Trong sự gặp gỡ, tiếp xúc với văn hóa phương Tây, đời sống văn hóa nghệ thuật nước ta đã chịu tác động mạnh mẽ và trực tiếp ngay từ những năm đầu của TK XX. Ca trù vốn là loại hình biểu diễn rất nhạy cảm với những biến động của xã hội, nó chỉ tồn tại khi có khán giả nên nếu đối tượng thưởng thức thay đổi thì ca trù cũng phải thay đổi theo.
1. Ca trù trước sự biến đổi của thời cuộc - những năm Pháp thuộc
Từ những năm 20 TK XX, trên các mặt báo, tạp chí đã xuất hiện nhiều bài viết về giá trị nghệ thuật ca trù: tiếng hát của đào nương, lối hát ả đào, trống chầu, hát cửa đình... với ngầm ý giới thiệu cái hay, cái đẹp của nghệ thuật ca trù, tránh xu hướng gán vô vàn tiếng xấu, để vứt bỏ không thương tiếc loại hình nghệ thuật cổ truyền độc đáo mà tổ tiên người Việt để lại!
Sự thoái hóa của một bộ phận công chúng đã khiến ca trù - bộ môn nghệ thuật ít ra đã định hình và phát triển rực rỡ của nhiều triều đại từ dân gian trở thành bác học, đỉnh cao của ca nhạc thính phòng trong lịch sử hơn 500 năm, đi vào con đường sa sút nhanh chóng từ nửa cuối TK XIX đến nửa đầu TK XX. Phạm Văn Duyệt trong bài Mấy lời phân giải đã viết: “…Quan viên phong nhã thời không được như các cụ khi xưa, đào nương thời không tinh nghệ, thành ra cho giáo phường là xóm Bình Khang, là nơi hồng lâu: để cho bất cứ hạng người nào có tiền cũng bước chân vào được” (1) khi các nhà hát cô đầu mọc lên quá nhiều, quá nhanh.
Ở Hà Nội lúc này, trong các nhà hát cô đầu, khách thưởng văn chương nghệ thuật thì ít, sắc dục lại nhiều. Đào rượu tập trung đông đảo ở một số địa điểm như Ngã Tư Sở, cuối phố Huế, ấp Thái Hà, Vạn Thái (Bạch Mai), chợ Mơ, Gia Quất (Gia Lâm)... Ngay phố Khâm Thiên (Đống Đa) đã có quá nhiều nhà hát, với cơ man cô đầu rượu, tối nào cũng đỏ đèn đón khách (cô đầu hát chỉ hát mảnh rồi về nhà). Riêng ở nông thôn, phần lớn các đào kép vẫn làm nghề nông giữ ruộng, chỉ xuân thu nhị kỳ mới gác cày bừa chỉnh tề khăn áo, sênh phách, đàn đáy kéo nhau đi hát cửa đình hoặc đến tư gia hát chơi lúc có việc mừng vui.
Sau năm 1945, ca trù chìm lắng, các không gian diễn xướng, giáo phường khi xưa không còn tồn tại vì cũng nằm trong sự “bài trừ” chống mê tín dị đoan. Thế hệ trẻ không được tiếp xúc, truyền dạy ca trù do các nghệ nhân đã mai danh ẩn tích. Song, thực tế có những nghệ sĩ, nhạc sĩ vẫn tâm huyết mong phục hồi ca trù. Trong đó, người có công đầu phải nhắc tới nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát với nhiều bài báo và dày công dành nhiều thời gian tìm hiểu, nói chuyện về ca trù… Mặc dù, ông xuất thân học trường nhạc của Pháp ở Hà Nội năm 1927-1930 nhưng sớm nhận ra những đặc tính âm nhạc dân tộc. Ông không chỉ là nhạc sĩ mà còn là nhà nghiên cứu rất tâm huyết, am hiểu, viết nhiều về hát ả đào và về âm nhạc Việt Nam. Các công trình, bài viết tiêu biểu của ông như: Hát ả đào (Báo Ngày nay, số 214-219, năm 1940); Trống chầu (Âm nhạc lối hát ả đào) (Tạp chí Thanh Nghị, số 17, năm 1942); Tiếng hát của đào nương (Tạp chí Thanh Nghị, số 43, 44, năm 1943); Hát cửa đình (Tạp chí Thanh Nghị, Hà Nội, số 51, 52, 53, 54 năm 1944); Vài nét về ca nhạc cổ truyền, trong sách Hát cửa đình Lỗ Khê (Sở VH-TT, Hội Văn nghệ Hà Nội, năm 1980); Giới thiệu lối hát ca trù (Tạp chí Văn hóa dân gian, số 4, năm 1984)…
