Hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật rất quan trọng bởi nó được xem là then chốt để tạo nên những tác phẩm hội tụ tinh hoa, phẩm chất của xã hội đương thời. Chính sách văn hóa với lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật sẽ là cơ hội và động lực để nghệ sĩ được thể hiện bản chất của sáng tạo nghệ thuật là sự tự do. Lựa chọn hai lĩnh vực tiêu điểm của nghệ thuật là âm nhạc và mỹ thuật, bài viết tập trung phân tích để thấy rõ mối quan hệ cũng như sự tác động của chính sách văn hóa với sáng tạo nghệ thuật từ thời kỳ Đổi mới cho tới nay.
1. Chính sách văn hóa
Năm 1998, nhóm tác giả cuốn Quản lý hoạt động văn hóa đã đưa ra khái niệm: “Chính sách văn hóa là một tổng thể những sự thực hành xã hội do Nhà nước ban hành, dựa trên cơ sở thấu triệt những nguyên tắc định hướng chung mà cơ quan lãnh đạo Đảng đã vạch ra trong đường lối văn hóa, và một tổng thể các biện pháp can thiệp nhiều hay ít, hay không can thiệp của Nhà nước vào lĩnh vực hoạt động văn hóa” (1).
Chính sách văn hóa là cơ sở tiên quyết cho công tác quản lý văn hóa. Quản lý văn hóa chỉ có thể hoạt động thuận lợi trong những điều kiện khung hay là điều kiện cơ bản của chính sách văn hóa do mỗi quốc gia đó đề ra. Chính sách văn hóa của nước ta được định hướng trong đường lối văn hóa của Đảng. Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng và Nhà nước luôn xác định rõ vai trò của văn hóa trong sự phát triển chung với kinh tế - xã hội. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã nêu: “Phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển là thể hiện rõ nhất bản chất của chế độ ta”.
2. Chính sách văn hóa với sáng tạo nghệ thuật
Trong giai đoạn từ năm 1975-1985, Bắc Nam thống nhất một nhà, cả nước chung tay vào kiến thiết, xây dựng đất nước sau thời gian dài chia cắt và tàn phá bởi chiến tranh. Đây cũng là giai đoạn đặt nền móng cho các hoạt động sáng tạo nghệ thuật nhất quán về phương pháp, tư duy sáng tạo.
Đại hội Đảng lần thứ IV năm 1976 đã định ra đường lối cho cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta nói chung và về đường lối văn hóa nói riêng. Nghị quyết của Đại hội IV nêu rõ: “Trong công tác văn hóa, phải luôn luôn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phải nhằm phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; kế thừa có chọn lọc, có phê phán và có sáng tạo những giá trị tinh thần và văn hóa của dân tộc cũng như của nền văn minh loài người; kết hợp xây dựng với cải tạo, áp dụng phương pháp phê bình và tự phê bình” (2). Tiếp thu định hướng của Đảng, phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa vẫn được xem là chính thống, chiếm ưu thế, phổ biến sâu rộng trong đời sống nghệ thuật cả nước. Các sáng tác nghệ thuật trong giai đoạn này cũng có sự hòa nhập của nghệ sĩ ba miền, phản ánh đời sống mới, con người mới trong niềm vui hòa bình, niềm tin hy vọng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Giai đoạn tiếp theo của thời kỳ Đổi mới và hội nhập, chính sách văn hóa đóng vai trò quan trọng thúc đẩy khả năng sáng tạo nghệ thuật.
Chính sách văn hóa thúc đẩy đổi mới tư duy trong sáng tạo nghệ thuật
Bước ngoặt lớn của nước ta được đánh dấu bằng chính sách Đổi mới mà Đảng đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, năm 1986.
