Hưng Yên: Thiết chế văn hóa trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Hệ thống thiết chế văn hóa có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là nơi sinh hoạt văn hóa, tinh thần của cộng đồng, là nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội của địa phương; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của nhân dân, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ngày 30/12/2014, UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt Quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2014 - 2020, định hướng đến năm 2030. Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh, đến nay, việc đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ cho việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn đã đạt được kết quả khả quan.

 

Hội nghị tổng kết Hội Người cao tuổi diễn ra tại Nhà văn hóa thôn An Bình, phường An Tảo, thành phố Hưng Yên

Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 9 trung tâm văn hóa - thể thao cấp huyện (đạt tỷ lệ 90%), 105 trung tâm văn hóa cấp xã độc lập ( 65,2%), 56 xã, phường, thị trấn sử dụng hội trường Đảng ủy, HĐND, UBND xã kiêm chức năng trung tâm văn hóa (34,8%); 742 Nhà văn hóa thôn, khu phố độc lập (87,2%); 109 Nhà văn hóa sinh hoạt chung với các thiết chế khác (chiếm 12,8%). Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 105 trung tâm văn hóa xã, phường, thị trấn độc lập  (65,2%), 56 trung tâm văn hóa xã, phường, thị trấn kiêm hội trường Đảng ủy, HĐND, UBND xã, (34,8%); 742 nhà văn hóa thôn, khu phố độc lập chiếm 87,2%; 109 Nhà văn hóa chung với các thiết chế khác (12,8%). Bên cạnh đó là trên 800 CLB văn nghệ các loại, thu hút 33% dân số tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ thường xuyên.

Nhìn chung, hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh thường xuyên đổi mới, đa dạng hóa phương thức tổ chức và hoạt động nhằm khai thác có hiệu quả công năng, đáp ứng nhu cầu phục vụ sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các sự kiện cưới hỏi, hội nghị, hội thi, hội diễn, liên hoan. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 91,5% số gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 88,8% làng, khu phố đạt danh hiệu Làng, Khu phố văn hóa; 90% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Ý thức thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực.

Ngoài những kết quả đạt được, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở còn tồn tại những hạn chế như: Vẫn còn 1 huyện (Văn Giang) chưa có trung tâm văn hóa; một số trung tâm văn hóa cấp xã, Nhà văn hóa thôn, khu phố do xây dựng từ nhiều năm trước nên quy mô chưa đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL; nhiều Nhà văn hóa trang thiết bị cũ và thiếu nên việc tổ chức các hoạt động phục vụ cộng đồng gặp nhiều khó khăn. Không ít thôn, khu phố vẫn sử dụng các thiết chế khác kiêm chức năng Nhà văn hóa. Hoạt động của một số trung tâm văn hóa xã, Nhà văn hóa thôn hiệu quả thấp, chưa khai thác và phát huy hết công năng do thiếu đội ngũ cán bộ vận hành. Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa có Nhà văn hóa nên việc tổ chức những hoạt động văn hóa, thể thao cho người lao động tại các khu công nghiệp còn  khó khăn, ảnh hưởng đến việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu, chưa đồng bộ, ý thức thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang ở một số địa phương chưa cao. Việc bình xét danh hiệu văn hóa ở địa phương còn mang tính hình thức, chưa chú trọng đến chất lượng. Tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tệ nạn xã hội ở một số làng, tổ dân phố chưa được khắc phục triệt để.

 

Để quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, góp phần đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là: Tập trung các nguồn lực để củng cố, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa (TCVH) cơ sở từng bước đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL. Huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhân dân để xây dựng mới, cải tạo nâng cấp, trang thiết bị và tổ chức hoạt động trong hệ thống TCVH cơ sở.

Hai là: Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các TCVH hiện có, đi đôi với đổi mới nội dung và phương thức tổ chức các hoạt động văn hóa phù hợp với từng địa bàn dân cư, từng nhóm đối tượng; tạo điều kiện cho người dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ các hoạt động văn hóa, đồng thời tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự quan tâm, động viên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong triển khai thực hiện công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Ba là: Có kế hoạch tổ chức quy mô, nâng cao chất lượng hiệu quả các hội thi, hội diễn, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục; phát triển và nâng cao chất lượng các loại hình câu lạc bộ văn hóa ở cơ sở phù hợp với nhu cầu của nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, làng văn hóa cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa...

Bốn là: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng các thiết chế văn hóa, kịp thời phát hiện, khắc phục những vi phạm; đồng thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong công tác xây dựng, quản lý, tổ chức sử dụng có hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa. Quan tâm, chú trọng thực hiện nếp sống văn hóa, nhất là nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Phát huy vai trò trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể ở khu dân cư, người cao tuổi, người có uy tín của dòng họ, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa.

Năm là: Đảm bảo chế độ, chính sách và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chuyên môn làm công tác văn hóa các cấp, nhất là cấp cơ sở. Bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho người phụ trách thiết chế văn hóa để quản lý và tổ chức tốt các hoạt động văn hóa ở cơ sở.

Sáu là: Huy động các nguồn lực trong xã hội nhằm xây dựng các mô hình văn hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm, bồi dưỡng kiến thức xử lý công việc cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa từ tỉnh đến cơ sở.  

Với sự quan tâm của các cấp các ngành về vai trò của sự nghiệp văn hóa, thể thao & du lịch trong sự phát triển kinh tế chính trị - xã hội, thêm sự nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao & du lịch các cấp... chắc chắn Hưng Yên sẽ thực hiện thắng lợi phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ” thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, góp phần quan trọng trong việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

 

Tác giả: Nguyễn Thành Trung

Nguồn: Tạp chí VHNT số 438, tháng 9-2020

 

;