Nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc
Ảnh Phạm Lự
4. Khổ sòng giắt (27):
Cũng mang cái tên “sòng” nhưng khổ sòng giắt lại có cấu tạo khác với các loại khổ sòng đàn. Nếu như các khổ: sòng đầu, sòng cuối và sòng xếp đều có nét đặc trưng chung thể hiện ở nhạc đàn với 3 tiếng “dênh” nổi bật thì khổ sòng giắt lại không như vậy. Ở đây, nét đặc trưng của mô hình cấu kiện lại biểu hiện ở phách. Về cơ bản, phách khổ sòng giắt bao gồm 5 nhịp (1/4) với một âm hình tiết tấu ngắn gọn. Nhịp độ mô hình như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào bước đi của phân đoạn lời ca trước đó.
Trong mô hình này, có thể thấy các điểm nhấn đều nằm ở dùi tay phải của đào nương - 3 tiếng “phách” thưa trong một nhịp điệu nhấn lệch đặc trưng và 1 tiếng “chát” dứt khổ chính diện. Tiếng “tà rục” - dùi tay trái chỉ dùng ở nhịp lấy đà phụ trợ, thường đào nương đánh nhẹ hay cũng có khi lẩn. Trong hệ thống tư liệu vang nhạc ả đào TK XX, đây được xem là mô hình cơ bản và phổ biến nhất của phách khổ sòng giắt. Ví dụ:
Trên thực tế, tùy từng sở thích, thói quen mà mỗi đào nương có thể tạo ra những mô hình biến phách của riêng mình. Điển hình như trường hợp nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, bà có lối phách khổ sòng giắt khác biệt đôi chút với mô hình phổ biến nêu trên. Trong đó, về cơ bản vẫn bảo lưu nhịp điệu nhấn lệch đặc trưng của dùi “phách” tay phải, chỉ thêm những biến phách cuối khổ.
Dưới đây, cùng một phân đoạn lời ca hát nói, chúng ta hãy quan sát/ so sánh phách khổ sòng giắt của đào nương Nguyễn Thị Chúc với đào nương Đinh Thị Nghĩa trong ví dụ phía trên.
Bên cạnh mô hình phổ biến với lối phách thưa đặc trưng, những bậc đào nương lão luyện còn tạo ra những mô hình khổ sòng giắt có nhịp điệu tương phản với lối phách mau phức hợp, gần giống kiểu dạng tiết tấu khổ giữa. Điều đáng nói, trong bước đi nhanh hoạt, đào nương vẫn dằn mạnh dùi “phách” tay phải để bảo lưu những bước nhấn lệch đặc trưng của mô hình. Ví dụ:
Dùng lối phách mau, sau câu hát nhiều khi đào nương còn dành hẳn một vài nhịp róc phách dẫn dụ vào mô hình chính thức. Thế nên nghe khổ sòng giắt kiểu này, thường có cảm giác mô hình cấu kiện được kéo dài hơn con số 5 nhịp. Ví dụ:
Trong hệ thống bài bản ả đào, nhìn chung các mô hình phách thưa hay phách mau của khổ sòng giắt đều được sử dụng phổ biến. Tùy từng trường hợp, đào nương sẽ sử dụng riêng rẽ từng loại hay cũng có khi đan xen cả 2 loại mô hình, mỗi người mỗi vẻ, cốt sao có thể khoe được ngón nghề tài hoa, góp phần tạo thêm sự phong phú trong diễn biến âm nhạc. Bên cạnh đó, ở các phân đoạn cấu trúc có khổ sòng giắt xuất hiện nhiều lần, đặc biệt khi mô hình được lồng vào lời ca, đào nương cũng có thể chơi lối sòng giắt lẩn phách. Lúc này, 3 tiếng “phách” nhấn lệch đặc trưng của mô hình bị xóa mờ, tiết phách cường độ rất nhỏ, chỉ hiện hình mỗi tiếng “chát” dứt khổ. Ví dụ:
Xin nói thêm, trong thực tế nếu đào nương chơi lẩn phách nhiều sẽ làm mất đi khuôn diện đặc trưng của mô hình cấu kiện và quan viên cũng khó có thể điểm chầu đúng khuôn khổ. Và, ví dụ nêu trên là trường hợp hiếm có trong hệ thống tư liệu nhạc ả đào TK XX.