2. Câu lạc bộ ca trù ở Hà Nội - một tổ chức đào kép mới
Trong quá trình phục hồi của ca trù, sự kiện mang ý nghĩa đánh dấu mốc chính là sự thành lập, ra mắt của Câu lạc bộ (CLB) Ca trù Hà Nội đầu tiên của Việt Nam tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày 28-4-1991. Chính từ sự kiện này, một số nhà yêu nước, yêu nghệ thuật truyền thống ở nước ngoài đã chú ý đầu tư kinh phí phục hồi ca trù trong nước. Đó là ông Tôn Thất Tiết, Việt kiều Pháp năm 1995 về nước kết hợp với PGS, TS Vũ Nhật Thăng thành lập Nhóm Ca trù trẻ Thái Hà (Thái Hà ấp trước năm 1945), tài trợ cho Nguyễn Thúy Hòa và ca sĩ Hà Vi (Đoàn Ca Múa Thăng Long) học hát theo băng đĩa NSND Quách Thị Hồ... Sau khi học vài tháng, Nhóm Ca trù trẻ Thái Hà đã sang Pháp báo cáo kết quả, từ đó chuyên ra nước ngoài biểu diễn, quảng bá ca trù rất đắc lực và dạy học sau này (2).
Sau đó, hàng loạt CLB, giáo phường/ nhóm ca trù tự phát thành lập ở Hà Nội, nhất là sau khi ca trù được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp, năm 2009. Cùng thời điểm đó, nhiều địa phương cũng thành lập các CLB ca trù mang tính cộng đồng…
Việc thành lập CLB, giáo phường/ nhóm ca trù thực sự là một biến đổi tích cực, đưa ca trù đến với đông đảo công chúng. Như vậy, đáp ứng phần nào mong muốn phục hồi, giữ gìn và phát triển ca trù của đại bộ phận nhân dân trân quý nghệ thuật này… sau một thời gian dài chìm lấp; không chỉ tại Thủ đô Hà Nội mà còn tạo thành phong trào hoạt động sôi nổi tại nhiều địa phương. CLB ca trù trong thời hiện đại chủ yếu là để “chơi”, để “thưởng thức”, nâng cao tinh thần bảo vệ vốn cổ ca trù, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, “hòa nhập không hòa tan”. Từ giáo phường chuyên nghiệp quản lý tục nhạc (âm nhạc trong dân gian) ngay từ đầu triều Lê, niên đại Hồng Đức đời Lê Thánh Tông, có quy củ chặt chẽ được ghi vào khế ước tất cả miền Bắc từ xứ Thanh - Nghệ trở ra và văn bia (sớm nhất năm 1657)… các huyện ngoại thành Hà Nội hiện nay nhiều bia nhất (3)… đã chuyển thành CLB hoạt động nghiệp dư, phần lớn không nhằm mục đích kiếm sống, không phải sống bằng nghề và đây chính là một sự cải cách, một biến đổi lớn của ca trù Hà Nội. Ngay chính trên đất tổ Lỗ Khê (Hà Nội) hay Hải Dương, Hải Phòng hoặc xa xôi tận miền Trung như vùng Diễn Châu (Nghệ An), Cổ Đạm (Hà Tĩnh)… đã ra mắt các CLB ca trù, nhờ đó lớp trẻ ở các địa phương tự hào, bởi khi xưa địa phương mình cũng là một trong những nôi của ca trù.
