Hằng năm, khi tiếng chim pricoh hót líu lo và hoa lan đua nở khắp núi rừng là báo hiệu mùa xuân lại về trên dãy Trường Sơn. Những năm trước đây, người Cơ Tu thường ăn cái Tết riêng của đồng bào, tức là Tết “ăn mừng cơm mới” sau mỗi vụ mùa. Mươi năm trở lại đây, Tết cổ truyền của người Kinh đã trở thành cái Tết chung cho người Cơ Tu. Tuy nhiên, người Cơ Tu vẫn giữ được nét văn hóa ngày Tết riêng biệt của dân tộc mình.
Khi công việc nương rẫy tạm xong, lúa, ngô đã được phơi khô cất vào nhà kho, đồng bào Cơ Tu lục tục rời những nhà tạm trông rẫy ở trong rừng để về làng chuẩn bị sắm Tết, đón Tết. Ngày nay, cùng ăn Tết với người Kinh, đồng bào Cơ Tu cũng mua sắm thêm bánh trái, bia lon, gói bánh tét, bánh chưng, làm chả… trước để cúng Yàng, sau để ăn và đãi khách quý. Nếu có dịp đến bản làng Cơ Tu trong dịp Tết, dẫu quen hay lạ, bạn cũng được bà con mời vào nhà Gươl hay nhà riêng để đãi những món ăn truyền thống ngon, lạ và thưởng thức những ly rượu nếp than, rượu tà vạt đặc biệt thơm ngon. Lời khuyên chân thành là bạn không nên từ chối bởi có thể làm phật ý đồng bào vào năm mới.
Già làng Phạm Văn Crới (68 tuổi, trú tại thôn Ban Mai, xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) cho hay, ngày Tết, người Cơ Tu ưu tiên chuẩn bị các món ăn truyền thống và các loại rượu ngon. Để có những ché rượu cần thơm ngon phải dùng loại nếp huyết có màu đỏ thẫm đồ lên, ủ với men rượu được làm bằng bột gạo trộn với các loại lá rừng, củ riềng… hong khô trên giàn bếp. Có nơi, đồng bào chế biến rượu cần bằng sắn. Để rượu có màu đẹp, sắn củ được gọt vỏ để 2, 3 ngày cho thâm rồi mới nấu chín để nguội, rắc men, trộn với trấu, cho vào gùi đã được lót lá chuối rồi phủ một lớp trấu xuống đáy cỡ 10cm. Gùi này được để gần bếp lửa, sau 3 hoặc 4 ngày sẽ bốc lên mùi thơm, sau đó đổ ra nong, nia cho nguội rồi cho vào ché đã được lót một lớp trấu dày. Trên miệng ché rượu, người ta lại cho một lớp trấu dày khoảng 10 cm. Trấu có chức năng giữ cho ấm rượu, đảm bảo sự lên men, đồng thời giữ cho bã sắn không theo cần vào miệng người hút rượu.
Theo già làng Đinh Văn Bớt (75 tuổi, trú thôn Tà Lâu, xã Ba, huyện Đông Giang) trước Tết, ngoài việc ủ rượu, người Cơ Tu còn lo giã nếp, gạo, và hái lá đót để gói bánh cuốt (còn gọi là bánh sừng trâu). Tuy lá đót có diện tích hạn chế, nhưng khi đem gói bánh tro hoặc sừng trâu thì từ bánh tỏa ra hương vị hoang dã của núi rừng hòa quyện với hương nếp, ai đã một lần ăn đều khen ngon và không thể nào quên. Dường như khi gặp nếp, lá đót tiết ra một chất men tạo cho bánh có hương vị đặc biệt, thơm ngon mà các lá khác không thể có được. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà người Cơ tu xưa chọn lá đót để gói bánh cuốt.
Ngày Tết, đồng bào còn có món ăn rất hấp dẫn là cho tất cả các loại thịt vào nấu nhừ hay nấu đông (t’tấr) rồi nêm gia vị vừa ăn, để nơi thoáng mát vài ngày. Khi ăn, chỉ cần xắt thành từng miếng dọn ra đĩa hay lá chuối. Món này mềm nên người già Cơ Tu rất thích bởi hai hàm răng người già “cái rụng cái lung lay”. Trước Tết độ một tuần, đồng bào thường đánh cá tập thể ở những con sông lớn bằng cách ngâm các loại vỏ cây làm cá say hoặc đắp bờ, mở lối thoát cho nước cạn rồi bắt cá. Ở các suối nhỏ, phụ nữ và trẻ em xúc cá bằng vợt. Đàn ông Cơ Tu thường đánh, bắt cá ở các sông lớn, ngon nhất là cá liên (niêng), cá chình (zịng). Cá thường được nướng chín, rồi xông khô, bỏ vào ống nứa trên giàn bếp và cũng được chế biến như thịt khô. Ngoài ra, cá còn được nướng trong ống cho cháy ống, như được phơi, rồi để nguyên như vậy cho đến khi ăn.
