Ngô Hoán sinh năm 1460 tại làng Thượng Đáp, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, thừa tuyên Hải Dương - nay là làng Thượng Đáp, xã Nam Hồng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Sinh thời, Ngô Hoán từng đỗ Bảng nhãn năm 1490 dưới triều vua Lê Thánh Tông. Sử sách nước nhà còn ghi nhận: “Mùa hạ, tháng tư (…) thi Điện. Vua thân ra đầu đề văn sách. Sai Thượng thư Binh bộ Định Công bá Trịnh Công Đán và Thượng thư Hình bộ Lê Năng Nhượng làm Đề điệu; Phó đô Ngự sử đài Quách Hữu Nghiêm làm Giám thí; Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung và Thượng thư Lại bộ Nguyễn Bá Kỳ làm Độc quyển. Vua xem quyển thi, xếp thứ bậc cao thấp, cho bọn Vũ Duệ, Ngô Hoán, Lưu Thư Ngạn 3 người đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Lê Tuấn Mậu 19 người đỗ tiến sĩ xuất thân, bọn Lê Đình Quát 32 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân…
Tháng 5 (…) Ngày 18, vua ngự điện Kính Thiên, truyền loa xướng danh các tiến sĩ là bọn Vũ Duệ; các quan mặc triều phục chúc mừng; bộ Lễ đem bảng vàng treo ở ngoài cửa Đông Hoa. Ngày 19, ban mũ đai, y phục. Ngày 20, ban yến” (Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn học, Hà Nội, 2009, tr 715 )…
Sau khi đỗ đạt, Ngô Hoán được bổ làm quan. Đời làm quan của ông trải dài mấy mươi năm, từ triều Lê Thánh Tông tới Lê Chiêu Tông. Ông là thành viên Tao đàn nhị thập bát tú; từng làm Độc quyển trong kỳ thi ở Đan Trì điện Kính Thiên (năm 1496), có lúc bị biếm chức, sung làm quân ở bản phủ vì tội đem việc của triều đình nói với người ngoài (năm 1500)… Về sau, ông được bổ làm Hiến sát sứ Thanh Hoa (năm 1505); Tán trị thừa tuyên sứ ty thừa tuyên sứ Thanh Hoa (năm 1509) rồi Lễ bộ Thượng thư…
Mười bốn năm đầu kể từ khi Ngô Hoán đỗ Bảng nhãn, nước nhà vẫn trong cảnh thái bình thịnh trị nhưng thời Lê Sơ đến giai đoạn các vua Lê Uy Mục (1504-1509), Lê Tương Dực (1509-1516) đã bước vào khủng hoảng dẫn tới sự suy thoái không thể cứu vãn. Khi Lê Chiêu Tông được dựng lên ngai vàng (1516-1523) thì thế lực của quyền thần Mạc Đăng Dung ngày càng lớn mạnh, lấn át cả hoàng đế, triều chính nghiêng ngả. Lịch sử thời mạt Trần tái hiện.
Không còn lựa chọn nào khác, ngày 27 tháng 7 năm Nhâm Ngọ (1522), vua Lê Chiêu Tông bỏ chạy khỏi kinh thành Thăng Long ra ngoài để kêu gọi quân các trấn kéo về hợp lực đánh kẻ đe dọa ngai vàng. Trước tình hình đó, Mạc Đăng Dung từng bước tìm cách loại bỏ Lê Chiêu Tông khỏi vũ đài chính trị: ban đầu, Mạc Đăng Dung dựng em của Lê Chiêu Tông lên ngôi; thời gian sau thì nhân danh vua mới ban chiếu phế truất Lê Chiêu Tông, giáng Lê Chiêu Tông làm Đà Dương vương [tháng 8 năm Quý Mùi (1523)]…
Trong bối cảnh vận nước, triều chính nghiêng ngả lúc bấy giờ, với tâm thế “trung liệt há cam thờ hai chủ”, Ngô Hoán cùng nhiều quan quân tướng sĩ từng hưởng “ơn vua, lộc nước” đã theo phò vua Lê Chiêu Tông những mong giành lại ngai vàng.
Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, vài tháng sau, lấy danh nghĩa giúp Lê Chiêu Tông, “Trịnh Tuy thống suất các tướng lĩnh ở ba phủ và ở các xứ thuộc Thanh Hoa hàng vạn người cùng với Trịnh Duy Thuân ra hộ giá. Thuộc tướng của Tuy là Nguyễn Bá Kỷ vào hầu bên vua. Nội thần là Phạm Điền sợ Bá Kỷ tranh giành quyền bính, bèn tâu vua đem chém, bêu đầu ở ngoài cửa quân doanh Trịnh Tuy. Trịnh Tuy vì thế sinh ra bất bình, bèn cùng bọn Duy Thuân nói phao lên rằng cần đi xem đất để lập doanh trại. Tối đến, Trịnh Tuy dời quân đến mai phục ở Dịch Vọng; gần mờ sáng, đem quân hò la ầm ĩ, tiến sát đến chỗ nhà vua. Bấy giờ nhà vua bối rối, không biết xoay xở ra sao. Bọn Tuy bèn cướp lấy nhà vua, đem về Thanh Hoa.
Tư nghiệp Lê Hiếu Trung tử tiết. Lại bộ Thượng thư Đông các đại học sĩ thị Kinh Diên là Vũ Duệ và Lại bộ Thượng thư là Ngô Hoán cùng với môn đồ là bọn Nguyễn Mẫn Đốc thống suất hương binh đi theo nhà vua, đến Thanh Hoa, đứt liên lạc, không biết nhà vua ở đâu. Họ đều hướng về lăng tẩm Lam Sơn, bái vọng rồi tự vẫn cả” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr 90).
Về sau, nhà Mạc bị đánh đuổi khỏi Thăng Long, nhà Hậu Lê được khôi phục (giai đoạn Lê Trung Hưng). Đến năm 1666, dưới thời Lê Huyền Tông (1662-1671), Tể tướng Phạm Công Trứ đã tâu xin vua (và được chấp thuận) truy phong cho 13 bề tôi tiết nghĩa của các triều vua Lê trước làm phúc thần. Trong số đó, có Ngô Hoán được truy tặng là Suy trung công thần, gia phong làm Phúc thần...
THANH HÀ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 483, tháng 12-2021