Vai trò của cốt truyện trong một số loại hình nghệ thuật

Tác phẩm nghệ thuật bao gồm nhiều yếu tố, nhiều thành phần được kết cấu theo một hệ thống, trong đó, cốt truyện được quan niệm là một yếu tố thuộc nội dung tác phẩm. Cốt truyện là phương tiện bộc lộ tính cách, bộc lộ mối quan hệ giữa các nhân vật. Mặt khác, cốt truyện bao gồm những sự kiện và mỗi sự kiện là một cột mốc nhằm khái quát những xung đột của đời sống xã hội. Thông qua cốt truyện, tác giả khái quát hóa những xung đột xã hội và loại bỏ những yếu tố ngẫu nhiên; đồng thời thể hiện tâm hồn, tình cảm của mình. Bài viết tập trung phân tích vai trò của cốt truyện trong một số loại hình nghệ thuật như: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, phim truyện điện ảnh…

Ngành tự sự học coi cốt truyện là một trong những yếu tố cơ bản để tìm ra cấu trúc tác phẩm văn xuôi, là mắt xích cơ bản, tất yếu, kết cấu nên tác phẩm tự sự. Có thể ví cốt truyện cũng như một hạt giống, khi gieo xuống đất, nhờ tác động của nước, độ ẩm, không khí và môi trường, hạt giống nảy mầm, phát triển thành cây.

M.Gorki định nghĩa: “Cốt truyện là lịch sử phát triển và tổ chức của tính cách này hay tính cách khác”. Như vậy, cốt truyện phải lấy tính cách nhân vật để xây dựng. Tác giả không nên lấy sự hấp dẫn của sự kiện để thay thế vai trò của tính cách nhân vật trong việc xây dựng cốt truyện.

Bàn về cốt truyện, mỗi nhà nghiên cứu đều đưa ra những định nghĩa khác nhau, nhưng cùng chung một điểm cho rằng: hệ thống sự kiện là nòng cốt của cốt truyện. Sự kiện trong cốt truyện không những phản ánh những xung đột của đời sống xã hội, mà còn có chức năng kết cấu nên tác phẩm. Quá trình xây dựng cốt truyện là quá trình xây dựng hệ thống nhân vật và hệ thống sự kiện trong một chỉnh thể thống nhất. Sự kiện trong cốt truyện phải tương xứng với nhân vật, là điều kiện quan trọng để nhân vật bộc lộ, phát triển tính cách.

Nhìn nhận lịch sử văn học nghệ thuật nói chung và tác phẩm văn xuôi nói riêng, chúng ta nhận thấy mối quan hệ giữa cốt truyện và nhân vật trải qua những chặng đường cơ bản. Ở chặng đường thứ nhất, cốt truyện quy định tính cách và tính cách được sử dụng để phục vụ cho việc triển khai sự kiện, biến cố của tác phẩm. Trong các truyện kể dân gian, tính cách nhân vật được hình thành như những gì đã có sẵn, và cốt truyện chỉ là hệ thống những sự kiện, biến cố để diễn dịch những tính cách ấy.

Phương thức tổ chức hệ thống sự kiện, biến cố bằng một khung cốt truyện đã định sẵn như ở thời kỳ đầu dễ làm cho cốt truyện mang tính công thức, chịu sự quy định của nhiều yếu tố ngẫu nhiên, tình cờ. Nhưng không vì thế mà chúng ta hạ thấp chất lượng nghệ thuật của thời kỳ đầu bởi đó là sản phẩm của thời kỳ lịch sử, biểu hiện nhu cầu thẩm mỹ, lý tưởng sống của một thời đại nhất định.

