1. Những vấn đề đặt ra khi đưa dân ca vào các hoạt động âm nhạc ở bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở
Âm nhạc là loại hình nghệ thuật xuất hiện rất sớm trong lịch sử loài người, nó gắn bó với con người và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu. Âm nhạc phản ánh cuộc sống con người qua những hình tượng, thể hiện niềm vui, nỗi buồn, khát vọng, ước mơ của con người bằng ngôn ngữ âm thanh.
Dân ca được ví: “Như dòng sông mênh mông tình đất, tình người, chắt lọc từ mạch nguồn cuộc sống, chảy qua nhiều thời đại, phản ánh tâm tư tình cảm, ước mơ khát vọng của con người trên mảnh đất quê hương của mình…”. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dân ca vẫn có sức sống bền chặt trong lòng mỗi người dân Việt Nam, là nhịp cầu thời gian để ta trở về với cội nguồn của cha ông, dân tộc mình. Sau nhiều năm đổi mới, hội nhập toàn diện với thế giới, diện mạo đất nước ta có những thay đổi đáng kể. Bên cạnh những giá trị tích cực do nền kinh tế thị trường mang lại, những hạn chế, tiêu cực vẫn còn tồn tại trong đời sống. Có thể kể đến tình trạng giới trẻ thờ ơ với các trò chơi dân gian, làn điệu dân ca vốn rất phong phú và đa dạng mà ông cha để lại. Điều đó phần lớn do cuộc sống hiện đại, cuộc sống của thời đại công nghệ thông tin chi phối. Trẻ em được tiếp xúc nhiều với nền văn hóa nước ngoài, nhất là nền văn hóa phương Tây, nên thích nghe và thích hát những bài hát trẻ trung, sôi động hơn. Điều đó đã đặt ra một thách thức lớn trong quá trình bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng đã chỉ rõ nhiệm vụ: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta tiếp thu những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, hội nhập toàn diện với thế giới để phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nhưng vẫn luôn phải bảo vệ và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Cũng vì mục đích đó mà hiện nay, việc đưa dân ca vùng miền vào chương trình giáo dục âm nhạc trong nhà trường ở các cấp học ngày càng được quan tâm và chú trọng. Tuy nhiên, vấn đề này ở bậc học mầm non còn nhiều hạn chế. Đối với trẻ mầm non, âm nhạc đóng vai trò như một phương tiện giúp trẻ nhận thức thế giới xung quanh, phát triển ngôn ngữ, giao tiếp, trao đổi tình cảm... Vì vậy, chúng ta hãy đem đến cho trẻ những nguồn vui, giá trị sống trong nghệ thuật dân ca. Những lời ru của bà, của mẹ, những câu hát mộc mạc, gần gũi đã nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ từ bao đời nay. Tình yêu gia đình, quê hương cũng lớn lên từ tiếng hát, lời ru đó. Cần tạo điều kiện để những làn điệu dân ca luôn có mặt trong đời sống của trẻ, dạy trẻ các trò chơi dân gian gắn với dân ca, cho trẻ nghe những bài hát dân ca. Nếu như trẻ tiếp xúc quá muộn với dân ca thì khi trưởng thành sẽ thờ ơ với loại hình âm nhạc này hoặc có ưa thích cũng hạn chế nhiều mặt. Trong chương trình giáo dục hiện nay, những bài hát dân ca dành cho trẻ rất ít, nếu có thì đa số chỉ được dàn dựng biểu diễn trong dịp lễ hội. Trẻ được tiếp xúc với dân ca chủ yếu dưới hình thức nghe giáo viên hát. Những bài hát dân ca mà giáo viên hát lại không gần gũi với trẻ, làm cho trẻ không hứng thú. Nhằm mục đích phát triển toàn diện trẻ em về đức, trí, thể, mỹ, việc đưa dân ca nói chung và hát xoan làng An Thái nói riêng vào chương trình học ở từng địa phương là rất cần thiết.
