Việc đưa các yếu tố dân gian vào ca khúc Việt Nam trong những năm gần đây, đã hình thành nên một dòng ca khúc với tên gọi dòng ca khúc dân gian đương đại (DGĐĐ). Trong quá trình hình thành và phát triển, dòng ca khúc này đã có những đóng góp nhất định cho nền văn hóa nước nhà. Đó là việc giữ lại những giá trị của văn hóa dân gian xưa trong cuộc sống đương đại. Bên cạnh đó, ca khúc DGĐĐ còn tham gia vào việc điều chỉnh ngôn ngữ âm nhạc trong giao lưu văn hóa và giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, con người cho thế hệ trẻ, qua đó tạo đà để phát triển ở những năm tiếp theo với những giá trị riêng.
1. Tạo sự cân bằng và đảm bảo tính đa dạng của ca khúc Việt
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân của dân tộc, âm nhạc được ví như món ăn tinh thần, là động lực, sự thúc giục biết bao thế hệ con người Việt Nam đứng lên chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Trong thời bình, âm nhạc lại là sự chia sẻ, khích lệ nhân dân hăng say lao động, sản xuất, tạo ra một đời sống tinh thần vui vẻ, lành mạnh.
Trong thời kỳ hội nhập, con người dường như bị cuốn vào nhịp sống tất bật của xã hội hiện đại, khi những loại hình nghệ thuật khác chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí, thưởng thức, thì âm nhạc lại càng cần hơn đối với việc giữ trạng thái cân bằng cho xã hội. Có thể thấy, 15 năm sau ngày giải phóng, ca khúc Việt Nam vẫn ung dung với những bước đi vững chãi, không thay đổi nhiều về chủ thể phản ánh cũng như thủ pháp và ngôn ngữ âm nhạc. Dòng ca khúc cách mạng Việt Nam vẫn là những bài hát thời kháng chiến chiếm ưu thế nổi trội, một kiểu kinh điển bao năm nay. Dòng ca khúc này có số lượng khán thính giả tương đối đông, nhưng đều là những người từ lứa tuổi trung niên trở lên - họ đã từng có nhiều kỷ niệm đẹp trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
Từ thời kỳ Đổi mới đến nay, dòng âm nhạc cách mạng vẫn trung thành với hướng đi đó, số lượng tuy nhiều thêm nhưng nội dung phản ánh vẫn nặng về quá khứ, về những mất mát đau thương, những hoài niệm của một thời vàng son, hầu như chưa phản ánh được hơi thở của thời đại. Nhưng dẫu sao, tính bình ổn đó cũng là một sắc màu, là một trong những điều kiện để nhạc ngoại dễ vào nước ta - một cuộc tiếp xúc văn hóa âm nhạc, từ đó sinh ra nhiều dòng nhạc mới: nhạc nhẹ, nhạc DGĐĐ…
Giữa năm 80 đến đầu những năm 90 TK XX, âm nhạc đã xuất hiện nhiều hiện tượng mới làm cho không khí trở nên sôi động. Đó là dòng ca khúc xưa (trước năm 1975 ở miền Nam) bị kìm tỏa nhiều năm nay có cơ hội trở lại mạnh mẽ, đánh trúng tâm lý của nhiều người trong những hoàn cảnh khác nhau. Nội dung chủ yếu của dòng nhạc này là sự ủy mị, sướt mướt, cái buồn thảm bi ai của những cuộc tình tan vỡ, dễ tác động vào trong tiềm thức của con người trong thời bình. Chính vì vậy, dòng nhạc hải ngoại có cơ hội “ùa” vào nước ta qua các băng đĩa như: Thúy Nga Paris, May Video… và lan tỏa nhanh chóng trên toàn quốc. Sự hiện diện của hai dòng nhạc này, bên cạnh mặt tích cực về nghệ thuật không tránh khỏi những mặt tiêu cực, thậm chí có những ca khúc đã góp phần làm xói mòn, hủy hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc. Bên cạnh đó, còn có nhiều dòng nhạc khác từ các nước Á, Âu, Mỹ cũng du nhập vào nước ta một cách dễ dàng và có chỗ đứng trong lòng công chúng Việt Nam.
