Bàn các giải pháp phát huy hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn Nghệ An

Hội nghị do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức vào ngày 24-4, tại huyện Nam Đàn dưới sự chủ trì của các Tỉnh ủy viên: Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở VHTT. Cùng dự có các đồng chí Phó Giám đốc Sở VHTT; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các địa phương; Trưởng các phòng Sở, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở VHTT.

Đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở VHTT Nghệ An chủ trì Hội nghị

Hiện nay, 20/21 huyện, thành, thị của tỉnh Nghệ An có Trung tâm Văn hóa - Thể thao; 18/21 huyện, thị có sân vận động huyện (còn 3 huyện, thành phố chưa có SVĐ cấp huyện gồm Quỳ Châu, Kỳ Sơn và TP Vinh); 8/21 huyện, thành, thị có nhà thi đấu do huyện quản lý và 77 nhà thi đấu một môn, nhiều môn do các ngành, đơn vị trên địa bàn huyện quản lý.

446/460 xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa - thể thao, đạt 97,1%. Trong đó, 339/460 xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa, thể thao đạt quy định của Bộ VHTTDL, đạt 73,5%.

3.751/3.800 thôn, bản, khối, xóm (sau đây gọi chung là thôn) có nhà văn hóa - sân thể thao, đạt 98,7%. Trong đó, 2.839/3.800 thôn có nhà văn hóa - sân thể thao đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL (đạt 74,5%); số thôn sau sáp nhập được quy hoạch đất cơ sở văn hóa theo quy định là 1.675/1.790 thôn (đạt 93,5%).

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao thời gian qua đã có những tác động tích cực đến đời sống văn hóa xã hội, tuy nhiên hiện vẫn đang gặp một số hạn chế như: Việc quy hoạch đất cho nhà văn hóa, sân thể thao của thôn ở miền núi, vùng biển, SVĐ các xã, phường (thuộc thành phố Vinh) đảm bảo theo quy định còn khó khăn, không thể mở rộng do không còn quỹ đất hoặc quỹ đất không tập trung; một số thiết chế văn hóa, thể thao được quy hoạch, xây dựng từ nhiều năm trước (nhất là ở các thôn sau sáp nhập) nên quy mô nhỏ, nhiều nhà văn hóa xuống cấp nên chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ đời sống tinh thần ngày càng cao của người dân. Tiến độ thực hiện chỉ tiêu xã có thiết chế văn hóa, thể thao đạt chuẩn quy định của Bộ VHTTDL lịch ở các huyện miền núi còn chậm.

Toàn cảnh Hội nghị

Ngoài ra, một số địa phương đầu tư nhà văn hóa, SVĐ nhưng chưa năng động đổi mới phương thức tổ chức, hướng dẫn hoạt động phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân; Hoạt động của hệ thống thư viện, phòng truyền thống của xã, phường, thị trấn chưa hiệu quả; nhiều xã, thôn, bản, khối, xóm còn thiếu thư viện, tủ sách, số đầu sách còn nghèo nàn, sơ sài. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo công tác quản lý và khai thác công trình thể dục thể thao, nhất là công tác xã hội hóa, cho thuê sử dụng công trình theo quy định.

Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở một số huyện, xã, phường, thị trấn được bố trí, sắp xếp chưa đáp ứng chuyên môn về văn hóa, thể thao nên trình độ, năng lực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và năng lực tổ chức quản lý còn thiếu và yếu, hạn chế về kinh nghiệm tổ chức các hoạt động. Ở các xã loại 2, loại 3 chỉ được bố trí 1 công chức văn hóa - xã hội, khối lượng công việc lớn nên gặp rất nhiều khó khăn, áp lực trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Việc đối ứng nguồn lực xây dựng các công trình nhà văn hóa, SVĐ xã theo Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND ngày 13-12-2020 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An gặp nhiều khó khăn.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã có nhiều ý kiến trao đổi, phân tích làm rõ những nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, hạn chế trong việc phát huy các thiết chế VHTT, như: Địa bàn hoạt động văn hóa cơ sở rộng, trong đó chủ yếu là miền núi, nguồn thu ngân sách và đời sống ở khu vực nông thôn, miền núi đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa tập trung đúng mức, chưa thật cụ thể, sâu sát, thường xuyên, chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững. Nguồn lực đầu tư cho thiết chế văn hóa - thể thao từ tỉnh, huyện, xã mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu; việc huy động nguồn lực xã hội hóa trong nhân dân còn hạn chế nhất các địa phương điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn.

Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, như: Có chính sách bố trí công chức văn hóa - xã hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tăng mức hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn; sớm có phương án giải quyết các thiết chế văn hóa dôi dư sau sáp nhập thôn để tạo nguồn đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa đạt chuẩn…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long ghi nhận những kết quả đạt được của ngành  VHTT và các địa phương trong công tác xây dựng và phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Với những khó khăn, hạn chế trong hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh mà các đại biểu đã chỉ ra tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các huyện cần có Nghị quyết riêng về phát huy thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, từ đó có cơ chế huy động nguồn lực xây dựng các thiết chế văn hóa.

Để phát huy có hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, với những thiết chế đã đầu tư, đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở VHTT cần phối hợp với các sở, ngành xây dựng phương án sử dụng đồng bộ để tránh lãng phí, đồng thời huy động nguồn lực tái đầu tư vào các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở. Với những thiết chế sắp đầu tư, cần đánh giá toàn diện các hạng mục, tham mưu UBND tỉnh không đầu tư vào những hạng mục không cần thiết. Đối với các ngành liên quan, các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác hướng dẫn nghiệp vụ đối với thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phù hợp với đặc điểm dân tộc, vùng miền gắn với nhu cầu thực sự của người dân.

QUỲNH THY

;