Ở chặng đường thứ hai, vai trò của cốt truyện và tính cách hoàn toàn thay đổi. Cốt truyện vẫn giữ vai trò quan trọng, nhưng nó không mang yếu tố quyết định tính cách, mà chỉ mang yếu tố lý giải tính cách. Nói như thế, không có nghĩa xem thường vai trò của cốt truyện, mà cần nhìn nhận rằng, đó là giai đoạn phát triển của cốt truyện. Truyện ngắn và tiểu thuyết là hai thể loại tiêu biểu nhất của dòng tự sự, và cốt truyện là yếu tố cơ bản của cấu trúc tác phẩm. Tuy nhiên, xuất phát từ đặc điểm thể loại, cốt truyện trong truyện ngắn và tiểu thuyết đều có những đặc trưng riêng. Truyện ngắn là thể loại tự sự cỡ nhỏ, dung lượng không lớn như tiểu thuyết. Vì vậy, cốt truyện trong truyện ngắn phải hết sức chặt chẽ, bảo đảm tính thống nhất cao. Cốt truyện trong truyện ngắn chỉ là lát cắt trong đời sống xã hội, chỉ xoay quanh một tình huống chủ chốt nào đó. Nếu nhà văn đặt quá nhiều vấn đề, câu chuyện sẽ bị loãng. Do đặc trưng truyện ngắn có dung lượng ngắn, muốn tạo được dấu ấn trong lòng độc giả, thì cốt truyện phải cô đọng, độc đáo.

Đồng hành cùng với truyện ngắn trong dòng văn xuôi, tiểu thuyết là hình thức tự sự cỡ lớn và không bị gíới hạn về độ dài văn bản. Cốt truyện trong tiểu thuyết không chỉ phản ánh sự kiện, thân phận của một vài nhân vật, mà còn tái hiện số phận, biến cố của cả một cộng đồng, một dân tộc và thời đại lịch sử. Tiểu thuyết phản ánh hiện thực một cách bao quát, sinh động trên cả bề rộng lẫn chiều sâu. Nghiên cứu cốt truyện trong tiểu thuyết sẽ góp phần lý giải được sự biến đổi, phát triển của thể loại văn xuôi tự sự.

Tiểu thuyết ở Việt Nam xuất hiện từ TK X-XII. Thời kỳ đầu chỉ là những truyện văn xuôi, truyền thuyết dân gian, và phải sang giai đoạn văn học đầu TK XX, ở Việt Nam mới có tiểu thuyết hiện đại. Tiểu thuyết Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn học phương Đông truyền thống và phương Tây. Sự giao thoa đó không chỉ là yếu tố tất yếu, mà còn tạo nên những nét riêng của nền văn học Việt Nam. Cốt truyện trong tiểu thuyết hiện đại bỏ qua kiểu kết cấu chương hồi, lấy thời gian làm thứ tự để xây dựng tình tiết và thời gian của sự kiện được đảo lộn. Độc giả có thể biết kết quả từ đầu truyện, từ đó, trong quá trình đọc, độc giả luôn tò mò suy ngẫm và không còn chú ý đến trình tự thời gian nữa.

Tiểu thuyết Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám như: Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan…, cốt truyện được xây dựng theo một chuỗi biến cố nhất định, xoay quanh số phận lịch sử của một nhân vật và kết cấu theo lối đơn tuyến. Từ đó đến nay, cách kết cấu và xây dựng cốt truyện được mở rộng với nhiều tuyến nhân vật, ở nhiều bình diện khác nhau. Tiểu thuyết Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi, những tuyến nhân vật được đan chéo vào nhau. Mỗi sự kiện trong cốt truyện đều được thông qua nhân vật để phản ánh đời sống xã hội đương thời.

Bản chất của tiểu thuyết không phải là thể loại ghi chép tường thuật, mà lấy chất liệu từ đời sống để sáng tạo nên một hiện thực mới thông qua hư cấu nghệ thuật. Cốt truyện của tiểu thuyết không chỉ đề cập đến một con người, mà còn đề cập đến nhiều dạng người và nhiều cảnh ngộ khác nhau. Tất cả những sự kiện, những con người đó phải được tổ chức, sắp xếp trong một chỉnh thể thống nhất của cốt truyện. Hiện thực của đời sống đã cung cấp khá phong phú chất liệu, nhưng không cung cấp nguyên mẫu cho một cốt truyện hoàn chỉnh của cuốn tiểu thuyết.

