Đặc điểm của múa trong lên đồng

Thông qua điền dã dân tộc học, quan sát tham dự nghi lễ lên đồng và phỏng vấn sâu các ông, bà đồng cũng như các con nhang đệ tử thờ Mẫu, bài viết chỉ ra rằng, múa trong lên đồng có nguồn gốc từ việc đáp ứng nhu cầu tâm linh phụng thờ các vị thánh Tam Tứ phủ; có chức năng phản ánh văn hóa lịch sử của dân tộc và đóng vai trò quan trọng như một chất xúc tác tạo nên cảm xúc thăng hoa để người hầu đồng giao tiếp với thần linh. Múa hầu đồng thuộc thể loại múa thiêng và xét về hình thức là loại hình múa đơn, có tính chất ngẫu hứng.

1. Đặc điểm về nguồn gốc

Múa được sinh ra để phục vụ nhu cầu của con người và phản ánh cuộc sống của con người. Múa nói chung có nguồn gốc từ dân gian hoặc nguồn gốc từ cung đình, được sinh ra để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của các tầng lớp nhân dân lao động hoặc tầng lớp vua chúa và giới thượng lưu. Trong hai nguồn gốc đó, múa lên đồng của người Việt xuất phát từ dân gian, từ nhu cầu của dân gian.

Trên thực tế, các tầng lớp nhân dân lao động có nhiều nhu cầu khác nhau: nhu cầu lao động sản xuất, nhu cầu vui chơi giải trí, nhu cầu tâm linh… Tương ứng với mỗi nhu cầu như vậy, nhân dân lao động sáng tạo nên những thể loại múa khác nhau với các điệu múa đặc sắc riêng. Múa lên đồng xuất phát từ nhu cầu tâm linh của con người. Người Việt có đời sống tâm linh vô cùng phong phú, họ thờ tổ tiên và thờ rất nhiều các vị nhiên thần cũng như nhân thần. Xuất phát từ việc thờ phụng mỗi vị thần với đặc điểm riêng như vậy, người Việt lại có các hình thức múa khác nhau. Chẳng hạn, múa Xoan gắn với tục thờ công chúa Xuân Dung, con gái vua Hùng. Múa Dô gắn với tục thờ thần Tản Viên, một bộ tướng của Hùng Duệ Vương trong chiến tranh chống Thục. Theo truyền thuyết, một lần du ngoạn qua vùng Liệp Hạ (Quốc Oai, Sơn Tây), thần Tản Viên thấy cảnh đẹp, trai gái hát hay múa giỏi bèn dựng cho họ một ngôi đền. Hằng năm vào ngày xuân, trai gái kéo nhau đến đây múa hát (1). Múa Dậm gắn với tục thờ Lý Thường Kiệt, kể lại chiến công của vua Lý, trong khi đó, múa Ải Lao lại là một lễ tiết trong Hội Gióng. Xuất phát từ nhu cầu, ước mơ của người Việt về sự sinh sôi nảy nở của cây trồng, vật nuôi cũng như của chính bản thân con người với tư cách là một lực lượng lao động, ở nhiều làng quê Việt Nam đã có hình thức múa phồn thực, cụ thể hơn là múa nõ nường. Một người vừa múa vừa hát, tay cầm khúc tre tượng trưng cho sinh thực khí dương và tay kia cầm mo cau tượng trưng cho sinh thực khí âm. Người ấy vừa múa, vừa cắm khúc tre vào mo cau và hát: “Cái sự làm sao cái sự làm vầy. Cái sự thế này cái sự làm sao”. Sau một hồi múa, người ấy ném khúc tre và mo cau cho nam nữ thanh niên cướp (2). Múa trong lên đồng lại xuất phát từ nhu cầu thờ phụng các vị thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ phủ. Xuất phát từ quan niệm, người mẹ (cả mẹ tự nhiên và mẹ là con người) là lực lượng sáng tạo, sinh sôi, chở che, bảo trợ cho con người và xuất phát từ vai trò to lớn của người phụ nữ Việt Nam trong lao động sản xuất, trong gia đình, trong giáo dục con cái và đặc biệt là trong chống giặc ngoại xâm, người Việt thờ phụng các vị Mẫu thần ở khắp mọi miền đất nước. Để thể hiện niềm tin tín ngưỡng cũng như thực hành niềm tin đó của mình, người Việt sáng tạo ra hệ thống nghi lễ và lễ hội. Múa được thực hành trong nghi lễ thờ Mẫu (cụ thể là trong nghi lễ lên đồng) để mô tả các vị thánh với các sự tích, công trạng của họ cũng như để làm phương tiện cho sự giao tiếp giữa con người với các vị Mẫu thần.

