Vui Tết, mừng Xuân trở thành nếp sinh hoạt phong phú trong văn hóa cổ truyền của cha ông từ ngàn xưa để lại. Vui Tết không phải chỉ với thịt mỡ, dưa hành; mừng Xuân không phải chỉ với bánh tét, bánh chưng xanh mà phải có nhành mai vàng rực rỡ.
Ngày Tết có nhành mai cắm trong chiếc lộc bình cùng bức tranh biểu tượng Phúc-Lộc-Thọ, trên đó điểm thêm những tấm thiệp mừng Xuân của bè bạn đặt trên bàn tiếp khách thì không còn gì đẹp bằng. Nét đẹp vừa duyên dáng, vừa lịch thiệp, vừa gần gũi, thân thương ấy đã tạo ra một không gian văn hóa của Tết, đã xuân càng thêm xuân.
Cây mai đã có từ rất lâu đời ở nước ta. Ông cha ta đã chọn cây mai đưa vào làm cây cảnh. Họ nhà mai rất phong phú, có nhiều loại: mai thanh đài, mai chiếu thủy, hoàng mai, hồng mai, chi mai. Mai thanh đài có đế hoa màu xanh, cành mai đan cài vào nhau trông giống sáu chiếc gạc hươu nai, nở hoa vào tháng Chạp. Mai chiếu thủy khi nở bông hoa chếch nghiêng như soi mình xuống nước nên có tên này. Hoàng mai cho hoa màu vàng, nở rộ vào trung tuần tháng Giêng âm lịch. Hồng mai cho hoa màu hồng có hương thơm ngát. Hương thơm của mai cao sang, đài các, thoang thoảng vịquế.
Ở miền Trung, từ Quảng Bình trở vào phổ biến giống mai vàng cánh đơn. Có hai loại mai vàng. Một loại có tên mai tứ quý, mỗi năm nở hoa ba đến bốn lần vào các tháng 4, 5, 8. Còn một loại nữa nở hoa vào đúng Tết nếu được tuốt lá đúng lứa. Hai loại mai này có lá to như lá na, lá nhãn, dày, cứng, trông thô.
Tại miền Nam, do thuộc khí hậu nhiệt đới và gần đường xích đạo hơn so với miền Bắc, ngày Tết luôn rơi vào lúc thời tiết nóng nên ta có thể tìm thấy các loại mai như mai chiếu thủy, nhất chi mai, mai tứ quý, bạch mai, hoàng mai, Nam mai và một số loại mới..vv...
Xuân về Tết đến, những người chơi mai chọn những nhành mai phải có dáng đẹp, với các hình dáng gốc “lão mai”, gốc to, da sần sùi, mọc rong rêu càng tốt, nhánh khẳng khiu và có thể có những hình thể như: chân quỳ, hạc bay, phụng hoàng… Ngoài những nét trên, người mua mai còn chú trọng đến sự phân chia các nhánh trên một gốc mai. Nhánh to, nhánh nhỏ, sự xắp sếp các nhánh, nhụy âm dương, cành tứ quý. Nhụy âm dương là chỉ đạo vợ chồng phu phụ, cành tứ quý chỉ bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông..vv. Ngày xưa, các nhà nho học chơi mai rất công phu. Họ cho rằng một cành mai nở không đúng vào dịp Tết, mai vừa nở đã rụng, hoặc các nhánh phân bố không hợp cách là xui xẻo cả năm.
Hình ảnh tráng lệ của những bông mai vàng năm cánh hài hòa với vẻ thanh kỳ, lãng mạn, tất cả những cái đó, trộn lẫn với hương đất trời, tan vào không khí ban mai của buổi nghênh tân. Hoa mai, một loài hoa giản dị nhưng cao quý, luôn luôn bừng nở một sắc vàng trang trọng và thanh cao.
Nếu người miền Nam luôn chọn hoa mai vàng thì người miền Bắc lại thích hoa đào.
Tục lệ chơi hoa đào ngày Tết ở xứ Bắc đã có từ lâu đời. Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới thì hoa đào có rất nhiều ý nghĩa khác nhau:
Trước hết, đào được coi là tinh hoa của Ngũ hành, có thể xua đuổi bách quỷ mang đến cho con người cuộc sống bình an, hạnh phúc.
Theo người Trung Quốc thì hoa đào là một trong những biểu tượng trong lễ cưới, mang ý nghĩa cho sự đổi mới và sự sinh sản dồi dào.
Ngoài ra, hoa đào nở vào mùa Xuân, là biểu tượng của tình bạn. Theo truyện xưa thì ba vị Lưu - Quan - Trương đã cùng nhau kết bái huynh đệ trong vườn đào, chính vì vậy mà hoa đào đã trở thành biểu tượng cho một tình bạn thân thiết, gắn bó với nhau.
Đối với người Nhật Bản thì hoa đào tượng trưng cho sự trong trắng và thủy chung trong tình yêu.
Còn ở nước ta, hoa đào là một biểu tượng cho mùa Xuân không thể thiếu trong những ngày Tết. Theo quan niệm của người Việt, trong những ngày Tết mà thiếu loài hoa này thì Tết không trọn vẹn. Nhiều người thích hoa đào trong ngày Tết vì nó tươi đẹp, ấm áp. Hoa có màu đỏ sẽ đem lại sự may mắn, hạnh phúc cho gia đình mình trong một năm mới.
Nghệ thuật chơi hoa mai, hoa đào dù để thưởng thức hay kinh doanh, đã trở thành một nhu cầu văn hóa trong đời sống người Việt. Tết đến Xuân về, mỗi gia đình, dù nhà cửa chật chội, cũng không thể thiếu một chậu hoa mai hay đào để ngồi với bạn bè bên chén trà thơm đón chào năm mới.
THANH KIM TRÀ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 486, tháng 1-2022