Giữ gìn giai điệu hát ru của người Mường ở Phú Thọ trong đời sống hiện nay

1. Mở đầu

Quá trình mở cửa hội nhập với nhiều luồng văn hóa mới, sự tiếp nhận, giao thoa với nhiều loại hình nghệ thuật cùng các phương tiện truyền tải của thời đại công nghệ văn minh đã làm cho những câu hát dân ca nói chung, tiếng ru bình dị nói riêng bị hạn chế dần trong nhu cầu thưởng thức các giá trị văn hóa tinh thần của người dân. Văn hóa Mường ở Phú Thọ có sắc màu đặc trưng, mỗi sinh hoạt dân gian đều phản ánh chân thực nếp sinh hoạt, suy nghĩ và tình cảm của con người tạo nên sự cuốn hút đặc biệt. Âm thanh của tiếng cồng, tiếng chiêng, nhịp điệu khoan thai dìu dặt của những câu rang, điệu múa mỡi, hòa quyện cùng không gian êm đềm của núi rừng mênh mông làm cho nơi đây trở nên đầy thi vị. Văn hóa dân gian Mường đã khẳng định tiếng nói riêng, giá trị và đầy vẻ mới lạ trong không gian văn hóa chung Việt Nam.

Nói đến văn hóa Mường Phú Thọ không thể không nhắc tới hệ thống âm nhạc dân gian với sự đa dạng về thể loại và cả sự phong phú về làn điệu, bài bản. Gắn liền với các nếp sinh hoạt trong cuộc sống đời thường của người dân, những câu hát dân ca Mường nói chung, giai điệu hát ru nói riêng luôn bay bổng, hòa quyện cùng không gian êm đềm của núi rừng, của những bản làng yên bình để rồi nhắn gửi yêu thương, như những tiếng tâm sự khi gặp gỡ, như tình người được thể hiện bằng lời ca, giai điệu: “Bà con trong các chòm bản có thể ngồi suốt đêm này đêm khác nghe ông “rang” kể các truyện thơ dài như Nàng Nga - Hai Mối - Nàng Út Lót… hay nghe hát xường, hát ví, hát rang, éo, hát mo, hát mỡi… hoặc nghe kể các truyện cổ xưa về nguồn gốc loài người, về cái thiện cái ác, về dân tộc mình mà tiêu biểu nhất là bài mo dài Đẻ đất - đẻ nước”(1).

Hát ru luôn là những giai điệu đặc biệt chứa đựng những âm thanh dịu dàng, lời ca yên ả và tình yêu thương giữa con người với con người. Nổi bật với những câu hát giản dị, mộc mạc, hình ảnh gắn với đời sống thường ngày, hát ru Mường đã trở thành món ăn tinh thần mà mỗi người dân đều hứng thú, đều được nghe, được hát và hòa mình với giai điệu bình dị chân chất ấy.

2. Giữ gìn những giá trị độc đáo của hát ru Mường Phú Thọ

Từ bao đời nay, tiếng ru luôn là những âm thanh êm đềm chứa đựng tình cảm trìu mến của mẹ, của bà dành cho trẻ thơ. Những tiếng ầu ơ, những lời ngân nga về tình yêu, về cuộc sống với niềm tin được gửi trọn cho tương lai. Tiếng ru cất lên trong không gian yên ả, thanh bình chỉ có tiếng đưa nôi hòa quyện cùng âm thanh êm dịu, nhẹ nhàng trong tình thương trao gửi của thế hệ đi trước truyền cho thế hệ sau. Hát ru được cất lên từ trong chính những hoạt động của cuộc sống đời thường, hình ảnh về đồng lúa, cánh cò, về dòng sông, con cá, về những cánh rừng với nhiều muông thú vui nhộn… đều được hiện lên trong lời ru: Em ơi em ngủ cho say, bố mẹ còn đi đánh cá/ Đem về nhà cho em tôi ăn/ Ngày mai lớn lên em đã biết lấy bẹ cây bương làm cái sàng gạo… (trích: Hát ru - dân ca Mường; người hát: Hà Thị Tiên - Kiệt Sơn, Tân Sơn).