Múa lên đồng có nguồn gốc từ dân gian, xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng của dân gian nên múa hầu đồng có sự tiếp thu các điệu múa khác trong dân gian và mang tính chất của múa dân gian. Quan sát các giá hầu đồng, tác giả nhận thấy có rất nhiều, điệu múa dân gian đã được sử dụng trong múa lên đồng như các điệu múa chèo thuyền, múa cờ, múa kiếm, múa quạt, múa dệt gấm thêu hoa… những điệu múa được sinh ra trong dân gian, xuất phát từ các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của các tầng lớn nhân dân lao động. Vì múa hầu đồng sử dụng các điệu múa trong dân gian nên dễ dàng nhận thấy rằng nó cũng có những tính chất như múa dân gian mà tính chất tiêu biểu nhất là tính ước lệ và tính cách điệu.

2. Đặc điểm về chức năng

Múa nói chung cũng như múa trong lên đồng đều có những chức năng như chức năng phản ánh hiện thực, chức năng giáo dục, chức năng giải trí… Múa, đặc biệt là múa dân gian thường có chức năng phản ánh đời sống lao động, sản xuất, phản ánh điều kiện tự nhiên, lịch sử văn hóa của các tộc người, các cộng đồng người. Múa chèo đò có ở rất nhiều địa phương trong cả nước, phản ánh điều kiện tự nhiên nhiều sông hồ của Việt Nam. Có những điệu múa như múa chạy cày, múa Mo, múa Tùng dí lại phản ánh phương thức sản xuất, đời sống văn hóa vật chất (thể hiện qua phục trang, đạo cụ, mặt nạ) và văn hóa tinh thần (phong tục, tín ngưỡng) của dân tộc Việt Nam ở một thời kỳ lịch sử nhất định. Múa bên cạnh đó cũng có chức năng phản ánh lịch sử của một dân tộc, chức năng giáo dục và thể hiện tình cảm biết ơn, tôn kính đối với các anh hùng dân tộc ví dụ như các điệu múa Dô (gắn với tục thờ Tản Viên), múa chèo tàu (gắn với tục thờ các tướng lĩnh của Hai Bà Trưng), múa Dậm (gắn với Lý Thường Kiệt)…

Quan sát các điệu múa trong lên đồng, chúng ta có thể thấy múa hầu đồng có chức năng phản ánh hiện thực xã hội một cách rõ nét. Hiện thực chống giặc ngoại xâm qua các thời kỳ lịch sử được thể hiện qua các điệu múa kiếm, múa đao của các giá Quan, các giá hàng ông Hoàng và qua điệu múa kiếm của Chầu Bát Nàn, Chầu Mười. Hiện thực lao động sản xuất nông nghiệp cũng được thể hiện qua các điệu múa chèo đò, dệt gấm, thêu hoa… trong giá của các thánh hàng Chầu, các Cô… Múa trong lên đồng phản ánh sự giao lưu tiếp biến văn hóa giữa các tộc người trên đất nước Việt Nam. Trong múa hầu đồng có cả các điệu múa của người Kinh và các điệu múa của các tộc người thiểu số như người Tày, Nùng, Mông…

