Qua nghiên cứu lịch sử phát triển của làng thôn truyền thống, cho thấy cùng với việc quy hoạch đất xây dựng làng là việc quy hoạch đất xây dựng các thiết chế để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng. Có hai thiết chế được cộng đồng làng quan tâm quy hoạch, ưu tiên dành đất để xây dựng là đình và chùa- một thiết chế tâm linh, tín ngưỡng, một thiết chế tôn giáo.
Từ xa xưa, ngôi đình, ngôi chùa đã trở thành một phần của cấu trúc thôn làng, đã đi vào ca dao, dân ca, thành biểu tượng ”Cây đa, bến nước, sân đình”; thành thước đo của tình yêu đôi lứa ”Qua đình ngả nón trông đình/ Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu”. Về lịch sử hình thành thì kiến trúc chùa có trước kiến trúc đình làng đến hàng trăm năm. Thế kỉ XI cùng với sự du nhập Phật giáo, chùa chiền ở nước ta bắt đầu được quan tâm xây dựng, nổi tiếng với những ngôi chùa như chùa Một cột (Hà Nội), chùa Dâu (Thái Bình); trung tâm Phật giáo Luy lâu - (Bắc Ninh). Chùa làng, nơi thấm đẫm triết lý cao siêu của đức Phật từ bi, là nơi con người chiêm bái, tâm niệm về lẽ sống hướng thiện, sống để phúc, để đức cho con; nơi thả hồn sau bao vất vả mưu sinh, để được đắm mình trong hư vô và cảnh sắc u tịch. Vì thế chùa thường được xây dựng ở rìa làng cho có vẻ lánh đời, thoát tục. Nhưng qua nghiên cứu lịch sử, trước khi có đình làng thì mọi sinh hoạt cộng đồng đều diễn ra ở chùa như họp chợ, họp cộng đồng làng và dạy học. Đình chùa còn là nơi cộng đồng thể hiện đạo lý ”Uống nước nhớ nguồn”. Những nhân vật lịch sử có công với dân, với nước, khi mất được triều đình truy phong, được thờ làm thành hoàng làng. Các liệt sĩ đã xả thân vì non sông đất nước qua các cuộc kháng chiến; những người đã” hằng sản, hằng tâm” hưng công tạo tác xây dựng đình, chùa, tên tuổi đều được ghi trong thần tích, được khắc bia (Bia liệt sĩ, bia hậu) để cộng đồng thắp hương tri ân vào các dịp tuần tiết, sóc vọng và dịp lễ hội làng. Về ảnh hưởng của triết lý nhân sinh của đạo Phật và vai trò của ngôi chùa trong đời sống cộng đồng, Nho thần Lê Quát, trong Đại Việt sử ký toàn thư đã phải thốt lên: “Nhà Phật chỉ lấy họa phúc để cảm động lòng người sao mà được người tin theo sâu bền như thế! Trên từ vương công dưới đến dân thường, hễ bố thí vào việc nhà Phật, dù đến hết tiền của cũng không sẻn tiếc... chỗ nào có người ở tất có chùa Phật, bỏ đi rồi lại dựng lên, nát đi rồi lại sửa lại, lâu đài chuông trống chiếm đến nửa phần so với dân cư”. Còn sử gia Lê Văn Hưu viết: “Trong nước, nhân dân quá nửa là sư sãi, nơi nào cũng có chùa chiền”. Ảnh hưởng của Phật giáo tới mức vua Lý Thái Tôn, một vị vua triều Lý tự đặt tên huý cho mình là “Phật Mã” (Tức là con ngựa của Đức Phật). Vua Trần Nhân Tông sau khi nhường ngôi cho con, về quy y đầu Phật chốn non thiêng Yên Tử, sau thành tổ thứ nhất của thiền phái Trúc Lâm. Còn ngôi đình, xưa gọi là đình trạm, thời kỳ đầu, đình được xây dựng ở trên đê, là nơi dừng chân nghỉ ngơi của dân làng sau lao động vất vả, điểm phủ dụ dân chúng của các quan mỗi dịp kinh lý về làng. Sang thời Lê, khi Nho giáo chiếm địa vị độc tôn, đình được xây dựng ở vị trí trung tâm của làng. Nói một cách đơn giản, đình là ngôi nhà chung của cộng đồng làng xã, được toàn dân trong làng chung sức xây dựng và thể hiện ước vọng tinh thần chung của cả làng. Theo Phan Kế Bính và Đào Duy Anh, hai bậc túc Nho thì đình làng là nơi thể hiện cao nhất các khái niệm Nho giáo về tôn ti, trật tự, về phẩm trật, ngôi thứ, tính pháp lệ. Đình làng, ngoài chức năng thờ Thành hoàng, còn là nơi Hội đồng kỳ mục, Hội đồng lý dịch họp bàn những việc liên quan đến binh lương, thuế khoá, khao vọng, xử