Đến thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái ngược lên phía Tây theo hướng đi huyện Mù Cang Chải là địa bàn cư trú của bà con các dân tộc Thái, Tày, Dao... Vào các gia đình người Dao trong khu vực hỏi về người thày cúng đã cao tuổi, chuyên làm thày cả trong các buổi lễ cúng và có biệt tài vẽ tranh thờ cho bà con trong thực hành tín ngưỡng thì ai cũng biết, đó là ông Lý Hữu Vượng - người vẽ tranh thờ cho bà con tộc người Dao vùng Tây Bắc.
Ông Lý Hữu Vượng sinh ngày 5-9-1943, sinh ra, lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, cư trú tại thôn Giàng Cài, xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Năm 1960, khi tròn 17 tuổi, ông thoát ly tham gia công tác tại xã, quá trình công tác trải qua các công việc: làm tại trạm y tế xã, làm văn phòng UBND xã, cửa hàng trưởng của xã, chủ tịch Hội Nông dân tập thể. Ông về hưu năm 1994, tiếp tục tham gia hoạt động tại địa phương, làm trưởng thôn, chi hội trưởng người cao tuổi, đến năm 2015, ông mới nghỉ công việc chi hội trưởng.
Là người con của tộc người Dao thuộc nhóm Dao quần chẹt (Dao sơn đầu), từ nhỏ được nuôi dưỡng trong không gian văn hóa tín ngưỡng của tộc người Dao bản địa, song hành với đời sống xã hội, làm ăn sinh sống tại vùng núi cao, cũng như mọi người dân, ông cùng gia đình, bà con duy trì nét tín ngưỡng đặc trưng của nhóm người Dao là: thờ cúng tổ tiên (ma nhà), các thần linh, thế lực siêu nhiên, với tấm lòng của người con, tưởng nhớ những người đã mất, nhớ ơn cội nguồn và mong muốn được ông bà tổ tiên, các thần linh che trở, phù hộ trong cuộc sống.
Năm 23 tuổi, ông được cấp sắc 3 đèn, được thụ pháp học các bài cúng, cách thức tiến hành nghi lễ của các thày truyền dạy, được xem như người đàn ông trưởng thành, đủ điều kiện tham gia các hoạt động xã hội, tâm linh. Với bản tính thông minh, nhanh nhẹn, ham học hỏi, ông học rất nhanh lời truyền dạy của các thày. Cộng thêm khả năng giỏi chữ Hán, ông có thể đọc, hiểu các bài cúng được viết thành sách lưu truyền trong dân gian qua nhiều đời. Năm 25 tuổi, ông bắt đầu đi làm thày cúng cho các lễ cúng nhỏ, với vị trí là thày hai, thày ba, chưa được phép mang theo bộ tranh các thần mà chủ yếu làm trợ giúp việc cúng kính cho thày cả.
Năm ông 30 tuổi, được cấp sắc 7 đèn. Từ đó, ông mang theo bộ tranh các thần, làm thày cả trong các lễ cúng tại địa bàn xã, các địa phương trong khu vực. Với vai trò người thày cả, ông chịu trách nhiệm toàn bộ việc thực hành các nghi thức trong các lễ cúng. Ông như nhịp cầu nối giữa trần thế và thế giới siêu nhiên, giúp cho bà con gửi gắm các ước vọng tâm linh, bù đắp cho những khoảng trống về tinh thần, có thêm sức mạnh, yên tâm làm ăn, vượt lên trong cuộc sống.
Tranh Hải phan Tranh Tống đàn Tranh Thái úy
Người Dao sinh sống ở nhiều địa phương trên tỉnh Yên Bái, có 4 nhóm chính là: Dao đỏ (còn gọi là Dao sừng, Dao đại bản), Dao quần chẹt (còn gọi là Dao nga hoàng, Dao sơn đầu), Dao quần trắng và Dao làn tuyển (còn gọi là Dao tuyển).
