Trong đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân, múa tín ngưỡng gần gũi và gắn bó với phong tục tập quán của các tộc người Việt Nam. Múa tín ngưỡng cũng như các loại hình nghệ thuật múa khác, là một môn nghệ thuật phản ánh các hiện tượng của cuộc sống, khát vọng của con người thông qua hình thức biểu hiện đặc trưng: ngôn ngữ hình thể, điệu bộ, nét mặt, dáng người, qua đội hình, tiết tấu, giai điệu của âm nhạc… Múa tín ngưỡng do thày cúng, thày mo thực hiện, nhằm phục vụ nhu cầu của con người, được hình thành và phát triển trong môi trường tín ngưỡng, nghi lễ và các tập tục của từng dân tộc. Đối với người Tày, múa tín ngưỡng (múa Then) mang ý nghĩa cúng tế, cầu đảo, thể hiện truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, sinh hoạt, lao động của đồng bào.
1. Đặc trưng múa Then của dân tộc Tày
Múa Then của người Tày thực hiện trong các nghi lễ thờ cúng và có sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố: không gian, thời gian, sự tương tác giữa các thành phần tham gia nghi lễ với sự phối hợp chặt chẽ của các thành tố nghệ thuật khác như: âm nhạc, múa, mỹ thuật... Múa Then có tác dụng biểu đạt bằng động tác làm rõ hơn nội dung nghi lễ, tạo nên đặc trưng của nghi lễ Then.
Thực hiện nghi lễ Then thường là một “bà Then”, “ngài Then”, khi đã nhập thần, nhập hồn thì bà Then trở thành những vị thánh thần, thần ma điều khiển binh tướng trừ ma ác, mời ma lành, ma chữa bệnh, xin thần thánh ban phước lành cho mùa màng tươi tốt, bản làng yên vui… Bà Then là người thừa hưởng kinh nghiệm, nắm được phong tục tập quán dân tộc nên trong các việc lễ tế… dân bản thường mời đến giúp. Bà phải hát hay, múa giỏi và có khả năng biểu cảm, để tạo ra sức mạnh, sức chinh phục khi nhập hồn, nhập thần. Bà Then vừa hát cúng, vừa múa, vừa đánh đàn tính hoặc một tốp hát, một tốp múa tùy nội dung từng bài Then. Bà Then thường sử dụng nửa thân trên là chủ đạo, đôi cánh tay, vai, ngực, chuyển động tạo tuyến gấp khúc thành đường vòng cung, cổ tay nhấn, bật, nẩy, biểu cảm mạnh, diễn tả tính ma thuật, huyền bí.
Các điệu múa của Then
Múa Then Tày có nhiều điệu như: múa chầu, múa sluông, múa tán hoa, múa quang cầu, chèo đò..., trong đó có ba điệu múa chính: múa chầu, múa sluông, múa tán hoa được sử dụng nhiều nhất.
Múa chầu là màn múa đoàn quân Then vái lạy trước thánh thần với tính chất linh thiêng, tôn kính, đầy vẻ huyền bí, gồm chầu thuông, chầu quạt và chầu đàn.
Chầu thuông: Hai bàn tay của người múa bật nhạc sắc gọn, múa theo nội dung bài cúng và các bài hát Then. Hai cánh tay của người múa được đảo liên tục từ thấp lên cao, từ phải sang trái theo hình số 8 nằm ngang, nhịp nhàng theo nhịp bước nhún nhảy của đôi chân. Thân trên lúc cúi rạp xuống sát đất rồi đảo, đẩy lên cao, khi thì uốn lượn vòng tròn (ngồi xếp vòng tròn, quỳ đảo trên hai chân hoặc ngồi xếp hai chân sang một bên). Đội hình múa thường chẵn người, xếp hàng ngang, nếu đông có thể xếp thành vòng tròn, hai hàng dọc và hình vuông. Thày Then luôn ngồi chính giữa đội hình. Trong lúc chuyển tuyến, đội hình hết sức khẩn trương, người múa vừa hú vang, vừa bật nhạc, rung chuông tạo không khí sôi nổi.
