Khám phá vẻ đẹp Áo dài ngũ thân

Mấy năm gần đây, có nhiều sự kiện tôn vinh Áo dài ngũ thân nói riêng và Áo dài Việt nói chung nhằm góp phần giữ gìn, phát huy, khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc qua chiếc áo dài, đồng thời hướng tới ghi danh Áo dài là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, làm cơ sở để lập hồ sơ trình UNESCO ghi danh. Áo dài Việt là một phần trong chiến lược xây dựng thương hiệu văn hóa quốc gia, trong phát triển kinh tế lâu dài, ổn định và bền vững.

 

 

Nguyễn Trần Trung Hiếu, một chàng trai 9X đam mê may Áo dài xưa, sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ:

Áo dài xưa hay Áo dài nay đều sinh ra trong một hoàn cảnh lịch sử - xã hội và mang theo quan điểm thẩm mỹ thời đó. Tuy nhiên, Áo dài xưa ý nghĩa hơn, tinh tế hơn, thể hiện được cái đẹp mà không cần phô trương đường cong cơ thể. Áo dài xưa đẹp ở chất liệu (vải vóc, tơ lụa), ở kỹ thuật may có từ hàng trăm năm. Hiếu bảo: may áo dài khó nhất là phải chọn chất liệu cho đúng. Đó phải là tơ tằm Việt Nam thực sự, chất lượng không được pha tạp, pha trộn chất liệu khác và phải đảm bảo một số đặc tính vật lý khác... Song hiện nay tơ tằm lại chủ yếu phục vụ nhu cầu trang phục hiện đại.

 

Cô hướng dẫn viên du lịch xứ Huế mang tên loài hoa Thiên Lý nói:

Hồi đầu, em mới mặc Áo dài ngũ thân thấy nó cứ kỳ kỳ, sao sao ấy. Về sau, khi đã hiểu ý nghĩa và nguồn gốc Áo dài thì lại yêu nó.

Áo dài ngũ thân mà mọi người đang mặc ở đây là trang phục có từ thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát ở xứ Đàng Trong. Áo dài ngũ thân gồm hai loại: Áo Tấc hay còn gọi là áo ngũ thân tay phụng, áo lễ, áo thụng được mặc cùng với quần dài, che thân từ cổ qua khỏi đầu gối; Áo Tay chẽn có thân áo cũng tương tự như Áo Tấc nhưng ống tay hẹp và tay áo dài đến quá cổ tay.

Tà áo dài ngũ thân như tên gọi gồm 5 thân áo, 2 vạt trước, 2 vạt sau may rất khéo, phải tinh mắt mới nhận ra tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu”, tà áo con ẩn sau tà trước, đại diện cho người con. Năm chiếc cúc áo tượng trưng cho ngũ thường: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín - những luân thường, đạo lý đã được xác lập.

Khoác lên người tà áo ngũ thân, phải giữ trọn đạo lý.

 

 

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt là người gắn bó với chiếc Áo dài. Anh là một trong những người liên tục cổ súy không biết mệt mỏi cho tà áo dài Việt từ việc thường xuyên mặc nó không chỉ trong các dịp lễ lạt mà ngay cả trong đời thường.

Theo anh Bình, chiếc Áo dài nam truyền thống của dân tộc Việt chứa đựng nhiều yếu tố thẩm mỹ, thể hiện sự khiêm tốn, giản dị. Vẻ đẹp thẩm mỹ thể hiện ở nhiều yếu tố về cách may, cách mặc và vấn đề tạo hình từ những đường lượn, từ cổ tay chẽn khác với các trang phục khác. Cách mặc rất tinh tế, mặc áo trắng bên trong hở cổ trắng ra để sáng mặt, mặc quần trắng, đầu phải quấn khăn đen. Áo dài đàn ông Việt nếu may đúng kiểu không luộm thuộm, màu sắc sang trọng nằm bên trong, không phô ra bên ngoài (áo đen, lớp lót bên trong có màu sắc).

Chùm ảnh dưới đây chụp tại nhiều điểm di tích ở Huế từ cung An Định, Thành nội, chùa Thiên Mụ, nhà vườn An Hiên… và đêm trình diễn áo dài chào mừng Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII, tháng 11.2021. Được biết, dự án Huế - Kinh đô Áo dài đang được tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai ở xứ Huế mộng mơ.

 

 

NGUYỄN THANH HOÀNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 486, tháng 1-2022

;