kiện, chia đất đai, lễ thành đinh, ghi tên người trưởng thành vào sổ hương ẩm. Cuối cùng là nơi tổ chức lễ hội thường niên của làng, còn gọi “Làng vào đám” hay “Trà nhập tịch”. Do những ý nghĩa nêu trên nên việc xây dựng đình, chùa được đánh giá là một trong những việc quan trọng nhất trong đời sống làng, thôn truyền thống. Những làng phát tích những nhân vật lịch sử có công với dân, với nước, khi mất được vua ban mỹ tự, được nhân dân suy tôn làm Thành hoàng làng, được thờ tại đình làng. Những làng có nghề truyền thống, kinh tế phát triển hoặc có nhiều người học hành đỗ đạt làm quan to trong triều đình mới có điều kiện huy động các nguồn lực xây dựng những ngôi đình, chùa bề thế. Còn những làng nhỏ, làng thuần nông thì muốn xây đình, thường phải ”Kết chạ” (Tức là kết nghĩa anh em với làng khác - làng cùng thờ một nhân vật lịch sử) giúp nhau về nhân tài, vật lực hoặc phải bán ngôi nhiêu cho những người có tiền của (Tức những tước vị chỉ có danh, không có thực) mới xây dựng được đình. Qua đó cho thấy đời sống tâm linh tín ngưỡng của người dân không thể thiếu thiết chế đình, chùa. Và cứ thế, trải qua trường kỳ lịch sử mái đình, ngôi chùa đã thành chứng nhân lịch sử, gắn bó với sự tồn vong của làng thôn Việt. Song, ngôi đình, cũng từ lâu chứng kiến tệ hà lạm, nhũng nhiễu, tệ bè đảng của các tầng lớp có của trong việc phân chia quyền lực, bóp nặn dân nghèo. Đình làng, nơi Hội đồng kỳ hào, Hội đồng lý dịch xây dựng và bố cáo Hương ước của làng, mặc nhiên thừa nhận một lệ làng thành văn mà nhiều khi lệ làng còn cao hơn phép nước, biến làng thôn thành nơi chậm thi hành pháp luật của nhà nước, thể hiện sinh động qua câu ca ”Phép vua thua lệ làng”. Đình làng giữ vị trí như một pháo đài lưu giữ phong tục tập quán (cả tích cực và tiêu cực) đôi khi là nguyên nhân của sự trì trệ làm chậm sự phát triển xã hội.
Theo nhịp phát triển của đất nước, đời sống thôn làng cũng nhiều đổi thay. Những ngôi đình, chùa qua biến động lịch sử giờ đã mai một - thành giá trị di sản. Làng thôn ngày nay đã chủ động mở ra để giao lưu, hội nhập, phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội. Nhu cầu về một thiết chế vừa là nơi họp bàn việc làng, phổ biến chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phổ biến các kiến thức khoa học kỹ thuật, giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống, vừa là nơi tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân đã trở thành nhu cầu thiết yếu của người dân ở cơ sở. Vì thế khi tỉnh Hải Dương phát động phong trào xây dựng làng văn hóa, lấy việc xây dựng nhà văn hóa là nòng cốt đã được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Nhà văn hóa ở Hải Dương được xây dựng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Chỉ tính từ năm 2006 - 2016, ngân sách tỉnh cấp và nguồn kinh phí huy động trong nhân dân đạt hàng trăm tỷ đồng là cơ sở để xây mới, nâng cấp và mua sắm trang thiết bị cho 1.511 nhà văn hóa thôn, KDC. Phong trào xây dựng nhà văn hóa kéo theo nhiều phong trào cùng phát triển. Tính đến năm 2016, toàn tỉnh có 762 đội chèo, 571 đội ca múa nhạc, 29 đội ca kịch, 15 CLB ca trù đã tạo ra phong trào văn hóa, văn nghệ rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở. Giờ đây, người dân đến nhà văn hóa để được tham gia bàn chuyện thâm canh, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; Thảo luận chuyên đề về nuôi con khỏe, dạy con ngoan, bàn giải pháp thoát nghèo; Phòng chống bạo lực gia đình, tham gia tìm hiểu luật pháp, pháp lệnh dân chủ ở cơ sở; Góp ý việc xây dựng quy ước làng và tham gia các chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao.
