Năm 1986, chính sách mở cửa nền kinh tế đã đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa của dân tộc Việt Nam. Từ việc thoát khỏi áp bức, đô hộ của thực dân phong kiến và những âm mưu đồng hóa văn hóa của Trung Hoa, Việt Nam từ đây đã sang trang, mở cửa hội nhập nhìn ra thế giới hiện đại. Sự thay đổi của các chính sách về kinh tế, văn hóa đã làm thay đổi mọi mặt trong đời sống xã hội Việt Nam, trong đó có nông thôn Việt Nam. Bài viết này đề cập đến sự thay đổi của nông thôn Việt Nam trong sự liên hệ với những giá trị được coi là điển hình, gắn liền với bản sắc đã ăn sâu vào trong tư tưởng của đại bộ phận dân chúng Việt Nam cho dù thời đại đã làm những giá trị đó thay đổi. Song, dưới lăng kính của người biên đạo múa, hình ảnh về nông thôn Việt Nam và những con người sinh ra nơi đây vẫn còn vẹn nguyên như chưa hề có sự xáo trộn.
1. Mở đầu
Trong bối cảnh của xã hội hội nhập và những chính sách phát triển nông thôn của nhà nước ta, bộ mặt nông thôn Việt Nam đã thay đổi căn bản, những hình ảnh của cánh đồng thẳng cánh cò bay, những con đường đất trải dài, uốn lượn, nối làng với làng, thôn với thôn giờ đây đã được thay thế bằng nhà xưởng, đường bê tông, đường nhựa…, lũy tre đầu làng đã thay thế bằng cánh cổng to sững sững, con trâu, cái cày thay thế bằng những máy móc hiện đại…, nhà ngói giờ là nhà mái bằng san sát, hệ thống kênh, mương, ao hồ cũng được thu ngắn lại…, người dân làng đi ra ngoài làm ăn kinh tế nhiều không còn ở làng quanh năm suốt tháng nữa. Mọi thứ đã thay đổi, sang trang mới. Không biết những lợi ích của sự phát triển đem lại là gì song một thực tế cho thấy là nông dân mất ruộng để cày, đến mùa vụ thì ít việc làm, phải nghĩ cách làm thuê, làm thêm…, những người không có việc thì sinh ra nhàn cư vi bất thiện, hay hệ quả của nhà xưởng khu công nghiệp dẫn đến ô nhiễm môi trường, sinh ra nhiều bệnh lạ cho người dân, quan hệ giữa người với người trong làng xóm không còn là tối lửa tắt đèn có nhau nữa, cạnh tranh trong các mối quan hệ làm ăn khiến cho sự chân thật trong bản tính của người nông dân giờ trở nên thị trường hơn.
Song, trong các tác phẩm múa dân gian đương đại, người nghệ sĩ - biên đạo múa vẫn phản ánh một vùng đất yên ả, thanh bình, nơi có lũy tre làng, có con đê, dòng sông, giếng nước…, nơi các chàng trai, cô gái hò hẹn, tỏ tình. Đó là một vùng đất có những cánh đồng lúa chín vàng thẳng cánh cò bay, đó là mỗi buổi sớm tinh mơ với tiếng rì rầm của những người mẹ, người chị rủ nhau ra đồng và đó là mỗi buổi chiều tà với mùi khói dạ tỏa trên mái nhà… Quê hương với những con người tối lửa tắt đèn có nhau, những con người hiện thân của những giá trị như hiền lành, thật thà, chất phác đôi khi thô kệch, kém duyên, quê hương của những người phụ nữ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, suốt đời lam lũ, sống cảnh cam chịu, không có khát vọng, không có ước mơ nhưng họ bằng lòng như một sự an bài của số phận mà không một lời than vãn, oán trách... Có thể nói, qua ngôn ngữ múa dân gian đương đại, bản sắc nông thôn Việt Nam đã được tạo dựng trong bối cảnh mà những vấn đề về bản sắc dân tộc đang có nguy cơ bị mờ nhạt, lãng quên trong xu thế toàn cầu hóa. Theo đó, việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc theo hướng vừa hiện đại vừa đậm đà bản sắc trở thành mối quan tâm của không chỉ giới học thuật mà nó thể hiện trong tất cả các chủ trương, chính sách của Đảng ta ngay từ những ngày đầu của quá trình hội nhập.
