Quản lý sản phẩm âm nhạc trên mạng xã hội - những vấn đề đặt ra

Rất dễ cấm hoặc phạt hành chính những video phát trên mạng xã hội có nội dung phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc như trường hợp của Khá Bảnh, Thánh chửi... Nhưng, cũng rất khó có thể “tuýt còi để dừng cuộc chơi” đối với những MV (music video: video âm nhạc, có tiêu đề gây sốc bằng kiểu nói lái hoặc mắc lỗi về văn hóa... Quản lý sản phẩm âm nhạc trên mạng xã hội, thật chẳng dễ chút nào!

     Nhiều người ý kiến rằng, sự phát triển của thông tin đã tạo ra một kiểu văn hóa tương tác mang tính toàn cầu. Ăn, nằm, đi, đứng…; dù ở nhà hay công sở, ở bệnh viện hay bến tàu, xe; dù đang học hay nghe hội thảo… bất cứ lúc nào khi có điều kiện, không ít người chẳng ngại ngần rút chiếc điện thoại thông minh để tương tác. Dẫu sự tương tác có tính “ảo”, nhưng hệ quả của nó mang lại tác động không nhỏ tới từng cá nhân, cộng đồng trên phương diện kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị... Điều này, luôn làm đau đầu các nhà quản lý văn hóa nói chung và quản lý văn hóa mạng nói riêng.

    Văn hóa tương tác mạng xã hội là nhu cầu, đồng thời cũng là quyền tự do thể hiện của mỗi các nhân. Tất nhiên, đó chỉ là cách hiểu một chiều, bởi thường thì các kênh/ trang mạng uy tín, ngoài vấn đề về giá trị kinh tế thì vẫn có những nguyên tắc riêng mà người tham gia phải tuân thủ. Trong đó, có lẽ không thể thiếu nguyên tắc về tính phổ cập, tính nhân văn, tính hợp pháp, tính nghệ thuật… Hiểu cho tường tận vấn đề này, quả thật chẳng dễ chút nào. Chẳng hạn, khi xuất hiện một số MV, nhà quản lý văn hóa, quản lý mạng xã hội, thật khó có thể phân biệt/ tách biệt được đâu là sản phẩm nghệ thuật, đâu là phản nghệ thuật, nếu không có những thước đo/ quy chuẩn cụ thể.

     Thời gian gần đây, nhiều ca sĩ, nhà sản xuất âm nhạc (cách gọi theo trào lưu của thời nay) thường hay làm MV để tung lên mạng xã hội, chủ yếu qua kênh Youtube. Có hai trường hợp với hai mục đích khác nhau. Đối với những người chưa có tiếng, họ làm MV trước tiên là để kỷ niệm, sau để chia sẻ lên mạng nhằm thu hút sự chú ý của người xem. Với những người đã có chút tiếng tăm, có lẽ mục đích hướng tới là lợi ích kinh tế, sản phẩm được quan tâm càng nhiều càng tốt. Có lẽ cũng vì thế mà bên cạnh những sản phẩm tốt, vẫn còn một số sản phẩm gây ra nhiều tranh cãi không chỉ trong giới các nhà quản lý văn hóa, mà ngay cả với công chúng.

     Hiện nay, xuất hiện một số MV có tiêu đề gây sốc như: Nắng cực, Như cái lò, Như lời đồn, Thu dẩm... nhiều người cho rằng đây là sự thất bại ngày từ tên ca khúc (1), hoặc đặt tên dung tục là sự biểu hiện xuống cấp của ca khúc Việt (2). Vậy căn cứ vào đâu để có những nhận định này? Nếu chỉ dựa vào mấy từ nói lái mà cho đó là phản cảm thì e rằng, không thuyết phục. Thực tế trong lịch sử văn hóa nghệ thuật, không phải không có hiện tượng nói lái, nó đã trở thành thú chơi chữ vừa thanh vừa tục của người Việt trên mọi miền đất nước. Tôi chỉ xin đưa ra hai trường hợp điển hình:

     Thứ nhất, thi sĩ Hồ Xuân Hương (Bà Chúa thơ Nôm - theo cách gọi của nhà thơ Xuân Diệu) đã sử dụng kiểu chơi chữ, thông qua cách nói lái, để đả kích thói hư, tật xấu trong xã hội bà đang sống. Chẳng hạn:

    “Đang cơn nắng cực chửa mưa tè

    Rủ chị em ra tát nước khe.

    Lẽo đẽo chiếc gầu ba gọc chụm

    Lên đênh một ruộng bốn bờ be.

    Xì xòm đáy nước nghiêng mình ngửa

    Nhấp nhổm bên ghềnh đít vắt ve.

