Nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (15/3/1953 – 15/3/2023), Viện Phim Việt Nam (523 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) sẽ tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa. Các chương trình sẽ diễn ra từ ngày 12-3, cụ thể: Triển lãm “Dấu ấn 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam”, Chương trình chiếu phim chào mừng; Giới thiệu sách: “Áp phích phim điện ảnh Việt Nam theo dòng lịch sử”.
Ngày 15-3-1953, tại khu Đồi Cọ, Xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập “Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam” khai sinh Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Qua những chặng đường xây dựng và phát triển, Điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã đồng hành với từng giai đoạn lịch sử dân tộc, phản ánh chân thực và sinh động cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước của Nhân dân ta. Trong dòng chảy hơn 70 năm, nhiều thế hệ nghệ sĩ đã góp phần làm nên thành công của những bộ phim về đề tài chiến tranh Cách mạng, vừa mang giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật và thấm đẫm niềm tự hào dân tộc, vừa để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng.
Với chức năng lưu chiểu, lưu trữ phim và bảo quản các tư liệu điện ảnh, nghiên cứu lý luận, công nghệ điện ảnh, khai thác phổ biến các tư liệu điện ảnh theo quy định của pháp luật, Viện Phim Việt Nam mong muốn giới thiệu những tư liệu Điện ảnh tới các thế hệ khán giả, thông qua các hoạt động chào mừng “Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam”, nhằm khơi dậy truyền thống lịch sử, phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; ghi nhận và khẳng định những giá trị, thành quả cách mạng của đất nước, dân tộc ta, trong đó có nền điện ảnh Việt Nam trong suốt những năm qua. Nội dung các hoạt động cụ thể như sau:
* Triển lãm “Dấu ấn 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam” sẽ giới thiệu hơn 200 hình ảnh về những sự kiện, con người, tác phẩm điện ảnh tiêu biểu, góp phần phác họa nên diện mạo của nền điện ảnh nước nhà trong 70 năm qua. Triển lãm góp phần giúp người xem trong và ngoài ngành Điện ảnh hiểu thêm về lịch sử ngành, những thành tựu, giải thưởng danh giá mà môn nghệ thuật thứ bảy đã đạt được và những đóng góp của các thệ hệ nghệ sĩ đối với sự hình thành, phát triển của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Triển lãm gồm ba chủ đề:
Chủ đề 1: “Sự ra đời của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam” sẽ giới thiệu đến người xem những hình ảnh cơ sở, trang thiết bị, hoạt động sản xuất phim trong hai giai đoạn: Điện ảnh Bưng Biền và Điện ảnh Đồi Cọ; Hình ảnh - Sắc lệnh 147/SL ngày 15-3-1953 thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam và con dấu “Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam”.
Chủ đề 2: “Những tác phẩm tiêu biểu qua 22 kỳ Liên hoan Phim Việt Nam”, giới thiệu cho người xem hình ảnh các tác phẩm tiêu biểu được sản xuất trong ba giai đoạn: thời kỳ kháng chiến (1953-1975), thời kỳ thống nhất và xây dựng đất nước (1976-1985) và thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế (từ năm 1986 đến nay).
Chủ đề 3: “Vinh danh nghệ sĩ điện ảnh” là chân dung 75 nghệ sĩ điện ảnh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Thời gian và địa điểm tổ chức: Ở Hà Nội: từ ngày 13 đến 19-3 tại Rạp Ngọc Khánh (523 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội); Ở TP.HCM: từ ngày 23-3 đến 6-4 tại Trường Đại học Văn hóa (cơ sở 2, 288 Đỗ Xuân Hợp, Phước Long A, TP Thủ Đức).
* Chương trình chiếu phim chào mừng, sẽ giới thiệu đến người xem 4 bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam, đó là:
Chung một dòng sông - bộ phim điện ảnh chính kịch cách mạng Việt Nam năm 1959 sản xuất bởi Hãng phim truyện Việt Nam. Đây được coi là phim truyện đầu tiên của miền Bắc Việt Nam sau năm 1954 và cũng là bộ phim truyện đầu tiên của nền Điện ảnh cách mạng Việt Nam. Nội dung xoay quanh mối tình của Hoài và Vận – hai người sống ở hai bên bờ sông Bến Hải, là nơi trở thành giới tuyến tạm thời phân chia hai bờ Nam – Bắc Việt Nam… Với sự giúp đỡ của dân làng, Hoài đã thành công vượt tuyến sang bờ Bắc để gặp người yêu nhưng cô không ở lại mà trở về bờ Nam, cùng mẹ già và dân làng tiếp tục đấu tranh chống đế quốc và tay sai. Hạnh phúc của Hoài và Vận từ đó gắn liền với cả vận mệnh của dân tộc.
Bao giờ cho đến tháng Mười là bộ phim tâm lý, ra mắt lần đầu năm 1984. Đây không chỉ là một bộ phim thành công và kinh điển của điện ảnh Việt Nam những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, mà còn là 1 trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại. Phim kể về nhân vật Duyên mang trong mình nỗi đau khôn tả, khi biết tin chồng chị đã hy sinh. Trên thuyền trở về, chị đã bị ngã xuống sông và được thầy giáo Khang cứu sống. Duyên giấu chuyện chồng hy sinh với mọi người trong gia đình, đặc biệt là đối với người cha già đang có bệnh nặng. Để an ủi cha, Duyên nhờ Khang viết hộ những bức thư hỏi thăm gia đình như khi chồng chị còn sống. Những bức thư này đã mang lại niềm vui cho gia đình, nhưng nỗi đau thì một mình cô phải chịu đựng, nước mắt nuốt vào trong...