Chính nhờ sự ra mắt đồng loạt các CLB, giáo phường/ nhóm ca trù mà công chúng được mắt thấy, tai nghe tài nghệ điêu luyện của nghệ nhân qua giọng hát, ngón đàn mê đắm lòng người cùng tiếng trống chầu tom chát điểm xuyết khen chê rất mực phong lưu, đài các… Đơn cử các nghệ nhân ở Hà Nội như Chu Văn Du, Nguyễn Văn Trai, Phó Đình Kỳ, Phó Thị Kim Đức (Khâm Thiên); Đỗ Thị Khuê, Nguyễn Thị Tình và Nguyễn Thị Sinh (Phú Đô), Vũ Thị Vóc (Cổ Nhuế); hai anh em Vũ Văn Hồng, Vũ Văn Cốm (Mỹ Đình); Nguyễn Thị Vượn, Nguyễn Thị Khướu (Chanh Thôn)…; Phạm Thị Mùi, Nguyễn Văn Hành, Nguyễn Văn Hoan, Nguyễn Thị Vân, Dương Thị Nhiên, Nguyễn Văn Hối, hai chị em Đỗ Thị Nguyệt và Đỗ Thị Sông… (Lỗ Khê); Nguyễn Thị Chúc, Chu Chí Cang (Ngãi Cầu), Nguyễn Khánh Hạ (Ngọc Mỹ) và Nguyễn Thị Chản (Thượng Mỗ)… Bắc Ninh với các nghệ nhân Nguyễn Thị Thủy, Nguyễn Thị Điền tức Thiệp, Ngô Trọng Đức, Nguyễn Thị Kỳ, Nguyễn Thị Dây (Thanh Tương); hai chị em Nguyễn Thị Lệ, Nguyễn Thị Hởi (Tiểu Than). Hải Dương: hai anh em Nguyễn Phú Đọ, Nguyễn Phú Đẹ (Cao La) và Nguyễn Thị Cung (An Lai). Hưng Yên với nghệ nhân Nguyễn Văn Si (Duyên Yên), Phạm Văn Sáu (Đa Hòa). Hải Phòng: là các nghệ nhân Trần Trọng Quế, Đào Thị Thẩm, Nguyễn Thị Chín và Tô Thị Chè (Đông Môn). Thái Bình: Bùi Thị Nhài cùng hai chị em Lê Thị Toàn, Lê Thị Tước (Bình Định), Phạm Bình Sâm (Quang Hưng). Thanh Hóa: Nguyễn Thị Diện (Thịnh Lộc), Ngô Trọng Bình (Ngọc Trung) và Nguyễn Thị Kim (Hương La - Phượng Đoài). Nghệ An: Trần Văn Hải (Văn Vật), Nguyễn Thị Hồng (Bỉnh Trung) và Lê Thị Cung (Yên Lý Ngoại). Hà Tĩnh: các nghệ nhân Phan Thị Mơn, Phan Thị Nga, Hà Thị Bình và Trần Thị Gia (Cổ Đạm)…
Những CLB ca trù thành lập sớm đã tập hợp được nhiều nghệ nhân là đào kép của các giáo phường trước đây, nên chất lượng nghệ thuật được đánh giá cao, như: CLB Ca trù Hà Nội, Lỗ Khê, Ngãi Cầu, Thăng Long và một số tỉnh: Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh… Nhiều đào kép 80, 90 tuổi phấn khởi truyền nghề không đòi hỏi quyền lợi hay đặc ân. Nam nữ thuộc nhiều lứa tuổi ở các địa phương khác nhau tự nguyện tham gia CLB, đóng tiền để sinh hoạt. Các cụ già đào kép chỉ mơ ước giữ được nghề tổ, làm sao cho các cháu được học, được diễn trong ngoài thôn xã và ra ngoài tỉnh (4).