Các loại thịt, cá nướng trong ống nứa (pr’hâr) cũng là món ăn phổ biến của người Cơ Tu trong dịp lễ, Tết. Cá được nướng trong ống cho đến khi cháy ống, cá khô như được phơi rồi để dành ăn dần. Thịt nướng trong ống cũng có hương vị hấp dẫn, nhất là bộ lòng trâu, bò, heo, dê làm sạch cho vào ống nấu, thịt cứng săn lại, khô, thơm ngào ngạt. Các phụ nữ Cơ Tu còn bắt cua (a’cặ, atam) ở suối gần nhà, trong các hốc đá. Cua bắt về được làm sạch, sau đó tách vỏ cua ra làm hai phần, cạo hết phần thịt riêng ra, nhét một ít đậu phụng và rau húng vào rồi đậy nắp vỏ lại, buộc chặt bằng dây lạt nhỏ, đặt tất cả những vỏ cua đó vào một cái rổ nhỏ để trên giàn bếp một đêm, hôm sau lấy xuống nướng ăn hoặc làm đồ nhắm với rượu, còn thịt cua thì kho, nấu ăn với xôi.
Trước Tết khoảng hơn 1 tháng, người Cơ Tu mang theo ngô khô, sắn khô… lên rừng chọn những vị trí thuận tiện để vãi xuống mặt đất nhằm thu hút chuột, sóc, chồn kéo về ăn ngày càng nhiều và béo mập. Trước Tết khoảng 10 ngày, họ tích cực mang bẫy kẹp lên vị trí này để gài bẫy bắt chuột rừng, sóc, chồn về dự trữ ăn Tết. Trung bình, mỗi người gài khoảng vài trăm bẫy. Mỗi ngày, từ sáng, họ lên rừng để thu hoạch chuột mắc bẫy. Có người “trúng mánh” được vài chục con chuột, sóc một lần đi thăm bẫy. Thịt các con vật đó được làm sạch và đặt trong cái nia nhỏ xông trên giàn bếp cho khô dần để chế biến các món ăn trong ngày Tết hoặc đãi khách quý.
Khi xuân về Tết đến, người Cơ Tu hay dùng cách lam để nấu các món ăn. Thức ăn cho vào ống nứa tươi, nướng chín. Không chỉ có cơm lam, chim lam hay cá lam mà món chuột lam (amó horzất) cũng có hương vị rất đặc trưng, hấp dẫn, bất ngờ. Ngày Tết, đồng bào Cơ Tu có thể chế biến nhiều món ăn từ chuột rừng xông khói như: chuột hầm chuối xanh, chuột xào măng, chuột nấu giả cầy, chuột nướng trực tiếp trên than hoa, chuột kho mặn dậy mùi thơm đầy quyến rũ… Cái ngon của các món ăn từ chuột rừng, sóc rừng không chỉ giữ được hầu như nguyên vẹn hương vị tự nhiên của đại ngàn mà còn mang đậm tập quán của các dân tộc trên dãy Trường Sơn hoang dã.
Món thịt chuột tươi, thịt sóc tươi… sau khi làm sạch, ướp các loại gia vị như muối, ớt, tiêu rừng kèm theo một số loại rau củ thái nhỏ như sắn, môn thục, bắp chuối, rau rớn... trộn vào nhau, sau đó lèn chặt trong các ống lồ ô hay ống nứa rồi đem nướng. Nướng xong, các ống thịt được đặt ngay ngắn trong gùi để dành ăn hoặc đãi khách trong những ngày Tết.
Già làng Clâu Blao (68 tuổi, trú thôn Voòng, xã Tr’hy, huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam) cho biết thêm, những ngày Tết, người dân Cơ Tu thường làm các món ngon đãi khách. Tiêu biểu có món zà rá, được xem là món ăn ngon miệng đặc trưng của người Cơ Tu. Món này bao gồm thịt rừng, cá, chim, ếch nhái… trộn với các loại rau, măng, ớt và một ít các loại gia vị được nhồi vào trong ống tre hoặc ống nứa tươi rồi nướng lên. Sau đó, dùng một cây gai song mây thọc vào cho nhuyễn thức ăn. Ngày Tết, bên chén rượu thơm nồng cùng với món zà rá mềm nhuyễn tỏa hương ngào ngạt, hấp dẫn, mọi người cùng chung vui ăn mừng cho một năm mới với nhiều may mắn, hạnh phúc.
