Nâng cao chất lượng ca hát quần chúng tại các đơn vị cơ sở trong quân đội hiện nay

Trong môi trường Quân đội, hoạt động văn hóa, văn nghệ là một việc cần thiết, nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ chiến sĩ, góp phần xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ sôi nổi trong đơn vị, gắn kết tình nghĩa quân dân nơi địa bàn đóng quân. Ca hát là hoạt động thường xuyên trong những giờ nghỉ, ngày nghỉ, trong các hội diễn nghệ thuật quần chúng từ cấp tiểu đoàn đến cấp toàn quân. Qua các dịp hoạt động và kỳ hội diễn, nhiều cán bộ/ chiến sĩ có năng khiếu ca hát đã được phát hiện và bồi dưỡng, nhằm nâng cao khả năng ca hát, làm hạt nhân nòng cốt cho đơn vị.

Có thể nói, Hội diễn Nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên lần thứ IX năm 2019 với chủ đề Bài ca nâng bước quân hành là một cơ hội cho các giọng ca xuất sắc trong phong trào ca hát toàn quân được tỏa sáng. Phải kể đến như: Nguyễn Công Chức (Bộ tham mưu/ Quân đoàn 2), Dương Huyền Trang (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), Y Truyền Ni Ê (Sư đoàn 10/ Quân đoàn 3), Lê Văn Thủy (Lữ đoàn 205/ Binh chủng Thông tin Liên lạc), Trần Minh Tuấn (Học viện Hậu cần), Phùng Minh Tiến (Nhà văn hóa/ Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội)… Mặc dù là hội diễn không chuyên nhưng chất lượng của những giọng ca trên đều có thể tham gia vào hoạt động ca hát chuyên nghiệp. Đáng nói là đa số những giọng ca xuất sắc đó đều đã từng có thời gian học tập tại Khoa Văn hóa cơ sở nay là Khoa Quản lý văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, mái trường chiến sĩ - nghệ sĩ.

Với truyền thống gần 30 năm xây dựng và phát triển, Khoa Quản lý văn hóa là một trong những đơn vị tiêu biểu của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Các thế hệ giảng viên của Khoa đã chung tay, hợp sức để có được những thành tựu nhất định trong công tác đào tạo. Thanh nhạc là một trong những môn thực hành nghệ thuật nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho cán bộ làm công tác văn hóa thúc đẩy phong trào ca hát tại các đơn vị cơ sở trong Quân đội, nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho bộ đội, phát hiện ra những hạt nhân triển vọng. Chất lượng đào tạo thanh nhạc của Khoa Quản lý văn hóa từ trước tới nay đã có nhiều thành tựu, được nhà trường và các đơn vị trong toàn quân đánh giá cao. Với sự phát triển của xã hội và thực tiễn hiện nay, việc luôn nâng cao chất lượng đào tạo thanh nhạc của Khoa và các mô hình hoạt động văn hóa, văn nghệ tại các đơn vị cơ sở trong toàn quân cần có những thay đổi để đáp ứng được nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của bộ đội.

 Về công tác giảng dạy thanh nhạc

Một là, về đội ngũ giảng viên: cần nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn ở những bậc học cao hơn để trau dồi kiến thức, làm chủ công tác giảng dạy, đáp ứng chất lượng giảng dạy ngày càng cao. Tìm hiểu thêm lĩnh vực công nghệ thông tin, để có nhiều công cụ đáp ứng tốt công việc giảng dạy, như các phần mềm thu âm, chỉnh sửa âm nhạc: Cubase, Nuendo, Audacity... Ví dụ, khi học xong một ca khúc, nếu cho học viên ghi âm lại giọng hát của mình, thì giảng viên có thể nghe lại và uốn nắn kỹ hơn việc nhả chữ hoặc xử lý lại âm thanh to nhỏ, giúp học viên tiến bộ hơn. Bên cạnh đó, thu thanh cũng là một kỹ thuật quan trọng của người học thanh nhạc.

Giảng viên phải thường xuyên nâng cao trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, nhằm tìm hiểu những tài liệu giảng dạy thanh nhạc mới, tiên tiến trên thế giới. Giảng viên biết ngoại ngữ có thể nghe và hiểu được các video giảng dạy của những giảng viên uy tín trên thế giới, cũng như đảm bảo giao tiếp trong quá trình liên kết, giao lưu với một số trường nghệ thuật ở các nước như Mỹ, Trung Quốc, Nga...         