Chầu quạt: Được ví như lời mời các vị thánh thần, tổ tiên về chứng giám, ban phúc lộc, mùa màng cho dân bản. Chầu quạt có nhiều kiểu khác nhau, như: chầu đứng, chầu ngồi, chầu lăn… Đôi chân người múa như rập rình chuyển động hòa quyện với sự nhịp nhàng của toàn thân, kết hợp với những cái bật, giật, xoẹt, đóng, mở quạt trên đôi bàn tay khéo léo của người múa, được thực hiện ở mọi tư thế: đi, đứng, tiến lùi, sang phải trái, ngồi quỳ trên hai chân… Cũng có lúc, người múa lăn giống động tác lăn trong múa chầu đàn. Sau này, người múa còn có kỹ thuật vừa múa quạt, vừa lăn liên tục hoặc lăn qua lăn lại, lăn theo tuyến vòng tròn rất điêu luyện.
Chầu đàn: Là điệu múa với cây đàn tính, người múa vừa gảy đàn, vừa hát, vừa múa. Bà Then ca cúng xua đuổi bệnh tật, quỷ dữ, mang lại sự an lành, vui khỏe. Luật động, các tuyến và đội hình múa chầu đàn dựa trên cơ sở của điệu múa chầu thuông.
Múa sluông, sluông, theo nghĩa hẹp, chỉ những người thạo về đường thủy; theo nghĩa rộng, là quân của ông, bà Then, những phu phen chuyên phục dịch, chuyên mang vác gồng gánh, có nhiệm vụ dẫn đường và đưa các vị thánh, quan… qua sông an toàn. Các động tác múa trong sluông: khao sluông, xuôi sluông, chèo thuyền… biểu hiện những con người lao động, có tính chất chắc chắn, khỏe khoắn. Bên cạnh đó, múa sluông còn mang ý nghĩa tạ ơn, tạ nghĩa những người đã đưa giúp lễ vật qua sông, qua biển.
Múa tán hoa, còn gọi là điệu múa tán bióoc, nghĩa là tiễn hoa về rừng, hay tiễn hoa về trời, đây là điệu múa kết thúc một buổi lễ. Bà Then ngồi giữa chiếu trải đầy hoa, người múa trên tay đeo quả nhạc đi xung quanh chiếu. Điệu múa lúc nhẹ nhàng, lúc rộn ràng, bà con hưởng ứng reo vang mỗi khi những bông hoa được tung lên. Họ phấn khởi và nghĩ rằng sự ấm no hạnh phúc mà họ có được là nhờ sự ban phát hương hoa của mường rừng, mường trời. Bởi vậy, điệu múa tán hoa là cách mà bà Then và dân bản trả lại hương hoa về với cội nguồn, với lòng thành kính và biết ơn.
Các đạo cụ sử dụng trong điệu múa Then
Trong các điệu múa Then của đồng bào Tày, những đạo cụ như quạt, đàn, quả nhạc, đàn tính thường được sử dụng để phụ họa và hỗ trợ các động tác múa.
Quả nhạc vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ múa của người Tày. Quả nhạc được cấu tạo từ chất liệu đồng, bên trong có hạt để khi lắc rung sẽ tạo ra âm thanh. Nhạc cụ này chủ yếu tạo ra tiết tấu, nhịp điệu và thực hiện chức năng giữ nhịp, tạo nên sắc thái cho các điệu múa. Người múa dùng bàn tay để bật nhạc, với sức bật chắc, gọn tạo ra âm thanh, nhịp chuẩn khác nhau của từng động tác. Tiếng quả nhạc rung lên theo tiết tấu chùm ba (nhịp 2/4), nghe vui tai, làm cho người múa thêm phấn chấn, hào hứng và lôi cuốn người xem.
