Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc năm 2021

Diễn ra từ ngày 15/4 đến 18/4/2021 tại Đền Chân Suối, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc năm 2021 do Cục Văn hóa cơ sở phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 5 năm ngày UNESSCO công nhận nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Nguyễn Công Trung phát biểu khai mạc

Liên hoan thu hút hơn 400 diễn viên, nghệ nhân thuộc 18 đơn vị tỉnh, thành trên toàn quốc có nghệ thuật hát Văn, hát Chầu văn tham dự với mục đích bảo tồn, truyền dạy và phát huy giá trị thể loại nghệ thuật hát cổ truyền Hát Văn, hát Chầu văn có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ trong khoảng thời gian thế kỷ XII - XIII của tín ngưỡng thờ Mẫu và Đức Thánh Trần nhằm tưởng nhớ ân đức của các bậc tiền nhân có tinh thần tương thân, tương ái, gắn kết cộng đồng, phát huy truyền thống dân tộc, đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước.

Liên hoan diễn ra với nhiều nội dung, tiết mục trình diễn đặc sắc, tôn vinh nét đẹp và giá trị văn hóa, nghệ thuật của loại hình nghệ thuật hát Văn, hát Chầu văn

Qua 3 ngày tổ chức, hơn 400 diễn viên, nghệ nhân thuộc 18 đơn vị tỉnh, thành trên toàn quốc có nghệ thuật hát Văn, hát Chầu văn đã trình diễn 20 bài hát văn, 77 tiết mục Chầu văn phục vụ hàng ngàn lượt nhân dân thưởng thức.

Các tiết mục Chầu văn với nội dung cốt truyện sâu sắc được chuyển tải qua mọi giác quan như: thính giác, thị giác và cảm giác, các cung văn sử dụng thủ pháp tự sự trữ tình thể hiện qua 2 lối hát là: hát Văn (lời mới) và hát Đồng dùng trong nghi lễ; các làn điệu Cờn, Dọc, Xá với kỹ thuật nẩy hạt, thô mộc, giản dị, đậm chất dân dã của âm nhạc cổ truyền trước đây (đoàn Nam Định) nhưng cũng khéo kết hợp tính hoa mỹ, bay bướm, tinh tế với âm lượng và câu chữ của Chầu văn, Ca trù và dân ca của dân tộc thiểu số Tây Bắc (các đoàn Vĩnh Phúc, Thái Bình, Quảng Ninh). Trải qua 4 bước nghi lễ: Mời thánh nhập, Sự tích công đức của vị thánh, Xin thánh phù hộ và Đưa tiễn thánh, được sự trợ giúp đắc lực của nhóm hầu dâng để biến trang phục, đạo cụ thoắt ẩn thoắt hiện trước mắt người xem. Sự nhập vai xuất thần (nhập đồng) qua hành động diễn xuất của thanh đồng đã góp phần dẫn dắt cảm xúc vui buồn, giận dữ, khóc thương của khán giả với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Dòng chảy âm thanh điêu luyện của ban nhạc dân tộc sử dụng tiết tấu nhịp ngoại (đảo phách) mang đến cảm giác chênh vênh, mê ly, huyền ảo để tạo nên sự tinh tế, có sự kết hợp giữa cũ và mới, mang lại sự thích ứng cuộc sống đương đại của hát Văn, hát Chầu văn.

Ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Trưởng Ban Hội đồng thẩm định Liên hoan đánh giá: “Có thể nói, thanh âm huyền diệu ngọt ngào tại Liên hoan này được cất lên đầy ắp hơi thở đất trời giao hòa mấy ngàn năm cha ông dựng nước, chất chứa tiếng phong ba lộng gió bốn phương cho ta niềm tự hào non sông đất Việt, cùng lời ca mênh mông miền quá khứ hào hùng của những chiến binh quả cảm, rạng rỡ ánh mặt trời rực sáng tin yêu vì tương lai sức sống thế hệ trẻ hướng về Đảng  quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, đó chính là thanh âm của cuộc sống. Cảm xúc thẩm mỹ này xin dành tặng cho các nghệ sỹ, diễn viên, nghệ nhân đến từ 18 đơn vị tỉnh/thành trên toàn quốc có nghệ thuật hát Văn, hát Chầu văn”.

Kết thúc liên hoan, Ban Tổ chức đã trao 5 giải Xuất sắc toàn đoàn, 19 giải A, 42 giải B cho các tiết mục xuất sắc tham dự.

Tác giả: Tuấn Linh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 462, tháng 5-2021

;