Xã Nậm Lành là xã vùng cao của huyện Văn Chấn, là nơi sinh sống của bà con tộc người Dao quần chẹt, xen lẫn một bộ phận nhỏ bà con người Mông, xã Nậm Lành gồm 722 hộ/ 3590 nhân khẩu, xã bao gồm 7 thôn: Giàng Cài, Nậm Kịp, Tà Lành, Tặc Tè, Nậm Cài, Nậm Tộc, Ngọn Lành. Trong đó, người Dao sinh sống tại 6/7 thôn của xã, hộ, người Dao chiếm 89% dân số, tập trung đông nhất ở hai thôn Giàng Cài và Nậm Kịp (Giàng Cài: 150 hộ/ 700 nhân khẩu; Nậm Kịp: 155 hộ/ 700 nhân khẩu). Người Dao thuộc xã Nậm Lành là nhóm Dao quần chẹt, gồm các họ: Lý lớn, Lý nhỏ, Bàn, Triệu, Đặng, Phùng.
Tranh thờ gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng của bà con người Dao bản địa, hiện thân của các đấng thần linh, các thế lực siêu nhiên, huyền bí, các thần có sức mạnh diệt ác trừ tà, trừng trị kẻ phạm tội, xấu xa. Tranh thờ được sử dụng trong tộc người Dao ở huyện Văn Chấn có hai bộ tranh, với kích cỡ tương đối thống nhất là 40cmx100cm, treo theo khổ dọc. Các bộ tranh được sử dụng theo từng dòng họ, khác biệt về số lượng các bức tranh. Bộ thứ nhất gồm 4 bức tranh dùng cho họ Lý (Lý nhỏ) và họ Hoàng, trong đó có ba tranh lớn, một tranh nhỏ. Bộ thứ hai dùng cho họ Lý (Lý to), họ Triệu, họ Đặng, họ Phùng. Bộ tranh có 18 tranh lớn, 4 tranh nhỏ, 3 mặt lạ và 1 tranh dài. Theo quan niệm của các thày cúng và tín ngưỡng của người dân, số lượng các bức tranh trong từng bộ là khác nhau, nhưng số các thần vị có trong tranh là đầy đủ. Từ đó, mặc nhiên giá trị trong tín ngưỡng giữa các bộ tranh là tương đồng, không có sự khác biệt về số lượng các thần. Trong thực hành tín ngưỡng không có quan niệm khác biệt về giá trị giữa bộ nhiều tranh và bộ ít tranh.
Người thày trao truyền cho ông theo nghề cúng, cũng là người thày khởi đầu dạy ông cách vẽ tranh thờ. Việc dạy vẽ tranh mang tính truyền tay ứng dụng thủ công dân dã, các công đoạn của quá trình sao chép các bộ tranh cổ mới chỉ dừng lại ở việc xem làm, không có hệ thống, tùy thuộc vào thời điểm được tiếp xúc với việc vẽ tranh của thày... Việc vẽ tranh thờ được thực hiện nghiêm ngặt, tại không gian riêng trong nhà thày cúng. Thời điểm đó, việc vẽ tranh diễn ra không liên tục, bởi vậy, việc tiếp cận học nghề của ông kéo dài cùng các hoạt động tín ngưỡng thờ cúng của người thày tại địa phương. Sau đó, người thày của ông đã cùng gia đình chuyển đến một địa phương khác. Việc học của ông tạm gián đoạn, những kiến thức học vẽ tranh chỉ dừng lại ở mức được xem và biết, quy trình không trọn vẹn... Việc học vẽ tranh chuyển sang tự tìm tòi nghiên cứu, tiếp tục với bộn bề công việc trong cuộc sống và hoạt động tín ngưỡng đan xen.
Việc tiếp nối nghề vẽ tranh là một cái duyên trong cuộc đời ông. Năm 1990, ngành văn hóa với chủ trương thu gom sưu tầm, lưu giữ các hiện vật về văn hóa, nghệ thuật trong dân gian, trưng bày tại bảo tàng của thị xã Nghĩa Lộ. Quá trình sưu tầm đã mang về bảo tàng nhiều hiện vật, trong đó có cả những bộ tranh thờ được lưu giữ nhiều đời, những bản can kỹ thuật (can hình chi tiết từng bức trong bộ tranh thờ). Các họa sỹ của bảo tàng thị xã Nghĩa Lộ với mong muốn phục dựng bộ tranh thờ, giúp một số gia đình bà con người Dao trong thực hành tín ngưỡng. Bộ tranh được vẽ hoàn tất, nhưng không thể đưa vào thờ cúng, thực hành tín ngưỡng được, bởi theo truyền thống, các bức tranh phải được thực hiện lễ khai quang (khai tiểu quang và khai đại quang) cẩn trọng. Việc khai quang phải được thực hiện bởi thày cúng cao tay, có uy tín trong cộng đồng, phải được gia đình chủ nhà uy tín lựa chọn. Khi đó, các thần linh mới ứng nghiệm vào tranh, giá trị tâm linh mới được hiện hữu.