Điểm khác biệt lớn nhất trong chức năng của múa lên đồng nằm ở chức năng tâm linh của nó. Từ góc độ văn hóa, múa hầu đồng có chức năng phản ánh và thể hiện bản sắc dân tộc. Từ góc độ giải trí, múa hầu đồng làm cho các giá đồng đẹp hơn, lung linh huyền ảo hơn và tạo sự hưng phấn cho những người xem - những con nhang đệ tử. Nhưng từ góc độ tâm linh, múa hầu đồng cũng giống như múa trong các nghi lễ Shaman nói chung cùng với âm nhạc, thuốc hút, rượu, khói hương… có chức năng đưa người hầu đồng vào trạng thái ngây ngất và trong trạng thái đó, người hầu đồng/ thày Shaman rất dễ giao tiếp với thần linh. Nói cách khác, nhảy múa đến mức quay cuồng (cuồng vũ) là một phương tiện đưa con người vào trạng thái dễ giao tiếp với thần linh. Đặc biệt, từ góc độ tâm linh, múa trong hầu đồng có chức năng phản ánh thân thế và sự nghiệp của các vị thánh trong tín ngưỡng Tứ phủ. Các tín đồ thờ Mẫu cho rằng, khi các thánh nhập vào người hầu đồng thì thân xác là của người hầu đồng nhưng linh hồn là của các vị thánh. Do vậy, các điệu múa lúc này là các điệu múa của các vị thánh, phản ánh cuộc đời và công trạng của các vị thánh.

3. Đặc điểm về thể loại và hình thức

Thể loại

Về thể loại, múa lên đồng thuộc thể loại múa tôn giáo tín ngưỡng mang đậm tính thiêng. Múa dân tộc Việt được chia thành ba loại: múa dân gian, múa cung đình và múa tôn giáo tín ngưỡng. Múa lên đồng thuộc thể loại múa tôn giáo tín ngưỡng - “một loại múa phục vụ cho tôn giáo dưới dạng những lễ thức hoặc mang nội dung tôn giáo, do những người làm nghề tôn giáo hoặc giáo dân biểu diễn” (3).

Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo tín ngưỡng. Mỗi một loại hình tôn giáo tín ngưỡng đều có các hình thức múa riêng của nó. Trong các ngày lễ ở đình làng - nơi thờ các vị thành hoàng thần hộ mệnh của cả dân làng - nhiều loại múa diễn ra, trong đó, có múa của đội tế nữ quan, tế nam quan, hơn nữa gắn với mỗi vị thần được thờ sẽ có những điệu múa khác nhau liên quan đến sự tích, công trạng của vị thần đó. Là một đất nước nông nghiệp trồng lúa nước, tín ngưỡng phồn thực rất phát triển ở nhiều làng quê, thể hiện niềm tin và sự mong chờ vào sự sinh sôi nảy nở của con người cũng như cây trồng, vật nuôi. Trong nhiều đền, đình thờ nõ nường hoặc thờ các hiện vật liên quan đến tín ngưỡng phồn thực cũng diễn ra các điệu múa liên quan đến âm vật và dương vật (những công cụ của sự sinh sôi nảy nở). Việt Nam có 54 dân tộc, mỗi dân tộc có những tín ngưỡng riêng của mình và mỗi tín ngưỡng của các dân tộc lại có một hình thức múa khác nhau: múa trong Then của người Tày, múa trong Mỡi của người Pơ Jao, người Thái có múa tín ngưỡng Kinpangtheng, người Dao có múa tín ngưỡng trong lễ cấp sắc, người Chăm có múa trong lễ hội Chà Và, người Khmer có múa thày cúng, múa trống lễ cúng trăng… Không chỉ tín ngưỡng mà trong các tôn giáo có tổ chức như Phật giáo và Công giáo… cũng có những điệu múa của riêng các tôn giáo này. Phật giáo - một tôn giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ truyền vào Việt Nam từ những thế kỷ đầu công nguyên có múa lục cúng và múa song quang. Múa lục cúng là điệu múa 6 người, nhằm dâng sáu vật phẩm gồm hương, hoa, đăng, trà, quả, thực lên đức Phật. Trước đây, dẫn đầu đội hình múa là hai vị tăng, chân đàn tay ấn. Tay dâng vật cúng nào thì chân chạy theo đội hình có nhiệm vụ làm rõ nghĩa vật cúng đó. Chẳng hạn như múa dâng hoa thì chạy hình hoa hồi bốn cánh, múa dâng trà thì chạy hình chữ 水 (thủy), múa dâng oản thì chạy hình chữ 田 (điền). Mỗi lần dâng cúng có một đoạn hát múa. Sau khi chuyển đội hình, người múa dừng lại xếp hình tượng. Một nhà sư hoặc thày pháp vào tụng một đoạn kinh. Múa song quang trong Phật giáo liên quan đến hai nhân vật là: Hộ pháp và Tề thiên Đại thánh. Đây là một điệu múa nhằm nói lên sức mạnh của Phật lực và tuyên truyền Phật giáo một cách sâu xa. Đội hình múa của điệu múa này thường được sắp xếp ngược chiều nhau, các tuyến hành động như đi vòng trong, đi theo đường chéo đã cùng với động tác thể hiện hai tính cách tương phản của Tề thiên Đại Thánh và Hộ pháp. Trong khi múa, ở những đoạn dừng lại để xếp hình tượng, diễn viên đọc 4 câu kệ trừ yêu quái. Công giáo vào Việt Nam từ TK XVI và đã có những ảnh hưởng nhất định đến đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Vào những ngày hội của tôn giáo này thường có các điệu múa như múa đám rước với múa trống, múa trắc, múa sênh tiền làm cho không khí ngày hội thêm rộn rã và thôi thúc giáo dân các thôn xã mau mau đến hội; múa dâng hoa do các nữ đồng trinh biểu diễn với các động tác múa trang trí cho lễ ca; múa đèn trong đêm Giáng sinh trước Cách mạng Tháng Tám.

Múa trong nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng là múa thiêng. Múa lên đồng là múa trong nghi lễ của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ phủ, do vậy, tính thiêng được thể hiện rất rõ. Cụ thể, tính thiêng được thể hiện qua bản thân “diễn viên múa”- tức các ông, bà đồng. Bản thân những người này, trước khi thực hành nghi lễ và múa đồng, họ đã trải qua một thời gian thiêng hóa cơ thể của mình bằng cách làm thanh sạch cơ thể để làm giá cho nhà Ngài, hay nói cách khác họ trải qua “giai đoạn ngưỡng” trong “nghi lễ chuyển tiếp” để tạo nên sự thiêng liêng như đã được đề cập đến trong lý thuyết của Victor Tuner. Trong các cuộc phỏng vấn, nhiều ông, bà đồng nhắc đến việc họ phải giữ thanh sạch cơ thể, không quan hệ vợ chồng, không ăn mắm tôm thịt chó, không ăn tỏi… trước ngày họ hầu thánh khoảng mười ngày đến nửa tháng. Điều này cũng giống như ông Bóng (ông Kaing) - người múa duy nhất của lễ hội Rija Nưga của người Chăm. Trước ngày lễ 3 ngày, ông Bóng phải kiêng heo và bò. Trong nhà, ông Bóng có một ô riêng, trong đó để giường ngủ của ông và chỗ để các công cụ hành nghề và áo quần của ông. Ông Bóng cũng ngủ riêng một mình, tách biệt với giường của vợ con; ông không được tắm bằng xà bông mà phải tắm bằng nước pha đất cát lồi (halu patang); hằng ngày, ông phải kiêng không được chui qua dây phơi quần áo vì phải tránh những thứ dơ của phụ nữ. Cả ông Bóng lẫn các ông đồng, bà đồng đều là linh hồn của các nghi lễ, là người thực hiện các điệu múa trong các nghi lễ đó. Nếu ông Bóng là linh hồn của nghi lễ trong lễ hội Rija Nưga của người Chăm thì ông, bà đồng là linh hồn của nghi lễ lên đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Việc các ông, bà đồng cũng như các ông Bóng thực hiện những kiêng kỵ như nói ở trên rõ ràng là một cách để tạo nên sự thanh sạch, thiêng liêng cho buổi lễ và cũng tạo sự thiêng liêng cho các điệu múa mà họ thực hiện.

