Hình tượng nghệ thuật song lập - yếu tố tạo nên thành công cho bài ca cổ Chợ Mới

Những bài ca cổ nổi tiếng và sống được trong lòng người nghe qua các thế hệ không nhiều, trong số đó không thể không nhắc tới Chợ Mới của soạn giả Trọng Nguyễn. Bài viết phân tích và lý giải sự thành công của Chợ Mới dưới góc nhìn nghệ thuật học. Đồng thời khẳng định và tôn vinh giá trị của một tác phẩm nghệ thuật đã được công chúng yêu quý rộng rãi trên nhiều vùng miền đất nước.

1. Tác giả và hoàn cảnh ra đời của bài ca cổ Chợ Mới

Soạn giả Trọng Nguyễn tên thật là Nguyễn Phú Xuân (1938 - 2018), quê ở Bạc Liêu (trước kia là thuộc một phần tỉnh Minh Hải). Ông là người tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, có nhiều thành công trong lĩnh vực ca cổ và sân khấu. Sau năm 1975, ông đảm nhận nhiều trách nhiệm khác nhau trong chính quyền cách mạng, trong đó có vị trí Chủ tịch Hội Văn nghệ Bạc Liêu. Ông đã để lại cho đời gần 300 bài vọng cổ và 30 vở cải lương. Trong đó, viết về An Giang có 2 bản vọng cổ, đó là Quê anh quê em và thành công hơn là bản Chợ Mới.

Nói về hoàn cảnh ra đời của Chợ Mới, Lê Quang Trạng có ghi chép lại: “Trong một chuyến đi dài ngày về Chợ Mới, soạn giả Trọng Nguyễn lặn lội tìm vào ấp An Ninh, xã Hội An. Ông định tìm hiểu và viết về anh hùng liệt sĩ Huỳnh Thị Hưởng, nhưng không lấy được cảm hứng. Ông đành trở ra cầu Cái Tàu Thượng, uống cà phê ở một quán ven đường để đón xe về. Khi ngồi ở đây, ông nhìn ra dòng sông Tiền thơ mộng, chợt thấy một cô gái ngồi ở bờ sông giặt áo. Trong ông chợt bật lên câu nói lối: “Cái chợ có hồi nào và bao nhiêu tuổi/ Mà ai cũng bảo là Chợ Mới quê hương…”. Nhìn ra phía con lộ Cái Tàu Thượng, những đoàn xe tiễn tân binh địa phương ngập tràn cờ hoa, người tiễn người với những cái nắm tay, với những lời hứa hẹn… Với cảm xúc đó, ông viết nên một câu chuyện tình của người con trai tên Tâm và cô gái tên Hồng bên bến nước con sông để thành một bản Chợ Mới…” (1).

Có thể nói, soạn giả Trọng Nguyễn đã cho ra đời tác phẩm Chợ Mới với một cảm xúc rất đặc biệt. Bài ca hoàn thành trong thời gian ngắn, nhưng có một sức sống mãnh liệt, được công chúng nhiều nơi, nhiều thế hệ đón nhận. Dưới góc nhìn Nghệ thuật học, Chợ Mới có những giá trị độc đáo riêng, là sự tổng hòa của nhiều yếu tố.

2. Phương pháp sáng tác của bài ca cổ Chợ Mới

Mỗi chế độ xã hội đều có một trường phái nghệ thuật phù hợp, tương ứng, phục vụ cho nhu cầu phản ánh và phát triển của xã hội đó. Như Kandinsky, một nhà lý luận - phê bình nghệ thuật Nga đã viết trong phần nhập đề của tác phẩm Về cái tinh thần trong nghệ thuật: “Thời kỳ văn hóa nào cũng có một nền nghệ thuật riêng không thể lặp lại. Nỗ lực nào muốn làm sống lại những nguyên lý nghệ thuật đã qua thì nhiều nhất rồi cũng chỉ sinh ra được những tác phẩm nghệ thuật ví như đứa con chết lúc lọt lòng” (2).

Mô hình sinh hoạt đờn ca tài tử

tại khu di tích cụ Nguyễn Sinh Sắc - Ảnh: Xuân Hùng

Con đường phát triển của nghệ thuật bắt đầu từ xu hướng nghệ thuật mang tính tự phát của một nhóm người nghệ sĩ, dần dần phát triển lên thành trào lưu nghệ thuật với tầm cao hơn về mặt lý luận, cao hơn hết là trường phái nghệ thuật với hệ thống lý luận chặt chẽ. Mỗi trường phái đều có phương pháp sáng tác khác nhau, đây cũng chính là dấu hiệu để nhận biết các trường phái nghệ thuật. Theo thứ tự thời gian, đã có những phương pháp sáng tác xuất hiện như sau: huyền thoại - dân gian, cổ điển, lãng mạn, hiện thực phê phán, hiện thực xã hội chủ nghĩa (còn có tên khác là sử thi - anh hùng).

