Dạy dân ca trong môi trường giáo dục phổ thông

Đưa dân ca vào môi trường giáo dục phổ thông là một hoạt động thiết thực, góp phần giữ gìn, phát huy và trao truyền những di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ trẻ. Gần đây, những chương trình, dự án đưa dân ca vào các trường phổ thông đã được thực hiện và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc dạy dân ca cho học sinh phổ thông ở các bậc học vẫn còn những vấn đề cần quan tâm như: phương thức dạy, cách hướng dẫn học sinh tiếp cận với dân ca, hình thức rèn luyện, trau dồi kiến thức về dân ca… Từ những khảo sát và nghiên cứu thực tế, trong bài viết này, chúng tôi nêu ra một số vấn đề và gợi mở về việc phát triển dạy dân ca trong môi trường giáo dục phổ thông hiện nay.

1. Trang bị, mở rộng kiến thức về dân ca cho học sinh

Chúng ta đều biết, mỗi loại hình dân ca đều gắn với những yếu tố văn hóa, phong tục và đặc trưng về nghệ thuật diễn xướng. Cũng như nhiều thể loại diễn xướng dân gian khác, dân ca là một chỉnh thể nguyên hợp (1), được cấu thành từ các yếu tố: làn điệu, lời thơ, phương thức, hình thức, môi trường không gian mục đích, bối cảnh diễn xướng. Khi đưa dân ca vào môi trường giáo dục phổ thông, nếu học sinh chỉ được học hát giai điệu và lời ca của một vài bài bản, làn điệu dân ca thì có lẽ chưa đủ, mà bên cạnh đó, các em cần có thêm những kiến thức, hiểu biết về thể loại, loại hình dân ca đó. Vấn đề này đã được một số nhà giáo dục âm nhạc quan tâm, nhưng trên thực tế, ở các trường phổ thông, vốn kiến thức và sự hiểu biết về dân ca của học sinh nhìn chung vẫn còn khá hạn chế. Theo Mai Thị Thùy Hương: “Kết quả khảo sát tại một số trường trung học cơ sở cho thấy: có khoảng 21% học sinh biết được trên 10 bài dân ca Việt Nam, 73,4% học sinh biết chưa đến 10 bài dân ca Việt Nam và khoảng 5% học sinh không biết một bài dân ca nào” (2). Do đó, để trang bị và mở rộng kiến thức về dân ca cho học sinh các cấp, trong các giờ ngoại khóa âm nhạc, cần bổ sung kiến thức về nguồn gốc, lịch sử, môi trường, không gian, hình thức, phương thức diễn xướng, sự tồn tại và phát triển của các thể loại, loại hình dân ca. Những kiến thức này rất quan trọng, góp phần giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn về dân ca trước khi tham dự vào hoạt động học tập thực hành diễn xướng. Khi hiểu biết sâu hơn về dân ca, học sinh sẽ yêu thích và hứng thú hơn trong các giờ học. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc trang bị, mở rộng những kiến thức về dân ca, cần lựa chọn những kiến thức phù hợp với đối tượng học sinh. Chẳng hạn, khi dạy dân ca quan họ Bắc Ninh cho học sinh trung học cơ sở, các em vừa từ cấp Tiểu học lên, còn nhiều bỡ ngỡ, do đó, không nên đưa vào chương trình quá nhiều kiến thức phức tạp, khó hiểu mà nên dừng lại ở mức giới thiệu những nét đặt trưng nhất của từng thể loại, loại hình dân ca. Khi chuyển sang cấp Trung học phổ thông, có thể mở rộng trang bị thêm những kiến thức về dân ca cho học sinh như giới thiệu những đặc trưng về làn điệu, lời ca, tính chất âm nhạc của một số làn điệu dân ca quan họ phổ biến và quen thuộc như Cây trúc xinh, Hoa thơm bướm lượn, Lý cây đa… Đến lớp 11, 12, có thể đi sâu hơn vào việc giới thiệu nghệ thuật hát đối đáp của các liền anh, liền chị quan họ, trong đó đỉnh cao là nghệ thuật hát đối giọng (đối làn điệu) hay phong tục văn hóa cổ xưa gắn với loại hình dân ca này, như tục kết chạ (3).

Trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa với chủ đề tìm hiểu về âm nhạc dân gian truyền thống, đặc biệt là dân ca, có thể tổ chức cho học sinh tham dự, trải nghiệm trực tiếp tại địa phương nơi đang lưu giữ di sản thông qua những hoạt động giao lưu, học hỏi từ các nghệ nhân dân gian. Phương thức này giúp học sinh phát triển, nâng cao, mở rộng sự hiểu biết cá nhân và có những cảm nhận về di sản một cách sống động nhất. Tham dự, trải nghiệm là một phương thức đã được áp dụng trong giáo dục nghệ thuật dân gian, âm nhạc dân gian cho học sinh phổ thông ở nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, những năm vừa qua, một số địa phương đã thực hiện phương thức này một cách khá hiệu quả. Chẳng hạn, từ năm 1996 đến nay, tỉnh Nghệ An đã có chương trình đưa dân ca ví dặm đến với học sinh các trường phổ thông (4). Từ năm 2011, 2012, sau khi dân ca quan họ được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Bắc Ninh đã có những động thái rất tích cực trong việc đưa di sản đến với môi trường giáo dục phổ thông. Gần đây, tỉnh tiếp tục thúc đẩy hoạt động đưa dân ca quan họ đến với học sinh phổ thông. Ở các trường Trung học phổ thông đã có những giáo viên chuyên trách tham gia, thực hiện việc truyền dạy và trang bị những kiến thức cần thiết về quan họ cho các em. Trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa tìm hiểu về dân ca quan họ, học sinh còn được giao lưu với các nghệ nhân, trải nghiệm nhiều hoạt động thiết thực, như tìm hiều về văn hóa mời trầu, tục kết bạn, nguồn gốc của sinh hoạt văn hóa quan họ, trang phục quan họ, những tên làng quan họ và được nghe hát quan họ do các nghệ nhân trình diễn (5). Tuy nhiên, việc áp dụng phương thức này cần được duy trì, mang tính bền vững và nhân rộng ở cả các địa phương khác, nơi đang lưu giữ những di sản dân ca. Những hoạt động tham dự, trải nghiệm như vậy luôn mang lại hiệu quả cao, tạo sự hứng thú và truyền cảm hứng nghệ thuật dân gian cho học sinh. Với mỗi thể loại, loại hình dân ca, học sinh sẽ tìm thấy những điều thú vị và lĩnh hội được những kiến thức cần thiết thông qua hoạt động tham dự và trải nghiệm.

