để tạo nên sự phong phú, độc đáo cho nội dung biểu diễn mới làm cho đông đảo khán giả mong chờ, chờ đón chương trình biểu diễn.

Tần suất thực hiện các buổi hòa nhạc

Mỗi tháng nên có một chương trình biểu diễn chính và nhiều chương trình biểu diễn phụ. Những chương trình phụ này là các phần chia nhỏ từ chương trình chính, đóng vai trò tạo tính liên tục cho hoạt động biểu diễn, giữ chân khán giả, quảng bá và khơi dậy sự hấp dẫn của khán giả đối với chương trình biểu diễn chính. Ngoài ra, các chương trình phụ cũng là các bước chuẩn bị về chuyên môn cần thiết giúp cho nghệ sĩ liên tục rèn luyện, củng cố và phát triển các kỹ năng biểu diễn.

Không gian tổ chức các chương trình biểu diễn

Chương trình chính thì sẽ biểu diễn tại các phòng hòa nhạc của học viện âm nhạc, nhạc viện, hoặc các trung tâm văn hóa. Các chương trình phụ thì nên mở rộng phạm vi ở nhiều địa điểm để thu hút số lượng lớn khán giả. Có thể là tại các lớp học âm nhạc, câu lạc bộ guitar, trung tâm dạy nhạc hoặc quán cafe có sân khấu dành cho âm nhạc thính phòng. Tận dụng mạng internet, các kênh YouTube, Facebook để tăng cường quảng bá hình ảnh nghệ sĩ, tác phẩm.

Tìm kiếm các nhà tài trợ

Tại Hà Nội, việc tìm kiếm sự hỗ trợ hoặc tài trợ cho các nghệ sĩ guitar có thể đến từ nhiều nguồn, như:

Từ các nhà sản xuất đàn guitar trong nước, trước đây có hãng sản xuất đàn Việt Nam Swallow luôn hỗ trợ cho nghệ sĩ Lê Thu - một nghệ sĩ guitar cổ điển Hà Nội nổi tiếng thế giới trong các hoạt động biểu diễn của cô tại Hà Nội (5).

Từ các nhà buôn bán nhạc cụ, để tăng nhu cầu của người mua đối với các thương hiệu đàn guitar, các nhà chuyên bán nhạc cụ cần tìm cách làm nổi bật giá trị của cây đàn đó. Với tài năng của nghệ sĩ có thể thể hiện những vẻ đẹp của nhạc cụ tới đông đảo khán giả, qua đó, thuyết phục các nhà bán đàn tài trợ cho các kế hoạch biểu diễn của bản thân.

Các hãng đàn guitar quốc tế khi muốn thâm nhập thị trường sẽ cần tìm nghệ sĩ để quảng bá, giúp cho thương hiệu đến với đông đảo khán giả và người chơi đàn guitar tại Hà Nội.

Các mạnh thường quân yêu quý cây đàn guitar và sẵn lòng ủng hộ vì sự phát triển của cây đàn tại Thủ đô Hà Nội.

Quy trình xây dựng nội dung chương trình biểu diễn guitar cổ điển theo hướng phát triển thành nghề biểu diễn

Việc xây dựng hoạt động biểu diễn guitar cổ điển thành một nghề là bước đi cần thiết để giúp guitar cổ điển Hà Nội phát triển. Sự ổn định trong công việc sẽ giúp nghệ sĩ yên tâm cống hiến cho nghệ thuật, xã hội nhìn thấy tương lai sáng của ngành nghề guitar cổ điển và sẵn sàng đầu tư cho con cái theo học. Khi hoạt động biểu diễn guitar cổ điển phát triển, đời sống tinh thần của người dân Hà Nội cũng được bổ sung để trở nên phong phú, đa dạng hơn.