Một câu hỏi được đặt ra là nguyên nhân nào đã đưa âm nhạc nước ngoài tràn vào nước ta nhanh đến như vậy? Muốn hiểu được dòng nhạc ngoại này, hiểu biết về mặt kỹ thuật thì người nghe và người hát phải phá được rào cản ngôn ngữ, từ đó mà phong trào học ngoại ngữ nhanh chóng lan tràn khắp cả nước. Tuy nhiên, nhiều người học là để đáp ứng trực tiếp cho công việc, nhưng ngược lại, không ít người học theo phong trào. Thực tế cho thấy, tiềm thức của một bộ phận không nhỏ người trẻ tuổi cho rằng, việc học ngoại ngữ mà không biết hát những bài hát bằng tiếng nước ngoài thì rõ ràng không phải là người “sành điệu”. Ngoài chương trình học, họ tự học theo băng đĩa những bài hát nước ngoài. Như vậy, việc chủ động học ngoại ngữ của nhiều người nghiễm nhiên trở thành bị động trong sự kháng thể về văn hóa. Theo con đường này, những ca khúc nước ngoài đi vào nước ta dường như không gặp trở ngại gì.
Một nguyên nhân khác, đầu những năm 90 TK XX, dịch vụ karaoke du nhập mạnh mẽ vào nước ta. Đây cũng là một trong những nhân tố làm cho âm nhạc nước nhà thêm sôi động và chứa đựng nhiều yếu tố pha trộn giữa nhạc ngoại và nhạc nội, thậm chí nhạc ngoại lấn lướt cả nhạc nội. Karaoke đã tạo dựng được phong trào ca hát sôi nổi và vui tươi, người người hát karaoke, nhà nhà hát karaoke, quán xá đều hát… thậm chí nhiều cơ quan, xí nghiệp tổ chức thi giọng hát hay karaoke. Phong trào hát karaoke và dư âm của nó còn ảnh hưởng và lấn tới cả sân khấu chuyên nghiệp những năm sau này, đó là cách hát đớp lời, hát phá cách của một số ca sĩ.
Như vậy, ở những năm đầu của thời kỳ Đổi mới, bên cạnh âm nhạc cách mạng thì nhạc nước ngoài, nhạc xưa cũng có chỗ đứng nhất định trong lòng công chúng. Đứng trước vấn đề này, nhiều nhà lãnh đạo, cơ quan chức năng, nhạc sĩ đã có những nhận thức và bắt đầu có động thái tích cực để vừa tạo cho dòng ca khúc DGĐĐ có chỗ đứng, vừa tạo ra sự cân bằng đảm bảo được tính đa dạng cho ca khúc Việt, đó là hạn chế nhạc ngoại để ca khúc đương đại mang yếu tố dân gian lên ngôi.
Sự tràn lấn ồ ạt của dòng nhạc hải ngoại, nhạc nhẹ quốc tế, nhạc xưa phần nào làm giảm vai trò chủ lưu của dòng nhạc cách mạng, ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ của công chúng. Trước tình hình đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã ban hành quyết định chỉ cho phép một số bài hát có nội dung lành mạnh, có giá trị nghệ thuật được phép lưu hành qua băng đĩa và biểu diễn. Bên cạnh đó, phải kể đến sự quyết tâm của Hội chuyên ngành Trung ương - Hội Nhạc sĩ Việt Nam - Hội Nhạc sĩ TP.HCM, các hội ở địa phương, cùng với sự đồng lòng hợp tác của các nhạc sĩ trên toàn quốc. Từng ngày, họ âm thầm sáng tác những tác phẩm mang hơi thở thời đại, phù hợp với thị hiếu công chúng, góp phần căn chỉnh lại sự mất cân bằng đang diễn ra trên sâu khấu ca nhạc Việt Nam.