Về nhạc đàn sòng giắt, khổ đàn ở đây thực chất cũng là những bước đi nhấn lệch phụ họa, đan xen mô hình khổ phách, được kết nối liền mạch từ phân đoạn phía trước. Nếu tính theo khổ phách, nét giai điệu nhạc đàn chỉ chơi đến nhịp thứ 4, ngưng nghỉ bằng âm chủ giọng điệu ở bước nhấn lệch để đào nương về phách “chát” kết khổ. Trong diễn biến bài bản, bao giờ đào nương cũng chủ động xác định vị trí xuất hiện mô hình, kép cứ nghe theo mà lựa ngón đàn thích ứng. Thế nên cũng có người cho rằng việc nhận diện mô hình này chủ yếu là nghe phách mà đoán định. Còn khổ đàn sòng giắt chỉ là phân khúc giai điệu nhạc đàn tương ứng với khổ phách, không có dấu hiệu đặc trưng riêng như các khổ sòng đàn, khổ giữa hay khổ xiết.
Như thế, mang tên “sòng” nhưng khổ sòng giắt lại không liên quan gì đến những ngón đàn hòa âm đặc trưng. Dù rằng trong nhạc ả đào nói chung, ở kỹ thuật nhạc đàn, bản thân chữ “sòng” cũng có nghĩa là một quãng hòa âm nào đó. Có thể tạm đoán định rằng rất có thể từ thời xa xưa, vị trí phân ngắt của mô hình cấu kiện trong bài bản vốn là của khổ sòng đàn. Nhưng trải theo thời gian, để tránh sự nhàm chán bởi sự xuất hiện liên tục một mô hình có tính cố định “chắc nịch” như khổ sòng đàn, các thế hệ đào kép đã dần biến đổi/ sáng tạo ra một mô hình phân ngắt mới nhưng vẫn vương lại dấu vết xưa ở chữ “sòng” trong tên gọi?!
Về mặt vị trí/ chức năng, trong nhạc ả đào, có thể thấy khổ sòng giắt là khổ phách/ khổ đàn duy nhất không góp mặt trong khúc nhạc giáo đầu- tuyến giai điệu đặc trưng mở đầu nhiều bài bản. Điều đó phần nào đã biểu hiện tính độc lập tương đối của mô hình cấu kiện này. Đại thể, nó chỉ được dùng trong thân bài, chen giữa các phân đoạn lời ca thể cách.
Với chức năng phân ngắt/ liên kết nói chung, cũng giống như các khổ sòng đàn, khổ giữa và khổ xiết, khổ sòng giắt thường xuất hiện tách bạch giữa 2 câu thơ - tạo sự phân chia rành mạch, rõ ràng. Đây là dạng kết nối giữa mô hình cấu kiện với các phân đoạn lời ca theo kiểu lần lượt. Sau phách “chát” dứt khổ, đào nương sẽ bắt tiếp câu sau ngay hoặc chuyển qua mấy nhịp khổ rải trung gian. Ví dụ:
Sinh con trai cho đi học chữ (khổ sòng giắt)
Nữa một mai nhất cử thôi khoa
Bên cạnh đó, trong nhiều thể cách, cũng rất phổ biến dạng kết nối khổ sòng giắt với các phân đoạn lời ca theo kiểu móc xích/ gối đầu. Khi đó, mô hình cấu kiện được lồng vào câu hát, có 2 trường hợp khác nhau.
Một là khổ sòng giắt lồng vào câu thơ đứng trước. Lúc này, phách “chát” dứt khổ khá linh động, có khi xuất hiện ngay sau từ cuối cùng của câu. Ví dụ:
Tình ai lắng tiếng bên sông* (khổ sòng giắt)
Tiếng tơ não nuột chạnh lòng ai đau
Hoặc phách “chát” dứt khổ xuất hiện trước 1 hay 2 từ cuối cùng, tạo sự kết nối liền mạch giữa 2 câu thơ. Ví dụ:
Thiếp xin về nuôi cái*cùng con (khổ sòng giắt)
Cao Bằng cách trở nước non
Hai là khổ sòng giắt lồng vào câu thơ đứng sau. Khi đó, tùy thuộc vào cách sắp chữ của đào nương mà phách “chát” dứt khổ sẽ xuất hiện ở sau 1, 2 hay 3 từ đầu tiên của câu. Ví dụ:
Người buồn cảnh lại tiêu sơ (khổ sòng giắt)
Biết*đưa ai gọi bức thư tự tình
Ví dụ:
Gặp ta nay xuân chớ lạ lùng (khổ sòng giắt)
Tóc có khác*trong lòng ta chẳng khác
Như vậy, so với dạng kết nối lần lượt, dạng kết nối móc xích/ gối đầu của khổ sòng giắt với các câu thơ tạo nên sự phân ngắt khá đa dạng. Đặc biệt, khi điểm phân ngắt (phách “chát” dứt khổ) đặt vào điểm cuối câu trước hay đầu câu sau, cảm giác như cấu trúc văn học đã bị “bắn phá” - ví như một kiểu “chơi đùa” với thơ ca!