Vở múa Sương sớm
2. Nông thôn, nông dân Nam Bộ trong tác phẩm múa Sương sớm của biên đạo múa Tấn Lộc
Ra đời tiếp theo Chuyện kể những chiếc giày, Mộc…, vở múa Sương sớm của biên đạo múa Tấn Lộc đã rất thành công và tạo dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả yêu múa trong cả nước. Với thời lượng 60 phút, 30 diễn viên, Sương sớm đã tái hiện khung cảnh một làng quê Nam Bộ dung dị với chén cơm, đôi đũa, tiếng chổi sớm, tiếng nước đọng sau hè hay mùi nhang; những đêm hội mùa vui tươi, rộn rã… Thông qua vở múa, hình ảnh về những người mẹ, người chị tần tảo, chịu thương, chịu khó, về những anh nông dân chân tình, chất phát. Bên cạnh đó những hình ảnh giản dị và rất đỗi quen thuộc trong trái tim mỗi chúng ta như áo bà ba, quang gánh, chiếc nón lá, đồng lúa, khung cửi… hòa quyện với âm nhạc dân gian như tiếng hò, tiếng ru của mẹ mỗi buổi trưa hè… Sương sớm bao gồm bảy phần chính: Ra đồng, Hương chùa, Mùa, Đêm, Được mùa, Lúa, Gạo. Mỗi phần là một khung cảnh sinh hoạt của làng quê Việt Nam, không gian và thời gian quay quanh một ngày từ sáng đến tối, song lại đem đến cho người xem một sự tưởng tượng về cuộc sống của cả một miền quê quanh năm suốt tháng. Nghệ sĩ Tấn Lộc tâm sự: “Sương sớm là câu chuyện về một buổi sáng trong sương sớm của người nông dân, với những công việc thường ngày quen thuộc như ra đồng làm lúa, xay gạo, chuẩn bị phiên chợ sớm… được kể bằng ngôn ngữ múa giữa không gian âm nhạc đậm chất dân gian, cùng những trang phục mộc mạc, giản dị với các đạo cụ quen thuộc là gióng, gánh, nón…”.
Ở những phút đầu tiên, Sương sớm chưa đem tới hình ảnh mà dẫn dắt khán giả bằng những âm thanh đồng quê. Tiếng côn trùng kêu trên đồng cỏ, tiếng gà gáy sáng, tiếng nước chảy tí tách và cả những tĩnh âm của buổi sáng sớm mà chẳng ai có thể gọi tên được. Hình ảnh người nông dân cần cù, chăm chỉ ra đồng từ sớm tinh mơ được thể hiện đầu tiên một cách ấn tượng với dáng đi lom khom.
Suốt chiều dài của vở diễn, Tấn Lộc thể hiện những ý tưởng độc đáo mang đậm tinh thần làng quê Việt trong từng cách dàn dựng, từng màn múa. Những hoạt động đời thường như xay lúa, giã gạo, đi chợ, gặt lúa đến cảm xúc của con người như khi vật lộn với thiên tai; khi chờ nhau trong nỗi nhớ man dại; khi yêu nhau nồng say… đều được thể hiện bằng ngôn ngữ hình thể, kết hợp với âm thanh, âm nhạc, ánh sáng làm nên sự tổng hòa của những mỹ cảm. Trường đoạn chính là sự lột tả đến cực điểm cảm xúc mãnh liệt trong cách thể hiện tình yêu của người phụ nữ Việt, dường như mọi rào cản của những cái được gọi giá trị đạo đức truyền thống không thể thay đổi, những quy tắc tiêu chuẩn bị phá vỡ nhường chỗ cho những khát khao, mơ ước và dám đối mặt với thực tại, đấu tranh để thỏa mãn những khát khao hạnh phúc.