Những câu hát dân ca gắn liền với nhịp điệu trong cuộc sống, giao tiếp thường ngày như một thứ ngôn ngữ trao đổi, thông qua đó dễ dàng truyền tải, phản ánh các hoạt động sinh hoạt xã hội. Dân ca Mường nói chung luôn toát lên nét đẹp riêng biệt, gắn liền với đặc trưng điển hình trong văn hóa tộc người trên vùng quê đất Tổ. Những lời ca đưa nôi giản dị, lời thương nhẹ nhàng mà thủ thỉ tâm tình của người mẹ, người bà, người chị dành cho trẻ thơ với tình yêu đong đầy theo nhịp cánh võng đung đưa. Mang màu sắc phong tục tập quán riêng, hát ru người Mường đã tạo nên nét độc đáo riêng biệt bởi sự phân định khác biệt giữa tiếng ru ban ngày với ru ban đêm: điệu ru ban ngày rất đa dạng về bài bản, nội dung chủ đề cũng như có nhiều đối tượng ca hát với thời gian diễn xướng không giới hạn và vào bất cứ lúc nào; hát ru ban đêm bị hạn chế hơn bởi nó có tính kiêng kỵ và chỉ gồm những câu ru của người mẹ dùng để dỗ dành, vỗ về trẻ thơ vào giấc ngủ.

Sự tinh tế giàu tình cảm và mang đậm chất Mường trong từng lời ca, tiếng ru luôn tạo nên sức sống mới nhằm bồi đắp cho tâm hồn các thế hệ người Mường thêm phát triển.

Ra đời từ các mối quan hệ tình cảm trong cuộc sống con người, hát ru Mường đã tạo nên sức mạnh và giá trị sâu sắc trong lòng người nghe, đã trở thành món ăn tinh thần quan trọng không thể thiếu của con người đặc biệt là trẻ em khi còn nằm trong nôi. Nhà nghiên cứu Hoàng Minh Tường khi sưu tầm, tuyển chọn Hát ru dân tộc Mường Thanh Hóa đã chỉ ra rằng: “Hát ru Mường là một trong những loại hình dân ca do dân gian sáng tác và trao truyền, mang sắc thái văn hóa riêng của đồng bào Mường, được diễn xướng bằng ngôn ngữ Mường và được đồng bào sử dụng, nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống và sinh hoạt văn hóa tinh thần của quần chúng” (2). Khái quát về hát ru, nhà nghiên cứu Bùi Thiện cho rằng, đó là sự “xuất phát từ cõi lòng ông bà cha mẹ, anh chị quý mến yêu thương trẻ mà thể hiện nên lời thơ, điệu nhạc để dỗ dành” (3). Bên cạnh đó, khi cho rằng hát ru nói chung cũng là một thể loại dân ca và được phân loại trong nhóm dân ca phong tục tập quán, nhà nghiên cứu Phạm Phúc Minh đã coi hát ru “là một lối hát theo tập quán truyền thống và rất phổ biến ở các vùng, các dân tộc trên khắp mọi miền đất nước” (4). Mỗi nhà nghiên cứu với từng cách cảm nhận, từng khía cạnh tiếp cận để từ đó có những cái nhìn mang tính đa dạng hơn, phong phú hơn cho các câu hát ru.

Trong hát ru, những hình ảnh ẩn dụ đời thường, hòa quyện cùng giai điệu ngọt ngào cứ lan tỏa dần, ngấm sâu vào mỗi tâm hồn trẻ thơ để từ đó lớn dần theo nhịp sống xã hội mà định hình tâm hồn dân tộc cùng tình yêu quê hương, bản làng. Nét đẹp trong lời ca hát ru đã gợi lên cho chúng ta nhiều hình ảnh về cái đẹp trong cuộc sống: “Lời hát như vẽ lên những bức tranh, hình tượng: trứng vịt tròn, quả bưởi vàng lơ lửng, đàn bò, bầy trâu ăn cỏ đầy đồng bãi, đàn chim ríu rít hót vang trời…” để rồi những nét đẹp ấy luôn “là tiếng lòng, điệu tâm hồn của những người dân nơi đây, hòa điệu với con người, cảnh vật, thiên nhiên” (5). Những câu ca luôn được ví như tấm dải lụa đẹp được dệt trên những sợi tơ cuộc đời và làm nên những màu sắc bất tận cho tâm hồn con người thêm tươi mới.

Trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, dân ca luôn được coi như một thứ ngôn ngữ giao tiếp, một cách trao đổi dễ dàng, gần gũi và chứa đựng nhiều xúc cảm nhất. Với từng công việc nặng - nhẹ, hoạt động nhanh - chậm cũng như mức độ đồng đều về tiết tấu khi thực hiện nhiệm vụ lao động đã tạo nên tính chất nhịp điệu mang tính đặc trưng mà con người thể hiện qua những câu hát dân ca. Nhịp điệu giai điệu và nhịp điệu của cảm xúc, cơ thể con người được lặp đi lặp lại mang tính chu kỳ đã tác động tích cực đến quá trình lao động, tạo nên sự hưng phấn cho công việc, thậm chí sáng tạo nên nhiều ý tưởng tích cực. Nhịp điệu, tiết tấu trong dân ca giữ vai trò quyết định, không chỉ trong tính nghệ thuật mà còn thể hiện rõ tính dân tộc, tính địa phương, vùng, miền của các làn điệu. Tính chất tiết tấu âm nhạc từ đơn giản đến phức tạp, từ đồng điệu đến tự do, do đó, các bài bản dân ca luôn đảm nhiệm chức năng phản ánh rõ nhất nét sinh hoạt trong đời sống cộng đồng, đồng thời là tiếng nói, là phương tiện giao tiếp quan trọng giúp con người dễ bộc lộc cảm xúc hơn.

Trong hát ru, nhịp điệu khá tự do, dàn trải, không gò bó theo bất cứ một khuôn mẫu nào, những tiếng ru có lúc nhịp nhàng theo nhịp võng đung đưa nhưng cũng có khi lại bị cuốn theo tâm tư tình cảm của người thể hiện. Những tiếng hát mở đầu trong mỗi lời ru thường là những câu ngân nga chậm rãi, nhẹ nhàng và thủ thỉ, được kéo dài hơi để lắng đọng: “ơ…. hời….”, “ru rây ún ơi… hời”… Những câu hát chính có tốc độ nhịp điệu hơi nhanh hơn và có lúc nghe dồn dập như mô tả, thể hiện tình cảm theo chiều sâu nội dung: “Bố mẹ đi lên rừng, săn con thú/ Lấy cái măng về nấu canh chua/ Em ngủ cho ngon...”.

Ở mỗi vùng Mường, với những tiếng đệm, tiếng đưa hơi khác nhau trong cách hát đã tạo nên sự phong phú, đa dạng cho thể loại ca hát mang đậm chất trữ tình này: “Hát ru em ban ngày và ban đêm với các giọng “íí” của Mường Đà Bắc, Kim Bôi, giọng “da ới hơi” của Mường Lạc Sơn, mà vùng Mường Vang cuối câu hát thời “dơ hợi”, vùng Liên Cộng Đại Đồng cũ kết câu lại “dơ hới” và “ru hảy” của Mường Bi… cũng vang vọng các bản làng” (6). Người Mường ở Phú Thọ trong cách hát ru cũng có lối cấu trúc diễn đạt được chia thành các phần rõ rệt, lời dẫn mở đầu với các từ ngân nga “ru ru rây rây”, “un ơi” da diết, nhẹ nhàng như lời gọi, tiếng nhắn nhủ hòa quyện cùng tình yêu thương.

Không bị bó hẹp về không gian, thời điểm, nội dung diễn xướng trong hát ru luôn phong phú đa dạng, phản ánh tính chất đa chiều cuộc sống. Hát ru đã tiếp cận đến nhiều đối tượng với nhiều mức độ khác nhau. Lối ca hát ngâm ngợi tự do, không theo nhịp phách được tiếp nối bằng những lời ru với âm điệu dịu dàng như bàn tay chăm chút vuốt ve của bà, của mẹ đối với tâm hồn trẻ thơ. Sự kết hợp đan xen giữa lời chính với những tiếng đệm, tiếng láy ngân nga đã tạo nên điểm nhấn khác biệt độc đáo cho hát ru mà không một thể loại ca hát nào có thể đạt được.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào hay mức độ cuộc sống nào thì tiếng ru vẫn luôn là những âm thanh êm đềm vang lên trong giấc mơ của trẻ thơ, vẫn là khát vọng về một ngày mai tươi đẹp của các bậc cha mẹ mong ước cho con cháu mai sau. Bối cảnh sống với không gian êm đềm cùng nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các làn điệu dân ca, xã hội truyền thống trước kia thực sự là môi trường tốt khi tiếng hát luôn vang vọng, hòa quyện cùng mọi ngõ ngách của từng nhà, từng làng bản. Bà Thắm (ở xã Cự Đồng, huyện Thanh Sơn) cho biết: “Ngày xưa nơi xóm tôi vui lắm, trai gái hát hò thâu đêm suốt sáng, công việc gì làn điệu ấy ứng tác chứ không như bây giờ, họ ít hát và chỉ tham gia khi có hội hè mà thôi”. Nếu nói như vậy, ở bối cảnh xã hội trước đây, người dân yêu thích ca hát, tham gia một cách nhiệt tình hơn và thường xuyên hơn còn trong cuộc sống hiện tại họ không thích hay không có thời gian để tập trung ca hát đối đáp với nhau nữa.

