Võ nhân Bình Định và “Tiến sĩ võ đã hổ”

 

Trường thi quan võ xưa đã ghi nhận rất nhiều võ nhân tài giỏi xuất chúng sau này đều tham gia chống giặc ngoại xâm. Đất An Nhơn - Bình Địnhlà một trong những địa danh có truyền thống thượng võ của đất nước Việt với câu ca:

 

Ai về Bình Ðịnh mà coi

Con gái Bình Ðịnh đánh roi, đi quyền.

Tại kỳ thi Hương năm Ất Dậu (1885), Trường thi Bình Ðịnh đang cho các võ sinh thi tài bỗng nghe hung tin kinh đô Huế bị thất thủ trong tay giặc Pháp xâm lược, vua Hàm Nghi đã bỏ trốn lên vùng núi phía Tây Quảng Trị. Tuy vậy, Hội đồng Giám khảo Trường thi Bình Định vẫn tiếp tục cho các võ sinh thi tài. Biến cố ở kinh đô Huế dường như đã tăng thêm lòng yêu nước của các thí sinh. Bài Vịnh sĩ tử ở trường thi Bình Ðịnh của tân khoa Trạng nguyên võ Mai Xuân Thưởng sau này có câu:

 

Cửa trường tiếng dạ vẫn còn hơi

Cờ nghĩa treo lên đã ngất trời

Ðạo trọng vua tôi mình dám quản

Oán hờn người Pháp có vơi đâu …

(Khuyết danh dịch)

 

Mai Xuân Thưởng đã để lại tiếng vang trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Tương truyền, khoa thi năm ấy, trường thi võ Bình Ðịnh do một vị quan triều đình Huế có tên là Bùi Tiến Tiên làm Chánh chủ khảo. Một hôm, ông ngủ mơ chợt thấy một người đem biếu một cành mai, chỉ có một bông mai duy nhất, nhụy mai vàng nhưng cánh lại trắng, tỏa hương thơm. Quan Chủ khảo đã nhận nhánh mai có duy nhất một bông hoa ấy. Khi tỉnh dậy, vị quan bèn xem trong danh sách trúng tuyển thì thấy có một người họ Mai, đó là Mai Xuân Thưởng. Xem lại quyển thi của họ Mai, ông thấy văn phong rất có khí phách. Ngày xướng danh thí sinh trúng tuyển, Quan Chánh chủ khảo viết một bài thơ, bản dịch trong Non nước Bình Ðịnh ghi lại:

 

"Non sông xưa đã khác rày

Gương "hoành công khí" nơi này còn treo

Cửa Rồng hận ngất trần hiêu

Bút hoa tuông lệ tiêu điều viện văn…"

 

Sau khi vinh quy bái tổ, Mai Xuân Thưởng đã chiêu mộ nghĩa quân và trở thành vị tướng tài ba của phong trào Cần Vương. Hai mươi năm sau đất Bình Định trở thành nơi khởi nguồn của phong trào kháng thuế của miền Trung (1908).

Các thủ lãnh của phong trào Cần Vương (1885) ở Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận hầu hết đều xuất thân từ trường thi Bình Ðịnh. Trong số đó, có danh nhân Mai Xuân Thưởng (1860-1887). Từ hai bàn tay trắng, Mai Xuân Thưởng đã tạo nên lực lượng kháng chiến hùng hậu, với các chiến khu chống Pháp nổi tiếng như: Lộc Ðổng, Linh Ðổng và Hương Sơn, rồi đến phong trào chống sưu, kháng thuế năm 1908.

Ở Bình Ðịnh xưa, từng có những võ nhân danh tiếng lẫy lừng như: Tiến sĩ võ Hồ Sĩ Tạo (1869-1934) người làng Hòa Cư, tổng Thời Ðôn, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn, nay thuộc Phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn; Tiến sĩ võ Lê Chuân quê Hoài Nhơn; Tiến sĩ võ Bầu Đê; “ông Mười”… Ngoài ra, Bình Ðịnh còn có danh nhân Ðào Tấn (1845-1907), quê Phước Lộc, Tuy Phước. Ông được coi là sư tổ của nghệ thuật Tuồng Việt và là nhà lý luận xuất sắc về nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Vì vậy khi nói đến Bình Định, người dân đất võ thường tự hào: "Bình Ðịnh là đất hai vua: Quang Trung vua Võ, Ðào Tấn Vua văn". Người Bình Định từ xưa đã nổi tiếng về tinh thần thượng võ. Không chỉ đàn ông, thanh niên mới học võ mà ngay cả phụ nữ, đàn bà cũng không chịu nhận thân phận “phái yếu”. Chuyện “đất võ” xưa có nhiều người giỏi võ là nhờ vậy.