2. Giới thiệu về hát xoan và làng xoan An Thái
Đôi nét về hát xoan
Hát xoan là một loại hình dân ca lễ nghi - phong tục độc đáo của vùng đất Tổ. Ngày 3-2-2018, tại Miếu Lãi Lèn, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức lễ đón bằng của UNESCO ghi danh Hát xoan Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại. Có thể nói, hát xoan được ghi danh đã góp phần tôn vinh các giá trị, đạo lý của dân tộc, khẳng định vị thế của dân tộc ta trong thời kỳ hội nhập.
Qua nghiên cứu, sưu tầm, các học giả đã đưa ra quan điểm cá nhân về loại hình dân ca độc đáo vùng đất Tổ. Tác giả Tú Ngọc trong cuốn Hát xoan, dân ca lễ nghi phong tục cho rằng: Hát xoan là sản phẩm văn hóa dân gian của vùng đất Tổ Phú Thọ. Hát xoan là tên gọi khác đi (nói chệch) của hai từ hát xuân, ca xuân tức “ca xoan” là lối hát dùng trong nghi lễ, phong tục, lễ hội diễn ra trong các ngôi đình ở làng, xã vào mùa xuân. Trong cuốn Hát xoan Phú Thọ, tác giả Nguyễn Khắc Xương cho rằng, hát xoan Phú Thọ là loại hình dân ca lễ nghi phong tục, là hát cửa đình, là hình thức nghệ thuật đa yếu tố, có nhạc hát, múa, nằm trong thành phần các trò diễn hội làng. Hát xoan chỉ cất lên trong tế lễ đình đám khi làng mở hội, đình đám mùa xuân.
Tuy có những cách tiếp cận khác nhau, nhưng nhìn chung đều thống nhất, hát xoan là loại hình hát cửa đình, dân ca phục vụ tế lễ, đình đám, thường hát vào mùa xuân, có tổ chức phường họ, tục lệ riêng.
Làng xoan An Thái
An Thái là một trong những làng cổ của cư dân Văn Lang thời kỳ Hùng Vương, một số truyền thuyết được dân gian truyền lại như sau:
Công chúa Nguyệt Cư là con gái Hùng Duệ Vương (vua Hùng thứ 17), có chồng là Lý Lang - công tướng của vua Hùng. Trong một trận chiến với giặc ngoại xâm, Nguyệt Cư lúc đó đang mang thai sắp đến ngày sinh nở, vẫn cùng chồng lãnh đạo quân đánh giặc. Khi ca khúc khải hoàn trên đường về xã Cao Mại (trang ấp của Lý Lang Quân), lúc qua làng An Thái dân làng đón chào công chúa bằng những lời ca điệu múa. Công chúa mải mê xem hát múa, cho tới khi chuyển dạ mà vẫn không muốn về. Nhưng rồi bụng mỗi lúc một đau không thể ở lại An Thái được nữa, công chúa truyền quân khiêng kiệu chạy thật nhanh về trang ấp ở Cao Mại thì trở dạ sinh được một bé trai. Từ đó hằng năm dân làng Cao Mại có lệ chạy rước kiệu từ An Thái về làng mình, các cô đào phường An Thái cũng phải chạy theo kiệu về làng Cao Mại hát thờ Đức Thánh Mẫu Nguyệt Cư, cầu mong cho làng luôn được bình an, mưa thuận gió hòa, không có giặc dữ, dân làng thịnh vượng no đủ (1). Vua Hùng thứ 6, thụy là Hùng Hân Vương, đưa quân đi đánh giặc trở về qua ngôi làng này thì hoàng hậu đau bụng đẻ, hoàng hậu chuyển dạ đã lâu mà không sinh được, quân hầu tâu rằng trong làng có người con gái tên là Quế Hoa múa dẻo, hát hay. Vua liền cho gọi về hát vui cho hoàng hậu nghe, đi từ An Thái qua làng Kim Đức về đến làng Cao Mại thì bà sinh được. Vua giữ Quế Hoa lại trong cung, từ đó vẫn có tục vào ngày mồng 6 tháng giêng hằng năm, phường xoan An Thái phải sang hát thờ đình Cao Mại, vì có câu kết nghĩa: “Dân anh mở hội thờ thần/ Cao Mại - An Thái, hai dân thọ trường/ Mỗi năm, mỗi một lần sang/ Giao lưu thọ tràng tình nghĩa dài lâu”. Vì kiêng húy tên của Hoàng Hậu - Xuân, nên dân gian gọi chệch đi thành hát xoan (2).