Từ thực tế đó, những người làm công tác văn hóa, cùng gia đình chủ nhà đã tìm đến nhờ ông thực hiện các nghi thức khai quang cho bộ tranh. Trong quá trình tiếp xúc này, biết ông vừa làm thày cả, vừa biết vẽ tranh, các họa sỹ đã trao lại cho toàn bộ một bộ bản can nét đầy đủ của một bộ tranh thờ, được lưu truyền trong dân gian mà họ sưu tầm được. Bản can nét quý đó đã tình cờ đến được với người thày cúng có kiến thức, có một tấm lòng rộng mở và ham muốn tái hiện hình ảnh các vị thần mang đến các gia đình dòng họ người Dao nơi vùng sơn cước.
Bắt đầu quá trình vẽ tranh thờ cho bà con người Dao được tính từ năm 1990. Đến nay, ông đã trải qua 27 năm vẽ tranh thờ tại thôn Giàng Cài, xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Tranh của ông được sử dụng cho bà con ở địa bàn trong xã. Ngoài ra, với uy tín được lan truyền, bà con các tộc người Dao ở các xã lân cận trong huyện, cả những xã huyện khác ở xa nhà ông đến cả trăm cây số cũng lặn lội đến tận nơi nhờ vẽ tranh giúp.
Là người thuộc nhóm Dao quần chẹt, ông thuộc họ Lý nhỏ (dòng họ sử dụng bộ tranh thờ gồm 3 bức), là người thày cả năm nay đã 73 tuổi trải qua quá trình 43 năm làm thày cả, uy tín của ông ngày càng sâu rộng tại địa phương và khu vực lân cận. Luôn mang trong mình những suy nghĩ tích cực, với lòng tin của thày, của người theo đạo, ông mong muốn mang đến điều tốt đẹp cho bà con. Từ vốn hiểu biết sâu rộng về văn hóa tín ngưỡng dân gian, với khả năng thiên bẩm về hội họa, ông đã miệt mài vẽ những bức tranh thờ mong muốn lưu giữ tái hiện các vị thần trong các bộ tranh cổ được lưu truyền.
Quá trình vẽ tranh được diễn ra tại gia đình rất kỹ càng, tỷ mỷ và thận trọng. Khởi đầu là mối quan hệ thâm sâu của người thày vẽ tranh và gia đình có nhu cầu sử dụng, từ không gian vẽ tranh, ngày giờ vẽ tranh, đến những quy định nghiêm ngặt về kiêng cữ của người vẽ và của cả gia đình. Trong ngôi nhà gỗ rộng 3 gian 2 trái, ông Vượng bố trí một không gian vẽ tranh riêng biệt. Ông thiết kế một phòng nhỏ phía đầu ngoài cùng của ngôi nhà, có cửa đi riêng, một cửa sổ lớn đón ánh sáng để thuận lợi cho việc vẽ tranh. Phòng vẽ được bố trí đồ dùng gọn gàng, giản tiện, có bàn gỗ dài kích thước 50cmx120cm dùng để trải đủ khổ tranh. Các hộp đựng bút màu, đồ dùng vẽ tranh, trên tường vách bằng gỗ được thiết kế dài 1 sào, đặt ở độ cao vừa tầm tay người, trên sào có đóng 18 đinh với khoảng cách đều nhau, dùng để treo các bức tranh thờ... Không gian vẽ tranh thờ là không gian thiêng, chỉ có người thày cúng, thày vẽ tranh ra vào khi làm việc, ngoài ra chỉ khi có việc liên quan, những người khác mới được vào phòng khi được cho phép.
Các bức tranh là hiện thân của các thần linh, việc tái hiện hình ảnh các vị thần là việc làm cẩn trọng linh thiêng, trước khi vẽ tranh phải xin phép tổ tiên, các vị thần chứng giám mới được phép vẽ, vẽ tranh phải chọn ngày giờ tốt, hợp với tuổi của người nhờ vẽ, quá trình vẽ tranh phải kiêng cữ kỹ càng.