Đêm giao thừa, đồng bào nấu cơm hoặc nấu xôi, thịt gà, cá suối, thịt rừng, đưa lên nhà Gươl để già làng và các đại diện gia đình cúng xin Yàng ban cho một năm mới được mùa, khỏe mạnh, bản làng yên vui, vật nuôi không bị chết... Ngày Tết, thanh niên có thể đi chơi từ chiều 30 đến mồng 3 Tết mới trở về. Những “sơn nữ” đi chơi Tết trong tấm váy thổ cẩm, cổ đeo nhiều vòng mã não đẹp, đi đến đâu cũng có nhiều ánh mắt si tình của những chàng trai trẻ đuổi theo vì mùa xuân là mùa trai gái Cơ Tu chọn để kết duyên chồng vợ.
Những ngày Tết, người già ngồi lại với nhau tại nhà Gươl vừa uống rượu, nhắm mồi vừa kể sử thi hay hát lý, nói lý về những phong tục tập quán tốt đẹp của người Cơ Tu từ xa xưa còn lưu lại cho đến bây giờ như khuyên bảo con cháu ăn ở hiếu thảo, luôn nhớ công ơn của Bác Hồ kính yêu, công ơn của ông bà, cha mẹ…
Mùa Xuân về cũng là mùa Tr’záo của người Cơ tu (Quảng Nam) sinh sống trên dãy Trường Sơn. Đối với đồng bào Cơ Tu, dù giàu hay nghèo, hằng năm vẫn duy trì tục Tr’záo (R’záo, Tà moòi…) với ý nghĩa thăm hỏi giữa cha mẹ với con gái hoặc anh em trai với chị em gái đã đi lấy chồng xa, tạo sự gắn kết tình cảm giữa hai nhà thông gia thêm bền chặt. Đây là một tập tục truyền thống tốt đẹp của đồng bào luôn được gìn giữ từ bao đời nay.
Bà Alăng Thị Đhướt (82 tuổi, trú thôn Pơrning xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) hướng đôi mắt về bàn thờ Bác Hồ kính yêu bộc bạch: “Nhờ có Bác Hồ, Đảng, Nhà nước, đồng bào Cơ Tu mới được an cư lạc nghiệp, được hưởng những thành quả như ngày hôm nay. Người Cơ Tu chúng tôi không có tục thờ cúng ông bà tổ tiên nhưng trên bàn thờ của mỗi gia đình hay nhà Gươl đều đặt ảnh, tượng Bác Hồ ở vị trí trang trọng để thờ Bác. Trên bàn thờ luôn có hoa quả, bát nước, nồi hương, chân đèn... Ngoài việc thắp hương nhang hằng ngày cho Bác Hồ, dịp lễ, Tết… dù ai có bận đến mấy cúng tranh thủ đến nhà Gươl để thắp hương cho Bác Hồ nhằm tưởng nhớ công ơn trời biển của Bác đối với dân tộc Việt Nam nói chung, đối với người Cơ Tu nói riêng. Đến nay, 100% hộ trong thôn có ảnh Bác Hồ đặt trang trọng giữa bàn thờ …”.
Già làng Đinh Văn Trí (75 tuổi, Chi hội trưởng NCT thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) chia sẻ, người Cơ Tu qua hai cuộc kháng chiến, dù gian khổ, hy sinh, mất mát rất nhiều, họ vẫn một lòng kiên trung đi theo Đảng, Bác Hồ, đi theo cách mạng, rất đáng trân trọng và tự hào. Thời gian qua, người Cơ Tu được sự quan tâm của các cấp, các ngành nên đời mức sống ngày càng cao, con cháu chúng tôi được học hành tử tế, nhiều em tốt nghiệp cao đẳng, đại học…; 100% nhà cửa được xây kiên cố, 100% điện, nước đầy đủ, không còn hộ đói, hộ nghèo từng bước được xóa; ngành Y tế luôn quan tâm chăm lo sức khỏe cho đồng bào, ngày Tết được các cấp, các ngành tặng tiền, quà rất chu đáo… Đó là nhờ có Đảng, Nhà nước và Bác Hồ, đồng bào Cơ Tu mới an cư lạc nghiệp và được hưởng những thành quả phát triển, ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay.
Mùa xuân lại về trên dãy Trường Sơn với màu xanh bát ngát của rừng trồng. Những căn nhà lụp xụp ngày nào được thay thế bằng những ngôi nhà Đại đoàn kết, nhà Tình nghĩa ẩn hiện trong các vườn cây ăn quả. Những con đường nắng bụi, mưa bùn nay đã được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp. Ban đêm ánh điện sáng ngời, người già vừa đan gùi vừa xem tivi, phụ nữ ngồi dệt thổ cẩm, trẻ con ê a học bài, cảnh tượng rất ấm cúng. Những thành quả đó là nhờ ý thức vươn lên từ nội lực của đồng bào Cơ tu và sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương để mang lại một mùa xuân ấm no, hạnh phúc cho đồng bào trên dãy Trường Sơn.
TIÊN SA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 486, tháng 1-2022