Tộc Cor là một cộng đồng cư dân bản địa cư trú lâu đời tại Bắc Trà My (Quảng Nam) và Trà Bồng (Quảng Ngãi). Tộc người Cor có nhiều tên gọi khác nhau như: Cua, Khua, Trầu, Bồng Miêu, Mọi Trà Bồng, Thanh Bồng… Sự tồn tại của cộng đồng người Cor hàng ngàn năm với một vị thế là một dân tộc, có ý thức tự giác cao về một tộc người rõ rệt, những thế hệ người Cor đều mang ý thức bản địa và tự hào về truyền thống của tổ tiên. Dân số người Cor được xếp thứ 30 trong Danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam. Ngôn ngữ của tộc người Cor là dòng ngôn ngữ Môn Khmer, thuộc ngữ hệ Nam Á (1).
Do sống ở địa bàn phía Đông dãy Trường Sơn, có nhiều rừng núi, giao thông đi lại khó khăn, sông suối chia cắt nên đời sống kinh tế của người Cor còn rất khó khăn. Đời sống kinh tế của họ chủ yếu theo truyền thống làm vườn, rẫy, trồng cây ăn quả, hoa màu. Ngoài ra, họ còn chăn nuôi heo, gà, vịt và săn bắn, hái lượm. Người Cor thường lựa chọn những địa hình có độ dốc ít, tương đối bằng để trồng bắp, sắn, cây ăn quả, rau và cả tỉa lúa. Với phương thức đa canh và xen canh, rẫy của đồng bào đem lại một số nông sản, đáp ứng phần nào nhu cầu của đời sống hàng ngày. Bên cạnh đó, đồng bào còn trồng các loại cây như: trầu, cau, quế để tự đáp ứng trong việc tiêu dùng cũng như trao đổi, mua bán với các vùng khác.
Người Cor nói chung và người Cor ở huyện Bắc Trà My nói riêng có vốn âm nhạc truyền thống đặc sắc với hệ thống nhạc cụ phong phú và giàu sức biểu cảm. Các nhạc cụ được làm từ tre, nứa, gỗ, lá... đã góp phần làm sinh động thêm đời sống văn hóa của người Cor. Trong số đó không thể không nhắc tới nhạc khí họ dây gồm: đàn Va ró, đàn K’đoak.
Đàn Va ró
Theo nghệ nhân Huỳnh Ngọc Chiến (sinh năm 1976, Chủ tịch UBND xã Trà Kót), người Cor vùng Bắc Trà My gọi là Va ró, nhưng người Cor vùng Trà Bồng (thuộc Quảng Ngãi) gọi là B’ro. Về các mặt hình dáng, cấu trúc phương thức chế tác, phương thức trình diễn nói chung đều giống với cây đàn Vờ rook của người Cadong, người H’rê.
Cây đàn Va ró của người Cor Bắc Trà My
Ảnh: tác giả
Chiều dài của cây đàn Va ró 74cm, chiều cao bầu đàn 25cm, đui gỗ 16,5cm, đường kính bầu đàn 17cm, đường kính ống nứa cần đàn 3,6cm, chiều dài khóa đàn bên ngoài (dây buông) 20cm, chiều dài khóa đàn bên trong 13,5cm.
Cây đàn Va ró của người Cor là cây đàn của nam giới tham gia rất nhiều vào đời sống tinh thần của người Cor và hoạt động của nó cũng rất đa dạng, phần nào do chúc nang và do gọn nhẹ, dễ làm.
Trong các lễ hội của dân làng khi ở nhà, khi lên rẫy, lúc giữ chòi... cây đàn Vờ rook thường có mặt với những âm thanh róc rách, vui tai. Bài Hoi ađớp với âm điệu nhẹ nhàng, tươi vui để động viên dân làng hăng hái sản xuất đem lại cơm no, áo ấm.