Trong bất kỳ một xã hội nào, cuộc sống của con người sẽ có ảnh hưởng đến những giá trị trong đời sống sinh hoạt tinh thần. Khi con người với sự thỏa mãn về đời sống vật chất, những hoạt động của đời sống tinh thần sẽ được phát triển và đảm bảo với nhiều mức độ hơn và ngược lại cuộc sống khó khăn cùng những vướng bận trong sự phát triển mưu sinh sẽ làm hạn chế đi sự quan tâm chau chuốt cho tâm hồn. Nhìn nhận một cách chung nhất, môi trường trong hát ru chủ yếu là những thực tế của khung cảnh yên bình bên chiếc nôi dịu dàng, trong tình yêu nâng niu của mẹ, của bà, cùng những tiếng ầu ơ dịu ngọt. Nhưng thực tế, trong đời sống nông nghiệp, người nông dân phải bươn trải ngày đêm lo cho miếng cơm manh áo, họ khát khao tìm kiếm sự yên bình, ấm no cho cuộc sống. Sự vất vả trong cuộc sống mưu sinh đã làm cho tiếng ru và cả những câu hát dân ca êm đềm dần bị kìm nén, hạn chế đi.

Vậy làm thế nào để những giai điệu của hát ru được ngân nga cất lên như nhịp sống thường nhật của người dân? Làm sao để những lời ru tiếp tục bay bổng, hòa quyện thấm sâu vào trong tâm hồn của các thế hệ người dân Mường đặc biệt là giới trẻ trong đời sống với nhiều mức độ ảnh hưởng, tác động hiện đại ngày nay?

Cuộc sống xã hội với nhiều sự đổi thay, nhịp điệu hiện đại cùng quá trình hội nhập phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân đã làm cho các bản làng Mường như được “thay da đổi thịt”. Ở các làng người Mường Phú Thọ hiện nay, hát ru hầu như không còn được người dân sử dụng nhiều, không còn nhận được sự quan tâm của nhiều đối tượng như trước kia. Khảo sát trên các tiểu vùng Mường, chúng tôi nhận thấy, hiện nay còn rất ít những tiếng ru được cất lên trong không gian yên tĩnh, hầu như được nghe từ người già, họ ngâm nga khi ru cháu ngủ hoặc trong khi làm một số việc lặt vặt trong nhà và hát để xua đi không khí buồn chán. Hệ thống làn điệu ru cũng không đa dạng so với các thể loại ca hát khác, nó chỉ còn là những câu hát ngắn, lời ru ngắt quãng bên bếp lửa hay bên hiên nhà. Tuy vậy, những câu ru giản dị mộc mạc, những lời ru đơn sơ vẫn có sức mạnh vỗ về, chăm chút cho tâm hồn các thế hệ người Mường từ ngày còn thơ bé, để tiếp sau đó sẽ là cầu nối cho ước mơ, khát vọng cuộc đời được bay cao, bay xa hơn.

Trong thời kỳ phát triển của xã hội hiện nay, việc gìn giữ và phát triển những câu hát ru càng cần thiết hơn bao giờ hết. Đặc biệt, khi ở đâu đó, các giá trị văn hóa truyền thống đang ngày càng mai một, nhiều bà mẹ đã bị quên dần thói quen hát ru cho con, trẻ thơ dễ bị cuốn hút bởi những loại hình vui chơi hiện đại mà thiếu đi sự tác động có tính giáo dục cao của những ca từ hát ru dân dã. Để những lời ru dân tộc được hòa quyện cùng nhịp sống sinh hoạt xã hội, tất cả cộng đồng nói chung, dân tộc Mường ở Phú Thọ nói riêng cần phải có ý thức, trách nhiệm hơn nữa trong công tác gìn giữ vốn di sản cổ truyền của dân tộc mình, cụ thể:

Một là, trong các nếp sinh hoạt thường ngày của cộng đồng, cần gắn hát ru với việc nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ qua các hoạt động thực tế như hát ru trẻ ngủ; có không gian sinh hoạt cũng như tuyên truyền nhận thức cho mọi người trong công tác giữ gìn và bảo tồn giá trị văn hóa độc đáo; tạo môi trường sống cho những giai điệu ru được hoàn thiện và phát triển hơn, dù trong môi trường hiện đại nhưng vẫn đảm bảo tính dân tộc sâu sắc. Bởi, hát ru chỉ tồn tại khi nó được trở về với chính vị trí như khi nó được sinh ra.