Ở Hà Nội từ năm 1991 đến gần đây, đã có được những điểm biểu diễn ca trù cố định, định kỳ do các CLB tổ chức. Có thể kể tới điểm biểu diễn của CLB Ca trù Hà Nội tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày ra mắt, Bích Câu đạo quán, Hoàng Cầu, Tông Đản và đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc); điểm biểu diễn của CLB Ca trù Lỗ Khê tại đất tổ và đền Cổ Loa; CLB Ca trù Thái Hà tại nhà riêng và một số điểm khác; điểm biểu diễn của Nhóm Ca trù Phó Thị Kim Đức tại đường Hồng Hà và Tô Ngọc Vân; điểm biểu diễn của CLB Ca trù Thăng Long tại đình Giảng Võ, đình Ngọc Hà, đình Võng Thị, ngôi nhà cổ 87 Mã Mây, 28 Hàng Buồm. Ngoài ra, có thể kể đến một số điểm biểu diễn khác như Cao Sơn trà quán - ngõ Thổ Quan, Khâm Thiên (đã dừng năm 2019) hoặc một số buổi biểu diễn tại các huyện, thị trấn để giới thiệu ca trù với du khách trong nước và quốc tế mỗi khi đến thăm Hà Nội: Đêm ả đào tại Bụt trà quán, Lễ hội hoa xuân tại khuôn viên Đại học VinUni (Gia Lâm), Quán Đào tại 58b Bà Triệu…
Như vậy, sau 60 năm ca trù đã thức dậy, bừng tỉnh mạnh mẽ, sự phục dậy này có tác động rất lớn, bước đầu thu hút đông đảo lớp khán giả mới, họ tiếp nhận ca trù và coi đó là món ăn tinh thần. Đây chính là dấu hiệu đáng mừng, là một thuận lợi vô cùng lớn tạo đà cho công tác bảo tồn và phát triển ca trù trong đời sống đương đại.
3. Ca trù qua các liên hoan ca trù ở Hà Nội và do Hà Nội tổ chức
Liên hoan Ca trù Hà Nội mở rộng lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2000 với sự tham gia của các nghệ nhân đại diện cho 14 tỉnh, thành có ca trù. Trước năm 1945, có các cuộc thi hát cửa đình để chọn người giỏi, hát tất cả các thể cách (hát chơi, hát thi hay hát thi ở tỉnh chọn đào kép lai kinh chúc hỗ) (5). Liên hoan thực sự đã tác động rất lớn đến giới lãnh đạo cũng như khán giả trẻ đồng thời gây tiếng vang khiến quỹ FORD chú ý, quan tâm, tài trợ mở lớp Đào tạo cấp tốc diễn viên trẻ ca trù năm 2002 cho 65 học viên của 13 CLB ca trù thuộc 13 tỉnh, thành. Dù chỉ học trong 2 tháng nhưng các học viên đã là những hạt nhân nòng cốt trở về địa phương thành lập CLB, mở lớp dạy ca trù cho lớp trẻ và biểu diễn quảng bá.
Sau Liên hoan Ca trù Hà Nội mở rộng lần thứ nhất, các liên hoan ca trù được tổ chức thường xuyên tại Hà Nội và do Hà Nội hoặc Trung ương tổ chức đã góp phần bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống này. Từ đó, giúp duy trì, phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động trong các CLB, giáo phường/ nhóm ca trù tại cơ sở, đồng thời, tạo điều kiện để các địa phương quan tâm tới đội ngũ nghệ nhân dân gian, diễn viên không chuyên. Các liên hoan ca trù là nơi khơi dậy tinh thần, tâm huyết của người dân với nghệ thuật ca trù. Qua đó, tìm kiếm và bồi dưỡng hạt nhân, chú trọng công tác đào tạo, biểu diễn, quảng bá tới đông đảo khán giả trong nước và quốc tế. Trong khuôn khổ các liên hoan còn diễn ra những cuộc tọa đàm, hội thảo, kiểm kê ca trù một cách hệ thống, bài bản. Cũng từ đấy, các cấp chính quyền, ngành Văn hóa Hà Nội đã có sự quan tâm đầu tư kinh phí, thời gian và hỗ trợ các nghệ nhân bằng nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực để bảo tồn, phát triển ca trù. Thành phố Hà Nội với vai trò là trung tâm văn hóa, chính trị của cả nước - nơi nghệ thuật ca trù đã từng phát triển rực rỡ. Sau năm 2000, nhiều hội thi, liên hoan, các hoạt động trình diễn, giới thiệu nghệ thuật ca trù được tổ chức đã góp phần quảng bá, nhân rộng và phát huy giá trị của di sản văn hóa. Đặc biệt, thời gian gần đây, số lượng đào kép trẻ tham gia liên hoan, các cuộc thi có sự khởi sắc so với giai đoạn trước, đông hơn trước, trẻ hóa từ độ tuổi (từ 4-5 tuổi đến các cụ già cao niên trên 80). Chẳng hạn Liên hoan Ca trù tài năng, xuất sắc Hà Nội năm 2019 có 90% gương mặt trẻ mới lần đầu xuất hiện, nhất là có tới 30 tiết mục của 30 thí sinh dự thi múa hát tập thể, nhiều đào kép tuổi còn rất trẻ nhưng giọng hát hay, đàn hát nhiều thể cách tương đối khó, tiếng đàn bắt đầu có kỹ thuật nhấn nhá…