Nền kinh tế nước ta chuyển sang sản xuất - kinh doanh hàng hóa nhiều thành phần có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong lĩnh vực văn hóa, Đảng đã có nhận thức mới về mối quan hệ giữa văn hóa với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong lĩnh vực nghệ thuật, có thể nói, đây là giai đoạn đổi mới tư duy sáng tạo nghệ thuật. Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị về Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới, ban hành ngày 28-11-1987, chỉ rõ: “Đảng khuyến khích văn nghệ sĩ tìm tòi sáng tạo, khuyến khích và yêu cầu có những thể nghiệm mạnh bạo và rộng rãi trong sáng tạo nghệ thuật, trong việc phát triển các loại hình và thể loại nghệ thuật, các hình thức biểu hiện”. Theo đó, tự do sáng tác đi đôi với tự do phê bình. Người sáng tác và người phê bình phải làm chủ ngòi bút của mình, không ngừng rèn luyện bản lĩnh, nâng cao trình độ, chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân về công việc của mình. Tháng 7-1998, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được ban hành, thể hiện sự đổi mới trong nhận thức và tư duy lý luận về văn hóa, kêu gọi nghệ sĩ tự cởi trói và tự do sáng tạo. Đây được xem là nguyên nhân trực tiếp tạo nên trào lưu đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật từ đó đến nay.
Sáng tạo nghệ thuật lúc này chính là tôn trọng tự do sáng tạo, đề cao tính cá nhân, tôn trọng các khuynh hướng khác nhau, không hạn chế tìm tòi những phong cách mới. Những sáng tạo nghệ thuật hướng cái nhìn vào thế giới nội tâm con người hơn là chạy theo những miêu tả ngoại cảnh. Sự thay đổi này như làn gió mới có ảnh hưởng không nhỏ đến tư duy sáng tạo của nghệ sĩ, đem đến những sáng tác mới với nhiều thủ pháp thể hiện khác nhau, mang nhiều dấu ấn cá nhân hơn. Nhà nước cũng ban hành hàng loạt các văn bản quản lý nhằm đáp ứng nhu cầu của người sáng tạo nghệ thuật cũng như phù hợp với diễn biến của xã hội, như Quyết định số 25-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 19-1-1993, về Một số chính sách nhằm xây dựng và đổi mới sự nghiệp văn hóa nghệ thuật. Theo đó, Nhà nước đầu tư kinh phí trong lĩnh vực sáng tạo, phát triển và bảo tồn nghệ thuật; thành lập Quỹ giải thưởng văn học - nghệ thuật của Chính phủ.
Chính sách văn hóa tạo cơ hội ra đời các hình thức thể hiện mới
Sự chuyển đổi cơ chế của nền kinh tế từ bao cấp hoàn toàn sang thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã và đang làm thay đổi quá trình sáng tạo nghệ thuật.
Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương và chính sách xã hội hóa. Nghị quyết số 04-NQ/HNTW Hội nghị lần thứ tư BCHTW Đảng khóa VII về Một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt, ban hành ngày 14-1-1993, đã chỉ rõ: “Phát triển hoạt động văn hóa, văn nghệ của nhà nước, tập thể, cá nhân theo đường lối của Đảng và sự quản lý của Nhà nước”. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, ban hành ngày 16-7-1998, cũng khẳng định: “Chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa nhằm động viên sức người, sức của của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội để xây dựng và phát triển văn hóa”.
Nhằm triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã không ngừng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, như ban hành Nghị quyết số 90/CP, ngày 21-8-1997, về Phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa; Nghị định số 73/1999/NĐ-CP, ngày 19-08-1999, về Chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao; Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP, ngày 18-4-2005, về Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao. Chính sách của Đảng và Nhà nước ban hành kịp thời cùng tiến trình đổi mới đất nước đã tạo điều kiện thuận lợi, tạo cơ hội sáng tạo cho các nghệ sĩ.