Giảng viên phải luôn đổi mới phương pháp giảng dạy theo xu hướng hiện đại mới, nghiên cứu phù hợp với học viên. Tăng cường sử dụng những ca khúc mới cho học viên thể hiện, để học viên có thêm nhiều vốn bài, gắn liền với thực tiễn thưởng thức của xã hội. Khi hướng dẫn học viên thể hiện ca khúc, cần hướng dẫn cả phong cách biểu diễn phù hợp với nội dung của ca khúc, tránh chỉ đứng hát theo lối mòn dẫn đến khi học viên lên sân khấu diễn bị thô cứng, thiếu hòa nhập với tổng thể chương trình nghệ thuật. Phương pháp sư phạm của giảng viên nên thay đổi theo từng đối tượng, nghiên cứu đặc điểm từng giọng hát để tìm ra phương pháp cũng như dòng nhạc phù hợp, tránh áp dụng một phương pháp cho nhiều học viên. Qua đó, phát triển theo hướng đi riêng của học viên, có thể dạy kỹ về kỹ thuật thanh nhạc, đồng thời tư vấn, định hình cho học viên đi theo hướng riêng của mình.

 Tăng cường cho giảng viên tham gia dàn dựng các chương trình nghệ thuật để có thêm kiến thức thực tiễn áp dụng vào giảng dạy, tránh xa rời thực tế, quá đi sâu vào sách vở, thiếu tính thực hành. Giảng viên trẻ cần học hỏi đồng nghiệp và thế hệ đi trước để có thêm nhiều vốn kiến thức, nâng cao hiệu quả giảng dạy.

Hai là, về chương trình, giáo trình: bổ sung thêm các bài luyện thanh để trau dồi kỹ thuật thanh nhạc, nhất là hơi thở và nâng cao thẩm mỹ âm nhạc. Nội dung chương trình sẽ tăng thêm các ca khúc ở nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, giúp học viên biết cách hát nhiều dòng nhạc, âm hưởng các vùng miền. Bổ sung thêm số lượng các bài hát tốp ca, giúp học viên nâng cao khả năng hát nhóm, hát bè...

Ngoài ra, giảng viên nên áp dụng luyện thanh vận động, thay vì chỉ đứng một chỗ. Bởi khi hát, học viên vẫn thường phải biểu diễn, đi lại, nhảy múa để ca khúc thêm sinh động. Các mẫu luyện thanh cần ứng dụng và sát với tính chất của ca khúc mà giảng viên giao cho học viên, giúp học viên có thể ứng dụng kỹ thuật luyện thanh vào thể hiện ca khúc. Giảng viên nên áp dụng hình thức vừa luyện thanh cá nhân vừa luyện thanh tập thể. Phối hợp linh hoạt giữa hai hình thức để vừa đảm bảo thời gian lên lớp, vừa đảm bảo chất lượng buổi học.

Theo sách Phương pháp sư phạm thanh nhạc của Nguyễn Trung Kiên, giảng viên cần thực hiện một cách nghiêm túc, sáng tạo trên cơ sở 3 nguyên tắc sư phạm thanh nhạc: thống nhất sự phát triển kỹ thuật và phát triển nghệ thuật; nắm vững dần dần và liên tục nắm vững kỹ thuật hát; tiếp cận với từng cá nhân học viên.

Trách nhiệm của người thày trong việc giáo dục, đào tạo ca sĩ vô cùng to lớn, nhưng nhiệm vụ của học sinh cũng không phải nhỏ, cả hai phía phải phối hợp chặt chẽ, có như vậy mới tạo được kết quả tốt. Những nguyên tắc cơ bản của phương pháp sư phạm nêu trên cũng là những nguyên tắc chung của giáo dục, đào tạo âm nhạc. Đó là bản chất của phương pháp khoa học, được đúc kết hàng thế kỷ của các trường phái thanh nhạc nổi tiếng trên thế giới.

Ba là, tăng cường giao lưu với các cơ sở đào tạo thanh nhạc. Giảng viên thanh nhạc rất năng động trong các hoạt động giảng dạy, nhưng trong thời gian tới, cần có những buổi trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp ở những cơ sở đào tạo thanh nhạc khác, nhằm tiếp thu phương pháp giảng dạy mới, kịp thời điều chỉnh, để nâng cao chất lượng học viên. Giảng viên cần tìm hiểu các cuộc thi thanh nhạc phù hợp với học viên, động viên các em đi thi và giúp đỡ các em chuẩn bị tốt để có kết quả cao nhất, giúp học viên tiến bộ, thúc đẩy phong trào học thanh nhạc trong khoa sôi nổi, qua đó cũng phản ánh được chất lượng đào tạo của Khoa.

Bốn là, tăng cường đưa các loại hình hát đồng ca, hợp xướng vào giảng dạy, giúp học viên có thêm kỹ năng hát tốp ca, đồng ca, hợp xướng, để có thể hát bè, hát đồng đều, hòa quyện, biết xử lý sắc thái, nâng cao trình độ âm nhạc. Ngay từ khi học trong nhà trường, nếu học viên được tham gia nhiều thì sẽ vững vàng, không bỡ ngỡ khi trực tiếp làm việc. Thực hành từ các kiến thức như phân loại giọng hát, nhận biết đặc điểm giọng hát, cách dàn dựng hát đảm bảo các yếu tố như tính hòa quyện, sắc thái, âm chuẩn trong quá trình hát.