Có thể nói, những chuyển biến của ca trù ở Hà Nội từ đầu TK XX đến nay: khởi điểm thoái trào và đã được phục hồi khá ngoạn mục sau năm 1986 với sự xuất hiện của các CLB, giáo phường/ nhóm ca trù; các cuộc liên hoan, thi ca trù đã hình thành một đội ngũ đào kép mới. Theo như GS, TSKH Tô Ngọc Thanh (nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) chia sẻ: Sự xuất hiện của đội ngũ ca nương, kép đàn trẻ tuổi đã cho giới chuyên môn cũng như khán giả thấy được sức sống mới của loại hình nghệ thuật ca trù trong đời sống đương đại. Đó cũng chính là biểu hiện tích cực, mức độ phổ biến của ca trù trong đời sống văn hóa cộng đồng hiện nay… (6). Bên cạnh đó là đội ngũ các nhà nghiên cứu, sáng tác, truyền bá và đông đảo công chúng thưởng thức, tham gia sinh hoạt ca trù. Đây chính là những nhân tố mới thúc đẩy ca trù ngày càng phát triển.
Với sự phục hồi của ca trù Hà Nội từ năm 1990-1991 đến nay, bên cạnh những yếu tố tích cực không tránh khỏi những hạn chế. Điều đó, thể hiện một phần ở sự đánh giá của Ban giám khảo, trao giải thưởng trong các cuộc liên hoan và qua việc tổ chức dạy, học ca trù trong các CLB, giáo phường/ nhóm... đã làm cho ca trù Hà Nội nói riêng biến đổi, phần nào xa rời truyền thống.
Giống như các hiện tượng văn hóa khác, ca trù là một loại hình nghệ thuật ra đời rất sớm nên hội tụ trong nó sự đa tầng về ý nghĩa và có sắc thái riêng. Vì thế, để nhận biết sự chuyển biến của ca trù trong một giai đoạn cụ thể với những ưu điểm và nhược điểm, cần có cái nhìn tổng thể đa chiều, đa chức năng, để có thể đưa ra các giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, sao cho ca trù vẫn kế thừa được những tinh hoa của văn hóa dân gian và văn hóa cung đình, bác học được tích tụ từ xưa.
Có thể nói, ca trù có lịch sử ra đời và phát triển từ sớm. Cùng với sự biến đổi của xã hội, ca trù cũng trải qua những bước thịnh-suy, nhất là giai đoạn từ đầu TK XX đến nay. Điều khó khăn nhất trong việc phục hồi ca trù giai đoạn này có lẽ là sự ra đi của đội ngũ nghệ nhân lớn tuổi - những người mang theo ngón nghề điêu luyện của mình mà không kịp truyền bá lại cho lớp kế tục. Tuy nhiên, cùng với những biến đổi thăng trầm vẫn còn đâu đó những mạch chảy ngầm trong lòng công chúng, nếu chúng ta biết tác động đúng cách thì ca trù lại phát triển mà vẫn kế thừa truyền thống.
_________________
1. Phạm Văn Duyệt, Hát ả đào (1923), in trong Ca trù nhìn từ nhiều phía, Nguyễn Đức Mậu giới thiệu và biên soạn, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2003, tr.47.
2. Trần Ngọc Linh, bản đánh máy, Nhóm Ca trù Tràng An Phó Thị Kim Đức.
3, 4. Đặng Hoành Loan, Phạm Minh Hương, Hồ Thị Hồng Dung, Đặc khảo ca trù Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2006, tr.502-504, 38, 223, 224.
5. Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề, Việt Nam ca trù biên khảo, Nxb Sài Gòn, 1962.
6. Nguyễn Thanh, Hy vọng mới cho nghệ thuật ca trù, hanoimoi.com.vn, 10-11-2019.
Ths LÊ THỊ BẠCH VÂN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 509, tháng 9-2022