Cùng với các yếu tố khác trong tác phẩm văn học (ngôn ngữ, nhân vật, kết cấu…), cốt truyện trong tiểu thuyết và truyện ngắn đã trải qua những chặng đường lịch sử phát triển khác nhau. Nếu không nghiên cứu nguồn gốc của cốt truyện thì sẽ không lý giải được những vấn đề đang đặt ra về việc xây dựng cốt truyện trong các tác phẩm tự sự.

Song song với các loại hình nghệ thuật, kịch cũng là một thể loại văn học có những đặc trưng riêng trong cấu trúc cốt truyện và trong phương thức biểu hiện. Cốt truyện kịch là cái gốc để tạo nên thành công của vở diễn. Đặc trưng của kịch, không thể thoát ly bởi cái không gian nhỏ hẹp của sân khấu và sự giới hạn thời gian, không gian hoạt động của nhân vật. Vì thế, cốt truyện kịch phải mang tính chất khái quát cao, với hệ thống sự kiện và hệ thống nhân vật tương xứng.

Cốt truyện kịch diễn ra bằng ngôn ngữ đối thoại, nếu có độc thoại cũng là nhân vật đối thoại với chính mình. Cũng do giới hạn của vở diễn nên cốt truyện kịch phải dồn nén, tập trung hơn. Một vở diễn trở nên hấp dẫn đối với người xem, nếu cốt truyện kịch phải toát lên “tiếng nói” của số phận con người.

Cốt truyện Quan Âm Thị Kính là một trong những tác phẩm thành công trong việc xây dựng tình huống truyện. Hành động Thị Kính cầm dao cắt râu cho chồng là Sùng Thiện Sĩ và bị vu oan mưu sát chồng. Tình huồng này là sự kiện thắt nút mở màn cho cuộc đời đầy nỗi oan ức của Thị Kính. Từ đó, Thị Kính bị đuổi ra khỏi nhà, bèn giả làm trai để đến tu ở chùa.

Tìm hiểu về nghệ thuật viết kịch, cần phải nghiên cứu kỹ những vấn đề lý luận về xây dựng cốt truyện kịch. Đối với tiểu thuyết, tác giả có thể đứng ngoài để miêu tả nhân vật, sự kiện và kéo dài hàng chương, còn vở kịch thì không thể như vậy. Cốt truyện kịch phải tập trung vào những tình huống tạo nên những xung đột xã hội, buộc nhân vật phải hành động bộc lộ tính cách. Điều làm nên sự hấp dẫn khi xem xong một vở kich, đó là khán giả như cảm thấy mình vừa đọc xong một cuốn tiểu thuyết.

Nếu nói thể loại trữ tình phản ánh nỗi niềm cái tôi của tác giả; tự sự mô tả hiện thực khách quan của cuộc sống; kịch phát hiện những mâu thuẫn xung đột của sự vật và thân phận con người thì điện ảnh là sự giao duyên giữa ba thể loai: trữ tình, tự sự và kịch. Câu chuyện kịch được thể hiện thông qua những biến cố và lời đối thoại của nhân vật; tính tự sự trong kịch được thể hiện trong câu chuyện ấy, tính trữ tình nằm trong lời đối thoại. Đặc biệt, điện ảnh đã thống nhất được trong nó cách kể chuyện của văn học, tính biểu trưng của sân khấu và không gian tạo hình ba chiều của hội họa.

Phương thức truyền đạt của điện ảnh là truyện kể, như một bức thư, một thông điệp chắt lọc từ cuộc sống gửi đến khán giả. Mỗi hình ảnh trên phim là một bức tranh sống động của thế giới hiện thực được khái quát hóa từ những con người, những nhân vật cụ thể. Mặt khác, hình ảnh trên phim còn mang ý nghĩa ẩn dụ, tượng trưng được ghi lại từ chiếc máy quay, thông qua nghệ thuật chiếu sáng, âm thanh, dựng phim (montage)… để tạo thành một câu chuyện có đầu, có cuối.