Múa trong lên đồng được gọi là múa thiêng bởi một lý do quan trọng nữa là nó được diễn ra trong không gian thiêng. Lên đồng là một sân khấu tâm linh, diễn ra trong các đền phủ, điện thờ Mẫu. Các điệu múa được thực hiện trong sân khấu tâm linh này trước điện thờ được coi là nơi hiện diện của thần linh, trong khói hương nghi ngút, trong lời cầu khấn lẩm bẩm của các con nhang đệ tử. Tất cả các yếu tố điện thờ, hương khói, khấn cầu và cả tiếng nhạc chầu văn… tạo nên một bối cảnh tâm linh, góp phần làm cho múa đồng trở nên thiêng hơn. Chính vì vậy, nếu “bứng rễ” hầu đồng và múa đồng sang một không gian khác, không gian của sân khấu các nhà hát chẳng hạn, hầu đồng và múa đồng sẽ mất đi tính thiêng của nó.

Múa đồng trong nghi lễ hầu đồng ở các đền phủ khác với múa đồng trên sân khấu của nhà hát. Khi anh múa hầu đồng ở các nhà hát mặc dù đã cố gắng dàn dựng sân khấu cho giống điện thờ ở đền phủ, song, tính thiêng đã giảm đi rất nhiều, thậm chí không còn tính thiêng bởi lúc đó anh hiểu rằng đây là một buổi trình diễn cho khán giả xem với mục đích là truyền bá văn hóa truyền thống chứ không có tính chất hầu thánh. Múa ở đền phủ nó có sự linh ứng, tâm linh hòa quyện (Phỏng vấn anh Henry, nam, 45 tuổi) (4).

Vậy tính thiêng của múa lên đồng có điểm gì đặc biệt so với tính thiêng của các điệu múa cùng thuộc loại hình múa tôn giáo tín ngưỡng khác? Trên thực tế, có hai loại múa trong múa tôn giáo tín ngưỡng: một là múa trước thần thánh (tức múa của con người trước thần thánh, chẳng hạn như múa lễ thức) và hai là múa của thần thánh (hay nói chính xác hơn là múa của con người mà thần thánh nhập vào họ và họ khi đó không còn là bản thân mình nữa mà là hiện diện của thánh thần). Múa lên đồng chính là loại thứ hai. Trong khi hầu hết các múa tôn giáo tín ngưỡng khác đơn thuần là múa của con người, cụ thể hơn là múa của người làm nghề tôn giáo hoặc múa của các tín đồ, giáo dân, đệ tử… trước thần thánh thì múa lên đồng chính từ góc nhìn của các con nhang đệ tử là múa của thần thánh. Mỗi một giá đồng là một vị thần linh nhập vào thân xác người hầu đồng, cũng có nghĩa là vị thần linh đó đang “mượn” thân xác của người hầu đồng để múa. Vì thế, trong buổi lễ lên đồng, khi ông, bà đồng thực hiện “công đoạn” múa, các con nhang đệ tử ngồi dưới phấn khích và khen ngợi: “Chầu đẹp quá!”, “Lạy cô, cô múa đẹp quá!”, không ai nói “Lạy ông đồng, bà đồng. Ông đồng, bà đồng múa đẹp quá!”. Vì đó là điệu múa của thần thánh và do thần thánh thực hiện (khi thánh nhập thì ông bà đồng được coi là hiện thân của thần thánh) nên tính thiêng càng trở nên rõ nét hơn. Múa không phải cho mọi người xem, múa như một vị thánh đang sống lại để múa. Lúc đó là Thánh Quan, Thánh Cô, Thánh Cậu đang múa, chứ không phải là một ả đào hay một diễn viên bình thường đang múa.