Bên cạnh nhiệm vụ phân ngắt các câu thơ giống như khổ sòng đàn, khổ giữa và khổ xiết, mô hình khổ sòng giắt còn được dùng như một đơn vị nhỏ nhất - đóng vai trò chia tách từng vế thơ, phổ biến ở nhiều thể cách ả đào. Và, đây được xem như vai trò/ chức năng đặc biệt, chỉ có ở khổ sòng giắt. Ví dụ về điểm phân ngắt nằm ở giữa câu thơ:
Những vui cảnh đẹp (khổ sòng giắt) mà khuây lòng phiền
Ví dụ về điểm phân ngắt nằm ở cuối câu thơ:
Nước mênh mông đượm vẻ (khổ sòng giắt) gương trong
Thậm chí, điểm phân ngắt còn được đặt ở vị trí chia nhỏ một cụm từ láy. Ví dụ câu thơ “Đàn ai một tiếng dương tranh” trong bài Thét nhạc, 3 từ cuối sẽ được đưa lên trước làm phần láy đầu thể cách. Và, khổ sòng giắt được dùng để chia nhỏ cụm từ đó.
Tiếng (khổ sòng giắt) dương tranh
Như thế, cái tên “giắt” của mô hình cấu kiện ở đây xem ra rất đúng với nghĩa dùng để găm/ nhét vào một khe/ một “kẽ hở” của lời ca, chia tách một vế thơ hay một cụm từ - những đơn vị cấu thành câu thơ.
Trong nhạc ả đào, bên cạnh nhiệm vụ phân ngắt phổ biến ở nhiều thể cách, khổ sòng giắt còn được dùng với một chức năng hoàn toàn khác biệt, đó là trường hợp của bài Ngâm vọng. Thể cách này có cấu trúc xây dựng theo phương thức rất phổ biến ở nhiều thể loại nhạc cổ truyền như chầu văn, chèo, tuồng, ca Huế... Trong đó, nhạc cụ tiết tấu đảm nhiệm những chu kỳ nhịp điệu xoay vòng làm tầng nền xuyên suốt cho giai điệu bài bản vận hành. Trong nhạc ả đào, ngoài Ngâm vọng, cấu trúc nhịp điệu chu kỳ chỉ có ở các điệu Hãm ba bậc, Bỏ bộ và một số bài vặt như Xẩm huê tình, Đò đưa... Nó được xem như đối lập với cấu trúc nhịp điệu phi chu kỳ của đa số các thể cách ả đào.
Bài Ngâm vọng chia làm 2 phần, phần đầu ngâm ngợi tự do, phần 2 cấu trúc nhịp điệu chu kỳ. Trong đó, mô hình khổ sòng giắt phách thưa được dùng làm hạt nhân cấu thành cơ bản. Điều đặc biệt, so với các loại nhịp chu kỳ phổ biến trong nhạc cổ truyền như nhịp một, nhịp đôi và nhịp ba, nhịp điệu Ngâm vọng có kết cấu khá dài. Mỗi chu kỳ bao gồm 3 nhịp dôi phách phụ và 5 nhịp khổ sòng giắt. Ví dụ:
Như thế, với khuôn diện đa dạng bao gồm các lối phách thưa, phách mau và lẩn phách, với chức năng phân ngắt phong phú, ứng biến linh hoạt, có thể thấy khổ sòng giắt là một mô hình cấu kiện đóng vai trò rất quan trọng trong sự hình thành cấu trúc nhạc ả đào.
(Còn nữa)
_______________
27. Sòng giắt - thuật ngữ được dùng bởi nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc. Trên thực tế, cũng có người gọi mô hình cấu kiện này là khổ sòng. Trong phương pháp tiếp cận mới, chúng tôi chọn thuật ngữ của bà Chúc để tiện cho việc so sánh, phân biệt hay quy nạp.
Tác giả: Bùi Trọng Hiền
Nguồn: Tạp chí VHNT số 413, tháng 11 - 2018