Từ Hoàng hậu thất thế trở thành liệt phụ

Trong các bài viết trước, chúng tôi đã đề cập đến tình hình chính sự mục nát, triều đình nghiêng ngả, lung lay đến tận gốc rễ ở giai đoạn cuối của thời Lê Sơ, tức hơn 20 năm đầu thế kỷ XVI. Sự mục nát, nghiêng ngả, lung lay đó đã tạo điều kiện cho Mạc Đăng Dung thâu tóm quyền bính, hình thành vây cánh ngày càng lớn mạnh để rồi đến giữa năm 1527 thoán đoạt ngai vàng. Nói như Nguyễn Trãi, “họa phúc hữu môi phi nhất nhật” (họa phúc có nguồn, phải đâu một buổi), “họa” của nhà Lê Sơ là cái “họa” của một triều đại không tìm được minh quân thánh đế để trị quốc an dân kể từ sau khi Lê Hiến Tông băng hà (1504), Lê Túc Tông kế nghiệp chưa đầy năm thì mất sớm (1505).

Lê Túc Tông mất sớm, ngôi báu nhà Lê Sơ lần lượt được Lê Uy Mục (bị lật đổ năm 1509) và Lê Tương Dực (bị giết năm 1516) tiếp quản. Nếu Lê Uy Mục “thích uống rượu, hay giết người, hiếu sắc, làm oai, giết hại người tôn thất, giết ngầm tổ mẫu, họ ngoại chuyên quyền, trăm họ oán giận, người đời gọi là Quỷ vương, điềm loạn hiện ra từ đấy” (Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn học, Hà Nội, 2009, tr. 760) thì Lê Tương Dực có khá hơn một chút: “Vua khi mới lên ngôi, ban hành giáo hóa, cẩn thận hình phạt, cũng đáng gọi là có làm. Song ham chơi mà không quyết đoán, việc thổ mộc bừa bãi, nhân dân thất nghiệp, trộm cướp nổi dậy, đến nguy vong, là bởi ở đấy” (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 773).

Không phải ngẫu nhiên mà trong chuyến sang Đại Việt năm 1507, một thành viên của đoàn sứ nhà Minh là Phó sứ Công khoa cấp sự trung Hứa Thiên Tích ngoài việc mang chiếu sắc sang phong cho vua làm An Nam quốc vương và ban cho một bộ mũ áo quan võ bằng da cùng một bộ thường phục, đã bỏ qua phép tắc, ngôn từ ngoại giao thường thấy để đề thơ về Lê Uy Mục rằng: “An Nam tứ bách vận vưu trường/ Thiên ý như hà giáng quỷ vương” (Vận nước An Nam còn dài đến bốn trăm năm, Ý trời thế nào lại giáng sinh vua quỷ?) (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 763); còn Lê Tương Dực tuy khá hơn (thời kỳ đầu cho trùng tu Quốc Tử Giám, tổ chức nhiều khoa thi Nho học lấy đỗ 90 tiến sĩ, dựng bia các vị đại khoa, sai người biên soạn bộ Đại Việt thông giám thông khảo gồm 26 quyển…) cũng có hỗn danh thật tệ hại: vua lợn. Sử sách nước nhà từng ghi lại chuyện: “Tháng giêng, ngày 26 (năm 1513), nước Minh sai chánh sứ là Hàn lâm viện biên tu Trạm Nhược Thủy, phó sứ là hình khoa hữu cấp sự trung Phạm Hy Tăng sang phong cho vua làm An Nam quốc vương và ban cho một bộ mũ áo quan võ bằng da, một bộ thường phục. Hy Tăng trông thấy vua, bảo Nhược Thủy rằng: Quốc vương An Nam mặt thì đẹp mà người lệch, tính thích dâm, là vua lợn, loạn vong sẽ đến không lâu đâu!” (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 785).

Lê Uy Mục, Lê Tương Dực chịu tiếng xấu muôn đời vì tư cách chẳng ra gì nhưng chuyện đáng nói là khi Lê Tương Dực bị giết thì hoàng hậu của ông đã nhảy vào lửa chết theo chồng, giữ trọn đạo phu thê.

Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, “Duy Sản vì thường can ngăn làm trái ý vua, nhà vua tức giận, sai đánh bằng trượng. Duy Sản bèn cùng Lê Quảng Độ, Trình Chí Sâm bàn mưu bỏ vua này lập vua khác. Họ chuẩn bị sửa soạn binh thuyền khí giới, hội hợp ở bến Thái Cực, nói phao là đem đi đánh giặc; rồi nhân ban đêm họ đem quân Kim Ngô hộ vệ hơn ba ngàn người vào cửa Bắc Thần. Lúc lửa cháy, nhà vua ngờ là giặc kéo đến, đi lẻn ra ngoài cửa Báo Khánh; lúc tờ mờ sáng, đi qua cửa Chu Tước ở phường Bích Câu, gặp Duy Sản, nhà vua hỏi: “Giặc ở đâu?”. Duy Sản không trả lời, quay mặt đi đằng khác và cười ầm lên. Nhà vua quay lưng ngựa chạy sang mặt Tây, Duy Sản sai võ sĩ tên là Hạnh đâm nhà vua ngã ngựa rồi giết đi. Khâm Đức hoàng hậu cũng tự nhảy vào đống lửa để chết” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr. 67).

Về Khâm Đức hoàng hậu, theo Lê Quý Đôn, “Khâm Đức hoàng hậu họ Nguyễn, húy là Đạo, người huyện Văn Giang, là con gái viên quản lĩnh họ Nguyễn. Bà là người có đức hạnh. Khoảng năm Hồng Thuận (1509-1516) được lập làm hoàng hậu. Sinh ra ba hoàng nữ, con cả tên là Thọ Túc, phong là Bảo Phúc công chúa; con thứ hai là Thọ Nguyên, con thứ ba là Thọ Kính, đều chưa kịp phong. Năm thứ 8, nhà vua bị Trịnh Duy Sản giết, đem thiêu ở quán Bắc sứ, bà nghe có biến loạn, theo nghĩa không muốn sống thừa, bèn nhảy vào lửa ở điện Mục Thanh mà mất. Quan quân đem hai quan tài về táng ở Nguyên Lăng thuộc xã Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên. Về sau, được truy tôn tên thụy là Khâm Đức Thuận Liệt Đôn Tiết Hoàng hậu” (Đại Việt thông sử, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978, tr. 137).

Rõ ràng, dù bị người đời gọi là “vua lợn”, “ham chơi”, “tính thích dâm” thì Lê Tương Dực vẫn là chồng Khâm Đức hoàng hậu. Khâm Đức hoàng hậu chết theo chồng vì không muốn sống thừa và để giữ trọn vẹn đạo phu thê. Với cái chết của mình, từ một hoàng hậu thất thế bà đã trở thành liệt phụ!

 

NGUYỄN TẤN TUẤN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 492, tháng 3-2022

;