Nhận diện đặc điểm nghệ thuật diễn xướng dân gian Chơ ro (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Cộng đồng dân tộc Chơ Ro trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sinh sống tập trung tại một số xã thuộc các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ, thị xã Phú Mỹ và một số ít tại thành phố Bà Rịa. Từ bao đời nay, trong tất cả các lễ hội dân gian, lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo, đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, người Chơ Ro vẫn giữ được những nét đặc trưng riêng, thông qua các loại hình nghệ thuật dân gian, diễn xướng dân gian.

Thực trạng nghệ thuật diễn xướng dân gian Chơ Ro (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Khi cái nắng tắt dần, phần hội bắt đầu với tiếng cồng chiêng vang vọng bản làng, như thúc giục mọi người bước vào cuộc vui, cùng giao lưu với nhau. Các thành viên tham dự vừa ăn uống, vừa xem và tham gia các hình thức sinh hoạt cộng đồng như: đi cà kheo, thi đánh chiêng, bắn nỏ; nam - nữ thanh niên quây quần bên ché rượu, vừa múa, hát những bài dân ca, bài sử thi cổ truyền quen thuộc của dân tộc mình, cho đến tận thâu đêm… Đó là những nét truyền thống tốt đẹp của dân tộc Chơ Ro vẫn còn lưu giữ đến hôm nay, phản ảnh phong tục, tập quán, đạo đức, lối sống, mối quan hệ ứng xử giữa cá nhân với gia đình và xã hội; giữa con người, với tự nhiên và đấng siêu nhiên… Tuy nhiên, vốn văn hóa truyền thống tốt đẹp này ngày càng mai một, mờ nhạt.

Về dân ca, trong quá trình nghiên cứu, tác giả đã sưu tầm được 58 bài dân ca, có ký âm và đặt lời Việt, được chia thành 4 nhóm: nhóm bài hát ru; nhóm bài hát gắn với lao động sản xuất; nhóm bài hát về tình yêu; nhóm bài hát gắn với tâm linh, tín ngưỡng. Nói chung, lời hát mộc mạc, nhưng chứa chan tình cảm, phản ánh tâm tư, khát vọng, mối quan hệ giữa các thành viên, phản ánh nhịp sống của cộng đồng trong các sinh hoạt thường nhật. Họ hát khi ru con, khi đi rẫy, đi rừng và thể hiện nhiều nhất là trong các dịp lễ hội. Hầu hết những bài hát dân ca chỉ còn một số ít người lớn tuổi hiện nay còn nhớ, biết hát.

Về múa dân gian, là một trong những vốn văn nghệ dân gian còn lưu giữ được, tuy không nhiều, nhưng là nét sáng tạo của cộng đồng Chơ Ro. Múa dân gian của người Chơ Ro đa phần xuất phát từ những sinh hoạt tín ngưỡng, lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng. Từ phong tục thờ cúng thần linh cầu bình an, sức khỏe, đến cúng tạ ơn trời - đất đã cho hạt lúa, cây ngô đầy nhà, hoa trái bội thu, đã nảy sinh ra những điệu múa mang đậm sắc thái của tín ngưỡng dân gian. Múa dân gian của người Chơ Ro thường liên quan đến việc hành lễ của thày cúng và bà Bóng. Chính vì thế, những điệu múa dân gian của người Chơ Ro, thường được diễn ra vào những dịp lễ hội, dịp cúng bái của cộng đồng.

Thực tế hiện nay, không còn nhiều người Chơ Ro nhớ những điệu múa của dân tộc mình. Một số người lớn tuổi am hiểu về múa còn rất ít, những thế hệ con cháu sau này thì có người biết đôi chút những điệu múa dân gian, do được sự truyền dạy của gia đình, một số khác thì có biết, nhưng chỉ thông qua các sinh hoạt cộng đồng, rồi trở thành thói quen, chứ chưa am hiểu sâu về những nét đặc sắc các điệu múa đó và cũng chưa có ý thức để lưu giữ vốn quý của ông cha.