Trong thời gian này, không khí nhạc nhẹ phát triển sôi động bao trùm cả không gian ở TP.HCM. Việc đẩy lùi sự “hoành hành” của nhạc ngoại cũng có công sức và đóng góp rất lớn của nhóm Những người bạn với những gương mặt có uy tín về nghề nghiệp, đó là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Thanh Tùng, Từ Huy... Trong khi đó, ở Hà Nội có cơ quan không làm chức năng quản lý nghệ thuật nhưng cũng có động thái tích cực nhằm góp sức mình vào việc thúc đẩy sự cân chỉnh trên. Điển hình là Nhà hát Tuổi Trẻ đã kết hợp với Vina Sico tổ chức các cuộc thi viết ca khúc nhằm thu hút đông đảo nhạc sĩ trẻ viết những tác phẩm có nội dung nghệ thuật tốt phục vụ cho nhu cầu giải trí của tầng lớp thanh niên. Nhiều cuộc hội thảo được tổ chức, những tham luận, ý kiến của các nhạc sĩ đã thẳng thắn chỉ ra nhược điểm và thiếu sót trong ca khúc của thời kỳ đầu Đổi mới. Đáng chú ý, nhạc sĩ An Thuyên dẫu có lạc quan, tin tưởng về nền ca khúc nước nhà đến mấy thì ông vẫn phải “rung chuông gọi cho hồn vía ca khúc Việt Nam trở về”…
Để chiếm lĩnh lại “thị trường công chúng” các đạo diễn đã tổ chức nhiều chương trình ca hát có chất lượng. Có chương trình được coi như dấu mốc khởi đầu của sàn diễn ca nhạc những năm cuối TK XX, đầu TK XXI. Bên cạnh những chương trình hoành tráng, các nhạc sĩ, ca sĩ bắt đầu được đánh thức và xắn tay vào cuộc làm cho bầu không khí âm nhạc trên toàn quốc nóng lên từng giờ. Qua những chương trình trên, dấu ấn cái tôi của các nhạc sĩ chuyên nghiệp lại được khẳng định một lần nữa trong trí nhớ công chúng. Những chương trình này đều có nét riêng và tiêu chí nghệ thuật được đề cao, tạo được một cái nhìn mới, một cách nhận định mới về ca khúc Việt Nam đối với khán giả. Có thể thấy, sự phối hợp của các cơ quan chức năng với đơn vị nghệ thuật trong thời gian đầu Đổi mới thực sự đã hạn chế được sự lan tỏa của nhạc ngoại. Và cũng từ đây, nhạc nội bắt đầu có những sắc diện mới, phù hợp với nhu cầu của đông đảo khán giả, đặc biệt là lớp trẻ.
2. Giữ lại những giá trị văn hóa dân gian xưa trong cuộc sống đương đại
Bên cạnh những tác giả có tính hướng ngoại, sính ngoại thì vẫn có một số người tìm cách khai thác vốn văn hóa cổ của dân tộc, kết hợp với hơi thở của thời đại để đưa vào ca khúc. Hướng đi này đã tạo ra dòng ca khúc DGĐĐ. Dòng ca khúc này luôn gây được sự chú ý của công chúng bởi những hình ảnh rất thân quen, nó đã từng có trong tâm thức của họ, nay được khơi dậy bằng cách thức mới và trong một không gian mới. Dòng ca khúc DGĐĐ được các nhà chuyên môn cũng như công chúng đánh giá cao. Về giai điệu, đã có sự thanh thoát không nặng nề như xưa; về ngôn ngữ âm nhạc có nhiều nét mới; về nội dung lời ca, vẫn là những câu chuyện trong đời sống thôn dã được nhìn dưới hệ quy chiếu mới… Với sự dồi dào về số lượng và chất lượng ca khúc, nhất là đặt trong bối cảnh những năm tháng của thời kỳ Đổi mới, khi mà nhạc ngoại, nhạc xưa lấn át nhạc nội mới thấy hết được giá trị của nó. Việc ra đời và phát triển của ca khúc DGĐĐ, dưới góc nhìn lịch sử đó là một quy luật mang tính tất yếu, nhưng dưới góc nhìn của văn hóa đó lại là hệ quả của giao thoa và tiếp biến văn hóa. Sự hiện diện của dòng ca khúc DGĐĐ ở thời kỳ Đổi mới, một mặt giữ lại sự cân bằng và đảm bảo tính đa dạng của ca khúc Việt, mặt khác, nó tham gia vào việc điều chỉnh ngôn ngữ âm nhạc trong quá trình giao lưu văn hóa.