Để bảo vệ giang sơn, Tổ quốc, nhà Nguyễn đã có chính sách đào tạo võ tướng cho triều đình. Ngay từ năm Đinh Mão 1851, triều đình Huế đã ra chỉ dụ mở thêm trường thi võ thứ tư tại huyện An Nhơn, Bình Định. Các thí sinh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận muốn làm quan võ đều có thể đến ứng thí tại Trường thi Bình Định. Triều đình cử một vị Tiến sĩ võ vào Bình Định làm Quan chủ khảo để tuyển chọn nhân tài. Trường thi võ nằm ở phía Tây Nam thành Hoàng Đế, nay thuộc xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn. Xung quanh trường, người ta cho xây một bức tường thành bằng chất liệu đá tổ ong, rộng 193 trượng, cao 4 thước 5 tấc, là một trong 4 trung tâm đào tạo “quan võ” cho triều đình Huế (*).

Thí quan võ có quy chế tuyển chọn từ thấp đến cao như “Hương võ” yêu cầu người dự thi phải xách vật nặng; thi đấu bằng kiếm, đao, thương, giáo mác, cung nữ và quyền cước... Sĩ tử nào vượt qua các môn thi nói trên thì được phong hàm “Cử nhân võ”, còn gọi là “Võ cử”. Thí sinh nào yếu hơn thì được phong “Tú tài võ”. Sau kỳ thi Hương võ, nếu đậu thì thí sinh tiếp tục thi “Hội võ” rồi “Đình võ”. Thời ấy, các võ sư ở các tỉnh về thi “Đình võ” đều được triều đình cấp tiền, gạo đi đường…

Người đạt “Tiến sĩ võ” phải vượt qua 3 kỳ thi, đồng thời thông thạo lý thuyết binh pháp, trận mạc. Trường thi võ ở Bình Định giống như các Trường thi võ ở Hà Nội, Thanh Hóa và Huế. Thí sinh giỏi võ nhưng yếu về binh pháp, trận mạc thì không được công nhận là “Tiến sĩ võ”. Năm Mậu Dần (1878), triều đình Huế cho mở khoa thi “Hương võ” ở 4 địa điểm là Bình Định, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa và Hà Nội. Đến năm Kỷ Mão (1879), cả 4 Trường thi võ trong cả nước tuyển được 120 Võ cử. Tuy vậy, hầu hết các Cử nhân võ này đều kém chữ nghĩa, không am hiểu binh thư nên không giúp được gì cho đất nước trong thời loạn lạc.

Năm 1883, vua Tự Đức băng hà, Kiến Phúc lên ngôi liền cho khôi phục Trường thi Tiến sĩ võ, mở lại kỳ thi “Hương võ” để chọn “Võ cử”. Nhà vua đổi mới thể lệ và các bộ môn thi võ như cử tạ, múa quyền, múa côn, múa đao to, lăn khiên, nhảy xa ... kỳ thi võ cuối cùng là môn bắn súng. Triều đình cho Bình Định chiêu mộ 600 võ sinh các nơi về chờ ngày tranh tài. Thế nhưng, dự định tốt đẹp này đã tan thành mây khói khi thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ và Trung Kỳ, đồng thời ngăn cản việc thi “quan võ”. Số võ sinh sau đó đành trở về cố hương và nhiều người trở thành võ sư đào tạo nghĩa quân cho phong trào Cần Vương kháng Pháp.