Múa dân gian Chơ Ro tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện còn lưu truyền 7 thể điệu: múa bà Bóng, múa theo bà Bóng lên đồng, múa cầu mưa, múa sàng gạo, múa giã gạo, múa đánh chiêng, múa sáng trăng.

Về nhạc cụ dân gian, gồm nhiều loại, trong đó nổi bật và phổ biến là bộ cồng (6 chiếc) và bộ chiêng (7 chiếc), ngoài ra còn có đàn tre, kèn môi, kèn bầu, kèn lá... Các loại nhạc cụ thường được sử dụng rộng rãi trong các dịp lễ hội, sinh hoạt của làng hoặc gia đình có việc vui với sự tham gia biểu diễn của nhiều nghệ nhân am hiểu nhạc cụ cũng như tiết tấu của từng làn điệu. Nhạc cụ dân gian hiện còn lưu lại thật hiếm hoi, trong 8 loại nhạc cụ dân tộc được sưu tầm, phục dựng, gồm có: chiêng, cồng, goong cla (đàn tre), cầm vuột (kèn bầu), goong choloq, senh, tuyn (sáo) và toon (kèn môi), ngoài ra còn có chinh (đồng la); có 5 loại nhạc cụ có ít rất người Chơ Ro biết làm và biết sử dụng, đó là: cồng, chiêng (goong); đàn tre (goong cla); kèn môi (toon); đàn goong choloq... Nhạc sĩ Phan Thiết đã dày công nghiên cứu và cùng các nghệ nhân Chơ Ro chế tác thành công 6 chủng loại nhạc cụ dân tộc (5 bộ) và đã chuyển giao cho các Nhà Văn hóa Dân tộc Bàu Chinh, Long Tân, Bàu Lâm, Tân Lâm, Hòa Bình, năm 2020…

Về lễ hội dân gian, do đặc điểm lịch sử và những biến đổi về mặt xã hội, văn hóa, cuộc sống du canh, du cư không còn; hòa nhập với cuộc sống định cư với người Kinh; cuộc sống xen cư với các dân tộc anh em khác, phần nào làm cho văn hóa Chơ Ro mờ nhạt; lại không có chữ viết riêng; những nghi lễ liên quan đến nông nghiệp của người Chơ Ro như cúng thần Lúa (Yang Va), thần Rừng (Yang Vri), thần Rẫy (Yang Mir)... đã dần mai một, thất truyền. Nhiều thanh niên Chơ Ro ngày nay không biết các nghi lễ cổ truyền của dân tộc mình. Đối với lễ hội Ốp Yang Vri (cúng thần Rừng), khi cuộc sống du canh, du cư, nơi rừng xanh, núi thẳm đã đi vào quá khứ, việc chọn lựa địa điểm tổ chức hiện nay là khó khăn. Những cánh đồng lúa tốt tươi nơi nương rẫy, nay chỉ còn trong ký ức... cảnh quan tự nhiên đã mất dần theo năm tháng... Vì vậy, hiện nay cộng đồng dân tộc Chơ Ro ở một số địa phương trong tỉnh, rất ít nơi còn duy trì lễ hội Ốp Yang Vri, 3 năm tổ chức một lần.

