Bác Hồ - Người sáng lập nền Báo chí Cách mạng Việt Nam

Bác Hồ là người đã khai sinh và đặt nền móng cho nền Báo chí Cách mạng Việt Nam không ngừng lớn mạnh, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và vinh quang, Bác Hồ luôn gắn bó với báo chí. Bác coi báo chí là phương tiện để vận động, tập hợp lực lượng, tổ chức thực hiện mục tiêu cách mạng một cách nhanh chóng, sâu rộng, hiệu quả nhất. Vì vậy, trong hoàn cảnh khó khăn đến đâu hay bất cứ giai đoạn, tình hình thế nào, Bác vẫn quyết sáng lập, chỉ đạo, phát hành những tờ báo cách mạng. Từ tháng 3-1922 (lúc còn ở Pháp) đến khi về nước (tháng 2-1941), Bác đã sáng lập, trực tiếp tổ chức, biên tập nội dung, trình bày hình thức và phát hành 8 tờ báo chủ lực: Le Paria, Thanh Niên, Công Nông, Lính Kách Mệnh, Thân Ái, Đỏ, Việt Nam Độc Lập Cứu Quốc.

Tờ báo cách mạng đầu tiên do Bác sáng lập là Le Paria (Người Cùng Khổ), là cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa. Số đầu tiên xuất bản ngày 1-4-1992. Nguyễn Ái Quốc trở thành trụ cột của tờ báo: vừa là phóng viên, nhiếp ảnh viên vừa là biên tập viên chính kiêm việc quản lý, phát hành. Bác đã viết 38 bài cho báo này. Cuối năm 1924, Bác về Quảng Châu (Trung Quốc), tổ chức huấn luyện cán bộ cách mạng Việt Nam, thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội với báo Thanh Niên là cơ quan ngôn luận. Báo Thanh Niên số 1 ra ngày 21-6-1925. Bác trực tiếp chỉ đạo, biên tập và viết nhiều bài chính luận. Tháng 12-1926, Bác lập ra Báo Công Nông cho giai cấp công nhân và nông dân nước ta. Tháng 2-1927, Báo Lính cách mệnh (tiền thân của báo Quân đội nhân dân ngày nay) dành cho đội ngũ chiến sĩ cách mạng cũng được Bác sáng lập. Những tờ báo xuất bản công khai hoặc bí mật từ năm 1922 tại Pháp, năm 1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), năm 1928 tại Thái Lan, năm 1929 tại Hồng Kông do Bác sáng lập ở nước ngoài đều tập trung vào vấn đề cơ bản là truyền bá tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn cho thành lập một đảng cộng sản kiểu mới: đủ khả năng, bản lĩnh chính trị lãnh đạo nhân dân nổi dậy phá tan ách nô lệ của thực dân Pháp, giành quyền độc lập, tự do, hạnh phúc, hòa bình cho dân tộc Việt Nam, đưa nước Việt Nam tiến theo con đường xã hội chủ nghĩa. Ngay trong năm Đảng ra đời, Bác sáng lập tạp chí Đỏ, xuất bản ngày 5-8-1930, đồng thời là người chỉ đạo và cộng tác mật thiết của các tờ báo Đảng (Búa liềm, Tranh đấu, Tiếng nói của chúng ta…) với nhiều bài viết, bút danh khác nhau. Bác cũng chấn chỉnh cơ bản và đổi tên báo Đồng Thanh thành tờ báo cách mạng với tên Thân Ái. Đầu năm 1941, Bác về nước, chỉ đạo Hội nghị Trung ương 8 thành lập Mặt trận Việt Minh, cho lập tờ Báo Việt Nam Độc lập (năm 1941) và Báo Cứu Quốc (năm 1942).

Sau Cách mạng tháng Tám, Bác tiếp tục cộng tác, tổ chức và cho ra đời một số tờ báo mới. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2-1951), Báo Sự thật (tiền thân của Báo Nhân Dân) ngừng xuất bản. Bác chỉ đạo thành lập Báo Nhân Dân - cơ quan ngôn luận thiết thực hơn, gần gũi hơn, sâu rộng hơn - số đầu tiên ra ngày 11-3-1951. Ngoài việc sáng lập, chỉ đạo hoạt động, Bác còn là cộng tác viên rất nhiệt tình: từ số 1 ngày 11-3-1951 đến số 5526 ngày 1-6-1969, Bác đã gửi và được đăng 1.206 bài viết trên Báo Nhân Dân với 23 bút danh khác nhau.

Năm 1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư T.Ư Đảng đã có quyết định lấy ngày ra số đầu tiên của Báo Thanh Niên (21/6/1925) làm Ngày Báo chí Việt Nam và năm 2000, Bộ chính trị đã đồng ý gọi Ngày Báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Trải qua 96 năm, Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc và ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước thời hội nhập. Người quyết định sự hình thành và phát triển của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam chính là Bác Hồ. Bác không chỉ là một lãnh tụ chính trị xuất sắc, một danh nhân văn hóa thế giới, mà còn là một nhà báo vĩ đại.

 

Tác giả: Vũ Trọng Chế

Nguồn: Tạp chí VHNT số 465, tháng 6-2021

 

;