Trường thi “Tiến sĩ võ” ở Bình Định bị giải thể vào năm 1884. Thời dụng võ tuy còn nhưng đất dụng võ không có. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, việc bãi bỏ Trường thi võ là vì quan niệm quyền cước, roi kiếm, đao thương và binh pháp cổ truyền lúc này không còn tác dụng nhiều trước vũ khí hiện đại của quân viễn chinh Pháp. Tuy vậy, trong suốt chiều dài lịch sử chống ngoại xâm, tinh thần thượng võ của người miền Trung nói chung, Bình Định nói riêng vẫn tồn tại. Đất võ từ thời ấy vẫn có phong trào học võ. Người người tập võ, nhà nhà luyện võ và ngày càng xuất hiện nhiều võ sư danh tiếng lừng lẫy. Họ trở thành các lãnh tụ nghĩa quân tài năng trong công cuộc chống thù trong, giặc ngoài của dân tộc Việt Nam.

Võ nhân Bình Định

Theo ghi chép trong cuốn “Võ nhân Bình Định”, thời ấy, có một thanh niên ở làng An Nhơn tên là Bầu Đê ra Huế ứng thí. Anh vốn khỏe mạnh phi thường. Môn thi xách vật nặng yêu cầu chạy 200m theo quy định nhưng Bầu Đê xách chạy cả ngàn mét không thèm nghĩ. Ban Giám khảo triều đình liền hội ý và thống nhất đề cử Bầu Đê đoạt giải Thủ khoa, không cần thi tiếp. Một số võ sinh các tỉnh tỏ ra chưa phục nên đệ đơn khiếu nại rằng: “Võ gia dõng vi bán” (có nghĩa là trong võ thuật sức mạnh chỉ mới một nửa). Họ đề nghị Bầu Đê phải đánh thắng được 10 võ sinh có điểm cao nhất khóa thi mới phục…

Ban Giám khảo cũng muốn thử tài Bầu Đê liền đưa “Cử võ” thứ nhất ra thi đấu. Bầu Đê chỉ dùng một thế võ đã đánh bại đối thủ. Người thủ thứ 2 mới xuất chiêu đã bị Bầu Đê cướp vũ khí và quật ngã nhào. 8 vị “Cử võ” còn lại tỏ ra sợ hãi đành bái phục và xin miễn thi đấu. Vị quan chủ khảo vốn là một Tiến sĩ võ, nổi danh với cây trường côn liền thử tài Bầu Đê. Thời ấy, trong giới võ lâm truyền tụng câu: “Roi kinh đô, quyền Bình Định” và “Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh”. Nhiều người nghĩ rằng đánh thắng “Tiến sĩ võ” quan chủ khảo không phải là chuyện dễ. Tuy nhiên, vị quan ”Tiến sĩ võ” đất kinh đô Huế lệnh cho anh thí sinh trẻ Bầu Đê phải thi đấu với ông 10 hiệp. Ban đầu Bầu Đê khiêm tốn nói không dám đánh anh nhưng vị quan võ bắt buộc đánh nên đành chấp nhận.

Hiệp một, họ lao vào nhau tung ra các chiêu thức võ nhanh như chớp, mọi người chỉ nghe tiếng trường côn va vào nhau, Bầu Đê tung một thế võ thần sầu đánh văng roi của vị giám khảo và xem như thắng hiệp một. Họ tiếp tục đấu hiệp hai. Mới qua lại vài đường roi, Bầu Đê la to: “Xin phép quan lớn cho tôi ra chiêu thứ 2”, nhận thấy mình đang thất thế có thể bị thua, Tiến sĩ võ quan vội thoái bộ “xin thôi” và và rất phục tài của thí sinh Bầu Đê…

Khi tác giả viết bài này tình cờ gặp một nhân chứng sống là hậu duệ của Bầu Đê là cụ Lê Văn Nhiên ở Quy Nhơn thì được biết: Bầu Đê xưa là một cao thủ rất giỏi võ và ông là đệ tử ruột của một võ sư ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, Bình Định. Vị võ nhân này tên thật là Lê Tuyên, thường được người dân trong vùng tôn kính gọi là “Ông Bá Mười”. Ở Tuy Phước ngày xưa từng có một làng võ nổi danh tên là “làng Lê Tuyên”. Võ nhân Lê Tuyên sinh cùng thời với Mai Xuân Thưởng tham gia phong trào Cần Vương. Thời võ tướng Lê Tuyên (ông Bá Mười) còn hoạt động trong phong trào Cần Vương thì Bầu Đê lúc ấy là đệ tử thân cận của ông Bá Mười. Lê Tuyên thi đạt danh hiệu Tiến sĩ võ ở Huế, sau đó nhà vua cho trở về quê để “vinh quy bái tổ”. Khi ông Bá Mười đi qua địa phận Đèo Nhông (huyện Phù Mỹ - Bình Định) thì bị một con cọp dữ đang rình mồi nhảy ra tấn công tới tấp, ông Mười đã dùng các thế võ tuyệt học của mình để chiến đấu sinh tử với con cọp dữ. Cuộc chiến giữa người với hổ ở đèo Nhông rất quyết liệt, kéo dài từ đêm đến gần sáng mới phân thắng bại. Ông Mười - Tiến sĩ võ Bình Định đã đánh thắng được con cọp dữ chuyên săn thịt người ở khu vực đèo Nhông Phù Mỹ. Người dân trong vùng nghe tin đã rất khâm phục tài nghệ và biết ơn vị tân Tiến sĩ võ đã trừ mối nguy hại luôn rình rập ở đoạn đường đèo nầy.  