Bài ca cổ Chợ Mới của soạn giả Trọng Nguyễn ra đời khoảng thập niên 80, TK XX, theo dòng hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ở bài viết này, chúng tôi chỉ giới hạn góc độ phân tích tác phẩm Chợ Mới của soạn giả Trọng Nguyễn ở hai phương diện: trường thẩm mỹ và hình tượng nghệ thuật.

Trường thẩm mỹ của tác giả trong bài ca cổ Chợ Mới

Trường thẩm mỹ của sáng tạo chính là môi trường để người nghệ sĩ lấy chất liệu cho sáng tác. Trường thẩm mỹ không chỉ là hiện thực khách quan hiện tại đang tác động vào tác phẩm, mà còn bao gồm cả những kinh nghiệm, ký ức, tâm thức của chính tác giả đã trải qua trong đời sống.

Khi sáng tác bài ca cổ Chợ Mới, soạn giả Trọng Nguyễn đang chìm trong trường thẩm mỹ bao gồm những tiềm thức về văn hóa dân gian của ca dao, những hình tượng biểu trưng cho tình yêu son sắt của trai gái miền quê như: bến sông, giặt áo bên bờ sông, cau trầu; chìm trong cái không khí thời hiện đại mang tính thời sự của những đoàn quân lên đường bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Các yếu tố đan xen, giao hòa giữa cái xưa và hiện đại, cái chung và riêng, cái hèn nhát và anh hùng… đã làm nên trường thẩm mỹ đặc biệt cho tác phẩm Chợ Mới và nó cũng là cội nguồn cảm xúc để làm bật nên cái “tứ” của tác phẩm.

Tác phẩm và sự tiếp nhận của công chúng

Một tác phẩm nghệ thuật bất kỳ nào cũng bao gồm 4 lớp thành tố: lớp văn bản tác phẩm; lớp chi tiết, sự kiện, biến cố; lớp nghệ thuật biểu hiện; lớp tư tưởng. Các lớp này luôn vận động để xây dựng nên hình tượng nghệ thuật cho tác phẩm. Với bản ca cổ Chợ Mới, người yêu mến tác phẩm đã như nằm lòng từng câu chữ nhấn nhá, từng chi tiết kỹ thuật biểu cảm, vì vậy, chúng tôi sẽ không phân tích lớp văn bản tác phẩm và lớp nghệ thuật biểu hiện, mà chỉ tiếp cận với lớp chi tiết, sự kiện, biến cố và lớp tư tưởng của tác phẩm.

Đầu tiên, với câu hát “Em mới chạy xuống Long Xuyên rồi lên Châu Đốc”, tác giả đã cung cấp cho chúng ta mốc thời gian, sự kiện lịch sử của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Giai đoạn này, cuộc chiến diễn ra trên biên giới Tây Nam thật sự khốc liệt và điểm tập kết chuyển quân được đặt tại Châu Đốc. Còn với 3 câu hát: “Đêm qua phà Cần Thơ anh nhìn theo con nước lớn có dòng nước nào về Chợ Mới để thăm em. Anh chưa về vì biên cương còn bóng giặc. Tết này em sẽ ra thăm anh ngoài ấy”, tác giả đã cung cấp cho người nghe sự kiện lịch sử về cuộc chiến biên giới phía Bắc xảy ra ngay sau cuộc chiến tranh Tây Nam. Nội dung câu hát mô tả cuộc chi viện quân từ chiến trường Tây Nam cho biên giới phía Bắc, con đường đi ấy bằng đường bộ, phải đi từ An Giang qua phà Cần Thơ để tập kết về chiến trường miền Bắc. “Anh chưa về vì biên cương còn bóng giặc. Tết này em sẽ ra thăm anh ngoài ấy” càng xác thực hơn cho sự kiện lịch sử của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Phương ngữ “ngoài ấy” là đang nói đến miền Bắc, nơi mà người yêu đã được chuyển quân chi viện. Chỉ qua một vài câu hát, bằng những sự kiện được chọn lọc mang tính đặc trưng, soạn giả Trọng Nguyễn đã khắc họa bối cảnh của Việt Nam lúc bấy giờ, cùng lúc đương đầu với 2 mối đe dọa nguy hiểm.