Đặc biệt, 2 lễ hội dân gian Ốp Yang Va và Ốp Yang Vri thể hiện đậm chất diễn xướng dân gian, trong cả phần lễ và nhất là phần hội. Trong phần lễ, hai nhân vật rất quan trọng, không thể thiếu là thày Chang (thày cúng) - đại diện cho chủ gia hoặc cộng đồng, sắp đặt lễ cúng, báo cáo với tổ tiên về việc tổ chức cuộc lễ, bằng một bài khấn có nội dung: báo cáo việc làm và thành quả sau một năm lao động vất vả “tay chân hết đất” mùa màng thuận lợi, thu hoạch đã xong “lúa đã bò về nhà ngủ”, hôm nay gia đình (cộng đồng) cúng tạ ơn thần Lúa, thần Đất, thần Rừng… ông bà, tổ tiên về chứng giám, cùng hưởng lộc, chung vui… Khi Tổ pháp nhận lời thày Chang, nhập cốt bà Bóng (sà băm) - nhân vật trung gian, “để được xuống đất, lên trời” kết nối đường dây với thày Chang, giao tiếp, đối thoại với thần linh, trao truyền lời giảng dạy của thần linh, chỉ bảo những điều tốt lành, chưa tốt của dân làng và chuyển lời tạ ơn, thỉnh cầu của những người trong gia đình hoặc cộng đồng đến thần linh, tổ tiên, phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, thôn làng bình yên, nhà nhà no đủ.

Trong sự “biến dạng” và “biến dần” những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc Chơ Ro, những tư liệu quý đang được lưu giữ ở các thư viện và bảo tàng, nhất là những nghệ nhân dân gian - “bảo tàng sống” thuộc dạng “cổ lai hy” và “cái mất” lớn nhất trong tương lai gần là không thể tránh khỏi, nếu không kịp thời làm cho những gì còn lại trong kho tàng nghệ thuật dân gian Chơ Ro được sống lại.

Tuy nhiên, điều may mắn, từ năm 2003, Nhóm nghiên cứu của Trung tâm Văn hóa tỉnh đã hoàn thành 2 kịch bản phim tài liệu nghiên cứu về lễ hội Ốp Yang Va và Ốp Yang Vri. Đây là nguồn tài liệu quý giá được lưu giữ, phục vụ cho công tác nghiên cứu và bảo tồn.

Từ thực trạng nêu trên, đặt ra vấn đề cấp thiết hiện nay là bảo tồn và phục dựng nghệ thuật diễn xướng dân gian và các lễ hội dân gian Chơ Ro; bởi những tác động và lợi ích sẽ mang lại trong sinh hoạt của cộng đồng Chơ Ro và công tác nghiên cứu khoa học.

Đặc điểm nghệ thuật diễn xướng dân gian Chơ Ro (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Trên cơ sở những tài liệu nghiên cứu, sưu tầm được trong nhiều năm qua của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, chủ yếu là các nhà nghiên cứu trong nước, ở 3 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận cho thấy, nghệ thuật dân gian nói chung và loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian Chơ Ro nói riêng rất đa dạng, phong phú, phổ biến là những làn điệu dân ca (hát ru, hò đối đáp, hát giao duyên, hát huê tình…); các điệu múa dân gian truyền thống (múa cấy lúa, múa giã gạo, múa sàng gạo, múa đội bát, múa cầu mưa…) và dân nhạc (khí nhạc và các loại nhạc cụ: chinh (cồng), goong (chiêng), goong Cla (đàn tre), cầm vuột (kèn bầu), toon (kèn môi), tuyn (sáo)…), từ xưa đến nay được coi là món ăn tinh thần quan trọng, không thể thiếu trong đời sống thường ngày; gắn liền với các lễ nghi, lễ hội, đám cưới, đám tang của gia đình, tộc họ và ngày vui của cộng đồng dân tộc với những đặc điểm riêng biệt, hiện còn được đồng bào dân tộc Chơ Ro giữ gìn, lưu truyền. Tất cả đều là những tài liệu quý giá, có khả năng phổ biến, phục dựng nguyên trạng hoặc phát triển nâng cao.

Các yếu tố tác động đến nghệ thuật diễn xướng dân gian Chơ Ro

Dân tộc Chơ Ro có số lượng ít người; sống phân tán, rải rác ở nhiều tỉnh, trong khu vực rừng, núi miền Đông Nam Bộ; xen cư với nhiều dân tộc khác, nên chịu tác động nhiều chiều, khó giữ nguyên vẹn bản sắc dân tộc. Cuộc sống của đồng bào dân tộc Chơ Ro đã được định cư, nhưng tách rời môi trường sản xuất cổ truyền là nương rẫy, rừng núi, nên sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật dân tộc mất môi trường diễn xướng, khó có thể phục dựng theo đúng dạng tồn tại vốn có của nó.