Trong đời sống tinh thần của người Cor, có lẽ cây đàn Va ró là một cây đàn không thể thiếu được, bởi nó luôn gần gũi và gắn bó với tâm hồn của họ. Mặc khác, nó là sản phẩm được chế tác bằng những nguyên liệu có sẵn tại địa phương. Cây đàn Va ró lại nhỏ nhắn gọn gàng, rất tiện cho việc tham gia nhiều sinh hoạt đa dạng trong cuộc sống của đồng bào: Khi lên rẫy, khi ngủ chòi, khi dạo chơi bên suối cạnh người yêu, khi lễ hội… cũng như việc động viên lao động sản xuất.
Ngoài việc động viên sản xuất, cây đàn Va ró còn tham gia bảo vệ nương rẫy, mùa màng, vì người Cor sinh sống bằng nương rẫy là chính. Từ thời xa xưa, việc nương rẫy, mùa màng đều trông chờ vào các đấng thần linh, các thế lực siêu nhiên. Tuy nhiên, không thể không có sự tham gia tích cực của yếu tố con người.
Khi mùa màng chuẩn bị thu hoạch, người Cor thường dựng các hình nộm, mỏ gió, thậm chí có khi dùng cả chiêng để xua đuổi chim muông, thú dữ phá hoại mùa màng. Họ thường làm những cái chòi để canh rẫy. Người đi canh rẫy thường mang theo mình ít nhất một nhạc khí (Va ró, tàlía…). Việc chơi đàn Va ró bài Bao vê diêc (Bảo vệ rẫy) ở đây là thường xuyên, với hai chức năng chính giải trí và bảo vệ nương rẫy. Ngoài bài Bao vê diêc (Bảo vệ rẫy), còn có bài Pêpa (giã lúa) nghe nhịp nhàng, chắc khoẻ. Điều này, chứng tỏ nhạc khí của người Cor luôn gắn liền với đời sống tinh thần và sản xuất để tồn tại và phát triển. Trong tương lai gần, chúng tôi chắc chắn sẽ có những phân tích âm nhạc từ tổng thể đến chi tiết các giá trị của nhạc khí Cor.
Đàn K’đoak
Hình dáng, cấu trúc của cây đàn K’đoak của người Cor gần giống với cây đàn cò (nhị) của người Kinh. Có thể tạm chia cây đàn K’đoak của người Cor có hai phần: thân đàn (cần đàn) và hộp đàn (hộp cộng hưởng).
Thân đàn (cần đàn) dài 58cm, đường kính 2,5cm được làm bằng ống nứa già thẳng tắp xuyên qua hộp đàn. Trên thân đàn có một khóa đàn (phía này là đầu ngọn của cây nứa); khóa đàn được mắc một dây đàn. Dây đàn được làm bằng dây K’tăk, một loại dây rừng giống cây củ riêng có trái ăn được. Trái của cây K’tăk giống bắp chuối, nhưng nhỏ hơn, màu vàng khi già trái chuyển màu trắng.
Hộp đàn (hộp cộng hưởng) thường được làm bằng một đốt tre hoặc đốt lồ ô to. Hộp đàn có đường kính chừng 12cm, chiều dài 17cm, có gắn một con ngựa đàn. Một bộ phận không thể thiếu của cây đàn K’đoak là vĩ kéo, được làm bằng một thanh nứa mỏng và rất mảnh, có chiều dài 72cm. Thanh nứa dùng để kích âm (tạo âm), giống như chiếc Ache của cây đàn violin.
Đàn K'đoak của người Cor
Cũng như cây đàn Vờ rook, sáo Amáp, cây đàn K’đoak rất dễ chế tác và gắn bó với đời sống văn hóa của người dân. Nghệ nhân chơi đàn K’đoh thường tự mình chọn cây và chất liệu để chế tác ra những cây đàn K’đoak.