Nhìn chung, đến nay, chưa xác định được chính xác thời gian, thời kỳ xuất hiện loại hình dân ca lễ nghi, phong tục độc đáo này. Nhưng nhìn chung, theo các truyền thuyết được lưu truyền đến nay, hát xoan gắn với tín ngưỡng thờ thành hoàng làng và những câu chuyện liên quan đến vua Hùng.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch và các thành viên phường Xoan An Thái biểu diễn Hát Xoan tại đình Hùng Lô
Ảnh: phutho.gov.vn
Theo các nghệ nhân cao tuổi, trước năm 1945, làng An Thái đã có ba họ xoan, mỗi họ có khoảng 15 đào, kép và một ông trùm đứng đầu. Hằng năm, họ chia nhau đi hát thờ ở các đình làng suốt tháng Giêng như ở xã Tây Cốc, Đoan Hùng, xã Phù Ninh, xã Cao Mại, làng Hậu Bổ, làng Nhang Độn, làng Nông Trang, làng Hạ Chuế, làng Vận Luông, thôn Dữu Lâu, thôn Đức Bác. Trong ba họ xoan, họ thứ nhất có cụ trùm là Bùi Văn Ngữ; họ thứ hai có cụ Nguyễn Văn Chìu; họ thứ ba có cụ Nguyễn Văn Nhuận. Sau khi các cụ qua đời, cụ Nguyễn Văn Chế kế cận, mãi đến năm 1945, cách mạng thành công, lúc ấy phong trào hát xoan lắng xuống. Trong suốt thời gian dài kháng chiến chống Pháp, làng An Thái không tổ chức lưu diễn giữa các xã kết nghĩa, mà chỉ biểu diễn trong làng vào các ngày lễ hội. Lúc này, trong làng chỉ còn họ xoan thứ hai của cụ Nguyễn Văn Chìu truyền cho con trai là cụ Nguyễn Tất Thắng (ở xóm Lê Lôi, An Thái). Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, mặc dù cụ Nguyễn Tất Thắng công tác ở ngành Công an, nhưng vào các tối cuối tuần, cụ vẫn cố gắng thu xếp thời gian để tập hợp phường xoan, dạy hát cho con cháu trong gia đình và nhân dân trong làng.
Năm 1996, Ty Văn hóa Phú Thọ về khai thác các làn điệu xoan ở đây, nhân dân bắt đầu tham gia hát xoan một cách có định hướng hơn. Đến năm 1997, bà Nguyễn Thị Lịch là con gái của cố trùm xoan Nguyễn Tất Thắng, đứng ra thành lập Câu lạc bộ Hát xoan An Thái. Lúc đầu, câu lạc bộ gồm 25 thành viên với thành phần chủ yếu là phụ nữ, thanh niên trong làng, trao truyền nhau 14 quả cách của làng và một số tiết mục xoan. Đến năm 2006, Câu lạc bộ Hát xoan An Thái được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận là Phường xoan cấp tỉnh. Từ năm 2006 đến nay, phường xoan An Thái có trên 60 hội viên với người nhỏ nhất là 10 tuổi và cao tuổi nhất là cụ Nguyễn Thị Hải 86 tuổi. Bên cạnh việc truyền dạy ở nhà cụ Nguyễn Thị Lịch, phường xoan còn truyền dạy cho học sinh trong các giờ ngoại khóa và các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, phường xoan An Thái bước đầu đã nhận được sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần của Nhà nước như: năm 2010, Viện Âm nhạc Việt Nam hỗ trợ 15 triệu đồng để phát triển phường xoan. Cũng năm này, Sở VHTTDL đầu tư cho phường xoan toàn bộ quần áo, trang phục biểu diễn, gồm: quần áo kép nam: quần màu trắng, khăn xếp, áo the; đào nữ: áo năm thân, màu mận chín, váy đụp, khăn mỏ quạ. Năm 2012, UBND tỉnh Phú Thọ đầu tư toàn bộ hệ thống âm thanh: tăng âm, loa đài, 4 trống con, hai bộ phách... để tập luyện và biểu diễn. Ngoài ra, UBND tỉnh Phú Thọ còn hỗ trợ kinh phí cho 6 nghệ nhân truyền dạy hát xoan...