Trên khắp cả nước, có hàng trăm trường đào tạo âm nhạc với nhiều lĩnh vực chưa được phát triển thành nghề biểu diễn. Khi đưa được lĩnh vực biểu diễn guitar cổ điển tại Hà Nội trở thành nghề biểu diễn, sẽ là một minh chứng cụ thể cho giải pháp đầu ra của đào tạo âm nhạc tại Việt Nam. Qua đó, góp phần tạo ra nhiều công việc và thu nhập cho các thế hệ nghệ sĩ chuyên ngành guitar cổ điển cũng như các chuyên ngành nhạc cụ khác tại Việt Nam. Để làm được điều đó, chúng ta cần quan tâm đến một số vấn đề như sau:

Cần có sự chung tay vào cuộc của các cấp lãnh đạo thành phố Hà Nội để tạo điều kiện cho các nghệ sĩ guitar cổ điển được cống hiến. Đây là những nghệ sĩ có khả năng trình diễn giỏi, đủ khả năng truyền bá âm nhạc guitar khắp nơi, lôi cuốn, chinh phục khán giả, cống hiến những tinh hoa, vẻ đẹp âm nhạc cho cuộc sống. Và họ là những hạt nhân quan trọng để có thể phát triển lĩnh vực biểu diễn nhạc cụ.

Các cơ sở sản xuất và buôn bán nhạc cụ nên chú trọng việc hỗ trợ hoạt động biểu diễn cho các nghệ sĩ. Hiện nay, nhu cầu học guitar tại Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, người học lại không biết nhiều để có thể chọn lựa được những cây đàn tốt, ưng ý. Cho nên các nghệ sĩ, với khả năng thể hiện tốt nhất chất lượng nhạc cụ của mình sẽ là cầu nối quan trọng giữa các cơ sở sản xuất, buôn bán và người mua guitar.

Các cơ sở đào tạo âm nhạc nên tổ chức thêm nhiều hoạt động giao lưu âm nhạc, nhất là các cuộc biểu diễn giao lưu giữa nghệ sĩ các nước có nền guitar phát triển. Việc được trực tiếp tiếp xúc với các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự nỗ lực tự hoàn thiện trình độ của các nghệ sĩ guitar cổ điển Hà Nội.

Các nhà hảo tâm đầu tư, hỗ trợ cho các nghệ sĩ có cơ hội tổ chức hoặc tham dự các cuộc biểu diễn có quy mô lớn. Đó là những trải nghiệm có giá trị, giúp cho các nghệ sĩ ngày càng trở nên tự tin hơn trong biểu diễn nghệ thuật.

___________________

1. Nhiều tác giả, Nghệ thuật trình tấu ghita cổ điển ở Hà Nội, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 2012.

2. Chương trình độc tấu guitar của nghệ sĩ Nguyễn Văn Phúc, tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, số 24 phố Tràng Tiền, Hà Nội, ngày 15-8-2011.

3. Số liệu được lấy từ mạng xã hội YouTube, ngày 26-9-2022.

4. Leo Brouwer, Sonata, 3rd movement (chương 3 của bản Sonat), youtube.com, 1-4-2013.

5. Minh Anh, Dư âm “Guitar và đam mê” với nhà làm đàn Swallow, danviet.vn, 9-11-2018.

Tài liệu tham khảo

1. Charles Duncan, The art of Classical Guitar Playing (Nghệ thuật chơi guitar cổ điển),Summy -Birchard,Mỹ, 1980.

2. Руднев Сергей Иванович, Русский стиль игры на классической гитаре (Phong cách chơi guitar cổ điển của Nga), Тула, 2002.

3. Н.П. Михайленко, Методика преподавания гитары 6 струн (Phương pháp dạy đàn guitar 6 dây), Kiev, 2003.

4. Phạm Ngữ, Tự học Ghita, Hà Nội, 1981.

5. Nguyễn Thành Phương, Đàn guitar cổ điển, Nxb Âm nhạc, 1998.

6. Tạ Tấn, Phương pháp học Ghita, Hà Nội, 2008.

TS NGUYỄN VĂN PHÚC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 512, tháng 10-2022

;