Sự phát triển của nền kinh tế theo xu hướng thành thị hóa nông thôn đã diễn ra nhanh chóng trên diện rộng. Hình ảnh làng quê thanh bình, tri thức dân gian của các thế hệ trước dần biến mất trong trí nhớ của lớp thanh niên nơi phố thị. Chính trong bối cảnh ấy, ca khúc DGĐĐ đã ra đời và tạo được chỗ đứng nhất định trong lòng công chúng. Thông qua lời ca, giai điệu âm nhạc, sự truyền cảm của nhạc sĩ, ca sĩ… những hình ảnh đẹp đẽ nơi thôn dã đã được tái hiện phần nào trong cuộc sống đương đại. Dẫu nhiều người đang sống ở các đô thị nhưng vẫn có nguồn gốc từ các làng quê, bởi thế trong sâu thẳm của họ vẫn mang tâm thức nơi bình yên ấy. Về miền quê, nơi đó với “triền đê có hàng tre ru khi chiều về”, rồi “bánh đa, bánh đúc”, có “phiên chợ nghèo lều tranh mái xiêu” (Về quê - Phó Đức Phương). Cũng ở miền quê đó “những chiều, gió nhẹ nâng cánh diều vi vu… bát ngát cánh đồng, sóng sánh lúa vàng chị nâng. Những đêm trăng lên vời vợi… nâng điệu chèo bay xa”. Rồi “tiếng chuông ban chiều gọi bước ai lên chùa, giống như dáng mẹ ngày xưa” (Bức tranh quê - Thanh Nghị). Ở đó, ngày xưa “Bà tôi đưa tôi ra đầu làng, một mình bà đội cả trời nắng to… Cười cười một chuỗi, trời thử bụng ta. Có mùa thóc lép lợp trên mái nhà. Có mùa hoa cà, tự nhiên tím tái. Bà ví lông gà, vàng như vườn vải. Ông ví mặt trời như người mối lái” (Bà tôi - Nguyễn Vĩnh Tiến).
Làng quê thuộc châu thổ Bắc Bộ có nhiều hình ảnh đã trở nên thân quen, từng in đậm trong tâm trí biết bao người cũng được các tác giả sử dụng ngôn từ mang tính tương thích để biểu cảm sự dân dã. Đó là “trên bến sông có chiếc cầu nhỏ cong cong”, có “hàng cau dưới nắng trong lá trầu không” (Chị tôi - Trần Tiến). Rồi “Nhìn bờ cát trắng sóng sánh hương thơm cỏ mật ven sông. Bóng chị, bóng em quàng xiên đổ nghiêng trời chiều. Sếu giăng làm cong bến nước đìu hưu. Bướm bay ngang hoa cải vàng. Chiếc thuyền nan kĩu cà kĩu kịt. Chiếc cần câu cong cong cong cong mưa phù” (Bờ sông - Lê Minh Sơn). Xuôi về các làng quê thuộc đồng bằng Nam Bộ cũng vậy, các tác giả thường chọn từ ngữ mộc mạc để lột tả những đặc điểm riêng có. Chẳng hạn: “Một cù lao xanh, một dòng sông xanh. Một vườn cây xanh hoa trái đưa hương”, rồi “Mùa mưa cầu tre dẫu khó đưa dâu. Bằng lòng đi em dưới mái tranh nghèo. Về đây, người quê chỉ có tấm lòng. Có chiếc xuồng ba lá để yêu nhau” (Tùy hứng qua cầu - Trần Tiến).
Trong cái không gian ồn ã của nhịp sống hiện đại, ca khúc DGĐĐ đã khơi gợi, dẫn dắt người nghe hướng về những miền quê, hướng nội về cội nguồn, đó là điều vô cùng có giá trị không những về mặt văn hóa mà cả về phương diện tâm lý. Nói cách khác, ca khúc DGĐĐ đã góp phần không nhỏ trong việc lưu giữ nhiều giá trị cũng như hình ảnh của làng quê Việt Nam trong đời sống đương đại.