Sáng tạo cá nhân ngày càng gia tăng về số lượng và chất lượng, mở rộng theo hướng thị trường hóa. Trong lĩnh vực mỹ thuật, đã hình thành các gallery và thị trường nghệ thuật. Bên cạnh mô hình triển lãm khu vực thường niên của Hội Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm định kỳ 5 năm, 3 năm do Bộ VHTTDL chủ trì thực hiện, triển lãm nhóm và cá nhân của các nghệ sĩ tạo hình với đa dạng thể loại: điêu khắc, hội họa, nghệ thuật đương đại được tổ chức liên tục trên hầu khắp các địa phương. Trong nghệ thuật biểu diễn nói chung và nghệ thuật âm nhạc nói riêng, đã có thị trường âm nhạc, xuất hiện những cá nhân hoặc nhóm nghệ sĩ hoạt động độc lập bên cạnh mô hình đoàn, nhà hát ca múa nhạc, nghệ thuật biểu diễn của nhà nước. Điều kiện xã hội cởi mở đã giúp cho các nghệ sĩ có cơ hội công bố, giới thiệu tác phẩm nghệ thuật, đưa tác phẩm đến gần với công chúng hơn. Bên cạnh đó cũng đòi hỏi họ phải nỗ lực, sáng tạo để có và giữ được phong cách, bản sắc riêng.
10 năm sau khi ban hành Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, ngày 16-6-2008, Bộ Chính trị (khóa X) ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, trong đó nhấn mạnh và bổ sung một số quan điểm chỉ đạo: về vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật; về nhiệm vụ của văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; với đội ngũ văn nghệ sĩ, trong đó nhấn mạnh đến việc tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ (3).
Điều 40, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013 quy định: Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó (4). Đây là nền tảng quan điểm vững chắc để ngày 9-6-2014, Đảng ta ban hành Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Điểm đáng chú ý trong Nghị quyết lần này là: văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Như vậy, về cơ bản, chính sách văn hóa hiện nay thực sự góp phần thúc đẩy sự sáng tạo trong nghệ thuật bởi những yếu tố: tính hệ thống và đồng bộ trong việc ban hành những thể chế liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong sáng tạo và hưởng thụ văn học nghệ thuật; công nhận và đảm bảo quyền tự do sáng tạo; tạo điều kiện thuận lợi và khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ.
Hội nhập quốc tế cũng là cơ hội để nghệ sĩ tìm hiểu, thể hiện những hình thức nghệ thuật mới. Nhiều thể loại, phong cách nghệ thuật đã từng xuất hiện không chính thức trong giai đoạn trước thì nay được công nhận và ngày càng phổ biến trong đời sống xã hội, như các hình thức nghệ thuật đương đại, bao gồm nghệ thuật sắp đặt (Installation art), nghệ thuật trình diễn (Performance art), nghệ thuật video (Video art), body art, nghệ thuật đa phương tiện... Nhiều cuộc thi nghệ thuật quốc tế hay những dự án mỹ thuật của các tổ chức nước ngoài được giới thiệu ở Việt Nam đã góp phần kích thích sự sáng tạo của các nghệ sĩ, là nơi để họ giao lưu, tìm tòi những ngôn ngữ nghệ thuật mới.
Trong lĩnh vực âm nhạc, xuất hiện ngày càng nhiều nhóm nhạc, ca sĩ thành danh với những phong cách âm nhạc du nhập từ nước ngoài, tạo nên luồng sinh khí mới cho âm nhạc đương đại. Âm nhạc thính phòng giao hưởng cũng khẳng định vị thế của mình trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Trình độ thẩm mỹ, thủ pháp sáng tác và tài năng nghệ thuật của các nghệ sĩ đã được nâng lên một trình độ cao hơn. Nhiều chương trình biểu diễn được đón nhận ở trong và ngoài nước. Bên cạnh việc hợp tác với các tổ chức nước ngoài, các nghệ sĩ, nhạc trưởng người nước ngoài dàn dựng chương trình biểu diễn, một số nhà hát Việt Nam đã hoàn toàn tự lực dàn dựng và biểu diễn những tác phẩm kinh điển thế giới, tiêu biểu như các chương trình nhạc kịch Những người khốn khổ, Rock Symphony của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.