2. Kết hợp giữa phương pháp dạy truyền thống và hiện đại

Dân ca Việt Nam mang đặc trưng là truyền khẩu và phi văn bản. Một làn điệu dân ca được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác chủ yếu bằng phương pháp truyền khẩu, không được ghi chép lại. Ngày nay, chúng ta dạy dân ca theo lối hiện đại, tức là học sinh được tiếp cận với các bài bản, làn điệu dân ca qua các bản ký âm trên năm dòng kẻ theo lối ký âm của âm nhạc phương Tây kết hợp với hình thức nghe, xem các hình ảnh diễn xướng dân ca trên các phương tiện, thiết bị nghe nhìn hiện đại. Lối ký âm các làn điệu dân ca của các vùng, miền khác nhau bằng hệ thống năm dòng kẻ cùng các nốt nhạc của nền âm nhạc phương Tây là một phương thức giúp cho việc quảng bá, giới thiệu các làn điệu dân ca được rộng hơn, xa hơn, phổ cập hơn, nhanh hơn. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu âm nhạc, trên thực tế, phương pháp này còn bộc lộ một số hạn chế. Chẳng hạn, độ “non, già” (6) của các cao độ trong giai điệu của một làn điệu dân ca rất khó thể hiện trên bản ký âm nhưng lối ký âm này lại giúp cho việc lưu lại khung cơ bản của một làn điệu dân ca, để dựa vào đó, giáo viên dạy cho học sinh hát chính xác và phân biệt được sự khác nhau giữa các làn điệu dân ca, đồng thời cũng giúp học sinh ghi nhớ các làn điệu được lâu hơn. Tuy nhiên, bên cạnh việc dạy dân ca theo phương pháp hiện đại, vẫn cần kết hợp với phương pháp dạy truyền thống, tức là truyền khẩu. Phương pháp này giúp cho việc thể hiện được cái “màu” riêng biệt của từng làn điệu dân ca. Với phương pháp truyền khẩu, khi học diễn xướng dân ca, học sinh không cần sử dụng các bài bản ký âm có sẵn mà có thể học các làn điệu qua phương thức nghe hát mẫu từ các giáo viên giàu kinh nghiệm hoặc các nghệ nhân rồi bắt chước lại. Những chi tiết nhấn nhá, luyến láy của một làn điệu cùng với kỹ năng, kỹ thuật hát như nhả chữ, rung, rớt, nhấn giọng của nghệ nhân sẽ được truyền đạt đầy đủ hơn tới học sinh thông qua phương pháp này. Như vậy, để mở rộng và phát triển dạy diễn xướng dân ca cho học sinh phổ thông, trong hiện tại và tương lai, rất cần kết hợp giữa phương pháp dạy truyền thống với phương pháp dạy hiện đại.

3. Mở rộng khai thác các loại hình dân ca, chú trọng dạy thực hành diễn xướng

Hiện nay, sách giáo khoa âm nhạc cấp Tiểu học và Trung học cơ sở đang dạy cho học sinh một số làn điệu dân ca của người Việt ở các vùng, miền khác nhau như đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và dân ca của các tộc thiểu số như H’rê, Ba na, Khơ mú, Thái, Cống Khao, Khmer… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng các bài dân ca vẫn còn quá khiêm tốn: “Trong số hơn 80 bài hát trong chương trình tiểu học, chỉ có một số bài hát dân ca được đưa vào giảng dạy” (7). Do đó, cần mở rộng khai thác, bổ sung các thể loại, loại hình, bài bản dân ca để đưa vào chương trình âm nhạc và các giờ học ngoại khóa âm nhạc trong nhà trường nhằm giúp học sinh được mở mang kiến thức về dân ca và có điều kiện tham gia thực hành diễn xướng. Đặc biệt, cần lựa chọn những loại hình dân ca đặc sắc, độc đáo vốn là di sản riêng của các địa phương thuộc các vùng, miền khác nhau. Chẳng hạn, vùng biển Hải Phòng có thể chọn hát đúm Thủy Nguyên; vùng trung du Phú Thọ chọn hát xoan, hát ghẹo; vùng Kinh Bắc, gồm các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang chọn hát ví ống (8), hát quan họ; ở Nam Định, Thái Bình chọn hát văn; ở Nghệ An, Hà Tĩnh chọn ví, dặm; Thanh Hóa chọn hò sông Mã; các địa phương miền Trung, miền Nam có thể chọn các điệu lý, điệu hò đối đáp…