Hơn nữa, các lớp nghệ nhân lớn tuổi Chơ Ro lần lượt “ra đi”, mang theo bao kinh nghiệm quý giá và kỹ năng sáng tác, biểu diễn; không có nhiều điều kiện truyền dạy cho lớp trẻ, nên dòng mạch nghệ thuật dân gian hiện nay không còn nguyên vẹn như xưa; có nguy cơ thất truyền. Các chính sách bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Chơ Ro thiếu đồng bộ, thiên về nâng cao đời sống vật chất, ít các chương trình bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Đặc điểm chung về nghệ thuật diễn xướng dân gian Chơ Ro

Thể hiện tín ngưỡng đa thần theo chu kỳ sản xuất nông nghiệp nương rẫy (mùa xuống đồng tháng 4 và mùa thu hoạch lúa rẫy tháng 10). Nghệ thuật dân gian Chơ Ro là để thể hiện tín ngưỡng - tâm linh, không phải để biểu diễn sân khấu.

Nghệ thuật dân gian Chơ Ro phản ánh đời sống cư dân sản xuất nương rẫy, nên các hình thức diễn xướng mô phỏng các động tác lao động lên nương, làm rẫy, chọc lỗ trồng lúa, thu hoạch, đón mừng lúa mới, săn bắn, tạ ơn, mời khách… thể hiện sự tri ân thần linh, hiếu khách, khát vọng bình an. So với các dân tộc khác, nghệ thuật diễn xướng của người Chơ Ro không nhiều bài bản, đơn giản, nhịp ngắn, dựa trên nền nhạc 3 note (không phải ngũ âm) đơn sơ, tự nhiên gắn kết với thiên nhiên; nhạc cụ tre lá thổi cuốn hút hồn người, nhạc khí cồng - chiêng vừa giống các dân tộc Nam Trường Sơn (chiêng núm, 7 chiếc) vừa khác với các dân tộc Tây Nguyên với bộ chinh (đồng la) - 6 chiếc gồm 3 cặp; giai điệu và cách đánh cồng - chiêng hiền hòa, hiếu khách, tâm thành, không có nhiều bài chiêng hùng tráng, đậm nét sử thi.

Lễ hội của người Chơ Ro đơn giản, thể hiện lòng biết ơn các vị thần linh, chia sẻ với cộng đồng về mùa vụ, không nhiều nghi thức, không nhiều lễ vật, không dài ngày; thể hiện sắc thái của văn hóa theo mẫu hệ, nữ quyền, qua các lễ tục rước mẹ lúa, uống rượu, làm các loại bánh, chia thịt, đánh cồng - chiêng…

Đặc điểm hình thái nghệ thuật diễn xướng dân gian Chơ Ro

Về đặc điểm hình thái nghệ thuật “tín ngưỡng tâm linh”: Người Chơ Ro quan niệm vạn vật hữu linh (mọi vật đều có linh hồn). Họ tin vào một thế giới siêu hình đang tồn tại song song với thế giới thực tại mà họ đang sống. Họ cho rằng, mọi hiện tượng trong tự nhiên từ hữu hình đến vô hình đều có linh hồn và cuộc đời của mỗi con người, mỗi gia đình, dòng tộc đều do các lực lượng tự nhiên ấy định đoạt. Người Chơ Ro theo tín ngưỡng đa thần, họ thờ rất nhiều thần linh như: thần Tối thượng (Yang N’du), thần Núi (Yang Bơnơm), thần Lúa (Yang Va), thần Rừng (Yang Vri), thần Rẫy (Yang Mir), thần Nhà (Yang Hiu), thần Đá (Yang Luh), thần Nước (Yang Dah)... Vì vậy, khi thực hiện các nghi lễ cúng tế, họ đều khấn vái mời các đấng thần linh về chứng giám, hưởng lễ.

