Các tổ chức dàn nhạc trong tế đàn Xã Tắc

Các sử liệu về âm nhạc cung đình triều Nguyễn còn tồn tại đến ngày nay đều thống nhất ghi nhận mục đích chính của âm nhạc cung đình là phục vụ các lễ lạt triều nghi, tiếp đón sứ thần nước ngoài, yến tiệc và các sinh hoạt nội cung… Trong gần 400 năm tồn tại, từ đời chúa Nguyễn đến các vua triều Nguyễn sau này, đều coi bộ phận âm nhạc này là Quốc nhạc với những quy định, lề lối nghiêm ngặt trong tổ chức dàn nhạc, biên chế nhạc khí, hệ thống bài bản và phương thức diễn tấu.

Âm nhạc cung đình bao gồm các thể loại: tuồng cung đình, múa cung đình, lễ nhạc cung đình và một bộ phận vừa mang tính cung đình, vừa mang tính dân gian là ca Huế; các thể loại này không chỉ dừng lại ở việc phục vụ cúng tế, lễ lạt, triều nghi và sinh hoạt trong nội cung mà còn nhằm truyền bá hệ tư tưởng Nho giáo của giai cấp thống trị đương thời.

Trong Âm nhạc cung đình triều Nguyễn, tác giả Trần Kiều Lại Thủy có viết: “Âm nhạc cung đình Nguyễn có nhiều tổ chức dàn nhạc khác nhau. Chúng ta có thể tạm phân chia thành hai loại dàn nhạc là dàn nhạc văn và dàn nhạc . Ở loại dàn nhạc văn, thành phần chính là các nhạc cụ dây (kể cả dây gảy và dây kéo). Loại dàn nhạc võ có âm lượng lớn, gồm các loại trống và kèn. Dàn nhạc văn có thể kể đến dàn Nhã nhạc, Nhạc huyền, Ti trúc tế nhạc… Loại dàn nhạc võ có dàn Đại nhạc, Ty chung, Ty khánh, Quân nhạc…Ngoài ra còn có phường Bát âm dùng cả trong dân gian và cung đình. Các dàn nhạc này đều kế thừa các tổ chức dàn nhạc triều Lê” (1). Tùy thuộc vào quy mô và tính chất của mỗi cuộc lễ mà Bộ Lễ quy định các tổ chức dàn nhạc cùng số lượng các quan văn, quan võ và các thành phần tham gia khác nhau.

Ở Việt Nam, nông nghiệp là nền tảng của chế độ phong kiến, nên từ xưa khi các vua lên ngôi đều chú trọng đến nông nghiệp. Ngay sau khi lên ngôi ở Hoa Lư, Đinh Bộ Lĩnh (năm 968) đã cho dựng cung điện, chế triều nghi, sắp đặt trăm quan và lập đàn Xã Tắc (2)… Đến năm Gia Long thứ 5 (1806) đã cho xây đàn Xã Tắc cách Hoàng thành Huế khoảng 1km về hướng Tây. Dưới triều Nguyễn, các lễ cúng tế của triều đình được chia làm ba bậc: đại tự, trung tự và quần tự. Lễ tế Xã Tắc thuộc hàng đại tự, một trong những lễ lớn và quan trọng của triều đình. Chính vì vậy, các tổ chức dàn nhạc tham gia lễ tế này đều được triều đình quy định một cách cụ thể, nghiêm ngặt. Theo cổ lễ, mùa xuân tế thần Xã Tắc cầu mưa, mùa thu được mùa thì tế Xã Tắc để báo ơn, là đất, lập nên xã tắc để tế thần Hậu thổ, tắc là lúa, lập nên Xã Tắc để tế Thần Nông.

Dàn Nhã nhạc

Dàn Nhã nhạc tấu sau khi chuông trống báo hiệu bắt đầu buổi lễ. Lúc cúng tuần rượu đầu tiên, tuần rượu thứ hai và thứ ba. Dưới triều Lê, Nhã nhạc là tổ chức âm nhạc chuyên về ca hát, đến thời Nguyễn, nó là một tổ chức dàn nhạc. Có nhiều tài liệu về biên chế nhạc cụ của dàn Nhã nhạc, nhưng số liệu không thống nhất và chưa rõ lý do của sự bất cập này. Một dàn Nhã nhạc được coi là có biên chế hoàn chỉnh nhất, được mô tả trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (3), có biên chế đầy đủ cả 3 họ, với số lượng nhạc cụ lên đến 54 chiếc, lớn hơn bất cứ dàn nhạc nào dưới triều Nguyễn (kể cả các triều đại trước đó).