Tính hợp lý của chính sách văn hóa liên quan đến hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật còn được thể hiện ở việc đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu của các tầng lớp xã hội. Trong đời sống sinh hoạt văn hóa nghệ thuật hiện nay, nội dung và cách thức thể hiện tác phẩm rất phong phú, đa dạng. Từ những loại hình truyền thống như quan họ, ca trù, xẩm... đến loại hình diễn xướng tổng hợp như hầu đồng, hát Then đều được khôi phục, bảo tồn và phát triển. Nghệ thuật truyền thống đã được các nghệ sĩ làm mới để đưa vào đời sống đương đại, điển hình như kết hợp xẩm với nhạc jazz, rap, hiphop, beatbox, EDM... Sự sáng tạo này góp phần để các di sản vẫn sống trong dòng chảy của thời đại, có giá trị lan tỏa trong giới trẻ sâu, rộng hơn.
Nhà nước cũng tạo ra cơ sở pháp lý để các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ được lưu hành trong thị trường cũng như đảm bảo quyền lợi sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ, như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Bản quyền; liên tục ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ năng lực sáng tạo của nghệ sĩ, tạo cơ chế thuận lợi cho việc sáng tạo nghệ thuật. Đơn cử như Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 2-10-2013 của Chính phủ về Hoạt động mỹ thuật; Nghị định số 11/2019/NĐ-CP ngày 30-1-2019 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định có quy định thủ tục hành chính liên quan đến yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ VHTTDL; Nghị định 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; Quy hoạch phát triển mỹ thuật đến năm 2020 tầm nhìn 2030; Quy hoạch ngành Nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020 tầm nhìn 2030; Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đến năm 2030...
Phải nói rằng, trong thời điểm này, các loại hình nghệ thuật có môi trường khá lý tưởng để phát triển, hay nói cách khác, chính sách văn hóa hiện nay thực sự góp phần thúc đẩy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng. Sự vận động, sáng tạo của các loại hình nghệ thuật do chính các nghệ sĩ điều chỉnh, quyết định trước tác động của công chúng và thị trường.
Rất nhiều loại hình đã, đang xuất hiện trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nhanh chóng thoái trào và biến mất bởi không phù hợp với mỹ cảm của dân tộc. Những tác phẩm nghệ thuật lai căng, thỏa mãn thị hiếu tầm thường của một bộ phận khán giả cũng sẽ nhanh chóng biến mất bởi không để lại những dư vị cảm xúc lâu dài trong lòng đại công chúng. Điều này dễ thấy khi hàng loạt những ca khúc mì ăn liền một thời nhanh chóng bị lãng quên, trong khi đó, những tác phẩm có giá trị, phù hợp với mỹ cảm của dân tộc thì luôn xuất hiện ở những không gian nghệ thuật lớn nhỏ.
3. Một số nhận xét
Như đã phân tích ở trên, chính sách văn hóa có tác động không nhỏ đến sự sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, chính sách văn hóa tác động nhưng không quyết định đến sức sáng tạo của nghệ sĩ.