3. Gợi mở về phương thức sáng tác
Tính từ những ngày đầu của công cuộc Đổi mới đất nước đến nay, ca khúc DGĐĐ xứng đáng có một vị trí nhất định trong đời sống văn hóa xã hội nước nhà. Có được điều ấy là bởi một số nhạc sĩ thời nay đã ý thức được trách nhiệm của một công dân đối với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đến thời điểm hiện tại, mặc dù thị hiếu công chúng đã có sự chuyển đổi, lĩnh vực ca khúc đang được bổ sung thêm nhiều thể loại mới, nhưng ca khúc DGĐĐ vẫn chiếm được cảm tình rất lớn từ công chúng yêu nhạc nước nhà. Nhìn vào sự trưởng thành của ca khúc DGĐĐ có thể rút thêm được nhiều giá trị khác như:
Ý thức tiếp nhận văn hóa âm nhạc: Ca khúc DGĐĐ không chỉ là một hiện tượng văn hóa mà còn là một thực thể văn hóa của những năm cuối TK XX đầu TK XXI. Bởi thế, sự hình thành và phát triển của ca khúc DGĐĐ nhìn vào chiều sâu, rõ ràng đó là cả một quá trình giao thoa, tiếp nhận văn hóa thông qua cơ sở màng lọc của tâm thức văn hóa Việt. Trong quá trình đó, có thời điểm ca khúc Việt Nam tưởng như bị mất phương hướng thì một số nhạc sĩ vẫn đủ bản lĩnh để nối dòng truyền thống bằng cách tiếp cận văn hóa của ông cha. Đó cũng là cách tận dụng thời cơ nhưng không ôm đồm, vơ cái của người khác làm cái của mình. Mặt khác, trong quá trình ấy các nhạc sĩ phải biết gạn lọc, chắt lọc lấy cái tinh hoa của âm nhạc nước ngoài nhưng vẫn phải phù hợp với văn hóa Việt. Công đoạn sau, đó là sự nhào trộn hình thức, thủ pháp của âm nhạc nước ngoài với cái tinh túy của văn hóa âm nhạc cổ truyền để tạo nên một dạng văn hóa âm nhạc mới - dòng ca khúc DGĐĐ.
Hình thức Tây nhưng phải thể hiện được tâm hồn Việt, là cách lựa chọn đồng thời cũng là một trong những nét đặc trưng nổi bật của ca khúc DGĐĐ Việt Nam. Cách thức lựa chọn này thực ra là sự tiếp nối bước đi của các nhạc sĩ thể hiện trước, có thể thấy đây là một hướng đi đúng đắn. Hướng đi ấy rõ ràng đã đem lại một thành quả đáng kể cho sự phát triển của ca khúc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, đổi mới hiện nay. Như vậy, rõ ràng cái tạo nên thành công của ca khúc DGĐĐ cả về mặt nội dung, hình thức, nghệ thuật cũng như sự lan tỏa của nó trong đời sống xã hội hiện nay chính là cách thức tiếp cận và tiếp nhận văn hóa mà đầu tiên phải thuộc về các tác giả, nhạc sĩ sáng tác.
Nhìn vào sự phát triển của ca khúc những năm gần đây, có thể ví von bằng hình ảnh như một dòng sông đang chảy nhưng không phải bao giờ dòng chảy ấy cũng toàn chứa nước trong vắt, thanh khiết. Đây là giai đoạn “cái tôi” được nở rộ, đó cũng là quy luật của sự phát triển. Nhưng qua đó nảy sinh ra hai nhánh: cái tôi có tư duy, biết yêu quê hương đất nước, biết khát vọng và cái tôi của sự buồn bã, âu sầu. Những nhạc sĩ nào có cách tiếp cận, tiếp nhận văn hóa như lớp đàn anh đã từng làm thì tác phẩm của họ sẽ có vị trí xứng đáng trong đời sống xã hội, đó là những “cái tôi” mang dấu ấn của sự suy ngẫm. Hiện nay, cái cần thiết đầu tiên cơ bản nhất là bản sắc văn hóa dân tộc. Muốn hòa nhập sánh vai với các nước có nền âm nhạc phát triển trên thế giới thì ca khúc Việt Nam phải mang bản sắc Việt, đó là điều không cần bàn cãi và ca khúc DGĐĐ đã đáp ứng được một trong những tiêu chuẩn đó.
