Hội nhập bắt đầu từ hồn chung của ngôn ngữ

Trên văn đàn Canada hiện tại, nổi bật lên một gương mặt khả ái, được nhiều bạn đọc cả trong lẫn ngoài nước hâm mộ. Đó là Kim Thúy, nữ nhà văn gốc Việt, tên đầy đủ là Lý Thanh Kim Thúy, sinh năm 1968 tại Sài Gòn. Mười năm sau, bà cùng gia đình sang định cư ở Québec, vùng chủ yếu nói tiếng Pháp của Canada. Bà từng lao động cật lực để có thể đi học, rồi vào được Đại học tổng hợp Montréal, tốt nghiệp khoa ngôn ngữ, dịch thuật năm 1990, khoa luật năm 1993. Bà được trao tặng nhiều giải thưởng văn học, trong đó có giải thưởng của toàn quyền Canada năm 2010, Premio Mondello của Italia năm 2011, giải của văn học di cư, tị nạn. Các cuốn sách của bà đã tiêu thụ được khoảng nửa triệu bản.

Kim Thúy từng làm qua nhiều việc trước khi hiến mình cho văn học. Những nghề mà bà đã làm gồm có thợ may, phiên dịch, luật sư, chủ nhà hàng, phóng viên ẩm thực thường kỳ cho phát thanh, truyền hình Québec. Năm 2009, tác phẩm đầu tay của bà ra mắt bạn đọc, tiểu thuyết Ru. Năm 2011, cuốn sách thứ hai ra đời, Đối thoại qua gió mây (trao đổi giữa Kim Thúy với Pascal Janovjak, nhà văn Thụy Sỹ, định cư ở Palestine). Năm 2013 là tác phẩm thứ ba, Mãn. Năm 2016, tiểu thuyết Vi, xuất hiện trong sự chào đón nồng nhiệt của độc giả. Các tác phẩm của Kim Thúy đã được dịch sang 25 ngôn ngữ, tiếng Anh, Pháp là chủ yếu. Bà được mời giới thiệu sách của mình ở 22 nước, trong đó có Colombia, Ấn Độ, New Zealand, Trung Quốc, Đan Mạch, Nhật Bản, Mỹ...

Kim Thúy đến với văn chương như một tất yếu. Năm 20 tuổi, bà gặp một chàng trai bản địa, Francis Harvey, trong một đám cưới của bạn chung của hai người, họ kết thành vợ chồng, sinh hai con trai. Sau vài năm làm luật sư, trong đó có 3 năm ở TP.HCM, bà trở về Montréal để tiện chăm sóc gia đình. Bà mở một cửa hàng ăn uống, đặt tên là Ru de Nam (Ru của Nam), vừa trực tiếp pha chế nấu nướng, vừa làm chủ. Vào năm 2007, cửa hàng ngừng hoạt động. Chồng bà khuyên bà đọc lại, chắp nối những ghi chép bấy lâu nay xem thế nào. Ông rất rõ tài năng viết báo của vợ. Những ghi chép ấy đến với bà như một phép màu kỳ lạ. Một tối mưa bão, cửa hàng không có khách, bà toan đóng cửa thì hai phụ nữ tầm tuổi bà bước vào, ngỏ ý muốn ăn chút đỉnh. Dù vẫn tỏ ra lịch sự, bà không giấu nổi vẻ không thoải mái. Một bà khách nhanh nhẹn vào bếp cùng bà, chế biến món ăn rồi tự đem ra phục vụ mình với bạn. Qua câu chuyện tản mạn giữa chủ với khách, người khách kia, diễn viên Karine Vanasse, mấy hôm sau đem tặng bà một cuốn sổ tay xinh xắn, sang trọng, như một báu vật, đồng thời khuyên bà nên ghi lại những chuyện như bà vừa tâm sự. Từ đó, hai nữ diễn viên với Kim Thúy trở thành những người tri kỷ.

Thế là mỗi khi vắng khách, bà lại viết ra những cảm xúc, suy nghĩ của mình. Đôi lần, viết như thế có tác dụng chống buồn ngủ. Điều quan trọng là bà không thể phụ tấm lòng đáng trân trọng của hai nghệ sĩ Canada. Bà không những cố ghi chép đều đặn mà còn cố ghi thật đúng những gì mình đã trải nghiệm. Không khác mấy ghi nhật ký, bà nhớ lại nhiều chuyện xảy ra với mình, mỗi kỷ niệm được thuật lại ngắn gọn, súc tích như một bài tản văn chứa chan chất thơ, tình người. Từ khi thôi bán hàng ăn, bà rà soát lại, rồi ghi tiếp những chuyện đời khác nữa. Một tác phẩm văn học chững chạc đã hoàn thành. Bà đặt tên sách là Ru, một từ thuần Việt. Chồng bà bèn chuyển bản thảo cho một vị phó giám đốc một nhà xuất bản mà ông quý trọng. Cuốn sách được in ngay. Ru lập tức được bạn đọc, phê bình đón nhận nồng nhiệt. Nó lọt vào nhóm các sách bán chạy nhất lúc ấy, nhanh chóng được dịch ra 15 ngôn ngữ, được trao tặng nhiều giải thưởng. Cuốn sách mỏng, không theo thời thượng, không có cốt truyện, không giật gân câu khách, không bạo lực hay tình dục lan tràn, nhưng sức nặng lay động khối óc, con tim thì không thua kém những thành tựu nghệ thuật đáng nể nhất hiện tại. Giống một bức tranh ghép mảnh, Ru lôi cuốn bạn đọc bởi chất nhân văn, lương thiện, vẻ đẹp đa dạng của từng mảnh ghép. Bị cuốn hút không thể ngừng lại, bạn đọc khi gấp sách lại sau trang cuối cùng, thấy dấy lên nhiều cảm xúc trái chiều. Nhưng cảm xúc mạnh nhất, lưu lại thành ám ảnh là cuộc đời thân thương, đáng sống biết bao.

Bìa tác phẩm mới nhất

Kim Thúy kể lại cuộc lênh đênh vượt biển của gia đình mình, rồi lưu lại 4 tháng ở một trại tị nạn của Hội chữ thập đỏ quốc tế ở Malaysia. Cuối cùng được định cư ở thành phố Granby, có chưa đến 45.000 dân, thuộc Québec. Bấy giờ, Kim Thúy mới 10 tuổi. Một cây bút thời thượng, non tay hay xoàng xĩnh, sẽ chăm chăm vào khổ nạn của thuyền nhân từng được nói đến một thời gian dài; nhưng ở đây, nỗi kinh hoàng của đời thuyền nhân chỉ được nhắc lại qua đôi chi tiết, còn nỗi sợ thường trực, sợ tàu bị bão, cướp biển, chết đói, ngộ độc vì những miếng bánh mì khô lấm lem dầu mỡ, thiếu nước, lây bệnh ghẻ của một bé sơ sinh, không nhìn thấy mặt cha mẹ… hầu như không được nhắc đến. Suốt tác phẩm không hề sụt sùi, mùi mẫn, càng không thoáng chút đau khổ hay bất hạnh lâm ly ảo não, không mảy may thù hận. Đấy là điều tạo nên toàn bộ sức mạnh của nó.

Bên cạnh kỷ niệm trên biển là kỷ niệm về gia đình lớn ở Sài Gòn. Ông ngoại của Kim Thúy từng là một tỉnh trưởng. Ngay trước hôm Kim Thúy ra đời, ông xuất huyết não, bị liệt, nằm trên chiếc giường đôi gỗ mun đen bóng với bốn chân chạm khắc tinh xảo. Bà ngoại sinh hạ mười người con. Bà nghiêm khắc, sành điệu cho tới tuổi xế chiều, dù luôn luôn phụng thờ Đức Phật. Mỗi con của bà có một cuộc đời, tính nết riêng biệt. Một ông cậu của Kim Thúy là nhà ngoại giao cho quân ngụy, thành công rực rỡ, sống vương giả suốt đời, ở đâu cũng tỏa sáng với vốn hiểu biết văn hóa Pháp sâu rộng, chỉ cho công an bắt hai con trai của mình vừa lên chiếc ô tô bí mật chở đi vượt biển. Không ai trong nhà chê trách gì người cha ấy. Khi ông qua đời, mọi người tề tựu đông đủ, tiễn đưa ông trong nghẹn ngào xúc động. Một bà dì của Kim Thúy, suốt đời độc thân, luôn luôn nấu cho cháu món ăn khoái khẩu. Khi quy y cửa Phật, bà tặng cháu mấy chiếc bát viền bạc mà bà coi là báu vật của đời mình. Những chiếc bát này là vật bất ly thân của nữ nhà văn. Một dì khác của bà bị bệnh tâm thần nhẹ, hay lẻn đi chơi ngoài phố, không hiểu sao bụng mình cứ to lên mãi, càng không hiểu sao ngủ một đêm bụng lại xẹp hẳn đi. Người dì khác là doanh nhân gạo cội, luôn luôn tin vào những lời dối trá của con trai, cưng chiều tay ăn chơi có hạng này. Bà dì nữa thì tặng Kim Thúy một vỏ hộp chè, trong đựng 10 mảnh giấy, ghi 10 nghề mà cháu có thể mơ ước để lên tiên cảnh… Trong các anh chị em họ, chị Sao Mai, con của bà bác ngoại giao, là một người bạn tâm giao, để lại cho Kim Thúy ấn tượng mạnh nhất. Được cha kỳ vọng rất nhiều, chị có thời phải bán cà phê ở vỉa hè. Thời ấy, chị đã làm được cà phê giả, rang cháy bánh mì cũ, rồi nghiền thành bột. Về sau chị nghĩ thế là thất đức, thế là dụng công làm bánh ngọt rồi trở thành một thương hiệu kẹo bánh lừng lẫy.

Đồng bào của Kim Thúy cũng không ít chuyện khiến bà bận tâm hay nhói lòng. Thuở nhỏ, Kim Thúy đã biết chuyện bí mật của người làm vườn cho ông ngoại với cô gái làm thuê, ngày nào cung dúi cho cô làm thuê một gói cơm nếp trong lá chuối. Thế rồi tình yêu nảy nở. Bố mẹ chàng trai không chấp thuận, nên xin ông ngoại chuyển người làm vườn đi chỗ làm xa hẳn. Chàng đành đau đớn ra đi, không thể ghi lại một lời cho cô gái, vì cô mù chữ. Nhiều năm sau, Kim Thúy vẫn xúc động nhớ lại cuộc đời đen bạc của những chú bé hơn mình vài tuổi. Hàng ngày, để có một suất ăn tầm thường, chúng phải để cho những người lớn giàu có lạm dụng tình dục. Rồi Kim Thúy tình cờ được chứng kiến một cuộc tử hình ám ảnh bà mãi mãi. Một chú bé sáu tuổi làm liên lạc cho quân đội cách mạng, đang băng băng chạy đưa tin tức trên đồng thì bị phát hiện. Binh lính ngụy xúm vào bắn chú ngay tại trận. Người mẹ chú buộc phải nhìn tận mắt cảnh ấy. Chị chao đảo suýt ngã, nhưng bình tĩnh ngay lại, bế lấy xác con, một nửa chìm dưới bùn. Những câu chuyện ấy gợi ý cho bà tên tập tự truyện là Ru.

Sau chiến tranh, ở miền Nam Việt Nam, một số người vợ hết sức chăm cho tiếp tế cho chồng trong các cở sở học tập cải tạo. Có một người như thế, xinh đẹp, duyên dáng, mải mê quay thịt, món khoái khẩu của chồng, bạn chồng. Cô chăm chú làm việc, đến mức lửa bén cháy tóc, một phần áo. Kim Thúy giới thiệu cho cô một việc khác, nhưng cô chối từ. Đơn giản, quay thịt như vậy mới thỏa lòng thương nhớ. Những chuyện tưởng hết sức bình thường, dưới mắt nữ nhà văn, lung linh lên vẻ đẹp cao quý, nghĩa tình rất Việt. Mìn chiến tranh găm trong lòng đất, bất chợt nổ, một phụ nữ đi bán hoa chết tức tưởi, giữa những bông hoa nát nhừ. Kim Thúy lặng người, tự hỏi trên những con đường vẫn còn những cái bẫy như vậy, liệu những người Mỹ có hy vọng tìm lại được con cháu (lính Mỹ, con lai) của mình đã bỏ mạng? Một người mẹ khác ngỏ ý muốn nữ nhà văn nhận con gái bà làm con nuôi vì nó cứ bám lấy khách du lịch ngoại quốc, nài nỉ khách mua những chiếc khăn trải bàn mà nó tự khâu, thêu rất đẹp. Những bà cụ khom lưng, hai bàn tay cứ run lên, khi chăm chút lồng những búp chè bé xíu vào những cánh hoa sen, cẩn thận nhẹ nhàng khép cánh hoa lại, ấy là chè ướp sen, một thú ẩm thực của người Việt mình.

Xúc động hơn cả có lẽ là những trang Kim Thúy viết về cha mẹ. Cha mẹ bà rất ý hợp tâm đầu ở chỗ không buông xuôi, khuất phục hoàn cảnh. Cha thuộc những người chỉ sống với hôm nay, không luẩn quẩn với quá khứ. Cha hào hứng với từng phút giây của hiện tại, tưởng như đó là thời khắc tốt đẹp nhất, duy nhất, không thể đo đếm, so sánh với những khoảnh khắc khác của bản thân hay đồng loại. Vì vậy thần thái của cha bao giờ cũng toát ra vẻ đĩnh đạc, hạnh phúc viên mãn, dù cha đang cầm chiếc giẻ lau nhà, đang leo cầu thang khách sạn hay đang trong một chiếc xe con lộng lẫy, đàm đạo chiến lược với một bộ trưởng. Mẹ luôn sống trong nhung lụa, 35 tuổi mới phải làm những việc thông thường. Ở tuổi 45, trong cảnh tha phương cầu thực, mẹ không một lời than thân trách phận, mà lặng lẽ tự sáng tạo lại mình, đánh vật với những công việc nặng nhọc như lau sạch cầu thang hàng trăm bậc, nấu ăn ngon cho hàng chục người, mỗi người mỗi tính… Mẹ không hé môi, các anh cùng Kim Thúy đều hiểu mẹ đang nỗ lực hết mình để bảo đảm cho các con một tương lai tươi sáng, bền vững. Cha cũng vậy, để nuôi sống, cho các con ăn học, không từ nan bất cứ việc gì, như cọ rửa các khu vệ sinh cho một trường học lớn, chạy giao hàng cho quán ăn. Chính một đôi lần được đến chơi ở cửa hàng cha vẫn giao hàng, Kim Thúy khám phá một chuyện làm xao xuyến cô nhiều. Đó là một người Việt tên Minh, vốn là trí thức, giờ làm việc ở đây. Ông Minh tận dụng những mảnh giấy lộn còn viết được, hàng ngày ghi chép lại những điều thú vị hay hài hước, để quên đi mặc cảm, không bị phát điên. Kính phục cha mẹ, mấy anh em Kim Thúy cố gắng phụ giúp, như may vá quần áo khi không đi học hoặc hái quả ở đồng cho nông dân sở tại. Cố gắng nhất là làm việc cần cù, cẩn thận, hiệu quả cao, không lãng phí. Đặc biệt là tôn trọng, thương yêu đồng loại. Cha mẹ bà không để lại cho con cái của cải mà là phương thức rèn luyện đôi chân khỏe mạnh, cứng cỏi để đạp bằng mọi chông gai, đi tới ước mơ nhân văn nhất. Những bài học làm người mà cha mẹ truyền dạy bằng những hành động cụ thể trở nên thấm thía hơn nhiều.