Dàn Nhạc huyền

Theo cổ sử, dàn Nhạc huyền có mặt trong tế Đàn Xã Tắc, nhưng không tấu. Đây là dàn nhạc có nhiều nhạc cụ gõ treo lên giá (huyền có nghĩa là treo), tuy vậy, vẫn có sự tham gia của các nhạc cụ thuộc họ hơi và họ dây. Theo nghiên cứu của học giả Trần Văn Khê và Nguyễn Thụy Loan (4) thì dàn Nhạc huyền gồm 8 loại nhạc cụ thuộc họ gõ (30 chiếc). Thực ra, nhóm nhạc khí này gồm 2 họ, là họ tự thân vang và họ màng rung, đều phát âm theo cách gõ, để tiện so sánh, chúng tôi tạm gọi chung là chủng họ nhạc khí gõ. Tiếp đến là 6 loại nhạc khí thuộc họ hơi (12 chiếc), 2 loại nhạc cụ thuộc họ dây (4 chiếc). Tổng biên chế của dàn nhạc gồm 3 họ, 16 loại nhạc cụ với 46 nhạc khí. Đa số nhạc cụ trong dàn Nhạc huyền đều là các nhạc khí nằm trong đường thượng chi nhạc (nhạc trên đường) dưới thời Lê Sơ.

Trong Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam, tác giả Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề cho biết, dàn Nhạc huyền có 11 loại nhạc cụ thuộc họ gõ (35 chiếc), 5 loại nhạc cụ thuộc họ hơi (10 chiếc), 2 loại nhạc cụ thuộc họ dây (4 chiếc). Tổng biên chế dàn nhạc gồm 3 họ, 17 loại nhạc cụ với 49 nhạc khí (5). Theo tác giả Dương Quang Thiện, biên chế dàn Nhạc huyền có 9 nhạc cụ gõ, 12 nhạc cụ hơi, 4 nhạc cụ dây (6). Tuy nhiên, tác giả chỉ nêu số lượng nhạc khí chung của dàn nhạc mà không nói rõ gồm những nhạc cụ nào, nên không thể xác định được tính chất về chủng họ và loại nhạc cụ của dàn nhạc.

Vì vậy, chúng tôi chỉ xin được dẫn bảng tương quan so sánh về họ (chủng họ nhạc khí cùng cách phát âm), loại (tính chất, tên gọi của nhạc khí) và số lượng (đơn vị đo đếm thuần túy) nhạc khí của 2 dàn Nhạc huyền đã nêu trên:

Dàn Đại nhạc

Trong tế Đàn Xã Tắc, Đại nhạc tấu sau khi rước thần về, trước khi hạ đồ cúng và khi vua xuống kiệu ở cửa hữu. Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Đại nhạc được dịch là dàn nhạc lớn. Bên cạnh đó, cũng có một số cách gọi khác như Cổ xúy đại nhạc, Quân nhạc… Bởi dàn nhạc này chỉ gồm trống và kèn (cổ là trống, xúy là kèn), thường dùng cho binh lệnh, có thể xếp vào dàn nhạc võ. Nhìn chung, biên chế dàn Đại nhạc cung đình triều Nguyễn gồm: họ gõ và họ hơi, không có họ dây. Điều này phù hợp với tính chất trang trọng, hoành tráng của các nghi thức đại lễ cung đình.

So sánh về họ, loại, và số lượng nhạc khí của 3 dàn Đại nhạc kể trên: các dàn nhạc trên đều có 2 họ gõ và hơi, không có họ dây, nhiều loại nhạc cụ giống nhau (cả về tên gọi và tính chất nhạc khí). Hơn nữa, số lượng nhạc cụ tịnh tiến từ 42 - 43 - 44 chiếc, chủ yếu là hơn kém nhau một loại nhạc cụ ở họ hơi, điều đó chưa hẳn đã tạo nên tính chất khác biệt của 3 dàn Đại nhạc kể trên (có thể các tài liệu được khảo cứu từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau…).

Dàn Tiểu nhạc

Tiểu nhạc còn được gọi là Ti trúc tế nhạc, bởi dàn nhạc gồm các nhạc cụ sử dụng dây tơ (ti), hoặc làm bằng các chất liệu tre, trúc. Theo nghiên cứu của GS Trần Văn Khê, vào năm 1828, dưới triều Minh Mệnh, dàn tế nhạc mang tên Hòa Thanh Thự (Đội hòa nhạc), gồm 8 nhạc công và 8 ca công, đến năm 1832, triều đình bãi bỏ ban tế nhạc (7). Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ dàn Tiểu nhạc gồm 8 nhạc công và 4 ca công. Một số tài liệu khác cho rằng, dàn Tiểu nhạc tương tự dàn Tế nhạc, cũng gồm 8 nhạc công, 4 loại nhạc cụ hơi, 4 loại nhạc cụ dây (tam, tỳ, nhị, nguyệt) và không có ca công (8). Theo PGS Nguyễn Thụy Loan, dàn Tế nhạc có 8 nhạc công nhưng không rõ sử dụng nhạc cụ gì, ngoài ra, ban Tế nhạc còn có 8 ca sinh… Như vậy, trên thực tế đã có sự tồn tại của 2 dàn nhạc: Tế nhạc và Tiểu nhạc, có mục đích sử dụng, nội dung bài bản, nghi thức trình tấu tương tự nhau.