Vì theo tín ngưỡng đa thần, nên nghệ thuật trình diễn “tín ngưỡng tâm linh”, được coi như phương tiện gắn kết giữa con người với con người, cũng như giữa con người với các đấng thần linh, là sự giao cảm giữa thế giới hiện tại với thế giới tâm linh. Hình thái nghệ thuật “tín ngưỡng tâm linh” của dân tộc Chơ Ro là loại hình thể hiện trong các sinh hoạt tín ngưỡng, đặc biệt trong các lễ hội dân gian, thường do các bà Bóng hay thày cúng thể hiện. Các điệu múa tiêu biểu của dân tộc Chơ Ro như: múa bà Bóng, múa theo bà Bóng lên đồng, múa mừng lúa mới, múa siêu thoát, múa đội bát, múa cúng thần linh, múa lễ tạ ơn... với các lời hát dân ca: hát múa cầu mưa, trống chiêng cầu thần… Sự giao cảm ấy được thể hiện qua những điệu múa, lời hát khấn nguyện và giai điệu âm nhạc, bày tỏ ước vọng của con người với thần linh, để thần linh phù hộ vượt qua gian nan, thử thách, cản ngại của thiên nhiên; giúp cho dân làng bình an; mưa thuận, gió hòa; mùa màng bội thu; duy trì tập tục, thờ cúng hiếu nghĩa với ông - bà, tổ tiên; phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Về đặc điểm hình thái nghệ thuật “lao động sản xuất”: phản ánh môi trường sinh sống hoặc tái hiện những gì diễn ra trong lao động sản xuất. Dựa trên những thao tác trong lao động thường ngày với các công cụ sản xuất. Các bài hát dân ca: Hát ru con, Đuổi chim ăn lúa, Cô gái giữ rẫy, Bổ củi, Lời người mồ côi, Bắn chim Ó… cùng các điệu múa hết sức đa dạng, phong phú, tiêu biểu như: múa cấy lúa, múa giã gạo, múa sàng gạo, múa sáng trăng, múa xúc tép, múa bắt cá, múa đuổi chim, múa giữ lúa trên nương rẫy, múa nỏ, múa đeo gùi, múa dao, múa chà gạt... Hình thái “lao động sản xuất” dân gian Chơ Ro cho thấy ý thức của người Chơ Ro rất cao, họ cố gắng lao động sản xuất, để mong cây cối xanh tươi, hạt lúa no tròn, làng bản yên vui, hòa thuận…; chứa đựng nhiều ý nghĩa mang tính triết lý về cuộc sống một cách sâu sắc và có sức truyền cảm mạnh mẽ đến mỗi người.

Về đặc điểm hình thái nghệ thuật “sinh hoạt cộng đồng”: thể hiện đậm nét qua nghệ thuật diễn xướng trữ tình (hát, hò dân ca, hát giao duyên, hát huê tình… múa cấy lúa, múa giã gạo, múa đánh chiêng, múa sáng trăng, múa đi hội, múa gặp gỡ, múa dâng bánh, múa chim bay…); diễn xướng tự sự (nói vần, nói vè, hát sử thi…) hoặc diễn xướng mang tính cộng đồng (lễ hội cúng thần Lúa, thần Rừng... múa bà Bóng, múa đội bát…).