Ánh sáng được dàn dựng tinh tế và có chiều sâu, đặc biệt là hình ảnh nắng vàng lên cao xuyên qua từng tán lá hay thứ ánh sáng mờ sương của buổi sáng sớm. Biên đạo Tấn Lộc cũng rất kỳ công khi đưa vào vở múa tiếng của 60 loài động vật, côn trùng sống được thu trực tiếp hoặc mua trên mạng tạo thành một bản giao hưởng của vùng quê.
Âm nhạc của vở diễn phần lớn là những giai điệu dân gian Việt Nam như tiếng đàn tranh, đàn bầu, câu vọng cổ, câu hò da diết đặc trưng Nam Bộ hay những điệu lý tạo không khí vui vẻ. Bản Dạ cổ hoài lang nổi tiếng cũng được đưa vào Sương sớm như một điểm nhấn giới thiệu về âm nhạc truyền thống của Việt Nam.
Hình ảnh người phụ nữ nông thôn trong Sương sớm vẫn là hình ảnh với những đặc điểm điển hình của một người phụ nữ tần tảo từ sáng sớm tinh mơ cho đến khuya tối, miệt mài với công việc quay tơ, dệp vải mà không một lời than vãn, đấu tranh, cứ lặng lẽ chấp nhận như một sự sắp đặt của số phận không thể nào khác được. Đó chính là đặc điểm của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ bị áp bức bóc lột và ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo trọng nam khinh nữ. Phụ nữ bị coi như con ở trong gia đình, không có tiếng nói, ăn nhà dưới, ở nhà dưới, phải làm lẽ và không bao giờ được nhìn thẳng, được ngẩng cao đầu chứ đừng nói đến chuyện ước mơ và khát khao hạnh phúc riêng tư. Với ngôn ngữ múa đương đại, có những lúc người xem thấy được những động tác chạy, đá chân cùng với sự thay đổi trong tiết tấu âm nhạc trở nên mạnh hơn, nhanh hơn… đó phải chăng là sự đấu tranh, phản kháng trỗi dậy của người phụ nữ để đi tìm tự do cho mình, song lại cúi đầu với những bước chân chậm rãi, chậm rãi trở về bên chiếc máy quay tơ… đối lập hẳn với trường đoạn cảnh phòng the như đã giới thiệu ở trên.
Đó là những ý nghĩa nổi bật với hình tượng nghệ thuật gần gũi, quen thuộc, chủ đề không mới lạ nhưng bằng một thể loại rất mới, phong cách nghệ thuật rất mới - đó là múa đương đại. Vở diễn thực sự đã tạo ra một cú hích có tác động mạnh mẽ đến cảm xúc của người xem về tình yêu quê hương, đất nước, khung cảnh làng quê yên bình vốn đã bị mờ nhạt đi trong dòng chảy của sự phát triển kinh tế, xã hội với những bộn bề của cuộc sống mưu sinh mà không biết từ lúc nào chúng ta quên mất.
Thông qua tác phẩm múa Sương sớm, những gì là điển hình nhất của làng quê Nam Bộ trong lao động, sản xuất, trong công việc đồng áng, trong tình yêu hay trong cảnh quan môi trường sống… đều đã được tác giả tái hiện trên sân khấu bằng ngôn ngữ múa. Một miền quê như mọi miền quê khác vẫn giữ nguyên bản sắc của nó và được người nghệ sĩ của thời đại phản ánh bằng lăng kính của thực tại. Cái truyền thống quyện vào cái thực tại tạo nên bản sắc của tác phẩm cũng là bản sắc mới, cái nhìn mới về nông thôn Việt Nam, phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ hội nhập của thế kỷ này. Những con người thời đại mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm và được tôn trọng thật sự.
