Nam Bộ là vùng đất đa tộc người với đặc thù về khí hậu, địa lý gắn với đời sống lao động của cộng đồng dân cư, đã hình thành nhiều nét văn hóa đặc sắc, độc đáo, được tích hợp qua thời gian, trở thành những di sản văn hóa. Chủ thể văn hóa nơi đây chính vẫn là người Việt, bên cạnh đó là các tộc người thiểu số cư dân bản địa như: Xtiêng, Chơ ro, Mạ, Mnông hoặc di dân như Khmer, Hoa, Chăm, Tày, Mường, Ngái… Bên cạnh những di sản văn hóa đặc sắc như đờn ca tài tử, hát vọng cổ, các điệu hò, điệu lý hay những làng nghề thủ công truyền thống… thì nghệ thuật trình diễn dân gian, trong đó có nghệ thuật múa của các dân tộc góp phần không nhỏ vào bức tranh sắc màu văn hóa đặc sắc vùng Nam Bộ.
Nghệ thuật múa bóng rỗi thường được tổ chức vào các dịp lễ hội tại các đền miếu Nam Bộ. Người múa phải có vũ đạo đẹp, điêu luyện, hóa trang bắt mắt, vừa múa, vừa đọc những bài vè thường nói về gốc tích đền thờ mình đang biểu diễn hay những bài vè nói về tổ tiên, đất nước, tục lệ người xưa, tình yêu thương con người, sự hiếu thảo trong gia đình… Bên cạnh đó, người múa phải có năng khiếu đặc biệt tổng hợp về ca, diễn và múa, phải có sức khỏe, khéo léo, dẻo dai, nhạy bén trong cảm âm và có chất giọng tốt. Trang phục của người múa bóng rỗi rất sặc sỡ, màu sắc. Tuy nghi thức và tiết mục mỗi nơi một khác, nhưng tựu trung vẫn là múa dâng mâm, dâng bông, múa ghế, múa lu, múa mâm vàng, múa dao, múa ghế, múa xoay đĩa, rót rượu bằng đầu, múa rắn… Đến nay, loại hình nghệ thuật dân gian này đang bị mai một dần, do không còn nhiều nghệ nhân theo đuổi nghề bởi nhiều lý do:
Để theo đuổi nghề hát múa bóng rỗi, phải rèn luyện công phu mới thành nghệ nhân thiện nghệ. Trước đây, ở vùng đất Nam Bộ, những người năng đi đền, miếu hầu như đều biết tên các nghệ nhân bóng rỗi như: Địa Hữu Lợi, Địa Tí, Nàng Nên, Nàng Hóa, Nàng Hồng, bóng Thu Hồng, bóng Tuấn... Còn hiện nay, do các nhóm bóng rỗi gần như hoạt động ngoài luồng, tự phát, ít có cơ hội kiếm sống dẫn đến ít người muốn theo nghề. Bởi vậy, nghệ thuật bóng rỗi đang đối diện với nguy cơ thất truyền. Ông Phạm Lơ, một trong những nghệ nhân tham gia Liên hoan Nghệ thuật diễn xướng dân gian “Bóng rỗi - Địa Nàng” diễn ra tại Đồng Nai tháng 5-2017 cho biết, cả tỉnh Đồng Nai không tìm được nghệ nhân diễn vai địa, còn thủ vai nàng lại là một nghệ nhân đã cao tuổi.
Nghệ nhân Ngô Thị Tư ở ấp An Thạnh, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè (Tiền Giang) cho biết để trở thành một nghệ nhân lành nghề, bà phải học qua 6 thày, chưa kể học lỏm của nhiều thày khác và bạn bè. Chỉ trong phần học rỗi, người rỗi hay và đúng bài cơ bản phải biết hát: Xuân - Ai - Đảo - Lý; trong rỗi có: hát sóng đâu, ngừng thàn, mường, san, thài; còn điệu lý thì cúng trang (tại gia) hát lý cây bông; cúng miễu Bà hát lý con cá; miễu Ông hát rỗi lý ngựa ô... Mâm vàng để cúng Bà, mâm bạc dành cúng Ông và mâm ngũ sắc thì ứng với ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.
Múa bóng rỗi là loại hình nghệ thuật có từ thời khai hoang, lập ấp của cư dân Nam Bộ. Nếu như ở vùng Bắc Bộ, tục thờ Mẫu thường gắn với nghi lễ hầu đồng và hát chầu văn, thì ở vùng đất Nam Bộ, nơi nào có tục thờ nữ thần thì thường có diễn xướng múa bóng. Có một thời, hát múa bóng rỗi bị đánh đồng với các hủ tục đồng bóng như: bóng cốt, bóng xá… nên bị ngăn cấm. Về sau, múa bóng được các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian phân tích và chỉ ra đây là một hình thức diễn xướng dân gian độc đáo, là vốn quý trong kho tàng văn hóa dân tộc cần được trân trọng, gìn giữ.
Nghệ thuật múa truyền thống các dân tộc vùng Nam Bộ đã trở thành nét đẹp văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của bà con dân tộc, trong đó, không thể không nhắc tới nghệ thuật múa của tộc người Khmer.