Song, việc điểm thành quả phong trào xây dựng nhà văn hoá ở tỉnh Hải Dương sẽ trở thành phiến diện nếu không đồng thời chỉ ra những hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai phong trào. Không ít làng, chỉ vì ganh đua, xây nhà văn hoá to, huy động quá sức dân, xây xong nhà văn hóa không còn kinh phí mua sắm trang thiết bị tổ chức hoạt động. Song khó khăn lớn nhất mà các làng, khu dân cư gặp phải là việc quy hoạch đất và nguồn kinh phí xây dựng nhà văn hóa. Theo báo cáo tổng kết 20 năm phong trào “TDĐKXDĐSVH”, hiện toàn tỉnh còn trên 50 làng, khu dân cư chưa xây được nhà văn hóa vì những lý do: Làng nhỏ, làng thuần nông khó huy động được các nguồn lực; Làng quy hoạch được đất nhưng không có nguồn kinh phí đối ứng; Làng chưa quy hoạch được đất; làng đã có quỹ đất, có kinh phí đang chuẩn bị xây dựng; Làng tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao lồng ghép trong hoạt động nhà trẻ, mẫu giáo, trong đình, chùa. Từ khó khăn trên nên việc tổ chức hoạt động văn hóa trong đình, chùa vẫn là tư duy chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền một số địa phương. Thực tế ở không ít thôn làng việc phát tâm công đức xây đình chùa được nhân dân hưởng ứng rất nhanh, trong khi vận động đóng góp để xây dựng nhà văn hóa thì rất chậm. Một số làng đã “sáng tạo” xây đình, trên đề biển ”Nhà văn hóa” mới huy động được kinh phí. Tìm về truyền thống, xưa các thôn làng mở hội có tổ chức diễn xướng cũng chỉ ở sân đình. Chèo sân đình hay hát ca trù (Còn gọi hát thẻ, hát nhà tơ, hát ả đào), một loại hình hát thờ cũng chỉ được diễn xướng trước cửa đình. Xưa người đi lễ hội chỉ vô ý ăn mặc hở hang, ngồi quay lưng vào ban thờ là bị nhắc nhở nhưng bây giờ trong ”không gian thiêng” của một số di tích, thanh niên say sưa các điệu nhảy, các khúc hát lả lơi, các diễn viên trang phục hở hang... Hiện nay, nhiều di tích đã xây dựng nội quy nếp sống văn minh ở nơi thờ tự cũng là một hoạt động trong nội dung xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, xây dựng nông thôn mới.
Ngày nay thôn làng ở Hải Dương đang chuyển mình trong cuộc cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc dành quỹ đất xây dựng nhà văn hóa là ưu tiên số một trong việc thực hiện 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nhưng nhiều làng, khu dân cư, nhân dân vẫn hăng hái đóng góp kinh phí, hiến đất vừa để xây dựng nhà văn hóa vừa tôn tạo tu bổ hoặc xây mới đình, chùa. Việc ba thiết chế: Tín ngưỡng - tôn giáo – văn hóa cùng được quan tâm quy hoạch, được xây dựng trong cấu trúc thôn làng hiện nay, điều đó cho thấy qua sàng lọc của lịch sử, của ý thức hệ, của từng nhiệm vụ chính trị đặt ra trong từng thời kỳ. Các thiết chế trên đã được nhân dân lựa chọn, chung sức xây dựng và đang tổ chức hoạt động hiệu quả, phát huy giá trị của từng thiết chế, đóng góp không nhỏ vào việc xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, phát triển bền vững, có tác dụng thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, phù hợp định hướng xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Tác giả: Nguyễn Tiến Quang
Nguồn: Tạp chí VHNT số 441, tháng 10-2020