Thừa Thiên Huế: Nâng cao chất lượng hoạt động các Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã

Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở, trong đó có Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã đóng vai trò quan trọng đối với chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, là nơi giữ vị trí nòng cốt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội. Chính vì vậy, trong những năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương ở Thừa Thiên, Huế luôn quan tâm xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, trong đó ưu tiên hệ thống Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã nhằm từng bước khắc phục tình trạng chênh lệnh về mức hưởng thụ, sáng tạo đời sống tinh thần của người dân ở các vùng, miền… tạo nền tảng vững chắc trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

 

Tủ sách tại NVH xã Hồng Bắc, huyện A Lưới

Từng bước hoàn thiện thiết chế

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã là việc làm có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện để người dân được hưởng thụ, sáng tạo và tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao (TDTT). Hoạt động của người dân ở cấp xã có ảnh hưởng lớn tới tính hiệu quả của các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và có ý nghĩa vô cùng to lớn với việc củng cố sự phát triển bền vững của xã hội, đảm bảo dân chủ, nâng cao đời sống cho nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Cấp xã là cấp gần dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi việc đều xong xuôi”. Xuất phát từ vai trò quan trọng đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 20/2013/UBND ngày 22/5/2013 về quy hoạch thiết chế văn hóa tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1435/QĐ - UBND ngày 27/6/2017 quy định cụ thể một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 trên toàn tỉnh. Những quyết định trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong công tác đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng  hệ thống Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã. Nhiều địa phương đã có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích, huy động mọi nguồn lực, từng bước hoàn thiện thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở như: huyện Phong Điền có chính sách hỗ trợ mỗi nhà văn hóa xây mới là 200 triệu đồng, hỗ trợ sửa chữa 100 triệu đồng. Thành phố Huế đã quy hoạch mạng lưới Trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng của phường, cụm dân cư và tổ dân phố giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030, được Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua. Đây chính là cơ chế quan trọng nhằm tăng cường đầu tư cho các thiết chế văn hóa trên địa bàn về kinh phí, quỹ đất và các hoạt động xã hội hóa khác...

Với những nỗ lực của các địa phương, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và người dân, đến nay, hệ thống các Trung tâm Văn hóa – Thể thao cấp xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được kết quả với 88/145 xã phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao, đạt tỷ lệ 61%. Việc từng bước hoàn thiện hệ thống Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã tạo “lực đẩy” cho phong trào văn hóa văn nghệ, TDTT quần chúng phát triển, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

Chưa phát huy hết công năng

Thông tư 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 đã quy định mẫu về tổ chức hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã. Với chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Thông tư, Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã được kỳ vọng là nơi tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân đến sinh hoạt văn hóa, học tập bổ sung kiến thức, rèn luyện thể thao, lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, qua đợt khảo sát đối với hệ thống các Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh tại xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang; xã Hồng Bắc, xã A Ngo, xã Sơn Thủy của huyện A Lưới, xã Hương Xuân, xã Thượng Lộ của huyện Nam Đông; xã Vinh Phú của huyện Phú Lộc... thì hầu như các đơn vị được khảo sát trên chỉ mới thực hiện tốt chức năng hội họp định kỳ, các hoạt động thời vụ, phong trào, ít tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, hoạt động câu lạc bộ, thư viện, sưu tầm - truyền dạy các làn điệu dân ca dân vũ của địa phương nhằm duy trì thói quen sinh hoạt cho người dân. Hoạt động TDTT tương đối phát triển, các CLB bóng bàn, cờ tướng, bóng chuyền... được tổ chức thường xuyên. Hiện nay, hoạt động của các Trung tâm Văn hóa - thể thao cấp xã đang “chênh nhau” giữa hai loại hình hoạt động văn hóa văn nghệ và TDTT. Hoạt động TDTT phát triển mạnh, câu lạc bộ thể thao được tổ chức thường xuyên, thu hút người dân tham gia đông đảo còn đối với hoạt động văn hóa văn nghệ chỉ mang tính thời vụ lễ, Tết. Mỗi năm trung bình tổ chức từ 1 đến 2 chương trình, mức độ thu hút người dân tham gia sinh hoạt cũng không cao, phải thường xuyên huy động, chưa có sự tự nguyện, hưởng ứng. Số lượng Trung tâm là nơi sinh hoạt thường xuyên cho các câu lạc sở thích tại địa phương cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay hoặc còn “nằm trên giấy” do CLB không duy trì được hoạt động.