Thập kỷ 90 của TK XX rực rỡ và huy hoàng đối với nhiều nghệ sĩ, những sáng tác của họ được công chúng hồ hởi đón nhận và chính điều này cũng tạo nên một số ảo tưởng về sự “thành danh dễ dàng và tiền kiếm như nước” trong một khoảng thời gian ngắn, đặc biệt trong lĩnh vực hội họa. Về âm nhạc, thập kỷ này cũng được coi là thời kỳ huy hoàng của nhạc nhẹ Việt Nam cùng với đời sống sôi động của các bảng xếp hạng âm nhạc. Nhiều bài hát được yêu thích nhất lúc bấy giờ như Tình thôi xót xa, Nỗi nhớ dịu êm, Lời của gió, Thì thầm mùa xuân… đưa tên tuổi của những ca sĩ Lam Trường, Hồng Nhung, Mỹ Linh… thành các ngôi sao ca nhạc. Nhưng cũng chính sự dễ dãi của một số nghệ sĩ đã tạo nên những tác phẩm vay mượn chứ không phải sáng tạo bằng cảm xúc của mình, như trong trường hợp bị xem là đạo nhạc từ ca khúc I’ve never been to me của Charlene người Mỹ và bản hòa tấu Frontier của nhạc sĩ Nhật Keiko Matsui là một ví dụ. Chính cái khoảnh khắc “dễ dãi” với nghệ thuật đó mà trong lĩnh vực mỹ thuật, có không ít họa sĩ “thăng hoa tột độ và ngất ngây” với những thành quả nghệ thuật của mình, họ ít có thời gian để nghĩ về việc vẽ gì mà thường là vẽ theo đơn đặt hàng của gallery, vẽ theo ý của khách mua... Mọi thứ đến rất vội vã và cũng ra đi nhanh chóng. Chính sự mở cửa trong chính sách văn hóa lúc đó đã tạo nên sự bùng nổ về sức sáng tạo của người nghệ sĩ và qua đó, tạo điều kiện cho nền nghệ thuật của nước nhà dần hình thành, vận động theo đúng quy luật, với cái gọi là dấu ấn cá nhân hay là sự chuyên nghiệp hóa trong sáng tác. Giai đoạn gây sốc, gây chú ý của thập niên 90 thế kỷ trước đã qua. Giờ đây, phần lớn nghệ sĩ phải nỗ lực định hình phong cách cá nhân trong chiều sâu sáng tác bởi chỉ có như vậy mới giúp họ vững bước trên con đường nghệ thuật chân chính.
Qua từng thời kỳ, sự thay đổi về chính sách văn hóa, đặt trong sự biến chuyển chung của cả đất nước, đều có những giá trị riêng, hướng đến giải quyết những vấn đề của cuộc sống bằng ngôn ngữ riêng của nghệ thuật. Gần đây nhất, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã nêu lên 6 nhiệm vụ, tựu chung là hướng đến giá trị nhân văn, lấy con người là trung tâm cho mọi giải pháp. Đó là: Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; Phát triển công nghiệp hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại (5).
Như vậy, mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sức sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có những ảnh hưởng, tương tác nhất định. Chính sách văn hóa phù hợp thiết lập trật tự đồng thời tạo điều kiện để văn hóa phát triển, thúc đẩy hoạt động văn hóa bằng cách điều tiết lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động văn hóa (lợi ích của nhà nước, tập thể và lợi ích của cá nhân), nhưng một số chính sách khi đi vào cuộc sống không phù hợp cũng có thể kìm hãm sức sáng tạo của một số mặt trong hoạt động văn hóa. Tuy nhiên, mọi chính sách văn hóa đều hướng đến lợi ích của nhân dân, của những chủ thể sáng tạo, ở góc độ này hay khía cạnh khác, và sẽ là bệ đỡ cho những sáng tạo phù hợp với mỹ cảm chung của đất nước.
______________________
1. Nhiều tác giả, Quản lý hoạt động văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin, 1998, tr.28.
2. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1977.
3. Nghị quyết 23-NQ/TW về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, 2008.
4. Hiến pháp đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6, thông qua ngày 28-11-2013.
5. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, ban hành ngày 9-6-2014.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Lương Tiểu Bạch (chủ biên), Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, Viện Mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Hà Nội, 2005.
2. Phạm Duy Đức, Thành tựu trong xây dựng và phát triển văn hóa, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2010.
3. Nguyễn Thụy Loan, Lược sử âm nhạc Việt Nam, Nxb Âm nhạc, 1994.
4. Hồ Chí Minh, Văn hóa văn nghệ cũng là một mặt trận, Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2005.
5. Hội Mỹ thuật Việt Nam, 50 năm Hội Mỹ thuật Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2007.
6. Nguyễn Quân, Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20, Nxb Tri thức, 2010.
7. Thái Bá Vân, Tiếp xúc với nghệ thuật, Viện Mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Hà Nội, 1998.
8. Tô Vũ, Âm nhạc Việt Nam - truyền thống và hiện đại, Viện Âm nhạc, 2002.
Ths TRẦN THỤC QUYÊN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 485, tháng 1-2022