Trong tất cả các loại hình nghệ thuật, điện ảnh gần gũi với cuộc sống hơn cả. Tuy nhiên, sự gần gũi đó không có nghĩ là sao chép y hệt cuộc sống. Xét cho cùng, văn học nghệ thuật vốn là sự khái quát hóa cuộc sống, phản ảnh những sự kiện, thân phận của con người và thông qua đó bộc lộ cái thực chất được mô tả.

Cũng như một tác phẩm văn học, một bộ phim không thể tồn tại theo thời gian nếu như nó phản ánh cuộc sống một cách hời hợt, sáo rỗng. Sức hấp dẫn của một tác phẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tùy thuộc vào hình thức, nội dung thể hiện, nhưng một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng để tạo nên thành công của bộ phim - đó là cốt truyện.        

Việc xây dựng cốt truyện phải căn cứ vào đặc trưng của loại hình nghệ thuật. Cốt truyện phim phải gợi mở hình ảnh, được hợp thành bởi những trường đoạn, phần cuối của trường đoạn này là lực đẩy để phát triển trường đoạn sau. Mỗi trường đoạn phim như những mẩu truyện ngắn có kết cấu tương đối hoàn chỉnh, có hạt nhân kịch tính riêng nhưng lại liên kết chặt chẽ với nhau trong một chỉnh thể thống nhất.

Khái niệm về cốt truyện phim cũng gần gũi với khái niệm cốt truyện trong tác phẩm văn học. Cốt truyện là hình thức sáng tạo nghệ thuật dưới dạng sắp đặt, bố trí những sự kiện trong một mối liên hệ nhân quả. Từ đó, các nhân vật bộc lộ tính cách và tạo ra những tình thế mới.         

Điện ảnh ra đời đánh dấu sự khởi nguồn của bộ phim ngắn đầu tiên xây dựng theo cốt truyện. Người tưới vườn bị tưới (1895) của Lumiere miêu tả người đàn ông đang tưới vườn, thì có một em bé đi đến giẫm chân lên ống nước và làm vòi nước ngừng chảy. Người đàn ông sững sờ, ngó nghiêng và phát hiện ra em bé là thủ phạm nghịch ngợm. Ông ta bực tức đuổi theo và em bé chạy trốn. Với một tình huống hài kịch, bộ phim ngắn này có độ dài chừng một phút, câu chuyện diễn ra đơn giản nhưng đã chứa đựng tính chất của cốt truyện, đó là cơ sở để loại hình phim truyện điện ảnh ra đời.

Từ những phân tích trên cho thấy, cốt truyện phim được bắt đầu không phải từ tư tưởng, hay từ những khái niệm, mà nó bắt đầu từ những hành vi và sự kiện được thể hiện bằng hành động của nhân vật trong mối quan hệ nhân quả. Do vậy, trong quá trình xây dựng cốt truyện, tác giả cần phải xác định những cột mốc sự kiện nổi bật để nhân vật hành động bộc lộ tính cách và làm cốt truyện phát triển có hiệu quả

Thông thường, một tác phẩm phim truyện ra đời đều dựa theo cốt truyện, và mỗi loại hình nghệ thuật đều có lối kết cấu cốt truyện riêng. Ở tiểu thuyết kết cấu theo chương, sân khấu kết cấu theo hồi, điện ảnh kết cấu theo trường đoạn. Các trường đoạn trong cốt truyện phim là “cái móc” đính vào đường dây xuyên suốt của câu chuyện và mỗi một trường đoạn là một đơn vị chứa đựng trọn vẹn hành động kịch tính ở trong nó. Cấu trúc theo hồi cũng được áp dụng  trong những bộ phim kinh điển của điện ảnh Hollywood và trong mỗi hồi có thể chia nhỏ ra thành trường đoạn.

Cốt truyện phim phải mang yếu tố kịch tính và tình huống kịch giữ vai trò hạt nhân của cốt truyện, nó chính là hoàn cảnh riêng tạo nên sự kiện, khiến nhân vật phải hành động. Nói một cách khái quát, tình huống kịch bao giờ cũng hàm chứa hai yếu tố: sự kiện và hoàn cảnh xảy ra sự kiện, bắt buộc nhân vật phải đối phó, giải quyết.