Hình thái nghệ thuật “sinh hoạt cộng đồng” gắn bó với văn hóa cồng - chiêng và bắt nguồn từ sinh hoạt diễn tấu cồng - chiêng, trong những dịp lễ gia đình, trong sinh hoạt cộng đồng dân tộc Chơ Ro. Trong sinh hoạt cộng đồng của dân tộc Chơ Ro thường diễn ra múa cấy lúa, múa giã gạo, múa sàng gạo và những điệu múa với lục lạc (vòng đeo tay làm bằng đồng, gắn những quả nhạc có hột bên trong, khi rung lắc tạo thành âm thanh) mang tính đặc trưng của người Chơ Ro. Nội dung thể hiện sự giao cảm giữa con người với thiên nhiên và giữa con người với con người, mối quan hệ cộng đồng (tình bạn, tình làng, nghĩa xóm…); giúp cộng đồng càng gắn bó, yêu thương nhau hơn trong cuộc sống. Thường được tổ chức trong các cuộc vui đông người của người lớn và trẻ em trong tháng làm “nhang” (đêm có trăng)…

Kết luận

Bản chất của nghệ thuật diễn xướng dân gian Chơ Ro là hiền hòa, hiếu khách, dễ kết nối cộng đồng; với những đặc điểm chung và 3 đặc điểm hình thái nghệ thuật riêng biệt, đã minh chứng rằng: Người Chơ Ro có dân ca, có múa, có âm nhạc. Người Chơ Ro còn lưu giữ được nghệ thuật diễn xướng dân gian, với những bài hát dân ca, điệu múa truyền thống và nhạc cụ dân gian mang hồn dân tộc rất đặc sắc, có tính cách riêng, nét độc đáo, giàu tính thẩm mỹ, mang đậm tính nhân văn, khác biệt với nhiều dân tộc anh em (1).

____________________

1. Bài viết là kết quả nghiên cứu của Đề tài Khoa học “Nghiên cứu, phục dựng và phát triển nghệ thuật diễn xướng dân gian Chơ Ro, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 2021.

Tài liệu tham khảo

1. Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Về văn hóa dân gian Đông Nam Bộ, Nxb Đồng Nai, Đồng Nai, 2009.

2. Huỳnh Tới (chủ biên), Yên Tri, Đình Dũng, Người Châu Ro ở Đồng Nai, Nxb Đồng Nai, Đồng Nai, 1997.

3. Huỳnh Văn Tới, Phan Đình Dũng, Phan Xuân Biên, Văn hóa Đồng Nai (Sơ thảo), Nxb Đồng Nai, Đồng Nai, 2005.

4. Lê Ngọc Canh, Nghệ thuật múa tộc người Châu Ro, Nxb Văn hóa - Thông tin, Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Đồng Nai, Đồng Nai, 2005.

5. Nguyễn Thành Đức: Múa dân gian các tộc người Mạ, Châuro, Stiêng vùng Đông Nam Bộ, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2004.

6. Nguyễn Thành Đức (chủ biên), Nghệ thuật biểu diễn dân gian tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2012.

7. Nguyễn Quý Công (chủ nhiệm đề tài), Sưu tầm nghiên cứu nghệ thuật âm nhạc và múa dân gian các dân tộc Chơ Ro, Mạ ở Đồng Nai, Tập 1: Sưu tầm nghiên cứu, Tập 2: Giáo trình, Nxb Đồng Nai, 2004.

8. Phạm Công Minh, Nhạc cụ dân gian Châu Ro, Đặc san Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, số 3-2016, tr.54-55.

9. Trần Quang Huy, Âm nhạc dân gian của người Châuro, Tạp chí Khoa học Xã hội, số 28, 1996, tr.161-169.

10. Trần Tấn Vĩnh, Người Châu Ro ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 1999.

11. Trần Tấn Vĩnh, Nghiên cứu, biên soạn từ điển Việt - Châuro, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 1999.

12. Trần Viết Bính (sưu tầm), Dân ca Châu Ro, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2004.

13. Trần Viết Bính, Nguyễn Thị Tuyết Hồng (Khảo sát - Sưu tầm - Ghi âm và đặt lời Việt), Dân ca Mạ, Châu Ro, STiêng, Kơ Ho ở Đồng Nai, Nxb Đồng Nai, 2011.

14. Võ Lê, Nghiên cứu các loại hình âm nhạc dân tộc Châu Ro tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trung tâm Văn hóa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 2010-2011.

PHẠM DIÊM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 512, tháng 10-2022

;