Người Khmer Nam Bộ rất yêu thích nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật truyền thống đó như thấm vào máu, thấm vào tâm hồn họ, tạo thành phong cách văn hóa Khmer. Hễ có tiếng trống, điệu nhạc là có múa, có hát, từ già, trẻ, trai, gái đều hào hứng tham gia hồn nhiên, thoải mái, hát múa rất cuồng nhiệt, say sưa.
Hiện nay, múa Khmer phát triển mạnh mẽ cả về thể loại lẫn chất lượng. Tuy nhiên, việc nuôi dưỡng, bảo tồn, giữ gìn và phát huy nghệ thuật múa Khmer vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn như vấn đề kinh phí hoạt động còn eo hẹp, sự xuống cấp của trang thiết bị. Mặt khác, không gian của nghệ thuật múa Khmer còn bó hẹp ở chùa chiền, phum sóc, chứ chưa được phổ biến rộng rãi, vì vậy chưa thể đáp ứng tốt nhu cầu thưởng thức của người dân, cũng như phát huy hết tiềm năng.
Sự phong phú, đặc sắc của nghệ thuật múa các dân tộc vùng Nam Bộ còn thể hiện trong múa của dân tộc Mạ, Chơ ro hay Xtiêng cũng rất độc đáo với các thể loại như: múa trong sinh hoạt, múa trong lao động, múa tín ngưỡng hay múa dân tộc Chăm với thể loại múa Chăm cung đình và Chăm dân gian… Những năm qua, nghệ thuật múa của các dân tộc này luôn nhận được sự quan tâm từ nhiều phía, chính quyền, ngành Văn hóa các cấp và chủ thể đóng vai trò quan trọng với việc bảo tồn giá trị di sản trong đời sống cộng đồng. Bên cạnh những kết quả đạt được, nghệ thuật múa của các dân tộc thiểu số vẫn đứng trước những nguy cơ mai một. Trước hết, trong quá khứ, nhiều sinh hoạt truyền thống các dân tộc không được duy trì do chiến tranh. Môi trường sống và những sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng cao như lễ hội, sinh hoạt buôn làng không còn. Đây chính là yếu tố xã hội làm mai một nghệ thuật múa. Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế khó khăn, ý thức giữ gìn vốn văn hóa từ cộng đồng chưa cao. Thêm vào đó, số người lớn tuổi mất đi đồng nghĩa với những hiểu biết, vốn di sản của họ cũng vì thế mà không còn. Trong xu thế hiện nay, thế hệ trẻ có cơ hội tiếp xúc với nhiều giá trị văn hóa hiện đại, nên chưa hiểu, quý trọng và có điều kiện để gìn giữ, phát huy vốn di sản của dân tộc, trong đó có nghệ thuật múa. Hơn nữa, công tác bảo tồn nghệ thuật múa dân gian truyền thống chưa thực sự được quan tâm như một số môn nghệ thuật truyền thống khác. Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, chỉ duy nhất Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật có chương trình nghiên cứu, giảng dạy nghệ thuật múa của người Mạ, Châu ro. Một số chương trình, tiết mục được sưu tầm, biên soạn trên cơ sở gốc, đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật múa nhưng chưa thật sự mang lại hiệu quả cao.
Vùng đất Nam Bộ là nơi hội tụ bởi nhiều tộc người, trong đó tập trung đông nhất là người Kinh, Khmer, Chăm và một số các dân tộc thiểu số, đã tạo nên bản sắc văn hóa Việt ở phía Nam “vừa thống nhất vừa đa dạng trong sắc màu văn hóa”. Vùng đất cộng cư này đã diễn ra mối quan hệ, giao lưu văn hóa trên nhiều lĩnh vực, tạo nên bản sắc văn hóa đặc thù của Nam Bộ. Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản săc văn hóa dân tộc”, Nghị quyết T.Ư 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và gìn giữ nghệ thuật truyền thống của dân tộc, trong đó có nghệ thuật múa, chúng tôi xin được đề xuất một số giải pháp như sau:
Một là, điều tra về di sản múa các dân tộc vùng Nam Bộ.
Các cơ quan có chức năng quản lý về văn hóa nghệ thuật cần có những chủ trương, giải pháp hữu hiệu và đầu tư kinh phí để tiến hành tổng điều tra hiện trạng về di sản nghệ thuật múa truyền thống các dân tộc vùng Nam Bộ, từ đó, đánh giá thực trạng và đưa ra hướng bảo tồn.
Hai là, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng và xây dựng môi trường văn hóa.
Nâng cao nhận thức của cộng đồng các tộc người nói chung và vùng Nam Bộ nói riêng trong việc nhận biết những di sản múa đặc sắc, quý báu của dân tộc mình. Chỉ có con đường nuôi dưỡng và bảo tồn trong môi trường của chủ thể văn hóa thì các giá trị văn hóa mới có sức sống trường tồn.