Hình thức

Về hình thức, múa lên đồng là hình thức múa đơn và mang ít nhiều tính ngẫu hứng. Khi viết về múa lên đồng, Lâm Tô Lộc nhận xét: “Cũng như múa ma thuật, múa lên đồng thường theo hình thức múa đơn và ít nhiều mang tính chất ngẫu hứng” (5). Nhận xét này có thể xem là sự đúc kết một đặc trưng của múa trong hầu đồng. Những tư liệu từ quan sát tham dự của tác giả cũng cho thấy rất rõ điều đó. Trong múa dân tộc của Việt Nam, có rất nhiều hình thức múa khác nhau: múa đơn, múa đôi, múa bốn, múa sáu, múa đông người hoặc có sự kết hợp cả hai hình thức múa là múa đơn và các hình thức múa khác. Chẳng hạn, trong chèo có cả múa đơn với các trích đoạn tiêu biểu như đoạn múa: Thị Mầu lên chùa, Xúy Vân giả dại, Tiên tắm… đồng thời có cả múa đôi như có múa Vu quy, Hề gậy; có cả múa bốn người như Tứ thần và múa đông người như múa Chạy đàn… Mỗi hình thức múa như vậy có một cấu trúc khác nhau. Chẳng hạn, trong múa đôi có hai cấu trúc gọi là múa đồng điệu và múa phức điệu. Trong đó, múa đồng điệu là múa của hai nhân vật theo một bè chung, múa phức điệu là múa hai người theo hai bè phức điệu (chẳng hạn như trong múa Long hổ hội). Múa bốn người, đơn giản nhất có múa giáo cờ giáo quạt với tính chất đồng điệu của bốn vai nữ cùng múa theo một bè, phức tạp hơn có múa Tứ linh, Sắc bùa. Múa sáu người, tiêu biểu là múa Lục cúng với nội dung là dâng sáu vật cúng Phật như hương, hoa, đèn, trà, trái cây, oản. Múa tám người ví dụ như múa Bát tiên hiến thọ - tám cô tiên dâng tám vị thuốc trường sinh, điệu múa gồm nhiều đoạn nhỏ nói về từng vị thuốc bổ.

Múa trong lên đồng dù rằng như đã nói ở trên là sự kế thừa các điệu múa dân gian Việt Nam nhưng nét khác biệt của nó so với các điệu múa dân gian khác là nó chỉ có hình thức múa đơn. Sở dĩ, múa trong lên đồng là múa đơn bởi múa trong lên đồng là múa của thần linh, mỗi một giá đồng là múa của một vị thánh. Vì vậy, mỗi giá đồng chỉ có một người hầu đồng múa. Giá ông Hoàng Mười chỉ có duy nhất “ông Hoàng Mười”, cũng như vậy nếu đến giá cô Chín thì chỉ có duy nhất “cô Chín” ở trên hiện diện trên chiếu hầu. Thỉnh thoảng trong các giá hầu, tác giả quan sát thấy có những con nhang đệ tử đứng dậy và múa theo điệu múa của người đang hầu đồng. Nhưng đó chỉ là múa cộng hưởng, vì các con nhang đệ tử lúc đó bị “kích động” bởi người hầu đồng mà múa theo, chứ họ không đứng cùng “sân khấu” với người hầu đồng, hay nói cách khác họ không đứng trong đội hình múa với người hầu đồng. Chính xác hơn, họ là khán giả và múa theo “diễn viên” đang ở trên sân khấu hầu đồng.

