Lương Đắc Bằng (1472-1522) thời nhỏ có tên Lương Ngạn Ích, sinh ra trong một gia đình khoa bảng ở làng Trác Vĩnh, giáp Cổ Hoằng nay là làng Hội Triều, xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Thời niên thiếu, vốn có tư chất thông minh, lại được cha mẹ quan tâm dạy dỗ [cha ông là Lương Hay, đỗ giải nguyên năm Canh Thìn (1460) thời vua Lê Thánh Tông], Lương Đắc Bằng đã nổi tiếng khắp vùng. Năm 12 tuổi (1484), ông thụ giáo Trạng nguyên Lương Thế Vinh, được học cả văn chương, toán pháp, thiên văn… 15 năm tiếp theo, ông lần lượt thi Hương đỗ Giải nguyên (1496); thi Hội trúng Hội nguyên và thi Đình đỗ Bảng nhãn (1499). “Ngày mồng 9, thi Điện, đầu bài văn sách hỏi về nhân tài và vương chính. Sai Bắc quân đô đốc phủ tả đô đốc Hoa Lâm hầu Trịnh Tốn và Lại bộ Thượng thư Trần Cận làm đề điệu. Hình bộ Thượng thư Đinh Bộ Cương làm giám thi, Đông các học sĩ Nguyễn Bảo, Hàn lâm viện thị giảng tham chưởng Hàn lâm viện sự Lê Tuấn Ngạn làm độc quyển. Cho Đỗ Lý Khiêm, Lương Đắc Bằng, Nguyễn Khắc Kiệm ba người đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ” (Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn học, Hà Nội, 2009, tr. 740).
Sau khi thành danh trên con đường khoa cử, Lương Đắc Bằng được bổ làm quan trải nhiều chức vụ, triều vua (Hiến Tông, Túc Tông, Uy Mục, Tương Dực, Chiêu Tông). Ở đâu, trên cương vị nào, ông cũng được đánh giá cao về tài năng, đức độ, có nhiều đóng góp. Ông làm Thị độc, rồi Tả thị lang; Thượng thư bộ Lại, tước Đôn Trung bá…
Điều đáng tiếc là chính sự nước nhà thời bấy giờ có nhiều rối ren. Sau khi vua Lê Hiến Tông băng hà (năm 1504), người con thứ thông minh, hiếu học của Hiến Tông là Lê Thuần được lập lên làm vua, tức Lê Túc Tông nhưng Lê Túc Tông vốn “dốc chí ham học, thân người hiền, vui điều thiện, đáng là vị vua giỏi giữ nghiệp thái bình” (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 758) lại mất sớm (chỉ ở ngôi trong 6 tháng từ giữa năm 1504 đến đầu năm 1505). Do Lê Túc Tông không có con nối dõi, người anh của Túc Tông lên thay, sử sách gọi là Lê Uy Mục. Thật không may, Lê Uy Mục “thích uống rượu, hay giết người, hiếu sắc, làm oai, giết hại người tôn thất, giết ngầm tổ mẫu, họ ngoại chuyên quyền, trăm họ oán giận, người đời gọi là Quỷ vương, điềm loạn hiện ra từ đấy” (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 760). Năm 1509, vua Uy Mục đuổi những người tôn thất, công thần về Thanh Hóa, trong đó có đại thần Nguyễn Văn Lang. Nguyễn Văn Lang được sự phò tá của Lương Đắc Bằng, đem quân ba phủ nổi lên ở Thanh Hóa, đón Giản tu công Lê Dinh làm minh chủ. Lương Đắc Bằng theo lời Nguyễn Văn Lang, soạn hịch kể tội vua Uy Mục.
Sau đó, Nguyễn Văn Lang kéo quân ra Thăng Long, Lê Uy Mục thua trận, uống thuốc độc tự tử. Người lên thay Uy Mục là Lê Dinh, tức vua Lê Tương Dực.
Năm 1510, vua Tương Dực phong thưởng cho các công thần, Lương Đắc Bằng được thăng làm Lại bộ Tả thị lang. Cũng trong năm này, vua khởi phục Lại bộ Tả thị lang Lương Đắc Bằng kiêm Đông các học sĩ, nhập thị Kinh diên song ông từ chối không nhận. Nhân đó, Đức Bằng dâng lên 14 điều về việc trị bình: 1. Chăm răn ngừa để dẹp tai biến; 2. Dốc đạo hiếu để khuyên trung hậu; 3. Xa thanh sắc để gốc lòng được chuyên nhất chính đính; 4. Đuổi bỏ kẻ tà nịnh để trong nguồn muôn việc; 5. Sẻn tiếc quan tước để cẩn thận việc khuyên răn; 6. Công bằng tuyển bổ để trong sạch đường làm quan; 7. Dè dặt của dùng để khuyên thói kiệm phác; 8. Nêu khen tiết nghĩa để trọng đạo cương thường; 9. Cấm hối lộ để bỏ thói gian tham; 10. Sửa sang võ bị để mạnh thế chống giữ; 11. Chọn người làm gián quan để phấn khởi người dám nói; 12. Nới nhẹ sức dân để thỏa tình mong đợi; 13. Ra hiệu lệnh cho tin để thống nhất tâm chí bốn phương; 14. Cẩn thận pháp độ để mở thịnh trị đời thái bình (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 776).
Trước khi dâng lên 14 điều về việc trị bình, Lương Đắc Bằng bày tỏ: “Nếu thần không nói, tiến lui theo chiều, hèn kém như người khác dựa dẫm lấy lộc thì đạo trung hiếu của người làm tôi đôi đường đều thiếu cả, lấy gì báo đáp lại ơn đức của bệ hạ, mà hết được chức vụ của kẻ làm tôi. Thần mỗi khi nghĩ đến thời sự, suốt đêm không ngủ, đến bữa không ăn…”. Lê Tương Dực tuy “nghe theo” nhưng không thực hiện. Chỉ ít năm sau, nhà Lê lại rơi vào khủng hoảng khi Lê Tương Dực bị giết (1516), Lê Chiêu Tông lên thay. Thấy chính sự đã ở thời mạt, chán chốn quan trường…, Lương Đắc Bằng theo lối người xưa: “Tiến vi quan, thoái vi sư” (cáo quan về quê dạy học).
Ngưỡng mộ tài năng của nhà khoa bảng; sự cương trực, thanh liêm, tâm huyết của một vị đại quan dám từ bỏ vinh hoa phú quý “Danh lợi lâng lâng gió thổi hoa”, sĩ tử khắp nơi kéo đến theo học ông rất đông. Nhiều học trò của danh sư Lương Đắc Bằng sau này đã trở thành những nhà khoa bảng, những danh nhân văn hóa của đất nước như: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thừa Hưu, Đinh Bạt Tụy… trong đó Nguyễn Bỉnh Khiêm sau đỗ Trạng nguyên, làm Lại bộ Thượng thư nhà Mạc, tước Trình Quốc Công (người đời vẫn gọi là Trạng Trình).
Không còn nghi ngờ gì nữa, Lương Đắc Bằng là nhà khoa bảng tài năng; một đại quan cương trực, thanh liêm, tâm huyết; một người thầy mẫu mực đã đào tạo nên nhiều học trò giỏi được sử sách nước nhà ghi nhận. Ông tuy không gặp thời nhưng tiếng nói bậc danh sư trước nỗi đau tình đời, vận nước hơn 500 năm trước vẫn còn đó với muôn thuở non sông.
THANH HÀ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 480, tháng 11-2021