Về Tây Nguyên tháng Ba

 

Mấy chục năm rời làng ra phố là cũng ngần ấy năm tôi rời xa mảnh đất Tây Nguyên thân thương. Ngoảnh đi ngoảnh lại, tháng Ba đã bên hiên nhà. Không hiểu sao cứ mỗi độ tháng Ba sang, tôi lại nhớ nao lòng màu hoa cà phê trắng muốt bạt ngàn nở rộ. Hình ảnh đó lúc nào cũng đầy ắp trong tâm trí của tôi. Thu xếp công việc, tôi leo lên xe về lại quê nhà để thỏa thuê cái thú hít hà hương thơm loài hoa cà phê dân dã, gần gũi, gắn bó thăng trầm bao nhiêu năm tháng của đời người.

Tây Nguyên của tôi mùa này với những triền đồi, lớp lớp cây cà phê đang trổ bông hoa trắng tinh khôi. Tôi có cảm tưởng dường như chúng đợi tháng Ba để đồng loạt bung nở. Chẳng rực rỡ, kiêu sa, chỉ khiêm nhường cánh mỏng với một màu trắng tinh khôi, hoa cà phê không chỉ dâng mật ngọt mà còn kết trái thơm cho đời bằng vị đắng dịu êm đầy mê hoặc không thể lẫn vào đâu được. Búp hoa cà phê trước khi chuẩn bị nở mang một màu xanh nhẹ nhàng. Độ chừng vài ba ngày sau đó, những búp hoa xanh nhạt mới bung nở hết sức, kết nên một mùa hoa cà phê Tây Nguyên trắng mênh mông cả một vùng đồi. Và cũng chính thời điểm này, hoa bung hương mạnh mẽ và ngọt ngào nhất. Những người bạn vui tính của tôi còn ví von đồi hoa cà phê như một núi tuyết khổng lồ. Vì nếu đứng từ xa, phóng tầm mắt nhìn, cả triền đồi cà phê chỉ có mỗi sắc trắng, như một dãy núi được phủ kín bởi tuyết. Cành của cây cà phê xếp theo tầng và hoa mọc trên từng cành, điều đó khiến người ta cảm tưởng như cây nào cây nấy đều có những bông tuyết đang bám trụ. Hoa cà phê chỉ độc mỗi màu trắng nhưng lại khiến người ta mê mẩn không rời. Nếu đến gần thì trông chúng như một đóa cúc trắng đại. Người lãng mạn chọn cách thưởng thức hoa cà phê đứng nhìn từ phía xa xa.

Tây Nguyên tháng Ba đất trời mát mẻ, thời tiết rất dễ chiều lòng người. Những ngày này, thật lý tưởng khi được ngồi ở một quán cà phê gần triền đồi, phóng mắt nhìn ra bạt ngạt hoa cà phê đang nở. Hương thơm của giọt cà phê đậm đà quyện lẫn mùi thoang thoảng của hoa cà phê níu giữ hồn lữ khách say đắm. Trong âm hưởng của tiếng nhạc du dương, từ một bản làng xa xôi nào đó vọng lại tiếng cồng chiêng ngân lên da diết. Không gian văn hóa cồng chiêng là di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc nơi đây. Tôi mường tượng ra các lễ hội trong năm từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho… như được kết nối lại với nhau. Những ngôi nhà dài truyền thống nằm trên lưng chừng dốc, các cô gái M’Nông chăm chỉ ngồi dệt vải. Tôi thường đắm mình trong những buổi chiều tà, hoàng hôn hắt lên sườn đồi. Trong giây phút đó, tôi tham lam như muốn ôm trọn cả Tây Nguyên của tôi vào lòng, muốn tan chảy cùng với những câu thơ, lời bài hát, với đất trời Tây Nguyên hùng vĩ…

Đi giữa đất trời Tây Nguyên, giữa bạt ngàn hoa cà phê trắng muốt, trong đầu tôi bắt đầu nảy nở những yêu thương, những âu lo thường nhật vội vàng tan biến. Và tôi bỗng nhiên thấy thanh thản lạ kỳ. Nhìn những chú ong mật đang cần mẫn hút từng giọt mà lòng mình rộn ràng một niềm vui. Thấp thoáng xa xa là bóng những người dân tần tảo đang chăm sóc tỉ mẩn những cây cà phê để cho ra đời những ly cà phê thơm ngon, mang đặc sản đi khắp muôn nơi thấy quê mình thật đẹp!

Về Tây Nguyên tháng Ba là về lại những gì thân thuộc, về nơi mảnh đất đã nuôi nấng tôi lớn lên thành người; về với mùa hoa cà phê trắng muốt, nơi có tiếng cười rộn ràng của người dân một nắng hai sương đang chờ đợi một vụ mùa trước mắt.

 

NGUYỄN VĂN CHIẾN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 528, tháng 3-2023

 

;