Qua câu hát, “Nhờ đi bộ đội mà thằng Tâm nay đã nên người”, hình tượng nghệ thuật người lính thời hiện đại được khắc họa rõ nét và thuyết phục. Câu hát kết bài: “Hơn 50 năm chợ mình vẫn là Chợ Mới, chỉ 6 năm chờ có lâu lắm không em?”, tác giả đã dùng hai vấn đề tưởng chừng như không có sự tương xứng song hành nhưng qua cách chơi chữ ý vị đã nâng nội hàm câu hát thành niềm tin, lời nhắn nhủ cho một tình yêu sắt son. Đây không chỉ với tình yêu lứa đôi mà còn cao hơn nữa là một tình yêu với quê hương, đất nước. Niềm tin ấy đã biến thành hành động kiên cường giữ vững biên cương Tổ quốc, bảo vệ từng tấc đất trên biên giới của thanh niên Việt Nam.

Trong bài ca cổ Chợ Mới, từ các biểu tượng giặt áo bờ sông, trầu cau, chiến sĩ ra trận mà soạn giả đã dựng nên được hình tượng nghệ thuật về người lính thời hiện đại. Chỉ với một câu hát ngắn: “nhờ đi bộ đội mà thằng Tâm nay đã nên người”, đã khơi dậy lòng yêu nước và trách nhiệm của thanh niên đối với quê hương đất nước. Tác giả dựng nên hình tượng nghệ thuật người lính thời hiện đại cũng có một phần bắt nguồn từ cặp hình ảnh đối lập giữa hèn nhát - dũng cảm. Bởi vì lúc ấy, cuộc chiến tranh thật sự ác liệt, một số thanh niên hèn nhát đã chọn cách trốn tránh không đầu quân, còn chàng trai Tâm trong bài ca cổ đã chọn con đường bảo vệ Tổ quốc. Được biết, sau khi ra đời, bài ca cổ Chợ Mới đã được hát trong tất cả các cuộc đưa quân và ở hậu phương đài phát thanh thường xuyên hát trong các đợt tuyển quân.

Ngoài ra, còn một hình tượng được xây dựng song hành với hình tượng của người lính thời hiện đại chính là hình tượng Chợ Mới. Trong tác phẩm lúc này, Chợ Mới không còn đơn thuần là địa danh mà đã vượt thoát lên thành biểu tượng của quê hương, đất nước. Tác giả đã thành công khi chuyển hóa Chợ Mới từ cái riêng, thành nội hàm Chợ Mới của cái chung. Chợ Mới còn hàm chứa cả cái thực và cái ước lệ. Với hình tượng người lính thời hiện đại, tác giả đã thể hiện được một hơi thở thời đại, mà khi soi rọi vào nó, người thưởng thức có thể hiểu được bối cảnh và không khí, nhịp đập của xã hội lúc bấy giờ.

Có thể nói, trong bài ca cổ Chợ Mới, soạn giả đã cùng lúc xây dựng hai hình tượng nghệ thuật song lập và hỗ tương nhau. Vì vậy, khi thưởng thức ta có một cảm xúc đan chen, phức hợp và thú vị với cách dùng “tứ” của tác giả bài hát.

Không chỉ dừng lại ở những giá trị nghệ thuật, bài vọng cổ Chợ Mới đã đi đến mọi nơi, mọi lúc và rộng khắp ở các giới trong xã hội. Trong bối cảnh những năm thập niên 80, TK XX, bài ca cổ này đóng vai trò to lớn trong việc động viên thanh niên lên đường nhập ngũ, bảo vệ Tổ quốc, là lời kêu gọi yêu nước nhưng không khô khan mang nặng tính khẩu hiệu. Bài ca cổ không hướng người ta về những chân lý quá to tát mà nhẹ nhàng đi vào ngóc ngách tình cảm riêng, rồi từ đó nhẹ nhàng tiếp cận đến cái chung. Niềm tin vào chiến thắng thể hiện rất rõ và tự nhiên, chân chất như chính những người lính đi ra từ ruộng đồng, sông nước.

Sau hơn 30 năm ra đời, bài ca cổ Chợ Mới vẫn không hề lạc hậu, nó sẽ còn phát huy tác dụng mạnh mẽ trong việc cổ vũ lòng yêu nước cho toàn dân. Đây là một thành công của soạn giả Trọng Nguyễn và đó cũng chính là những khao khát mong muốn đạt tới của những người làm công việc sáng tạo.

_______________

1. Lê Quang Trạng, Soạn giả Trọng Nguyễn và bản vọng cổ Chợ Mới, baobaclieu.vn, 2015.

2. Kandinsky, Về cái tinh thần trong nghệ thuật, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2014, tr.25.

Tác giả: Võ Xuân Hùng - Nguyễn Quang Minh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 430, tháng 4-2020

;