Quạt được sử dụng trong múa vui chơi và múa tín ngưỡng của người Tày. Ở hai hình thái múa khác nhau chiếc quạt được người múa sử dụng với những tính năng và sắc thái biểu cảm riêng. Chiếc quạt giấy trong điệu múa chầu quạt được sử dụng rất linh hoạt, lúc thì che ngực, lúc lại che mặt, khi thì dựng bên vai hoặc nằm dọc trên cánh tay, tạo một phong cách múa sôi nổi nhưng thấm sâu vẻ huyền bí trong nghi lễ cúng tế, cầu đảo. Chiếc quạt giấy trong múa vui chơi có luật động và tạo hình khác hẳn với múa quạt trong tín ngưỡng. Người múa cầm nan quạt đóng vào và xoẹt mở ra, bật nảy đầu quạt sang phải sang trái, nâng lên phối hợp với chân nhảy sệt, dập gót và tiết tấu múa chùm ba nhanh, tạo không khí phấn khởi, vui tươi.
Người Tày sử dụng đàn tính với hai chức năng chính: vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ múa. Tính tạo hình trong nghệ thuật múa của dân tộc Tày được khắc nét rõ hơn thông qua các động tác múa với cây đàn tính. Người múa cầm đàn trong các tư thế dâng đàn, đu đàn, lượn đàn, đẩy đàn… bái thánh, kết hợp với âm nhạc chậm, thể hiện sự cung kính, trang nghiêm.
Kỹ thuật trong múa Then Tày
Động tác chủ đạo phần chân là chân nhảy dập gót tại chỗ, nhảy xệt, chân nhảy nhỏ, nhún xoay gối chuyển hướng từ bên này sang bên kia hoặc từ từ ngồi xuống và từ từ đứng lên.
Người Tày thường xuyên sử dụng đạo cụ khác nhau để múa. Họ sử dụng đôi bàn tay khéo léo để đóng, mở, bật, giật, xoẹt quạt… một cách sắc gọn và linh hoạt. Kỹ thuật múa đạo cụ đàn và quạt với hai chân quỳ gối, ngồi khoanh tròn, nghiêng vai co chân sát người lăn về một bên và lăn liên tục trên vòng tròn đòi hỏi người múa phải bỏ nhiều công sức luyện tập mới thực hiện tốt. Người Tày thường múa theo đội hình vòng tròn với các hình thức múa 1 người (bà Then múa trong khi hành lễ), múa 2 người (múa chầu quạt đôi), múa tập thể (múa trong các ngày lễ hội).
Phong cách múa dân tộc Tày mộc mạc, hồn nhiên, yêu đời. Với lối múa có những điểm nhấn dừng, giật, nẩy rõ ràng, dứt khoát nhưng bên trong vẫn giữ được nét thâm trầm, duyên dáng, khéo léo của thiếu nữ Tày. Sự linh hoạt, dẻo dai, nhanh nhẹn của họ thể hiện khi vừa múa, vừa hát, vừa đánh đàn hay xoóc nhạc (bật nhạc). Tất cả hoạt động cùng diễn ra một lúc, phối hợp nhịp nhàng và tương trợ lẫn nhau. Hầu hết động tác trong phần múa quả nhạc và múa quạt được sử dụng tiết tấu chùm ba của nhịp 2/4. Tiết tấu âm nhạc này khi kết hợp với luật động múa sẽ tạo nên điểm nhấn cho động tác và mang đến không khí sôi nổi, rộn ràng.
Nhạc điệu làm nền cho lời ca, lời cúng làm cơ sở cho các điệu múa, tùy vào tiết tấu của nhạc điệu, ý nghĩa của lời ca trong các bài Lượn, bài Then, bài ca cúng tế mà người múa tự cảm nhận và thả hồn theo một cách ngẫu hứng.
2. Tính tôn giáo, tín ngưỡng trong múa Then
Người Tày múa Then trong các nghi lễ tín ngưỡng dân gian. Mối quan hệ giữa bà Then và người thưởng thức (mối quan hệ giữa trần thế với thế giới tâm linh) mang tính ước lệ cao (thông qua những bài hát, lời ca, điệu múa để làm rõ nghĩa không gian và thời gian khác nhau). Do hạn chế bởi không gian, múa Then thường diễn ra trong phạm vi hẹp, ở trước bàn thờ, trên sàn nhà, nên không có các động tác múa dài rộng, nhảy cao, các nghệ nhân đã sáng tạo những động tác ngay trên mặt sàn. Với tư thế quỳ, ngồi bệt trên hai đầu gối, phần thân trên và tay được khai thác triệt để với nhiều kỹ thuật như: cúi rạp về đằng trước, bẻ uốn lưng về sau sát đất, quay lượn một vòng và tiếp tục quay lượn một vòng trả về hoặc đảo người quay liên tục... mang đến không khí sôi động cũng không kém cao trào như những bước nhảy bay lên hay quay như cơn lốc trên các tuyến múa…
Trong tín ngưỡng Then, các điệu múa được diễn ra có khi được thực hiện đan xen trong nghi lễ, người múa có thể vừa thực hành nghi lễ, vừa khấn tụng hoặc vừa hát, vừa múa… Có lúc múa lại tách riêng ra khỏi nghi lễ thành một bài, một tổ hợp động tác hay một động tác múa riêng. Nhưng dù với hình thức nào, múa Then vẫn là một thành tố nổi bật, hấp dẫn và lôi cuốn nhất trong tín ngưỡng của người Tày. Cùng với các thủ tục hành lễ, ngôn ngữ múa là phương tiện để chuyển tải nội dung của mọi lớp lang theo đúng trình tự của các nghi lễ lần lượt diễn ra trong lễ hội, góp phần đáng kể trong việc biểu đạt nội dung, ý nghĩa của từng lễ hội một cách sinh động hấp dẫn và sáng rõ nhất.
Nghệ thuật múa Then luôn giữ một vị trí quan trọng, là một trong những thành tố chính không thể thiếu của lễ hội. Múa là linh hồn của lễ hội! Với sự dẫn dắt của các điệu múa qua từng nghi lễ, múa không chỉ làm cho nội dung, ý nghĩa của lễ hội càng thêm sáng tỏ, mạch lạc, mà còn làm cho không khí của lễ hội trở nên cuốn hút hơn… Ngược lại, chính lễ hội cũng là môi trường để bảo tồn, gìn giữ những điệu múa cổ truyền của đồng bào Tày nói riêng và bản sắc văn hóa dân tộc Tày nói chung.
Múa Then có liên quan đến văn hóa truyền thống, tôn giáo của người Tày. Do đó, biểu hiện của múa Then dường như là biểu hiện niềm tin vào nghi lễ tôn giáo, lưu giữ di sản của điệu múa ban đầu, gần giống như điệu múa cổ đại thờ thiên nhiên, Tôtem. Điệu múa Then bắt nguồn từ nghi lễ kỳ đảo, nghi lễ Then - sinh hoạt tín ngưỡng của người Tày, nên nó có tính chất hiến tế tôn giáo rõ ràng. Nó là sản phẩm thiêng liêng, bí ẩn tôn giáo, thần thánh, thể hiện niềm tin vào tín ngưỡng, tôn giáo của dân tộc. Ngoài nghi lễ tôn giáo, múa Then còn mang yếu tố văn hóa, xã hội. Không những các đạo cụ dùng trong các điệu múa Then là các vật dụng sử dụng trong sinh hoạt thường ngày của người Tày, mà động tác của múa Then còn xuất phát từ các hành động bắt chước lao động và săn bắn trong cuộc sống hằng ngày của con người, nên nó là một phần của văn hóa truyền thống. Thông qua các điệu múa Then, chúng ta có thể hiểu được địa điểm trình diễn và nội hàm văn hóa của người Tày. Có thể nói, trong quá trình kế thừa và phát triển, múa Then đã tích hợp những tri thức, tín ngưỡng, phong tục... của văn hóa truyền thống và cũng đã biến đổi cho phù hợp với tình hình xã hội hiện nay.
_____________
Tài liệu tham khảo
1. Lê Ngọc Canh, Khái luận nghệ thuật múa, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1997.
2. Lê Ngọc Canh, Múa tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998.
3. Ngọc Canh, 100 điệu múa truyền thống Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2001.
4. Hoàng Tuấn Cư, Hoàng Hạc, Nguyễn Thanh Huyền, Then Tày, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2012.
5. Ngân Quý, Vấn đề kế thừa và phát triển múa dân gian Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, Hà Nội, 2007.
Ths HOÀNG KIM ANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 506, tháng 8-2022