    Mải việc làm ăn quên cả mệt

    Dạng hang một lúc đã đầy phè”.

                                           (Tát nước)

     Hay trường hợp thứ hai, Trạng Quỳnh cũng thường dùng lối nói lái. Có câu chuyện kể lại: vào buổi trưa oi bức, bà Chúa đi qua thấy Quỳnh khua chân vào đám bèo trong cái ao ven đường. Bà ngạc nhiên hỏi: Trạng làm gì đấy? Quỳnh đáp: Nắng cực quá, không ngủ được, tôi ra đây đá bèo chơi.

     Vẫn biết cách nói lái của Hồ Xuân Hương và Trạng Quỳnh diễn ra trong bối cảnh xã hội khác bây giờ và đối tượng bị trêu chọc, đả kích cũng khác ngày nay. Và tất nhiên, nhiều người cũng hiểu về đẳng cấp, tâm thế, mục đích của Hồ Xuân Hương, Trạng Quỳnh với tác giả của các MV là không giống nhau. Tác giả của những MV luôn vin vào việc kế thừa cách nói của các cao nhân và chơi chữ theo kiểu nói lái cũng là nghệ thuật để nhằm để câu view, câu like. Xét tên tiêu đề của ca khúc thì trường hợp này rõ ràng có thể ví như một bài toán không có lời giải đúng, khi đó, các nhà quản lý khó có cơ sở để “thổi còi buộc họ dừng cuộc chơi”. Nhưng, ca khúc đâu chỉ có tiêu đề, nó còn lời ca và cả phong cách trình diễn của ca sĩ. Nếu lời ca dung tục, sự biểu cảm của ca sĩ và tốp múa phụ họa mang tính khiêu dâm, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc thì rõ ràng, các nhà quản lý có cơ sở xử phạt. Thực tế, một số MV không gây sốc ở tên tiêu đề của ca khúc, nhưng ca từ lại nhảm nhí, tục tĩu, thiếu lành mạnh như Phiếu bé ngoan (Yanbi và Mr.T) đã bị Thanh tra Bộ VHTTDL yêu cầu gỡ bỏ trên các trang mạng hoặc Oh my chuối (Sĩ Thanh), Em không hối tiếc (Hương Giang Idol)… đã bị cảnh báo.

Hình ảnh trong MV Tứ Phủ của Hoàng Thùy Linh - Ảnh: Thanh Phương

     Trong bài toán về quản lý các sản phẩm âm nhạc nói chung và MV ca nhạc nói riêng ở trên mạng xã hội, sự phức tạp này càng trở nên đa dạng hơn. Các nhà quản lý sẽ nhìn nhận, thậm chí xử lý ra sao khi tác giả của MV không dùng cách nói lái qua tiêu đề của ca khúc, nội dung ca từ không có những từ tục tĩu, nhưng sản phẩm vẫn chẳng nhận được sự đồng thuận của một số nhà nghiên cứu văn hóa. Trường hợp MV Tứ phủ của Hoàng Thùy Linh là một trong những ví dụ điển hình. Tác giả của MV cho rằng, sản phẩm sẽ giúp cho người thưởng thức hiểu thêm về bản sắc văn hóa Việt Nam. Với thông điệp này thì thấy, đây là cách tư duy có tâm của một người làm nghệ thuật và cái tâm ấy được thể hiện tới mức cao nhất thông qua lời ca, cách phối khí, chọn hình ảnh và cách hát... Đối với công chúng bình thường, đa phần khi thưởng thức (nghe, nhìn lướt qua) thì chẳng có vấn đề, thậm chí còn được đánh giá là sản phẩm tốt. Tuy nhiên, với các nhà nghiên cứu và công chúng có hiểu biết về văn hóa thì khác, họ hiểu rõ chức năng của nghệ thuật và cũng có những yêu cầu khắt khe đối với những người làm nghề. Nghệ thuật luôn là sự sáng tạo không ngừng của người nghệ sĩ, nó không thoát ly cuộc sống hiện thực, nhưng cũng không phản ánh một cách thô thiển hoặc bóp méo hiện thực... Dẫu có đề cao tính giải trí thì sáng tạo nghệ thuật vẫn phải đem đến cho người thưởng thức cảm giác thích thú, muốn sống đẹp. Đó vừa là nhu cầu, vừa là đòi hỏi chính đáng của các nhà nghiên cứu và một bộ phận công chúng có hiểu biết về văn hóa, khi thức tác phẩm nghệ thuật ấy. Vấn đề này lại đặt ra và đòi hỏi chủ thể sáng tạo: không chỉ có tâm mà cần phải có tầm.