Như vậy, Tiểu nhạc hay Ti trúc tế nhạc là loại dàn nhạc gồm hai họ: họ hơi và họ dây, được xếp vào loại dàn nhạc văn, thường kết hợp với họ gõ (Biên chung, Biên khánh) trong tế Đàn Xã Tắc, tăng cường tính chất trang trọng của buổi lễ.

Ty chung và Ty khánh

Là dàn nhạc gồm các nhạc khí thuộc họ gõ (chất liệu đồng và đá), chia thành hai bộ phận, mỗi bộ phận có một nhóm nhạc công phụ trách. Dàn nhạc này xuất hiện vào năm 1831 cùng với dàn Đại nhạc dưới triều vua Minh Mệnh thứ 12, gồm 26 nhạc cụ, 6 nhạc công (chia làm 2 nhóm), sử dụng các nhạc cụ chung và khánh (9):

Âm nhạc cung đình triều Nguyễn chủ yếu phục vụ tế lễ, nên rất coi trọng các nhạc khí thuộc họ gõ, sự ra đời của dàn nhạc Ty chung và Ty khánh có ý nghĩa hoàn thiện thêm bộ lễ nhạc cung đình. Trong tế Đàn Xã Tắc, biên chung, biên khánh hợp với dàn Tiểu nhạc cùng đồng tấu các khúc nhạc tế lễ.

Phường Bát âm

Theo học giả Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, “dàn nhạc Bát âm tấu trong vũ khúc bát dật” (10). Dàn nhạc này vừa được dùng trong dân gian, vừa được dùng trong cung đình vào các dịp tế lễ. Học giả Trần Văn Khê cho biết thêm: “Đời sau gọi ban nhạc đi tế lễ là phường Bát âm” (11), biên chế gồm: 1 trống bộc, 1 thiếu cảnh, 1 ống địch, 1 đàn nhị, 1 đàn tam, 1 đàn tỳ bà, 1 đàn nguyệt, 1 đàn thập lục.

Nhìn chung, dàn nhạc Bát âm ở giai đoạn cuối của triều Nguyễn không còn đủ thành phần 8 thanh âm như đã nêu trong các tài liệu trên, có thể do âm nhạc cung đình bị suy thoái nên ảnh hưởng trực tiếp đến dàn nhạc này.

Dưới thời Nguyễn, âm nhạc là linh hồn trong các dịp tế lễ quan trọng của triều đình. Tế Đàn Xã Tắc cũng không nằm ngoài quy định đó. Các tổ chức dàn nhạc tham gia buổi lễ đều được triều đình quy định rất nghiêm ngặt và chặt chẽ, ngoài ý nghĩa phục vụ đúng các nghi thức hành lễ, âm nhạc và các ca chương còn là tiếng lòng của muôn dân trăm họ thể hiện lòng kính trọng với các vị thần linh, với tổ tông, cầu cho mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an…

________________

1. Trần Kiều Lại Thủy, Âm nhạc cung đình triều Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, 1997, tr.178.

2. Đại Việt sử lược, Nxb TP.HCM, 1993, tr.26.

3. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb Thuận Hóa, 1996.

4. Trần Văn Khê, Âm nhạc truyền thống Việt Nam, Luận án Tiến sĩ, Bản in Roneo, Nhạc viện Hà Nội, 1983 và Nguyễn Thụy Loan, Lược sử âm nhạc Việt Nam, Nxb Âm nhạc, 1993.

5, 10. Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề, Những đại lễ và vũ khúc vua chúa Việt Nam, Nxb Hoa Lư, 1962.

6, 8. Dương Quang Thiện, Sử liệu âm nhạc Việt Nam, Viện Âm nhạc, Hà Nội, 1995.

7, 11. Trần Văn Khê, Âm nhạc truyền thống Việt Nam, Luận án Tiến sĩ, Bản in Roneo, Nhạc viện Hà Nội, 1983.

9. Nguyễn Thụy Loan, Lược sử âm nhạc Việt Nam, Nxb Âm nhạc, 1993 và Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb Thuận Hóa, 1996.

Tác giả: Nguyễn Thị Việt Thảo

Nguồn: Tạp chí VHNT số 432, tháng 6-2020

;