Nghệ thuật múa trong lễ bỏ mả của người Ba Na Tơ Lô ở huyện Kông Chơ ro, tỉnh Gia Lai
Nghiên cứu nghệ thuật múa, đặc biệt múa trong nghi lễ của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và của dân tộc Ba Na nói riêng là vấn đề khoa học mới mẻ và lý thú. Cho đến nay, kết quả nghiên cứu về múa Tây Nguyên, trong đó có múa Ba Na, mới chỉ là bước đầu. Hai công trình có những tư liệu đề cập đến vấn đề này là Lễ hội bỏ mả bắc Tây Nguyên của Ngô Văn Doanh (1) và Những hình thức múa trong lễ bỏ nhà mồ của người Ba Na của Phạm Hùng Thoan (2), trong đó khắc họa được những đường nét cơ bản của nghệ thuật âm nhạc, điêu khắc và múa bỏ mả của người Ba Na, Gia Rai. Ngoài ra, Dân tộc Ba Na ở Việt Nam (3) của Bùi Minh Đạo có ít dòng nói về nghệ thuật múa Ba Na nhưng còn sơ lược và mang tính nêu vấn đề. Bài viết này bước đầu tìm hiểu về nghệ thuật múa bỏ mả của người Ba Na Tơ Lô, thông qua khảo sát ở huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai.