Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa chính trị

     Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà chính trị thiên tài mà còn là nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam và thế giới. Người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam. Tư tưởng về văn hóa chính trị là một trong những di sản tinh thần vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta, được hình thành trong suốt quá trình đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người; là sự tích hợp, vận dụng sáng tạo, phát triển các giá trị văn hóa chính trị của dân tộc, nhân loại và chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể Việt Nam.

     Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh phản ánh mối quan hệ giữa các yếu tố có tính chỉnh thể về tư tưởng và hành vi chính trị gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp chính trị của Người, biểu hiện qua nhân cách và các di sản chính trị mà Người để lại trong đời sống chính trị hiện thực. Mọi hoạt động cách mạng của Người, từ học tập, lao động, nhận thức tư tưởng hay ứng xử với các vấn đề chính trị cụ thể đều hướng vào một lý tưởng cao cả là các dân tộc trên thế giới đều được bình đẳng, đoàn kết và cùng chung sống hòa bình trên cơ sở tôn trọng sự đa dạng về bản sắc văn hóa; trong xã hội không còn tình trạng áp bức, bóc lột, bất công; con người được giải phóng khỏi mọi sự ràng buộc, có điều kiện phát triển toàn diện và được hưởng mọi thành quả văn hóa do chính con người tạo ra. Chính vì vậy, ngay từ năm 1923, một nhà báo Liên Xô đã viết: Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai. Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh thuộc phạm trù văn hóa chính trị mácxít, được phản ánh trong toàn bộ hệ thống tư tưởng và sự nghiệp chính trị do Người tạo dựng, thẩm thấu và soi đường, định hướng cho đường lối, chủ trương và hoạt động của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức quần chúng và con người chính trị Việt Nam. Nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa chính trị được thể hiện như sau:

     Đó là nền văn hóa chính trị mà chủ nghĩa yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Chủ nghĩa yêu nước là dòng chủ lưu xuyên suốt trường kỳ lịch sử Việt Nam, là chuẩn mực cao nhất đứng đầu bảng giá trị văn hóa Việt Nam và đặt cơ sở cho văn hóa chính trị truyền thống Việt Nam mà sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết thành một nguyên lý bất hủ: “không có gì quý hơn độc lập, tự do” (1). Độc lập, tự do là cái quý nhất ở đời, là giá trị của mọi giá trị, là điều kiện đầu tiên để tồn tại với tư cách là một con người và cao hơn là của một dân tộc. Cũng từ nền tảng văn hóa chính trị đó, Hồ Chí Minh trở thành một nhà văn hóa chính trị lịch thiệp, yêu chính nghĩa, đấu tranh kiên quyết cho độc lập, tự do dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân.

     Đó là nền văn hóa chính trị lấy dân làm gốc. Trong xã hội cổ truyền Việt Nam, sĩ, nông, công, thương là những thành phần cơ bản được gọi là tứ dân. Nguyễn Trãi từng nói thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như nước. Theo ông, toàn bộ sự hưng thịnh của một triều đại phong kiến Việt Nam là dựa vào dân. Tiếp nối những giá trị ấy, trong sự nghiệp cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân” (2). Cho nên, ý chí và niềm tin chính trị suốt cuộc đời của Hồ Chí Minh là: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, làm sao cho nước ta hoàn toàn được độc lập, dân ta hoàn toàn được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (3). Tư tưởng của Người hoạt động chính trị rất văn hóa, thấm nhuần tính nhân văn, nhân bản, nhân đạo xã hội chủ nghĩa. Điều đó có nghĩa: “Quan điểm xây dựng văn hóa chính trị của Hồ Chí Minh gắn liền với tư tưởng độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội” (4).

     Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nhân dân ta có một nền tảng chính trị vững chắc đó là chủ nghĩa yêu nước bắt nguồn từ văn hóa chính trị truyền thống của dân tộc. Vì vậy, văn hóa chính trị Hồ Chí Minh thể hiện những tư tưởng lớn: nước lấy dân làm gốc, sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhưng lãnh đạo và quản lý là để nhân dân làm chủ. Từ lập luận ấy, Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ và nhân viên từ cấp trên đến cấp dưới là đầy tớ của nhân dân, đều phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân” (5). Tư tưởng về văn hóa chính trị của Hồ Chí Minh là tính nhân dân, là chính trị “sao cho được lòng dân” (6).

     Văn hóa với cộng đồng, thực hành dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tấm gương mẫu mực về thực hành dân chủ trong ứng xử với nhân dân, với cán bộ, với đảng viên, với cộng đồng xã hội. Người khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân cử ra” (7). Trong các tác phẩm của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng cụm từ “dân chủ” 1.607 lần, “làm chủ” 340 lần. Người không những thực hành triệt để dân chủ mà dân chủ phải trở thành giá trị văn hóa chính trị của cán bộ, đảng viên. Trong văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, ứng xử với cộng đồng, thực hành dân chủ tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân, có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc xây dựng văn hóa chính trị Việt Nam hiện nay. Đúng như đồng chí Phạm Văn Đồng đã viết: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai chói ngợp, mới gặp lần đầu mà ai cũng cảm thấy thân thiết từ lâu” (8).