     Trên chương trình của kênh InfoTV (3), khi bàn về MV Tứ phủ của Hoàng Thùy Linh, TS Đoàn Hương khẳng định: sáng tạo nghệ thuật là không có giới hạn. Tuy nhiên, bà cho rằng: yếu tố tâm linh là linh thiêng, do đó, khi sử dụng yếu tố này để làm nghệ thuật, phải hiểu biết và hết sức thận trọng. Tình yêu của thần thánh luôn thanh tao, không giống như người phàm trần. Cách ăn mặc, đi đứng với những biểu cảm quằn quại của Cô Bơ (cùng với âm thanh gợi cảm, TG bổ sung) thật không đúng với văn hóa của đạo Mẫu. Bà còn nhấn mạnh thêm: dùng văn hóa đạo Mẫu - mượn màu son phấn - để làm MV câu like là điều không nên.

     Cái tầm, cụ thể hơn ở đây là cái phông văn hóa, đóng vai trò rất quan trọng. Nếu không có tầm thì dù có nhiết huyết đến mấy, sản phẩm làm ra dễ mắc lỗi về văn hóa, có khác nào “gieo vừng ra ngô”. Trường hợp MV Hãy trao cho anh của Sơn Tùng MTP cũng cần một phông văn hóa như vậy. Chàng ca sĩ này luôn có khát vọng chinh phục công chúng trong nước và ngoài nước, đó là điều đáng trân trọng. Phải thừa nhận, MV này của Sơn Tùng đã đưa Rap của Việt Nam vào bản đồ nhạc nhẹ thế giới. Tuy nhiên, với công chúng có hiểu biết, họ chỉ khen ngợi Sơn Tùng ở sự thông minh trong cách làm MV để tiếp cận với công chúng bằng cách mời hai tên tuổi lớn từ Âu - Mỹ là huyền thoại Snoop Dogg và nữ ca sĩ người mẫu Madison vào dự án âm nhạc của anh ta. Chính trong sự thông minh đó, lại bộc lộ rõ cái tầm văn hóa của ca sĩ. Dẫu âm nhạc và các hình ảnh trong MV có tính thời thượng, nhưng nhiều người vẫn cho đó là “dân chơi nửa mùa”, bởi: phải dựa vào hình ảnh của người nổi tiếng; hát không rõ lời; ca từ nửa ta, nửa tây; hình ảnh Snoop Dogg nhả khói thuốc liên tục cũng tạo ra một sự phản cảm nhất định...

     Tôi dẫn một số MV ở trên để thấy được sự đa dạng trong sáng tạo nghệ thuật và tính phức tạp trong việc quản lý nghệ thuật trên mạng xã hội. Ở thời buổi mà điện thoại thông minh không phải là của hiếm, mọi người có thể tương tác trong bất cứ không gian và thời gian nào, thực tế cho thấy, không phải sản phẩm âm nhạc nào có nhiều lượt like cũng đồng nghĩa rằng sản phẩm đó có chất lượng về mặt nghệ thuật. Hay, dở người ta đều like, nhiều khi là do thói quen hoặc tâm lý đám đông mà những sản phẩm âm nhạc có nội dung phản cảm cũng nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng. Điều này vô hình trung, đã tạo cho những người sản xuất MV đạt được mục đích về mặt kinh tế.

     Trong xã hội ngày nay, không ít ca sĩ có tiềm năng về kinh tế, theo đó các MV tất yếu sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Tất nhiên, các nhà quản lý phải có những quy chuẩn, thước đo và định chế rõ ràng để hạn chế những sản phẩm âm nhạc có nội dung không lành mạnh. Bên cạnh đó cũng cần có cái nhìn công tâm, định hướng, động viên kíp thời nhạc sĩ, ca sĩ trẻ và các nhà sản xuất để họ đem tài năng, trí tuệ công hiến cho nền âm nhạc nước nhà. Bên cạnh đó, công chúng cần thông minh trong cách lựa chọn những sản phẩm âm nhạc có chất lượng, để khi thưởng thức xong, sẽ cảm thấy vui vẻ và càng thêm yêu đời hơn.

_______________

1. Hoàng Long, “Như cái lò”: thất bại ngay từ tên ca khúc, news.zing.vn.

2. Hoàng Hương, “Như lời đồn”: Gây sốc hay sự xuống cấp của ca khúc Việt, vov.vn.

3. Kênh InfoTV, Phỏng vấn TS Đoàn Hương về MV Tứ Phủ của Hoàng Thùy Linh, 4-9-2019.

Tác giả: Nguyễn Đăng Nghị

Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10-2019

;