Nếu như trong các điệu múa khác của Việt Nam, hầu hết được quy ước một cách rõ ràng cấu trúc, động tác của điệu múa thì múa trong lên đồng lại ít nhiều có tính ngẫu hứng. Mỗi giá đồng có một “khung” kết cấu riêng, 36 giá là 36 khung kết cấu điệu múa khác nhau. Khung kết cấu của mỗi giá đồng bao gồm: thỉnh thánh nhập - thánh nhập - thắp hương làm phép - múa đồng - nghe chầu văn và phán truyền - thánh thăng. “Khung kết cấu” này chính là quy định chung cho từng giá - nhưng đó là những quy định được truyền miệng bất thành văn. Chẳng hạn, khi ông Hoàng Mười nhập đồng, chắc chắn khung kết cấu điệu múa của ông Hoàng Mười sẽ là múa cờ, múa quạt. Khi cô Bơ nhập đồng thì chắc chắn người hầu đồng sẽ múa chèo đò với các động tác khua mái chèo. Song, không phải khi hầu các giá đó, người hầu đồng nhất nhất tuân theo khung kết cấu mà họ có sự sáng tạo một cách ngẫu hứng. Sự ngẫu hứng này được chi phối bởi tâm trạng của người hầu đồng trong bối cảnh âm nhạc chầu văn, trong sự cổ vũ nhiệt tình của các con nhang đệ tử. Đặc biệt, sự ngẫu hứng còn được chi phối bởi căn quả của người hầu đồng. Bởi thế, có giá đồng diễn ra rất nhanh gọn nhưng có những giá đồng lại diễn ra rất lâu. Chẳng hạn, bình thường người hầu đồng có căn Quan Đệ Ngũ chỉ hầu giá này khoảng 15 phút tại điện tại gia, nhưng khi họ tới hầu tại Đền Quan Lớn Tuần Tranh thì giá hầu của họ có thể kéo dài hơn. Một thanh đồng ở Hà Nội nói rằng: “Khi anh hầu vẫn ra được cái quy luật của đồng bóng, nhưng mỗi lần anh hầu lại hơi khác nhau một chút vì lúc ấy là theo cảm xúc của mình” (Phỏng vấn Henry, nam, 45 tuổi) (6).

Tóm lại, múa trong lên đồng là một loại múa được sử dụng trong nghi lễ hầu đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ phủ. Múa hầu đồng bao gồm nhiều điệu múa khác nhau, tương ứng với lịch sử và công trạng của từng vị thánh. Trong từng hàng thánh, các điệu múa có nét tương đồng bởi các thánh có nét tương đồng về giới tính, về dân tộc hoặc về sự tích công trạng (chẳng hạn, cùng hàng thánh Quan, có công đánh giặc ngoại xâm thì đều múa kiếm). Múa hầu đồng, thực chất là một loại hình múa dân gian, cụ thể hơn là múa tín ngưỡng song, bản thân nó có nhiều điểm khác biệt. Xét về nguồn gốc, múa hầu đồng là loại hình múa dân gian xuất phát từ nhu cầu tâm linh thờ phụng các vị thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Từ góc độ chức năng, múa hầu đồng phản ánh văn hóa, lịch sử của các tộc người và quan trọng hơn, múa hầu đồng như một chất xúc tác đưa người hầu đồng vào trạng thái thăng hoa để tiếp xúc với thần linh. Về hình thức, múa hầu đồng là hình thức múa đơn và mang nhiều tính ngẫu hứng. Về thể loại, múa hầu đồng là loại hình múa thiêng, thể hiện qua sự thiêng liêng của không gian, thời gian, nghi lễ và cả “diễn viên múa” (ông bà đồng).

____________________

1, 2, 3, 5, 6. Lâm Tô Lộc, Nghệ thuật múa dân tộc Việt, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1979, tr.29, 26-27, 48, 12.

4, 6. Các đoạn phỏng vấn được lấy từ tư liệu điền dã của tác giả.

Ths TRẦN LY LY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 509, tháng 9-2022

;