Dân sở tại Granby vui lòng cho các gia đình di cư ở nhờ, cho quần áo, thức ăn, nựng nịu, cho đồ chơi hay dạy tiếng Pháp cho bọn trẻ, dẫn chúng đi thăm thú nơi nọ nơi kia, nhất là vườn bách thảo. Không ít người như các linh mục, bác sĩ, thợ thuyền cứu vớt, nuôi nấng các trẻ em không có cha mẹ, cha mẹ mất mạng trên biển…

Ru là một tác phẩm quý hiếm, nói ít, hiểu nhiều, đa giọng điệu, hồi ức, tri ân, nhân bản, hóa giải, hòa hợp, lạc quan đích thực. Tác giả tỏ ra tự tin, tin độc giả một cách đáng khâm phục. Ru có hai nghĩa chính. Nghĩa tiếng Việt là hát khe khẽ, êm ái, dịu dàng, vừa bộc lộ yêu thương trẻ, vừa đưa trẻ chìm dần vào giấc ngủ một cách hạnh phúc, êm đềm. Nghĩa tiếng Pháp (từ cổ) là dòng suối, ở đây ám chỉ Kim Thúy cùng tất cả những đứa trẻ gặp hoạn nạn như bà, sẽ biết đứng lên, được giúp thoát hiểm, trở thành những dòng sông lớn hữu ích đáng ngưỡng vọng. Rất nhiều người Canada, Pháp, Âu Mỹ đã tìm hiểu tiếng Việt, nhận ra dụng ý thâm trầm của người viết. Âu đó cũng là cách giới thiệu tâm hồn Việt Nam tinh tế, thần tình, như Kim Thúy nói rằng không sợ bạn đọc không hiểu, chỉ sợ viết dễ dãi, nông cạn.

Hai tiểu thuyết tiếp theo của Kim Thúy, vẫn dựa trên cảm hứng tự truyện, cũng lấy nhan đề với khát vọng con người như vậy. Mãn, tiểu thuyết thứ hai, là chuyện cô bé Mãn phải đổi mẹ mấy lần, kết hôn sắp đặt với một Việt kiều để sang Canada, rồi mưu sinh vất vả bằng nghề ăn uống. Cuối cùng yêu, lấy một người Pháp từng làm việc ở quê mẹ. Đọng lại từ cuốn sách mạnh mẽ, đầy chất thơ, tinh tế này là sức mạnh lớn lao của tình yêu, tình bạn, sự mê hồn khó cưỡng của những món ăn truyền thống của Việt Nam. Tiểu thuyết mới nhất, Vi, kể chuyện bé gái Vi, em của ba người anh của một gia đình Việt Nam rời quê hương, đi tìm cuộc sống mới. Những tưởng cô bé sẽ bị nhấn chìm, nhưng cô đã hòa nhập được vào cuộc đời rộng lớn. Trưởng thành, Vi nhận chân rằng mình có phẩm chất cốt tử để sống sót. Đó là không hỏi vì sao mà nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, với tình yêu đời kiên định. Các tác phẩm của Kim Thúy tràn đầy cảm xúc cao quý, suy nghĩ thiết thực. Điều này đã làm nên những tác phẩm thật đáng trân trọng từ một con người tài năng.

 

Tác giả: La Nhi Hằng

Nguồn : Tạp chí VHNT số 411, tháng 9 - 2018

 

;