Năm là, biên soạn tuyển tập ca khúc cho học viên ngành Quản lý văn hóa. Tuyển tập được phân loại theo chủ đề, giai đoạn của lịch sử âm nhạc, tính chất âm nhạc, địa phương, vùng miền... theo các loại giọng trong thanh nhạc. Điều đó sẽ giúp học viên thuận tiện trong việc lựa chọn ca khúc, thể hiện được nhanh, chính xác, phù hợp với chất giọng; đồng thời, các ca khúc được thể hiện đúng với tinh thần, ý đồ của tác giả.

Sáu là, đưa học viên về các đơn vị cơ sở thực tập và tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ. Phương châm đào tạo của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội là: “Đào tạo cái Quân đội và xã hội cần, tất cả hướng về đơn vị cơ sở, gắn sát thực tiễn xã hội”. Nên khi ở các đơn vị cơ sở có hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội diễn nghệ thuật quần chúng, học viên sẽ được tham gia trực tiếp. Ví dụ như trong Hội diễn Nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên toàn quân 2019, nhiều học viên của Khoa đã tham gia giúp các đơn vị, một số em đạt giải cao và từng bước trưởng thành. Bên cạnh đó, tăng cường đưa học viên đến xem các chương trình nghệ thuật của các nhà hát trong và ngoài Quân đội để học hỏi.

Về hoạt động ca hát tại các đơn vị cơ sở trong toàn quân

Thứ nhất, tăng cường tổ chức các cuộc tập huấn phong trào văn hóa, văn nghệ từ cấp Sư đoàn đến cấp Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng, Binh chủng, Tổng cục… nhằm nâng cao chuyên môn thực hành các loại hình nghệ thuật, trong đó có thanh nhạc, để các cán bộ duy trì được khả năng, cập nhật được những kiến thức mới áp dụng vào hoạt động thực tiễn tại đơn vị. Điển hình là những đợt tập huấn công tác văn hóa, văn nghệ của Quân khu 3 năm 2018, Tổng cục Kỹ thuật năm 2019, Học viện Biên Phòng năm 2020… với sự tham gia của các giảng viên Khoa Quản lý văn hóa (Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) đạt kết quả rất tốt.

Thứ hai, nâng cao chất lượng hội diễn nghệ thuật quần chúng. Hiện nay, chất lượng các hội diễn tại những đơn vị cơ sở đã có nhiều thay đổi, thích ứng với sự phát triển của thực tiễn, nhưng chất lượng còn chưa đồng đều. Các đơn vị cần tăng cường thời gian tập luyện, đi sâu hơn về nội dung nghệ thuật. Mời những đạo diễn có chuyên môn sâu để chỉ đạo chương trình, tận dụng và khai thác tốt hơn nữa hạt nhân văn nghệ tại đơn vị mình và lực lượng kết nghĩa địa phương, vì chiến sĩ trẻ có rất nhiều tài năng về văn nghệ cần được tìm hiểu, thậm chí có những chiến sĩ đã được học qua các trường đào tạo về âm nhạc.

Thứ ba, tuyển chọn những hạt nhân tiêu biểu trong phong trào ca hát tại các đơn vị cơ sở nhằm bổ sung cho các đội nghệ thuật quần chúng và là nguồn bổ sung học viên cho Khoa Quản lý văn hóa. Đào tạo để là cán bộ văn hóa cơ sở nòng cốt sau này. Cán bộ tuyển chọn hạt nhân cần đến tận đơn vị cơ sở như: Đại đội, Tiểu đoàn… hòa nhập và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, từ đó sẽ phát hiện ra nhiều nhân tố điển hình, không chỉ trong ca hát mà còn ở nhiều loại hình nghệ thuật khác như: nhạc cụ, múa, sân khấu…

Thứ tư, đầu tư kinh phí để nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Hiện nay, ở nhiều đơn vị, loa máy phục vụ văn nghệ đã cũ, xuống cấp, khi có hội diễn phải đi thuê bên ngoài, gây tốn kém về kinh phí và sự chủ động trong hoạt động. Nhiều đơn vị còn thiếu nhạc cụ biểu diễn như đàn guitar, organ… làm hạn chế chất lượng luyện tập.

Tóm lại, việc nâng cao chất lượng ca hát tại các đơn vị cơ sở trong toàn quân là một nhiệm vụ quan trọng từ phía cơ sở đào tạo, cũng như công tác quản lý, tổ chức hoạt động tại đơn vị. Qua đó, nhằm phát hiện những hạt nhân tiêu biểu làm nòng cốt cho hoạt động văn hóa văn nghệ sau này, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức, nâng cao đời sống tinh thần cho bộ đội, tạo động lực để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

__________________

Tài liệu tham khảo

1. Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội 60 năm xây dựng và trưởng thành, Nxb Quân đội nhân dân, 2015.

2. Nguyễn Trung Kiên, Phương pháp sư phạm thanh nhạc, Viện Âm nhạc, Hà Nội, 2001.

Ths DƯƠNG TRỌNG THÀNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 509, tháng 9-2022

;