3. Kết luận
Trở lại vấn đề đã đặt ra ở phần mở đầu của bài viết: sự mở cửa của nền kinh tế với những chính sách phát triển nông thôn mới, đô thị hóa nông thôn… đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam từ cảnh quan môi trường đến những mối quan hệ giữa người với người trong lòng xã hội nông thôn. Những giá trị được gọi là bản sắc không bao giờ thay đổi thì trên thực tế nó đã thay đổi hoặc được biểu hiện ở một dạng thức khác theo quan niệm của những con người mới. Nhưng trong tác phẩm múa dân gian đương đại, những gì được gọi là bản sắc ấy dường như vẫn đứng yên, nó mang đặc tính tĩnh và không hề thay đổi cho dù ở một góc độ nào đó người nghệ sĩ đã cố lồng ghép vào tác phẩm những tư tưởng mới về tình yêu, khát vọng hạnh phúc của người phụ nữ và sự tự do trong thời đại mới. Song, những hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam từ xưa cho tới nay vẫn gắn với những giá trị như chịu thương, chịu khó, chung thủy, hết mình vì chồng, vì con và là người phụ nữ của gia đình (ý kiến của biên đạo múa Tạ Quang H, TP.HCM). Và đối với nghệ thuật nói chung, nghệ thuật múa nói riêng khi khai thác chủ đề về nông thôn, nông dân hay muốn đề cao giá trị của người phụ nữ thì không thể không biểu hiện những giá trị cốt lõi đó trong tác phẩm của mình, nó dễ gây đồng cảm, xúc cảm… và tác phẩm mới có sức sống trong lòng khán giả.
Đến đây tôi muốn thay lời kết bằng tâm sự của một nghệ sĩ: “Chúng tôi hiểu rõ những thay đổi của nông thôn bây giờ cũng như những mối quan hệ làng xóm, láng giềng trong đó, mọi cái đã thay đổi. Là người nghệ sĩ hơn ai hết chúng tôi là những người vô cùng nhạy cảm. Vì vậy, khi nhìn những thay đổi của làng quê mình tôi thấy buồn… Trong tác phẩm của mình tôi vẫn lấy những giá trị truyền thống để ca ngợi, để gắn vào những nhân vật nghệ thuật trên sân khấu…Đó chính là mong muốn của chúng tôi khi nghĩ về quê hương trước những thay đổi không có gì vui vẻ… Tôi mơ về quê hương với đầy đủ những giá trị bản sắc xưa kia và cả những con người chân thành trong đó. Dù mọi thứ đã thay đổi, song chủ quan tôi cho rằng bản sắc của nông thôn Việt Nam sẽ vẫn vậy đối với nghệ thuật như nó từng có mà thôi”.
Trong tác phẩm múa dân gian đương đại, các giá trị truyền thống đã quyện vào với những khát khao, lý tưởng của thực tại để tạo nên một bản sắc mới trong xã hội đương đại, và nó phù hợp với hơi thở của thời đại.
_______________
1. Phạm Duy Đức, Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong lĩnh vực hoạt động giải trí ở khu vực đô thị hiện nay: thực trạng và giải pháp, đề tài cấp bộ của Học viện CTQG Hồ Chí Minh (2001- 2002).
2. Lê Như Hoa, Phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1996.
3. Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn học, 2004.
4. Trần Bảo Lân, Bản sắc dân tộc trong ca khúc Việt Nam, Luận án tiến sĩ Văn hóa học, Học viện Khoa học xã hội, 2013.
5. Nhiều tác giả, Những vấn đề dân tộc hiện đại trong nghệ thuật múa, Kỷ yếu hội thảo khoa học, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội, 1993.
Tác giả : Nguyễn Thu Hằng
Nguồn : Tạp chí VHNT số 410, tháng 8-2018