Hai là, tuyên truyền và nuôi dưỡng để giai điệu hát ru phát triển bằng cách nhân rộng các hoạt động, gây dựng từ việc chỉ đạo tuyên truyền của các cấp quản lý đến các hoạt động trực tiếp của người dân Mường trong cộng đồng. Phổ cập hát ru bằng nhiều phương thức, nhiều biện pháp, đặc biệt là việc gây trồng những câu hát ru bình dị trong chương trình giáo dục phổ thông ở địa phương. Các chương trình sân khấu hóa, cuộc liên hoan nghệ thuật, câu lạc bộ dân ca đều là nơi để những lời hát ru được bay bổng.

Ba là, công tác khôi phục, sưu tầm và thực hành ca hát những làn điệu ru trong cuộc sống sinh hoạt cộng đồng phải được thực hiện một cách cụ thể, có kế hoạch. Cần có chế độ đãi ngộ phù hợp đối với nghệ nhân, người dân còn lưu giữ nhiều các giai điệu hát ru để từ đó có kế hoạch, biện pháp phổ cập nhân rộng ra toàn cộng đồng. Bồi dưỡng các lớp hạt nhân mới, thế hệ kế cận trong công tác truyền dạy hoạt động văn hóa dân gian dân tộc Mường, đặc biệt là giai điệu hát ru.

Bốn là, phương tiện thông tin đại chúng cũng có thể trở thành các “tuyên truyền viên” tích cực trong công tác phổ biến phát triển nghệ thuật hát ru. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phong trào xây dựng gia đình văn hóa mà nòng cốt là việc tập huấn, phổ cập hát ru cổ truyền cho giới trẻ Mường, mà đặc biệt là nữ thanh niên Mường trong độ tuổi tiền hôn nhân.

Gìn giữ giai điệu hát ru Mường trong cuộc sống hiện nay là việc làm cần thiết và cấp bách bởi tiếng ru không chỉ là di sản quan trọng của dân tộc mà nó còn là nhịp sống, là tâm hồn, là tình yêu của con người từ bao thế hệ luôn trao gửi trong từng giai điệu lời ca.

3. Kết luận

Mỗi dân tộc trong hệ thống cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam nói chung đều có riêng cho mình những giá trị văn hóa đặc trưng trong đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Là một dân tộc với nhiều loại hình văn hóa dân gian phong phú, đa dạng, người Mường ở Phú Thọ vẫn luôn phát huy truyền thống, gây dựng và giữ gìn những sắc màu dân tộc mà cha ông họ đã dày công vun đắp nên. Những tiếng ru Mường mượt mà, mộc mạc hòa quyện cùng không gian núi rừng êm ả đã tạo nên một bức tranh đẹp, bởi tình người luôn đong đầy, hòa quyện. Dẫu đã có lúc bị phôi pha, phai nhạt nhưng giai điệu hát ru cho đến hiện nay vẫn không bị mất đi, nó có thể đang bị khuất lấp bởi nhịp sống hiện đại, đang bị quên lãng bởi sự hội nhập đa dạng của nhiều loại hình văn hóa mới sinh động sôi nổi hơn.

Vậy, chúng ta cần làm gì để những tiếng ru êm đềm ấy vẫn còn được vang vọng trong không gian cuộc sống và trở thành thứ ngôn ngữ trao đổi giữa các thế hệ người dân, là lời yêu thương trong món ăn tinh thần không thể thiếu của trẻ thơ? Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc nói chung, giai điệu hát ru nói riêng là rất cần thiết, đó không phải là trách nhiệm của một cá nhân mà của cả cộng đồng. Với những giá trị thẩm mỹ, tính giáo dục, sự đoàn kết cộng đồng… càng làm cho dân ca, cho những lời ru bình dị xứng đáng là những “viên ngọc quý” trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Mường nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung trong nhịp sống xã hội hiện đại.

________________

1. Dương Huy Thiện (chủ biên), Văn hóa dân gian Mường Phú Thọ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015, tr.20.

2, 5. Hoàng Minh Tường, Hát ru dân tộc Mường Thanh Hóa, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2016, tr.38, 68-79.

3. Bùi Thiện, Dân ca Mường phần tiếng Việt, Nxb Văn hóa dân tộc, 2010, tr.147.

4. Phạm Phúc Minh, Tìm hiểu dân ca Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1994, tr.196.

6. Bùi Thiện, Văn hóa dân gian Mường, Nxb Văn hóa dân tộc, 2010, tr.12.

TẠ THỊ THU HIỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 494, tháng 4-2022

;