Mối quan hệ giữa tình huống, hoàn cảnh và sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng cốt truyện. Nếu chọn được tình huống phù hợp với sự kiện, hoàn cảnh sẽ giúp cho nhân vật tích cực hành động theo những quy định của tính cách, qua đó bộc lộ rõ bản chất của mình.

Trong phim Bao giờ cho đến tháng mười (đạo diễn Đặng Nhật Minh), hành động chị Duyên giấu cái chết của chồng hy sinh ở chiến trường trong tình huống: bố chồng già yếu và đứa con chị còn bé. Chị Duyên đã âm thầm chịu đựng, chôn chặt nỗi đau mất mát và nhờ thầy giáo Khang biên thư thay chồng về động viên bố chồng cùng gia đình, nhưng bị mọi người hiểu lầm, dị nghị về mối quan hệ của chị Duyên với thầy giáo Khang.

Do không bị hạn chế về không gian và thời gian, tiểu thuyết có thể phản ánh cuộc sống tỉ mỉ, sâu rộng. Nhưng ở điện ảnh, không thể muốn mở rộng bao nhiêu cũng được, bởi điện ảnh có những đặc thù riêng. Một bộ phim chỉ chiếm một thời lượng nhất định và trong một phạm vi hết sức hữu hạn. Nhìn chung, người ta có thể xây dựng cốt truyện phim theo nhiều hướng khác nhau. Cốt truyện phim có thể căn cứ vào thời gian trình chiếu để mở rộng thời gian của câu chuyện như: nhấn mạnh một vài sự kiện và một vài nhân vật. Mặt khác, cũng có thể dồn nén câu chuyện bằng nhiều biến cố và nhiều tuyến nhân vật khác nhau.

So sánh cách tiếp cận giữa tác phẩm văn học và tác phẩm điện ảnh cũng có nhiều điểm khác nhau. Thưởng thức một tác phẩm văn hoc, độc giả thưởng thức theo phương thức cá nhân, thậm chí không liền mạch, có thể đọc kỹ những phần mình thích, bỏ qua những phần mình không thích và phần nào chưa hiểu thì dừng lại tra cứu. Nhưng khi thưởng thức một bộ phim truyện điện ảnh, trình chiếu liên tục trong một thời gian nhất định, người xem không có thời gian dừng lại suy ngẫm. Vì vậy, cốt truyện phim phải tập trung rõ nét, đặt nhân vật vào tình huống truyện và tạo được những bước ngoặt trong cuộc đời nhân vật.

Cốt truyện là chất liệu, là mắt xích quan trọng tạo nên kết cấu tác phẩm tự sự (văn xuôi, kịch, điện ảnh) và việc xây dựng cốt truyện trong mỗi loại hình nghệ thuật đều có những đặc trưng riêng. Ngày nay, trong văn học nghệ thuật, cách nhìn nhận về vai trò của cốt truyện cũng có thay đổi, nhưng cốt truyện vẫn giữ vị trí hàng đầu, góp phần tạo nên sự thành công của tác phẩm văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, cốt truyện phim và cốt truyện trong tiểu thuyết, truyện ngắn và kịch có những đặc trưng, yêu cầu khác nhau. Bởi vậy, khi chuyển thể một tác phẩm văn học, kịch sang điện ảnh, các nhà làm phim không thể sao chép nguyên xi như bản gốc, mà phải có những cải biên cho phù hợp với ngôn ngữ và đặc trưng của điện ảnh. Việc xây dựng cốt truyện phải đặt tính cách nhân vật vào vị trí trung tâm của nghệ thuật và sự kiện đóng vai trò quan trọng trong việc bộc lộ tính cách nhân vật. Cần tránh khuynh hướng chạy theo sự hấp dẫn của sự kiện bề ngoài, mà quên đi vai trò của tính cách. Thực tế cho thấy những tác phẩm nghệ thuật thành công, sự kiện và tính cách trong cốt truyện luôn được hòa quyện, tác động qua lại lẫn nhau.

Tác giả : Lưu Duy Hùng

Nguồn : Tạp chí VHNT số 410, tháng 8-2018

;