Bộ phim Mùa ổi được chuyển thể theo nội dung truyện ngắn Ngôi nhà xưa do chính đạo diễn Đặng Nhật Minh chấp bút. Bộ phim được ra mắt lần đầu vào năm 2000 tại Liên hoan phim quốc tế Locarno lần thứ 53. Phim kể về Hòa, trong một lần bị ngã từ trên cao và bị ngưng trí nhớ. Cuộc sống của Hòa từ đó về sau luôn chỉ dừng lại như một cậu bé ở tuổi 13. Trong căn hộ tập thể, Hòa là "người nhà" của tất cả các gia đình. Ai có việc gì cần nhờ, cứ "ới" một tiếng là Hòa có mặt và anh luôn làm những việc không công này một cách tận tình, dù rằng không ít người, vì thế, đã lạm dụng, xem Hòa như một kẻ để sai vặt. Chỉ riêng Thủy, em gái ruột của Hòa, là cảm thấy đau lòng. Song, điều khiến Thủy lo lắng hơn là Hòa thường lén về lại ngôi nhà cũ của gia đình, nơi Hòa đã ngã vì hái ổi. Ngôi nhà xưa vẫn còn đó, cây ổi vẫn còn kia nhưng đã thuộc về chủ mới... tất cả đều gợi dậy trong anh những ngày ấm êm tươi đẹp của tuổi thơ. Ở đó, anh có bố mẹ, có em gái và một không khí gia đình hạnh phúc.
Đừng đốt là một bộ phim theo dòng chính kịch lịch sử được sản xuất vào năm 2009. Phim được tạo dựng dựa trên hai quyển nhật ký nổi tiếng cùng tên của nữ bác sĩ – liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, được cô viết từ ngày 8-4-1968 đến ngày 20-6-1970. Phim xoay quanh các nhân vật: Chị Thùy- một nữ bác sĩ trẻ, làm việc tại một trạm xá quân y ở Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Dù công việc mệt mỏi nhưng cô không bao giờ nản chí, luôn vui vẻ yêu đời…; Mai - một người Việt Nam làm dâu đất khách. Chị nói rằng mình muốn qua đây để quên đi nỗi đau chiến tranh đã cướp gia đình mình, khi được cả nhà yêu cầu dịch hộ cuốn nhật ký mà Fred mang về từ Việt Nam. Dù vậy, sau khi đọc thì chị thấy hoàn toàn ngược lại với những gì mình nghĩ, một tinh thần thanh cao, ý nghĩ trong trẻo của người nữ chiến sĩ có cái tên rất đẹp như chính tâm hồn của mình – Đặng Thùy Trâm; Frederic (Fred) lúc trẻ: khi thấy cuốn nhật ký từ tay Huân – người lính Việt Nam cộng hòa, anh định đem đốt đi thì Huân nói một câu làm Fred nhớ suốt cả đời: "Đừng đốt, vì trong đó đã có lửa'', cũng là câu nói được lấy làm tựa phim...
Thời gian chiếu phim: 9 giờ các ngày từ 13 đến 16-3-2023, tại Rạp Ngọc Khánh, 523 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội; miễn vé xem; lịch chiếu phim cụ thể: Ngày 13-3: Chung một dòng sông; Ngày 14-3: Bao giờ cho đến tháng Mười; Ngày 15-3: Mùa ổi; Ngày 16-3: Đừng đốt.
* Giới thiệu sách: “Áp phích phim điện ảnh Việt Nam theo dòng lịch sử” (Tập 1: 1953-2000). Cuốn sách giới thiệu tới bạn đọc hơn 200 áp phích ở các thể loại: phim truyện, phim tài liệu và phim hoạt hình được sản xuất từ năm 1953 đến 2000. Các Áp phích được giới thiệu trong sách được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau và hiện đang lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam.
Có thể nói, Áp phích phim không chỉ là những bức tranh đơn thuần, mà nó còn mang một đời sống nghệ thuật riêng như những tác phẩm mỹ thuật. Nó chính là phương thức truyền tải đến người xem phim những thông tin cơ bản và đầy đủ về tinh thần của bộ phim, qua đó thể hiện sự tiêu biểu cho một giai đoạn điện ảnh, đồng thời nâng cao hiệu quả quảng bá, góp phần không nhỏ vào thành công của mỗi bộ phim khi công chiếu rộng rãi.
Ban Biên soạn mong muốn qua cuốn sách này sẽ giới thiệu về lịch sử Điện ảnh Việt Nam từ một góc nhìn khác, đồng thời cuốn sách cũng là lời tri ân tới những nghệ sĩ thầm lặng phía sau màn ảnh, ghi nhận đóng góp của các thế hệ họa sĩ thiết kế điện ảnh trong thành công của mỗi tác phẩm điện ảnh nói riêng cũng như sự phát triển của nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam nói chung.
Những áp phích này chưa thể nói là đầy đủ để phản ánh được một chặng đường dài phát triển của điện ảnh Việt Nam, nhưng nó sẽ là những miếng ghép giúp bạn đọc hình dung về con đường của điện ảnh Việt Nam một cách hoàn chỉnh hơn.
NGỌC BÍCH