     Tư tưởng văn hóa chính trị thống nhất giữa tư duy và hành động, nói đi đôi với làm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của lý luận đối với thực tiễn. Hành động mà không có tư duy khoa học, thực tế mà không có lý luận soi đường thì cũng lúng túng như nhắm mắt mà đi, không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp, vừa hay vấp ngã. Người cho rằng, cũng do kém lý luận, khinh lý luận hoặc lý luận suông mà nhiều cán bộ, đảng viên đã mắc phải bệnh chủ quan, bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa; và căn dặn cán bộ, đảng viên phái nói đúng và làm theo đúng đường lối, chính sách của Đảng; tránh nói mà không làm, nói một đàng làm một nẻo, thậm chí làm trái ngược lại. Người khẳng định: Chính phủ và Đảng chỉ mưu cầu giải phóng cho nhân dân, vì thế, bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân.

     Xây dựng văn hóa trong Đảng, văn hóa lãnh đạo, quản lý. Theo Hồ Chí Minh, lãnh đạo có văn hóa, tức là lãnh đạo theo lối dân chủ, dùng thuyết phục, cảm hóa, bằng cái tâm, cái đức, bằng trí tuệ; lãnh đạo phi văn hóa là lãnh đạo theo lối quan liêu, độc đoán, chuyên quyền. Trường hợp này rơi vào những người không có bản lĩnh, thiếu cái tâm và không có tầm văn hóa. Xây dựng văn hóa lãnh đạo là Đảng thực hiện được cùng một lúc hai nhiệm vụ: Vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Văn hóa lãnh đạo, quản lý yêu cầu mỗi chủ thể phải làm chủ được mình, phải ứng xử có văn hóa trong các mối quan hệ: Đối với mọi người, đối với việc và đối với mình. Trong ba mối quan hệ đó, mỗi quan hệ đối với mình là khó nhất. Vì trong mỗi người, có nhiều thói hư tật xấu nảy sinh còn nguy hiểm hơn cả kẻ thù bên ngoài như quan liêu, mệnh lệnh, tham nhũng… tạo thành thách thức mỗi khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Dưới góc độ Nhà nước, xây dựng văn hóa lãnh đạo, quản lý là mỗi chủ thể phải tự ý thức được một cách đúng đắn nguồn gốc của vị thế quyền lực của bản thân mình. Trong 24 năm ở vị trí cao nhất của quyền lực, Hồ Chí Minh luôn ý thức được vị thế và quyền lực của mình do nhân dân giao phó và đã sử dụng nó vì dân, vì nước.

     Trong bối cảnh trên thế giới, khu vực, trong nước đang đặt ra nhiều thời cơ và thách thức đối với đất nước ta, Đại hội XII của Đảng xác định: “Bốn nguy cơ mà Đảng chỉ ra vẫn còn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp… đạo đức xã hội có mặt xuống cấp đáng lo ngại, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng và Nhà nước” (9).

     Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ bản thực hiện được vai trò, chức năng trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị ở cơ sở, trong thực hiện nhiệm vụ, song vẫn còn nhiều mặt chưa ngang tầm theo yêu cầu và đòi hỏi của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Có những yếu kém đang hạn chế sự phát triển văn hóa chính trị của người cán bộ cơ sở, thậm trí còn thiếu hụt một số văn hóa chính trị truyền thống. Trình độ học vấn của đội ngũ cán bộ gần đây đã được nâng lên rất nhiều nhưng chưa được đào tạo cơ bản, khoa học, đúng chuyên môn. Một số bộ phận đã xuất hiện sự suy thoái làm biến chất hệ thống giá trị và những tiêu chuẩn đích thực của người cán bộ. Một bộ phận không nhỏ có tư tưởng xa quần chúng nhân dân, coi mình hơn tất cả mọi người, không thích sự phê bình của người khác, bè phái, họ hàng, cục bộ. Trong Văn kiện lần thứ XII của Đảng yêu cầu: “Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” (10).

     Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên kiên định và nhất quán mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đây không chỉ là mục tiêu chính trị đúng đắn, tiến bộ, phù hợp với quy luật phát triển khách quan và xu thế thời đại đã được thực tiễn kiểm nghiệm, mà còn là lý tưởng chính trị và là giá trị tư tưởng của văn hóa chính trị Hồ Chí Minh. Xây dựng chủ nghĩa xã hội là quá trình lâu dài, nhưng là con đường và mục tiêu tất yếu nhân loại sẽ tiến đến chủ nghĩa cộng sản. Ở nước ta, xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của nhà nước. Do vậy, để sự nghiệp này đi đến đích, trước hết phải có đội ngũ cán bộ, đảng viên tuyệt đối trung thành với Đảng, nhà nước, với lợi ích của nhân dân.

     Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự tiêu biểu về đạo đức cách mạng. Đây không chỉ là cơ sở để người cán bộ, đảng viên phục vụ Tổ quốc và phục vụ nhân dân. Như Chủ tịch Hồ Chi Minh đã khẳng định: Đạo đức là cái gốc của con người, có tài mà không có đức thì vô dụng. Một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay một số cán bộ, đảng viên suy thoái về phẩm chất đạo đức làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhân dân tới Đảng và chế độ Nhà nước ta như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra. Theo đó, xây dựng cán bộ, đảng viên thực sự là những biểu tượng về nhân cách văn hóa của sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thực sự là công bộc và là đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

     Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có năng lực, phương pháp và phong cách chính trị đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Hiện nay, đất nước đang quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh cạnh tranh giai cấp và dân tộc ngày càng gay gắt, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, đòi hỏi đội ngũ cán bộ cán bộ, đảng viên phải có năng lực ngang tầm và phấn đấu trên tầm của yêu cầu nhiệm vụ, như: Khả năng nhận thức đúng đắn những vấn đề chính trị quốc tế và trong nước; có khả năng dự báo tình hình để trên cơ sở đó đưa ra các chủ trương, đường lối, các quyết sách chính trị đúng đắn, khoa học; có khả năng vận động, thuyết phục, đoàn kết, tập hợp, tổ chức thực tiễn và phát huy sức mạnh nội lực kết hợp với sức mạnh ngoại lực để hiện thực hóa các mục tiêu chính trị; có khả năng bao quát, nắm bắt và giải quyết kịp thời, đúng đắn các vấn đề chính trị cụ thể, các điểm nóng về chính trị và các xung đột xã hội.

     Nâng cao trình độ chính trị của đội ngũ cán bộ cán bộ, đảng viên. Nội dung quan trọng quyết định nhất thể hiện trình độ chính trị của người cán bộ lãnh đạo, quản lý đó là: phải luôn thấm nhuần sâu sắc rằng, lãnh đạo là tự nguyện hy sinh phấn đấu cho lợi ích của tập thể, của cộng đồng, đặt lợi ích cá nhân dưới lợi ích cộng đồng, được nhân dân trao cho những thẩm quyền nhất định để điều hành phối hợp các hoạt động chung vì lợi ích chung của xã hội. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần xác định thường xuyên nâng cao chuyên môn, chuyên ngành của bản thân với phương châm: “Học tập suốt đời, lấy tự học làm làm nòng cốt”, không ngừng học tập để nâng cao trình độ hiểu biết mọi mặt, có tư duy độc lập và sáng tạo, cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao chất lượng công tác, “Học tập mọi lúc, mọi nơi”, phải tận dụng thời gian, dành công sức, tranh thủ học tập, học ở trường, lớp, sách vở và học ở nhân dân, bởi những giá trị văn hóa, tinh thần do nhân dân sáng tạo là nguồn trí thức, là những kinh nghiệm rất phong phú, là những bài học quy cho cán bộ, đảng viên học tập...

     Xây dựng môi trường văn hóa chính trị và phát huy vai trò của nhân dân trong việc giám sát đội ngũ cán bộ cán bộ, đảng viên. Văn hóa chính trị của mỗi cá nhân được hình thành trong một môi trường văn hóa chính trị nhất định. Do vậy, xây dựng văn hóa chính trị Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở Việt Nam hiện nay cần quan tâm đến việc xây dựng môi trường văn hóa. Để mỗi công dân, mỗi cán bộ, đảng viên nói chung phải có văn hóa chính trị, biểu hiện ở nhận thức, thái độ, niềm tin và những hành vi ứng xử với những vấn đề chính trị cụ thể như: mục tiêu, lý tưởng, hệ tư tưởng chính trị, hệ thống chính trị là các chủ trương, đường lối... Việc xây dựng môi trường văn hóa chính trị ở nước ta, cần kết hợp chặt chẽ các giá trị văn hóa chính trị truyền thống của dân tộc với các giá trị, chuẩn mực của văn hóa chính trị Hồ Chí Minh và các giá trị văn hóa chính trị của các thể chế chính trị khác trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế.

     Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm nâng cao trí tuệ, năng lực lãnh đạo của Đảng, suy cho cùng đó là văn hóa Đảng. Văn hóa không phải đứng ngoài chính trị mà có quan hệ mật thiết với chính trị, phục vụ chính trị, thấm sâu vào chính trị làm cho chính trị trở thành khoa học, cách mạng và nhân văn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Đưa chính trị vào dân gian”, tức là một kiểu chính trị đương thời, chính trị cuộc sống, đáp ứng khát vọng của nhân dân. Việc học tập và làm theo văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là một yêu cầu cấp bách, sẽ là yếu tố quan trọng để nâng cao văn hóa chính trị cho đối ngũ cán bộ, đảng viên.

_____________

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.131.

2. Hồ Chí Minh, sđd, tập 3, 2009, tr.276.

3. Hồ Chí Minh, sđd, tập 8, 2009, tr.161.

4. Đỗ Huy, Tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.138.

5. Hồ Chí Minh, sđd, tập 13, 2011, tr.10.

6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.448.

7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.698.

8. Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh - một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.17.

9, 10. Đảng CSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.74, 128.

 

Tác giả: Khuất Trọng Nam

Nguồn: Tạp chí VHNT số 417, tháng 3-2019

 

;