Tuy vậy, sự kiện hy hữu này cuối cùng đã tạo nên sự đố kỵ, ghen ghét vị tiến sĩ võ trong cung đình Huế lúc ấy. Bọn quan triều đình đố kỵ với ông Mười đã dâng sớ sàm tấu lên nhà vua, vu ông Mười tội “phản sư”. Triều đình Huế cho rằng tội giết cọp là vi phạm đến điều cấm kỵ của con nhà võ. Sau đó, nhà vua ra chiếu chỉ thu hồi danh hiệu “Tiến sĩ võ” của ông Mười (may mà thời đó chắc chắn nước ta chưa có luật bảo vệ động vật quý hiếm!)

Trong suốt 143 năm, triều Nguyễn, đã tổ chức 3 khoa thi võ vào các năm: Ất Sửu 1865, Mậu Thìn 1868, Kỷ Tỵ 1869 đều diễn ra dưới thời vua Tự Đức và chọn được 12 vị Tiến sĩ võ. Các Tiến sĩ võ này ngày nay còn tên khắc trên bia đá tại sân Võ Miếu Huế. Khoa thi Tiến sĩ võ cuối cùng cách đây đã hơn 150 năm. Trong lịch sử, các vua nhà Nguyễn thời ấy họ luôn cố gắng mở mang bờ cõi về phương Nam nên rất chú trọng việc tuyển chọn quan võ. Năm 1836, Minh Mạng ban đạo dụ nói rõ: để cai trị đất nước cần chú ý cả văn trị và võ công. Nhà vua còn đặt ra những chế định cho các kỳ thi võ hai cấp: thi Hương và thi Hội, trong đó thi Hương võ thường tổ chức vào các năm Dần, Thân, Tị, Hợi; thi Hội võ tổ chức vào các năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu.

Các cuộc thi võ có những môn như xách tạ, đấu quyền cướp, thi đấu bằng côn, đao, khiên, thương, đặc biệt là thiết côn nặng gần 20 kg để đấu đối kháng. Trong vòng thi thứ ba, các thí sinh được kiểm tra kỹ năng bắn súng. Ngoài ra, thí sinh trúng tuyển phải trải qua vòng khảo thí về "võ kinh thất thư" (7 bộ sách kinh điển về võ học), đồng thời thi đấu tự chọn một trong 18 võ khí thuộc thập bát ban võ nghệ.

Nhân Tết con cọp Nhâm Dần -2022, xin có vài chuyện xưa góp nhặt ở đất võ Bình Định gửi đến bạn đọc gần xa. Bởi Bình Định ngày nay được Bộ VHTTDL công nhận là vùng đất lịch sử của võ thuật cổ truyền Việt Nam với tinh thần thượng võ và yêu nước ...

_______________

{*) Một số tư liệu trong bài viết có tham khảo ngày tháng và sự kiện trong sách: “Võ nhân Bình Định” của các tác giả Quách Tấn - Quách Giao đồng biên soạn, xuất bản tháng 8/2001. Dòng họ Quách sinh sống tại Bình Định đã trên 300 năm. Nhà thơ Quách Tấn thuộc thế hệ thứ chín và đã có nhiều tác phẩm viết về Bình Định. Khi ông mất, con của ông là Quách Giao đã nối tiếp cha mình để hoàn tất cuốn sách Võ nhân Bình Định.

 

NGUYỄN TẤN TUẤN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 486, tháng 1-2022

 

;