Người Cor thường chơi K’đoak vào những lúc rảnh rỗi, nông nhàn. Tuy nhiên, không đơn giản chỉ có vậy, người Cor còn sử dụng những âm thanh của cây đàn K’đoak trong những chức năng xã hội rất quan trọng, đó là đánh thức dân làng để lên rẫy và động viên dân làng sản xuất. Những bài nhạc của K’đoak khá phổ biến trên các p’lây là: Kah (Thức dậy), Ađớp hoi ađớp (Rủ nhau làm vườn, làm rẫy), Coh ađớp rơu (Làm việc đi, đến nơi thì phải làm việc).
Giống như cây đàn Va ró, cây đàn K’đoak cũng tham gia rất đa dạng vào cuộc sống hằng ngày của người Cor, nó phản ánh nhiều sinh hoạt thường nhật và gần gũi, gắn bó với đời sống tinh thần của đồng bào.
Cây đàn K’đoak với bài Kah (Thức dậy) đã làm một nhiệm vụ rất quan trọng là đánh thức dân làng dậy để cùng nhau lên rẫy, lên rừng sản xuất. Âm thanh bài Kah (Thức dậy) với nghe giục giã, xao động có tác dụng tạo cảm giác sảng khoái, tỉnh táo giúp các thành viên trong gia đình mau thức giấc để cùng lên rẫy sản xuất. Sau khi thực hiện chức năng báo thức cả nhà dậy để cùng lên rẫy, cây đàn K’đoak được người Cor mang theo bên mình để tiếp tục nhắc nhở động viên các thành viên của gia đình và dân làng hăng say sản xuất để tạo ra nhiều lương thực, của cải vật chất cho gia đình và xã hội.
Theo nghệ nhân cao tuổi Trần Văn Trang (84 tuổi) ở thôn 2A, xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My, xưa kia người Cor đã sử dụng dây k’jăh (một loại dây rừng), ruột mèo để làm dây đàn rơđoang, Va ró. Sau đó, họ chuyển qua sử dụng dây sắt (dây đàn guitar, dây điện thoại), nhiều trường hợp dùng cả dây nilon (dây đàn guitar bằng nilon hoặc dây cước - loại dây dùng để đan lưới đánh cá). Việc thay thế các loại dây này, không chỉ là vấn đề chất liệu mà còn mang những biến đổi khá sâu sắc trong âm nhạc của họ. Mỗi loại dây khi diễn tấu đều mang lại các kết quả về âm sắc, âm lượng khác nhau.
Chất liệu dây bằng các loại dây rừng, ruột mèo sẽ cho những âm thanh mờ đục và không được ngân vang. Hơn nữa, do tiết diện của loại dây này không đồng nhất, nên theo chúng tôi, nó cho những âm thanh không được chuẩn xác. Chất liệu dây sắt cho những âm thanh trong trẻo, thánh thót và ngân vang, nhưng ít đầm ấm và sâu lắng. Chất liệu dây nilon tuy không bằng ưu thế của chất liệu dây sắt, nhưng tỏ ra đầm ấm, sâu lắng hơn. Điều này, theo chúng tôi là rất hợp với những bài bản trữ tình, giao duyên. Do vậy, nên không phải ngẫu nhiên mà các nghệ nhân Cor chọn loại dây có chất liệu này.
Có thể nói, dân tộc Cor có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú và độc đáo. Nhạc cụ dân tộc của họ tuy giản đơn nhưng lại đa dạng trong cách thể hiện, diễn đạt được chất trữ tình, đằm thắm, mượt mà, khỏe khoắn. Âm thanh của các nhạc cụ dân tộc đã bộc lộ được vẻ đẹp tự nhiên của núi rừng, thể hiện sự giản dị trong tâm hồn người Cor.
_______________
1. Viện Dân tộc học, Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Nam), Hà Nội, 1984, tr.188-198.
Tác giả: Nguyễn Thế Truyền
Nguồn: Tạp chí VHNT số 430, tháng 4-2020