Khi bắt đầu vẽ tranh những năm 90 TK XX, ông sử dụng giấy gió tự làm của bà con người Dao địa phương. Theo thời gian, giấy gió khổ lớn phù hợp cho vẽ tranh gần như không còn sản xuất nữa, ông Vương chuyển sang vẽ bằng giấy Krôky bán phổ thông ở thị trường. Màu vẽ được ông sử dụng là màu bột, màu goát gửi mua ở vùng xuôi, như vậy, chất liệu vẽ tranh thờ tại địa phương khoảng 30 năm gần đây chủ yếu dùng họa phẩm, dụng cụ vẽ tranh phổ thông của các họa sĩ, không sử dụng màu tự nhiên, giấy gió truyền thống như xưa nữa.
Các công đoạn vẽ tranh được ông Vượng thực hiện tuần tự kỹ lưỡng, từ chuẩn bị giấy vẽ, đến can hình các bức tranh, vẽ màu cho từng tranh, vẽ chi tiết viền nét, điểm nhãn cho tranh, ghi phụ lục phía sau tờ tranh. Sau đó là thực hiện lễ khai Tiểu Quang tại nhà thày vẽ tranh để giao tranh cho chủ nhà mang về. Cuối cùng là làm lễ khai Đại Quang tại gia đình nhà chủ có bộ tranh. Quá trình vẽ tranh diễn ra song song với hoạt động đời sống và hoạt động tín ngưỡng của người thày, bởi vậy thời gian thường kéo dài khoảng 3 tháng mới vẽ xong một bộ tranh. Quá trình này đều phải được thày xem ngày giờ tốt, hợp với họ, hợp với tuổi mới được thực hiện...
Theo ông Vượng, phần chi tiết trên chân dung các vị thần phải thực hiện kỹ lưỡng, khó và mất nhiều thời gian nhất như mắt, ụ mày, lông mày, mũi, râu. Là người không được đào tạo qua trường lớp về hội họa, phần phác họa chi tiết các vị thần rất khó khăn, nhưng với sự tỷ mỷ, thận trọng và sự cảm nhận tốt, với gần 30 năm thực hành vẽ tranh, ông đã thực hiện thành thạo chính xác, phản ánh tương đối trung thực các chi tiết hình từ bộ tranh gốc, tạo được sự thuận mắt, sự hài hòa cho người xem tranh.
Bộ tranh sau khi vẽ hoàn chỉnh được ông Vượng thực hiện phần viết phụ lục cho tranh, phụ lục được ghi đầy đủ ở phía sau của hai bức tranh Tổng đàn và Thượng thanh. Phần phụ lục được viết dài kín gần hết phía sau bức tranh bằng chữ Hán - Nôm, bằng bút lông nhọn đầu với chữ viết đẹp, thanh thoát. Phụ lục bao gồm những thông tin quan trọng để con cháu đời sau biết được cội nguồn và ghi nhớ.
Nhớ lại những năm tháng đã qua, trong trí nhớ của người thày 74 tuổi, ông nhẩm tính trên đầu ngón tay, nhẩm tính tên các chủ nhà mà ông đã vẽ tranh cho họ, có đủ cả từ trong xã đến các xã lân cận, đặc biệt có cả những gia đình cách xa ông cả trăm cây số, ông đã vẽ cho bà con khoảng 42 bộ tranh. Ở tuổi 74, nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, khỏe mạnh và minh mẫn. Ông miệt mài làm việc vẽ tranh thờ và tham gia giữ vai trò chủ chốt trong các hoạt động tín ngưỡng tại địa phương, với suy nghĩ đơn giản việc làm của mình góp phần đem lại cho bà con và các gia đình đời sống no đủ, yên vui.
Tranh thờ của các tộc người miền núi, là một tài sản quý giá, phản ánh một đời sống tâm linh trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của của tộc người Dao bản địa, nét văn hóa đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ, là thông điệp của người xưa để lại cho thế hệ mai sau của một tộc người sinh sống trên vùng cao Tây Bắc, những giá trị đó đang hàng ngày được tiếp nối trao truyền từ việc vẽ tranh thờ của ông Vượng.
Tác giả : Nguyễn Sinh Phúc
Nguồn : Tạp chí VHNT số 409, tháng 7-2018