3. Đưa hát xoan làng An Thái vào các hoạt động âm nhạc trong trường mầm non
Thực tế giáo dục âm nhạc ở độ tuổi mầm non cho thấy, khả năng cảm thụ âm nhạc của trẻ không thể tự phát triển, mà cần phải trải qua một quá trình: học - chơi - tiếp xúc thường xuyên. Đối với trẻ ở giai đoạn này, hoạt động âm nhạc và trò chơi đặc biệt được chú trọng. Để dân ca từ từ đi vào đời sống của trẻ, cần có những hoạt động thật sinh động, hấp dẫn và phù hợp với đặc điểm lứa tuổi. Cô giáo có thể cho trẻ nghe những bài hát phù hợp như:
HÁT RU
Người hát: nghệ nhân Nguyễn Thị Hải
(88 tuổi - phường xoan An Thái)
Ký âm: Lại Thế Anh
Khi đưa những điệu hát ru vào chương trình giáo dục mầm non, trẻ sẽ cảm nhận được tình cảm da diết, sự ngọt ngào qua từng câu hát. Sự tiếp cận này vừa diễn ra một cách tự nhiên, vừa tạo nền tảng để trẻ sớm có kiến thức về loại hình dân ca độc đáo này.
Bên cạnh đó, giáo viên có thể đưa bài: Trống quân Đức Bác, thể hiện hoạt cảnh đặc sắc Trống quân đón đào để chơi trò chơi vui nhộn, trong đó, các em nam đóng vai kép, nữ đóng vai đào.
TRỐNG QUÂN ĐỨC BÁC
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hải
Ký âm: Lại Thế Anh
Trong quá trình xây dựng chương trình học cho trẻ ở bậc mầm non, giáo viên có thể dựa vào tâm sinh lý của trẻ để lựa chọn những bài xoan An Thái có nội dung, chủ đề phù hợp nhằm phát triển toàn diện nhân cách trẻ, đồng thời, bảo tồn và phát huy loại hình dân ca hát xoan trước biến đổi văn hóa đang diễn ra ngày càng sâu rộng như hiện nay.
4. Đưa hát xoan An Thái vào hoạt động giáo dục ở trường tiểu học, trung học cơ sở
Hiện nay, tỉnh Phú Thọ đã có bước triển khai đưa hát xoan vào trong các hoạt động giáo dục âm nhạc tại trường học, tuy nhiên, để hoạt động này đạt hiệu quả cao, cần có một quá trình phù hợp với điều kiện thực tế. Đặc biệt, cần tìm ra phương pháp dạy phù hợp với cả với giáo viên âm nhạc và học sinh, khi mà các em còn chưa vững về xướng âm trong hệ thống thang 7 âm châu Âu.
Khi truyền dạy, nghệ nhân sẽ hát và nhờ nhạc sĩ chuyên nghiệp ký âm theo hệ thống thang 7 âm, kể cả phần tiết tấu gõ trống, gõ phách theo bài bản của các chặng, thành các bản nhạc hoàn chỉnh. Bên cạnh việc phục vụ cho hoạt động dạy trực tiếp, các tài liệu này sẽ giúp người học có kiến thức cơ bản để có thể tự ôn tập và học thêm những giai điệu xoan cổ. Khi được ghi chép lại một cách bài bản, khoa học, sẽ tránh được nhiều dị bản trong truyền dạy hát xoan nói riêng và các loại hình âm nhạc truyền thống nói chung.