Tại địa phương các tộc người sinh sống, cần tổ chức các lớp sinh hoạt cộng đồng và duy trì đều đặn, thường xuyên. Xây dựng và tổ chức các câu lạc bộ, đội nhóm để truyền dạy lại múa dân tộc, thế hệ trước truyền cho thế hệ sau nối tiếp. Bảo tồn, nuôi dưỡng nghệ thuật truyền thống ngay từ trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư và từng địa phương để nghệ thuật dân gian các dân tộc trở về với cộng đồng dân tộc thông qua các hoạt động truyền dạy ngay từ trong gia đình, dòng họ, khu dân cư, nhà văn hóa, câu lạc bộ và trong các cơ sở giáo dục. Xem xét việc đưa múa vào học đường như một môn thể chất, nhằm bảo tồn nghệ thuật múa truyền thống các dân tộc cho lớp trẻ, nhất là lứa tuổi thanh niên.
Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa. Tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc biết tự hào và trân trọng những giá trị tinh thần, đạo đức, phong tục tốt đẹp của mình, phát huy các giá trị văn hóa tích cực truyền thống trong cuộc sống mới. Xây dựng và thực hiện quy ước văn hóa trên cơ sở kết hợp những yếu tố truyền thống tốt đẹp. Tổ chức hình thức hoạt động văn hóa lành mạnh để thu hút đồng bào và nhân dân tham gia. Đưa nghệ thuật múa truyền thống các dân tộc vùng Nam Bộ vào khai thác du lịch cộng đồng tại địa phương trong thời gian tới.
Ba là, đa dạng hóa các hình thức quảng bá nghệ thuật múa trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu để đồng bào các dân tộc tự hào và nhận biết được những bản sắc, đặc trưng, giá trị di sản múa quý giá của dân tộc mình. Từ đó cùng nhau chung sức nuôi dưỡng, bảo tồn những giá trị ấy. Giới thiệu, quảng bá nghệ thuật múa trên các phương tiện thông tin đại chúng. Để di sản múa đến với đồng bào, dân chúng một cách hiệu quả, các cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình nên xây dựng định kỳ các chuyên mục về múa dân gian các dân tộc vùng Nam Bộ.
Trong thời đại ngày nay, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện đáng kể. Các phương tiện thông tin đại chúng đã đến từng nhà, từng người. Khi mắt thấy, tai nghe, đồng bào sẽ thêm phần tự tôn, tự hào về bản sắc dân tộc, tự hào về sự sáng tạo nghệ thuật truyền thống của cha ông. Từ đó sẽ thêm hiểu, thêm yêu và thêm quý để tự nguyện, tự giác bảo vệ di sản vốn múa quý.
Bốn là, tổ chức các hoạt động liên hoan, hội diễn.
Duy trì tổ chức các hoạt động lớn như: Ngày hội Văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số, Hội thi biểu diễn dân ca, dân vũ, trình diễn trang phục truyền thống, Liên hoan dân ca, dân vũ, dân nhạc… khuyến khích mặc trang phục truyền thống của đồng bào vào các ngày lễ, tết truyền thống… nhằm khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Các cuộc liên hoan, hội diễn văn nghệ khuyến khích các tài năng múa là con em người dân tộc thiểu số. Từ đó phát động các phong trào sưu tầm, phục dựng, bảo tồn để từ đó các điệu múa sống trong dân, tồn tại trong dân, được dân yêu thích và tự hào.
Năm là, triển khai chính sách văn hóa của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống.
Cần có những chính sách, quan tâm bồi dưỡng động viên những nghệ nhân, nghệ sĩ có tâm huyết và có trách nhiệm bảo tồn văn hóa dân tộc. Tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ nắm giữ và có công phổ biến nghệ thuật truyền thống. Có chính sách hỗ trợ công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa và văn nghệ sĩ các dân tộc.
Sáu là, đưa múa các dân tộc vào học đường, trong các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp và không chuyên.
Việc nuôi dưỡng, bảo tồn cần có hướng phát triển về múa dân tộc bằng cách đưa chất liệu múa từ cộng đồng vào những sáng tác của các nhà biên đạo múa. Từ bàn tay nhào nặn với trí tuệ và tư duy nghệ thuật cùng tư duy thẩm mỹ của các nhà biên đạo, các tác phẩm múa được xây dựng dựa trên ngôn ngữ, chất liệu múa của dân tộc sẽ được đưa lên sân khấu chuyên nghiệp, nâng thêm tầm giá trị, được lan tỏa rộng khắp và phát triển bền vững. Tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, tư liệu hóa, viết sách giáo trình hay sách chuyên khảo về múa dân gian các dân tộc vùng Nam Bộ để đưa vào giảng dạy trong các trường văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp.
Hoàn thiện hệ thống giáo trình, chương trình đào tạo chính quy, không chính quy và đào tạo ngắn hạn. Hằng năm, cần có chỉnh lý, bổ sung, có trao đổi, tập huấn giáo viên và rất cần có sự quan tâm trực tiếp, thống nhất trong thực hiện chương trình đào tạo của cơ quan chủ quản về đào tạo nghệ thuật truyền thống, giữa các cơ sở đào tạo ở các địa phương và Trung ương, rút ngắn khoảng cách về chất lượng đào tạo.
Ths TRƯƠNG THỊ NGỌC BÍCH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 509, tháng 9-2022