Bắc Ninh đưa quan họ vào trường học để bảo tồn văn hóa - Ảnh: TTXVN

Như nhiều loại hình diễn xướng dân gian khác, dân ca là một chỉnh thể nguyên hợp, bởi nó luôn gắn bó chặt chẽ với các yếu tố như môi trường, không gian, hình thức, phương thức diễn xướng, thời điểm, mục đích diễn xướng cùng những nét đặc trưng, độc đáo về kỹ thuật ca hát. Trên thực tế, trong những giờ học dân ca ở các trường Tiểu học và Trung học cơ sở, giáo viên chủ yếu sử dụng phương pháp dạy tương tự như dạy một ca khúc thông thường. Trong những giờ học dân ca, giáo viên còn ít chú trọng đến yếu tố thực hành diễn xướng, tức là tổ chức cho học sinh diễn xướng các loại hình dân ca theo phương thức truyền thống. Quy trình dạy một bài dân ca thường giống với cách dạy một ca khúc, đó là bao gồm các bước như: giới thiệu, tìm hiểu bài dân ca, hát mẫu cho học sinh nghe, khởi động giọng, dạy từng câu, ghép toàn bài… (9). Hiện nay, vẫn tồn tại một thực tế, có nhiều giáo viên ở các trường Tiểu học và Trung học cơ sở địa phương mới thực hiện việc dạy một bài dân ca theo kiểu “lên lớp tập thể, học thuộc lời, hát đúng giai điệu là xong” (10). Nếu theo cách dạy như vậy, đến cấp Trung học phổ thông, học sinh sẽ khó phát triển được kỹ năng thực hành diễn xướng dân ca, trình diễn dân ca.

Lứa tuổi học sinh phổ thông nói chung và học sinh cấp Trung học phổ thông nói riêng đều rất yêu thích các hoạt động trình diễn nghệ thuật để thể hiện bản thân trước bạn bè. Nếu nắm bắt được đặc điểm này, có thể phát triển được các hoạt động dạy thực hành diễn xướng dân ca trong các trường phổ thông. Cụ thể, trong các giờ sinh hoạt âm nhạc ngoại khóa tại các câu lạc bộ, cần quan tâm, chú trọng hơn nữa vào hoạt động hướng dẫn thực hành diễn xướng theo hình thức và phương thức truyền thống. Chẳng hạn, có thể hướng dẫn học sinh thực hành diễn xướng thể loại dân ca đối đáp nhằm rèn luyện khả năng đối - đáp nhanh nhẹn và tạo sự hứng thú thi tài giữa hai giới nam và nữ. Với thể loại này, giáo viên có thể chọn một loại hình dân ca rất dễ tổ chức diễn xướng, đó là hát đúm của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ. Khi hướng dẫn thực hành, giáo viên chia các em thành hai nhóm, một bên nam, một bên nữ, mỗi nhóm khoảng 6 đến 8 em, lần lượt cử các đại diện (một nam, một nữ) trong từng nhóm đứng ra hát đối đáp với nhau, những em còn lại có vai trò trợ giúp cho cặp đại diện. Quy định về phương thức diễn xướng của hát đúm cũng khá đơn giản: khi bắt đầu hát đối đáp, theo luật truyền thống thì bên nữ được ra vế đối trước và bên nam phải hát đáp lại. Làn điệu hát đúm sử dụng để đối đáp thì chỉ là một làn điệu duy nhất nên học sinh rất dễ thuộc, dễ nhớ và với làn điệu đó, học sinh có thể tự đặt rất nhiều lời ca khác nhau vào để hát. Cuộc hát cứ thực hiện theo trình tự như vậy cho đến khi một bên nam hoặc nữ bị “hết vốn” hoặc bí từ, không đối lại được là bị thua (11).

Trong thể loại dân ca đối đáp nam nữ, ngoài những loại hình có làn điệu đơn giản, dễ hát như hát đúm, giáo viên cũng có thể khai thác, lựa chọn thêm loại hình khác, phong phú, hấp dẫn hơn về làn điệu như hát trống quân, cò lả, hát ghẹo, quan họ. Đối với các loại hình dân ca này, có thể lựa chọn làn điệu quen thuộc, không quá khó hát và phù hợp với đối tượng học sinh.