Về phương thức sáng tác: Từ ngày đất nước giải phóng đến nay, nhất là thời gian gần đây, đội ngũ những người viết ca khúc ngày một đông đảo, tỷ lệ thuận với nó là số lượng bài hát ngày càng nhiều. Nhìn trên phương diện phong trào, đó là một tín hiệu đáng mừng, bởi các tác giả trẻ tỏ ra nhanh nhạy trong cách tiếp cận thị trường. Họ đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu thưởng thức của công chúng, chủ yếu là lớp khán giả trẻ ở thành thị trong những khoảng thời gian nhất định. Nhưng dưới góc độ nghệ thuật, ngoại trừ một số bài găm được lại trong tâm trí người nghe thì không phải không có những điều đáng nghi ngại. Nhiều nhà nghiên cứu và ngay chính các nhạc sĩ cũng phải thừa nhận rằng, ca khúc ngày nay vẫn có cái tâm và cái tài. Tuy vậy, nó không gây được sự rung động cho công chúng nghe nhạc. Để giải thích cho điều “tế nhị” này, trong giới nhạc sĩ đã có người mạnh dạn đưa ra nhận định: “Dường như ta đứt mạch với cuộc sống đích thực của những người lao động chân chính, của những con người đang tiếp tục cống hiến, hy sinh cho sự giàu mạnh và bình yên của tổ quốc hôm nay. Dường như ta đã hành chính hóa quá trình lao động sáng tạo. Sáng tác đang là sự vẽ vời, bày biện những nốt nhạc trên trang giấy”. Từ nhận xét trên cho thấy, một tác phẩm nghệ thuật nói chung, bài hát nói riêng muốn có đời sống lâu bền và sâu rộng trong công chúng thì không cách nào khác nội dung của nó phải là sự phản ánh con người điển hình trong những hoàn cảnh điển hình thông qua sự chắt lọc của khối óc và sự rung động của trái tim.
Thực tế là cái kho khổng lồ cung cấp cho nhạc sĩ một nguồn cảm xúc vô tận. Bên cạnh đó, thực tế còn là môi trường, là thước đo để rèn luyện, thử thách, đánh giá cách nhìn nhận và tài năng của nhạc sĩ. Những ca khúc DGĐĐ chẳng phải ngẫu nhiên xuất hiện mà đó là kết quả của cả một khoảng thời gian, các nhạc sĩ trải nghiệm và thu lượm từ thực tế ở các địa phương trên nhiều phương diện: phương ngữ, phong tục tập quán, thang âm, điệu thức, truyện dân gian… Chỉ có xâm nhập vào thực tế cuộc sống nhạc sĩ mới có điều kiện để rèn luyện, để trải nghiệm, chiêm nghiệm và tự rút ra nhiều kiến thức cho nghề nghiệp cũng như những rung cảm để sáng tác. Một số tác giả, nhạc sĩ của dòng ca khúc DGĐĐ đã phần nào làm được điều đó, nó không chỉ khẳng định một phương pháp tiếp cận trong quá trình sáng tác mà còn tạo đà cho chính loại ca khúc này trong quá trình phát triển ở thời kỳ sau này.
Có thể khẳng định, sự xuất hiện của các ca khúc DGĐĐ là hệ quả, sản phẩm của một quá trình giao lưu văn hóa ở thời kỳ mới. Vậy nên trong nội dung của nó, có thể dễ dàng nhận thấy nhiều giá trị mang tính văn hóa nhân văn. Khai thác những yếu tố dân gian đưa vào ca khúc trong bối cảnh của thời kỳ đổi mới để tạo ra một thể loại ca khúc DGĐĐ, một mặt vừa khẳng định tên tuổi của nó trong dòng ca khúc Việt Nam nói chung, một mặt tạo ra cơ sở tầng nền cho sự phát triển của chính nó ở những năm tháng tiếp theo.
_______________
Tài liệu tham khảo
1. Dương Viết Á, Âm nhạc Việt Nam từ góc nhìn văn hóa, Nxb Hà Nội, Hà Nội, 2005.
2. Hoàng Hiệp, Ca khúc hiện nay cái được và cái chưa được, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Ca khúc với công cuộc đổi mới đất nước, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Viện Âm nhạc, Hà Nội, 2002.
3. Khánh Hưng, Nhạc dân gian đương đại chỉ mới ở tên gọi, giaidieuxanh.vn, 2008.
4. Kỷ yếu hội thảo khoa học, Phát triển âm nhạc truyền thống ý nghĩa văn hóa và thành tựu, Bộ Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2004.
5. Nguyễn Đăng Nghị, Ca khúc dân gian đương đại, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 303, Hà Nội, 2009.
6. Bùi Đức Nghĩa, Ca khúc dân gian đương đại trong chương trình Bài hát Việt (2005-2012), Luận văn thạc sĩ Văn hóa học, Viện khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, 2012
Ths PHẠM NGỌC KHUÊ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 497, tháng 5-2022