Ngày nay, việc truyền dạy hát xoan không còn thông qua các hình thức truyền miệng, truyền ngón, truyền nghề như trước đây, mà được hỗ trợ bởi rất nhiều phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại. Đặc biệt, theo nhu cầu của đông đảo giáo viên và học sinh, các lớp xoan không chỉ được mở trực tiếp mà còn được mở từ xa, người học có thể học hát một cách thuận tiện, dễ dàng ôn lại và luyện tập hơn. Các nghệ nhân lớn tuổi sẽ nhờ người thông thạo về kỹ thuật dùng các phương tiện hiện đại để ghi âm, ghi hình quá trình truyền dạy. Phương pháp học từ xa hiện nay đang chiếm ưu thế trong việc mở rộng quy mô, số lượng học viên muốn tìm hiểu loại hình dân ca độc đáo này.
Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, bộ môn Âm nhạc sẽ dành một thời lượng nhất định để đưa dân ca địa phương vào chương trình học, đó sẽ là điều kiện thuận lợi để hát xoan có mặt trong chương trình giảng dạy ở bậc tiểu học. Đối với lứa tuổi này, giáo viên cũng cần có lựa chọn các bài hát phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của các em.
Trong nội dung Thường thức âm nhạc, để giúp học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử và triều đại các vua Hùng, giáo viên có thể kết hợp kể chuyện âm nhạc và hát cho học sinh nghe bài Mời vua trong Chặng hát thờ:
HÁT MỜI VUA
Người hát: Tốp nam nữ
Nữ: Tám người chân kiệu bước ơ bước vào
Tay lót khăn đào ơ rước lấy cơ hồ mà vua lên.
Nam: Vua lên thánh đức mà trị ơ trị vì
Vua về mà nghe hát ơ mừng ơ làng, mừng làng mà sống lâu.
Nam + Nữ: Chân con đạp đất, đầu con đội giời
Cất tiếng con mời ơ
Con rước cơ hồ mà vua lên
Vua về phù hộ ơ dân làng
Thơm huê mà thơm quế ơ
Trâu bò, trâu bò lúa đầy đa
Xuân thiên chính nguyệt con bước ơ bước vào
Chén nước khay trầu ơ
Nhang thắp cơ hồ mà dâng lên.
Kính vua ngự ở ơ long đình
Con mời mà vua cả ơ
Để người người sang chứ đất này
Hê là hê, rước lấy vua về vua ngự đình chung
Hê là hê, rước lấy vua về vua ngự đình chung.
Đối với bậc trung học cơ sở, ngoài nội dung tương tự cấp tiểu học, giáo viên có thể đưa thêm các bài hát quả cách giữa kép nam và đào nữ để giúp các em hiểu biết hơn về các cách ca hát độc đáo của hát xoan. Ở phần nhạc cụ hòa tấu và bộ gõ cơ thể (body percusion), giáo viên âm nhạc nên đưa nhiều mẫu tiết tấu có trong hát xoan để học sinh ứng dụng.
Kết luận
Âm nhạc dân gian như dòng sữa mẹ nuôi dưỡng thế giới tinh thần của trẻ thơ. Việc đưa các làn điệu dân ca của địa phương vào chương trình giáo dục âm nhạc các cấp học, không chỉ có tác dụng to lớn đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị tinh thần mà cha ông để lại, mà còn mang lại cho các em sự thích thú khi được tìm hiểu về đời sống tinh thần, những nét văn hóa đặc sắc của quê hương, giúp trẻ phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ.
_________________________________________
1. Theo tư liệu điền dã của TS Phạm Trọng Toàn, ghi vào ngày 9-3-2002.
2. Ghi chép vào mùa hạ năm Ất Dậu (2005).
Ths LẠI THẾ ANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 479, tháng 11-2021