Ngày 6-3, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức chương trình Nghệ thuật đặc biệt “Lời Người - Ánh dương dẫn lối” kỷ niệm 75 năm Công an Nhân dân học tập, thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy, 75 năm ngày truyền thống xây dựng lực lượng Công an Nhân dân (11/3/1948 – 11/3/2023).
Chương trình được Tổng đạo diễn, biên đạo múa Tuyết Minh kết cấu thành ba phần chính. Phần một là Dưới bóng cây cách mạng, gợi lại chặng đường lịch sử và sứ mệnh người công an cách mạng từ bức thư Bác Hồ gửi đồng chí Hoàng Mai năm 1948 với sáu điều dạy tư cách người công an nhân dân đã dẫn đường cho Lực lượng xây dựng và trưởng thành… gây ấn tượng hào hùng, tạo được cảm tình với người xem. Phần hai được trích những đoạn chính trong vở Nhạc Vũ Kịch Vinh quang trên vai những người anh hùng và phần cuối là Lời Bác ánh dương dẫn lối, gồm các nhạc phẩm nổi tiếng cùng phóng sự phỏng vấn các giáo sư, nhà nghiên cứu khoa học trong lực lượng Công an, những tấm gương trong đấu tranh phòng chống tội phạm tại các điểm nóng, vị trí chiến lược về an ninh…; phản ánh sự chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, hội nhập của Công an nhân dân trong nước và quốc tế, sứ mệnh và hình ảnh của Công an nhân dân nói riêng, hình ảnh đất nước con người Việt Nam nói chung với bạn bè quốc tế, qua việc công an Việt Nam có mặt tham gia vào nhiều sự kiện nhân đạo như cứu nạn sau thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ…
Cảnh trong vở Nhạc Vũ Kịch "Vinh quang trên vai những người anh hùng"
Đáng chú ý chính là ở phần 2, với các trích đoạn chủ đạo của vở Nhạc Vũ Kịch Vinh quang trên vai những người anh hùng, ca ngợi hình tượng những người Anh hùng lực lượng Công an Việt Nam đã sống, chiến đấu, hy sinh theo sáu điều Bác Hồ dạy trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Hình tượng cố Đại tá Tô Quyền cùng những người anh hùng bất tử Võ Thị Sáu, Bùi Thị Cúc, Nguyễn Thị Lợi, Bửu Đóa, Phan Văn Viêm… được khai thác ở góc độ con người của đời thường, bình dị mà lớn lao, trở thành hình tượng nghệ thuật phản ánh những phẩm chất cao quý, tinh thần quật cường của lớp lớp chiến sĩ an ninh, điệp báo đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đấu tranh giành tự do, độc lập qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
Tổng đạo diễn Tuyết Minh chia sẻ: “Sứ mệnh của người nghệ sĩ, sức mạnh của nghệ thuật là lan tỏa những tấm gương, ngợi ca những hình tượng anh hùng, những giá trị truyền thống, nhân văn của dân tộc gửi tới cho thế hệ hôm nay và mai sau được tiếp nhận suối nguồn năng lượng dòng dõi ấy. Tôi có niềm tin Vinh quang trên vai những người anh hùng, sự bất tử của những người anh hùng như: chị Võ Thị Sáu, Bùi Thị Cúc, Nguyễn Thị Lợi, Bửu Đóa, Phan Văn Viêm, Đại tá Tô Quyền sẽ chạm vào trái tim người thưởng thức với xúc cảm đa chiều giàu suy tưởng, dẫn chúng ta hướng tới những hành động phi thường, là phép thử để những phẩm chất thiện lành, lòng bi mẫn trong mỗi tâm hồn được thắp sáng, làm nên nhân cách, đạo đức của con người”.
Màn mở đầu là cảnh không gian bảo tàng, một lớp Học viên Học viện An Ninh đang tới Bảo tàng tham quan. Qua những ca từ, động tác, tuyến tính của múa, các nghệ sĩ đã thể hiện nội dung chiến sĩ công an thực hiện sáu điều Bác dạy, noi theo “Sống anh dũng, chết vẻ vang" sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, cho sự hạnh phúc bình yên của nhân dân… Những tấm gương của các chị Võ Thị Sáu, Bùi Thị Cúc, Nguyễn Thị Lợi trong kháng chiến chống Pháp, đã được ngợi ca.
Màn thứ hai đưa chúng ta về với thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ, mô tả chiến dịch đột kích quy mô lớn của quân địch hòng biến Tây Ninh, đặc biệt là vùng sông Vàm Cỏ trở thành vùng trắng, âm mưu phá hủy căn cứ Trung ương Cục miền Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tây Ninh trở thành chiến trường ác liệt nhất, nơi đối đầu giữa lực lượng của ta và địch.
Cảnh trong vở Nhạc Vũ Kịch "Vinh quang trên vai những người anh hùng"
Màn ba là Cảnh dòng sông chết. Đúng thời điểm gian khó nhất, khi những cánh rừng trắng xóa hóa chất, đồng bào và chiến sĩ tổn thất rất lớn vì sự thâm độc của giặc thì đồng chí Tô Quyền cùng lực lượng vũ trang Công an nhân dân Việt Nam được điều động tăng cường vào chi viện, bơi qua dòng sông Vàm Cỏ. Nhiều hình ảnh được tái hiện để ca ngợi những hy sinh, khắc phục mọi khó khăn với tinh thần bất khuất của đồng chí Tô Quyền và các chiến sĩ công an… đã khắc sâu vào tâm trí người xem.
Màn bốn có tên Trong lòng địch, biên đạo Tuyết Minh đã sử dụng nghệ thuật múa và lời thoại kịch để mô tả một cuộc họp kín của tổ điệp báo hoạt động trong ấp chiến lược. Đồng chí Tô Quyền đã chỉ đạo anh em trinh sát vũ trang quyết tử với Gò Dầu dù có phải đến người cuối cùng, bản thân từ chối hầm an toàn mà trực tiếp lên chiến tuyến cùng anh em.
Màn thứ năm là Khoảng lặng, khắc họa tình cảm vợ chồng, cha con của đồng chí Tô Quyền, chỉ nhờ vào những cánh thư mong manh để giao lưu nhưng vẫn thấy rõ sự chăm chút, yêu thương. Lời hẹn ước của người ở nơi chiến tuyến thật xúc động: Anh và đồng đội bước vào trận đánh mới, nhất định anh sẽ sớm trở về… Chờ anh, em nhé!
Màn sáu với chủ đề Quyết tử giữ Gò Dầu. Múa đóng vai trò chủ đạo để tạo không gian đa chiều, biến chuyển theo diễn xuất của các nhân vật kịch. Diễn biến trận chiến rất khốc liệt và qua những chỉ đạo tại chỗ, kịp thời và quyết liệt của đồng chí Tô Quyền được tô đậm. Vượt qua bao đau thương mất mát, cuối cùng thì cuộc chiến Gò Dầu quân ta đã toàn thắng! Âm nhạc trào dâng trong giọng đọc thơ chúc Tết năm 1969 của Bác Hồ: Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn.
Vở Nhạc Vũ Kịch Vinh quang trên vai những người anh hùng để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người xem về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân vì nước, vì dân.
CAO NGỌC