Như vậy, việc lựa chọn và khai thác dân ca trong các hoạt động giáo dục âm nhạc dân gian truyền thống trong môi trường giáo dục phổ thông cần được mở rộng, bên cạnh đó cần chú trọng vào dạy thực hành diễn xướng, tránh tình trạng “dạy chay”, tuy nhiên, vẫn cần đảm bảo những nguyên tắc chung, đó là tính phù hợp, vừa sức mà vẫn phát triển được năng lực thực hành diễn xướng dân ca cho học sinh. Đây là một hướng phát triển nhằm bảo tồn, phát huy di sản phi vật thể của dân tộc trong môi trường giáo dục phổ thông. Trước yêu cầu đặt ra, bản thân đội ngũ giáo viên âm nhạc ở các trường phổ thông cần luôn học hỏi, trau dồi kiến thức, năng lực, kỹ năng diễn xướng dân ca từ các nghệ nhân dân gian ở các địa phương để có thể đảm nhiệm tốt công việc của mình. Ngoài ra, vấn đề kết hợp giữa nghệ nhân với giáo viên âm nhạc và những người có trách nhiệm trong hoạt động dạy thực hành diễn xướng dân ca cho học sinh ở các trường phổ thông trong giai đoạn tới cần được quan tâm phát triển hơn nữa để môi trường giáo dục phổ thông thực sự là nơi để các nghệ nhân gửi gắm, trao truyền di sản.

4. Kết luận

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, trước những ảnh hưởng và tác động của nhiều luồng văn hóa nghệ thuật phong phú, đa dạng trên thế giới, bên cạnh việc tiếp thu những tinh hoa nghệ thuật nhân loại, học sinh phổ thông vẫn luôn cần được giáo dục âm nhạc dân gian truyền thống, bởi chính các em sẽ là một trong những chủ thể bảo vệ, giữ gìn và phát huy vốn văn hóa cổ truyền của dân tộc. Do đó, trong môi trường giáo dục phổ thông, hoạt động dạy dân ca cần được phát triển, nâng cao và dần dần đi vào chiều sâu.

Phát triển dạy dân ca cho học sinh phổ thông theo hướng tiếp cận trang bị, mở rộng kiến thức và dạy thực hành diễn xướng dân ca theo những phương thức mà chúng tôi đã nêu và gợi mở là một hướng đi cần được quan tâm, chú trọng trong hiện tại và tương tai. Tuy nhiên, công việc này cần được thực hiện một cách uyển chuyển, mềm dẻo và sáng tạo để học sinh được tiếp cận với dân ca một cách tự nhiên, thoải mái.

________________

1. Bao gồm các yếu tố gắn bó chặt chẽ với nhau không thể chia tách.

2, 7, 10. Mai Thị Thùy Hương, Đưa dân ca vào trường học - tiếp cận theo quan điểm quản lý giáo dục, vanhoanghean.com.vn, 30-1-2015.

3. Phong tục kết bạn giữa các các làng quan họ xưa.

4. Hồ Hữu Thới, Đưa dân ca vào trường học - chuyện của một thời để nhớ, thegioidisan.vn, 15-11-2017.

5. NT/VOV.VN, Bắc Ninh đẩy mạnh đưa quan họ vào trường học để bảo tồn văn hóa, vov.vn, 31-12-2020.

6. Cao độ hơi thấp hơn hoặc hơi cao hơn một chútso với phương pháp đo âm thanh chuẩn của âm nhạc phương Tây.

8. Loại hình dân ca đối đáp nam nữ phổ biến ở Bắc Giang có kèm theo chiếc ống tre bịt da ếch và sợi dây nối từ bên nam sang bên nữ.

9. Tư liệu khảo sát tại các trường phổ thông ở một số địa phương và Hà Nội năm 2021.

11. Xem thêm: Nguyễn Đỗ Hiệp, Văn bản hướng dẫn tổ chức thực hành dân ca đối đáp nam nữ, Đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ trọng điểm cấp trường, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2019.

PGS, TS NGUYỄN ĐỖ HIỆP

Nguồn: Tạp chí VHNT số 491, tháng 3-2022

 

;