Đổi mới, nâng cao phương thức hoạt động

Để nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà văn hóa cấp xã là nhiệm vụ cấp thiết đối với ngành văn hóa. Những năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hoạt động nhằm nâng cao năng lực hoạt động cho hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; chỉ đạo một số đơn vị như: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật, phòng Văn hóa Thông tin các huyện, thị xã và thành phố tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn, tập huấn nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã trên địa bàn.

Cùng với đó, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, trên cơ sở nhu cầu của các Trung tâm Văn hóa - Thể thao của các xã, sẽ phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện tổ chức nhiều hoạt động nhằm tăng khả năng tương tác, hoạt động mẫu đối với các đơn vị như: Chiếu phim lưu động, triển lãm, các chương trình văn hóa văn nghệ, chương trình tuyên truyền lưu động… Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tập huấn kỹ năng về xây dựng các chương trình văn hóa văn nghệ, tuyên truyền cổ động, kỹ năng thành lập và hoạt động câu lạc bộ, dẫn chương trình... để tăng cường năng lực tác nghiệp đối với hệ thống cán bộ văn hóa cấp xã.

Nhà văn hóa phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy là điểm sáng trong đổi mới, nâng cao chất lương hoạt động. Địa phương đã làm tốt công tác quy hoạch bố trí quỹ đất xây dựng các công trình khu vui chơi cho trẻ em, sân bóng đá, nhà văn hóa các thôn, tổ. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT được tổ chức thường xuyên, thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của người dân. Cán bộ phụ trách nhà văn hóa đã làm tốt công tác vận động, kêu gọi xã hội hóa hoạt động tại địa phương, mỗi năm kêu gọi các Mạnh Thường Quân, người dân đóng góp trung bình 100 triệu đồng để tổ chức các giải đua ghe, bóng đá, cầu lông, các hoạt động văn hóa văn nghệ... Anh Nguyễn Minh Công - Chủ tịch UBND phường chia sẻ: “Để có được thành công đó, lãnh đạo phường luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát các đơn vị thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phong phú, đa dạng phù hợp với các nhóm đối tượng, các lứa tuổi. Đặc biệt là thu hút những người có tài năng nghệ thuật, năng khiếu thể thao tham gia hoạt động tại thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Cán bộ phụ trách phải sâu sát với cơ sở, nắm bắt tâm lý của người dân để tổ chức các hoạt động phù hợp với nhu cầu, từ đó thu hút người dân tham gia”.

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tại các Trung tâm Văn hóa -  Thể thao cấp xã, gắn nội dung hoạt động với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương và lợi ích của cộng đồng, khu dân cư là nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm phát huy công năng và vai trò của các Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã. Kinh nghiệm cho thấy, một khi chính quyền địa phương có sự quan tâm đầu tư, đôn đốc các Trung tâm Văn hóa – Thể thao cấp xã hoạt động thì chất lượng luôn được đảm bảo. Vì vậy, sự "vào cuộc" của địa phương là rất cần thiết, để hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở nói chung và Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã nói riêng tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò của mình trên con đường xây dựng nông thôn mới, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, xây dựng Thừa Thiên Huế theo tinh thần Nghị quyết 54/NQ - BCT của Bộ Chính trị. 

Tác giả: Nguyễn Thị Hằng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 441, tháng 10-2020

 

;