Thấy mẹ ôm đầu vì căn bệnh rối loạn tiền đình, cô con gái nhỏ lên 7 tuổi liền chạy đến bên nhẹ nhàng: “Mẹ ơi, mẹ vào giường nằm nghỉ đi. Để con bóp đầu cho mẹ nhé”. Lời nói dịu dàng từ con khiến chị vô cùng xúc động. Cơn đau đầu như búa bổ cũng theo đó mà nhẹ đi mấy phần.
Lời nói dịu dàng là những lời động viên, ngợi khen hay cảm ơn, xin lỗi,… dễ nghe, lịch sự và chân thành. Lời nói dịu dàng chứa đựng nguồn năng lượng yêu thương, chẳng khác nào món quà quý mang tới sự ấm áp, thoải mái, an vui; giúp mỗi người và cuộc sống của họ trở nên tốt đẹp.
Lời nói dịu dàng sẽ giúp những ai đang buồn phiền, tổn thương được sẻ chia, đồng cảm và có thêm nguồn động lực để tìm niềm vui trở lại. Trong cuộc sống, bất kỳ ai cũng đều có thể rơi vào nghịch cảnh. Khi đó, đơn giản chỉ cần được một người lắng nghe, thấu hiểu; chỉ cần một lời an ủi, động viên dịu dàng đúng lúc sẽ giúp ai đó bình tâm, lạc quan hướng về niềm tin ở phía trước.
Lời nói dịu dàng giống như một phép màu, giúp thay đổi suy nghĩ, hành động, tính cách, thậm chí cuộc đời của một người. Câu chuyện về cậu bé nghèo, sống lang thang bị người dân trong thị trấn nghi ngờ, xua đuổi, trêu chọc, làm trò cười là một ví dụ. Với họ, cậu bé chính là xui xẻo nên cậu chỉ xứng đáng nhận lại những lời nói cay độc và sự xa lánh. Như một thói quen và vì quá uất ức, cậu cũng dùng chính cách đối xử ấy với con chó (người bạn duy nhất) bên cạnh cậu hiện tại. Chỉ đến khi cậu nhặt đồ giúp cho một người phụ nữ và được người đó ngợi khen, cảm ơn thì mọi thứ mới đổi khác. Cậu cảm thấy hạnh phúc và tự hứa với mình sẽ sống để xứng đáng với những lời dịu dàng vừa nhận được. Và 40 năm sau, cậu bé ngày nào đã trở thành tỉ phú trong sự ngạc nhiên và khâm phục của mọi người.
Lời nói dịu dàng cũng có sức mạnh cảm hóa những ai đã và đang sa ngã, đi sai đường, lạc lối,… giúp họ tự tìm cách quay đầu, trở về với chính bản ngã lương thiện, trong sáng của mình. Tôi nhớ đến trường hợp một cậu học trò cũ. Em sinh ra trong một gia đình khá giả, ba mẹ làm nghề buôn bán. Phần vì được nuông chiều, phần vì bị đám bạn xấu lôi kéo, chẳng bao lâu, em trượt dài trên con đường trộm cắp, chích hút. Một ngày, tình cờ tôi gặp em, cô trò ngồi trò chuyện với nhau rất lâu. Không lời hoa mỹ hay đao to búa lớn, tôi chân thành khuyên bảo em những điều nên làm. Và rồi, một tháng sau, em chủ động nhắn tin cho tôi: “Cô ơi, em đã quyết định đi học nghề rồi. Em cảm ơn những lời dịu dàng từ cô. Nó đã giúp em nhận ra mình phải thay đổi để sống tốt”. Xem dòng tin nhắn của em gửi, tôi vô cùng xúc động và hạnh phúc!
Lời nói dịu dàng còn có sức mạnh gắn kết con người gần gũi, yêu thương nhau hơn. Ông bà ta có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Lời nói không chỉ phục vụ cho việc giao tiếp, trao đổi thông tin mà còn là phương tiện bày tỏ tình cảm, giúp con người thấu hiểu lẫn nhau. Việc dành những lời nói dịu dàng, tốt đẹp cho nhau có thể xua tan hiềm khích, căng thẳng; giúp hòa giải, gắn kết tình người. Dành những lời dịu dàng để đối đãi với nhau, dù việc nhỏ, việc lớn cũng đều được giải quyết một cách ổn thỏa. Thế giới sẽ trở nên văn minh, con người sống với nhau ngày càng có tình có nghĩa nếu ai cũng biết dùng những lời nói dịu dàng để giao tiếp với nhau.
Tuy nhiên, thực tế không phải không có người đã lợi dụng những lời nói dịu dàng, khách sáo, tâng bốc, nịnh nọt dễ nghe nhằm mục đích xấu, che đậy bản chất không tốt của mình. Cũng có những người thay vì dùng những lời tốt đẹp để nói với nhau, họ lại dùng lời lẽ thô tục cố ý sỉ nhục, gây tổn thương cho nhau, tạo nên thù oán, bất hòa, nghi kị, đổ vỡ,… Thế nên, để nói ra được những lời dịu dàng dễ nghe một cách chân thành, đòi hỏi mỗi người phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện mới thành.
Ai cũng xứng đáng được nhận những lời nói dịu dàng từ người khác. Ông bà ta có câu: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Những lời nói dịu dàng cất lên từ trái tim yêu thương chân thành luôn tạo nên những thay đổi tích cực!
XANH NGUYÊN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 489, tháng 2-2022