Tiết nghĩa Đại vương Đàm Thận Huy

Đàm Thận Huy (1463-1526) tự Mặc Hiên, hiệu Mặc Trai, người làng Ông Mặc (còn gọi là Hương Mặc/ làng Me), huyện Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc - nay thuộc phường Hương Mạc, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1490, ông trúng cách kỳ thi Hội; đến kỳ thi Đình, ông đứng thứ 17/32 người đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Đây là khoa thi có rất nhiều bậc anh tài như: Ngô Hoán, Lưu Thư Ngạn, Dương Trực Nguyên, Lưu Dịch, Phạm Đạo Phú… Sau khi thi đỗ, Đàm Thận Huy được bổ làm quan, phụng sự tới sáu đời vua: Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông…, tức từ lúc nước nhà thái bình thịnh trị tới khi triều chính đầy rẫy rối ren, quyền thần Mạc Đăng Dung chuẩn bị đoạt ngôi vua.

Gia đình - dòng họ Đàm Thận Huy là một danh gia vọng tộc. Em trai Đàm Thận Huy là Đàm Thận Giản, đỗ Hoàng giáp năm Kỷ Mùi (1499) đời Lê Hiến Tông, sau làm Công bộ Thượng thư. Con trai Đàm Thận Giản là Đàm Cư tiếp tục đỗ Hoàng giáp năm Mậu Tuất (1538), cũng làm đến Thượng thư.
Vợ Đàm Thận Huy là em gái Nghiêm Ích Khiêm, người đỗ Hoàng giáp cùng khoa thi với ông năm 1490. 
Con rể Đàm Thận Huy là Nguyễn Chiêu Huấn, đỗ Bảng nhãn năm Giáp Tuất (1514) đời Lê Tương Dực, làm Công bộ Thượng thư.
Cháu đời thứ 6 của Đàm Thận Huy là Đàm Công Hiệu (1652-1721), đỗ khoa Sĩ vọng năm 1684, sau làm Lễ bộ Thượng thư.
Hậu duệ đời thứ 15 của Đàm Thận Huy là Đàm Liêm, đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1895), làm quan Đốc học các tỉnh Khánh Hòa, Thanh Hóa...

Năm 1494, Đàm Thận Huy tham gia hội Tao Đàn, đứng thứ 26/28 ngôi sao văn học lúc bấy giờ (Tao Đàn nhị thập bát tú). Ông có thơ trong Quỳnh uyển cửu ca (Chín khúc ca trong vườn Quỳnh); có tác phẩm Mặc Trai thi tập nổi tiếng, nhiều bài về sau được tuyển chọn trong sách Toàn Việt thi lục (Sao lục toàn tập thơ Việt) của nhà bác học Lê Quý Đôn…

Cuối năm 1509, Lê Tương Dực khởi nghĩa giết Lê Uy Mục, rồi tự lên làm vua, lấy niên hiệu là Hồng Thuận. Đầu năm 1510, vua mới ban thưởng cho những người có công ứng nghĩa. Trong số này, Đàm Thận Huy được thăng Hình bộ thượng thư kiêm Hàn lâm viện thị độc, Chưởng Hàn lâm viện sự. Cũng trong năm 1510, Đàm Thận Huy được cử làm chánh sứ sang nhà Minh bày tỏ việc phế truất Uy Mục, đồng thời xin sách phong và chấp nhận triều cống. Sau khi đi sứ trở về, đầu hạ năm 1511, Đàm Thận Huy được thăng Lại bộ Thượng thư, kiêm coi Chiêu văn quán, Tú lâm cục…

Đến tháng 4 âm lịch năm 1516, Trịnh Duy Sản giết Lê Tương Dực, đưa Lê Chiêu Tông lên làm vua. Ngai vàng đổi chủ nhưng Đàm Thận Huy vẫn là đại quan được tín nhiệm, ông giữ chức Lễ bộ Thượng thư.

2 năm kế tiếp, Đàm Thận Huy làm Thiếu bảo Lễ bộ Thượng thư nhập thị Kinh diên, tước Lâm Xuyên bá.

Đến ngày 27 tháng 7 âm lịch năm 1522, Lê Chiêu Tông nhận thức rõ tình thế nguy hiểm của mình khi vây cánh Mạc Đăng Dung ngày một lớn mạnh, tất yếu sẽ dẫn đến chuyện thoán đoạt ngai vàng: “Đăng Dung đem con gái nuôi vào hầu vua, tuy tiếng là chầu hầu, thực ra để dò xét coi giữ. Lại cho con trưởng là Đăng Doanh làm Dục Mĩ hầu trông coi điện Kim Quang. Đăng Dung đi bộ thì lọng phượng dát vàng, đi thủy thì thuyền rồng dây kéo, ra vào trong cung cấm, không kiêng sợ gì cả” (Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn học, Hà Nội, 2009, tr. 813). Không còn cách nào khác, Lê Chiêu Tông bỏ kinh thành Thăng Long chạy ra Sơn Tây, kêu gọi quan quân các nơi dấy lên phong trào Cần vương phục quốc. Đối phó với tình thế ấy, Mạc Đăng Dung đưa Lê Cung Hoàng lên làm vua, chống lại Lê Chiêu Tông. Tháng 8 âm lịch cùng năm, Đàm Thận Huy cùng những văn thần võ tướng khác (Hà Phi Chuẩn, Nghiêm Bá Ký, Nguyễn Xí…) nhận mật chiếu lui về Bắc Giang mộ binh khởi nghĩa khi đã ở giữa tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”. Ban đầu, Đàm Thận Huy đóng quân ở bờ sông Ninh Kiều nhưng rồi bị Mạc Đăng Dung phá, phải lui về Thọ Thành, Yên Thế. Biết ông là người có danh vọng, uy tín lớn với triều đình cũng như quan quân, nhiều lần Mạc Đăng Dung cho người đến lôi kéo, mua chuộc… song đáp lại là một tấc lòng trung liệt: "Trung thần bất sự nhị quân, liệt nữ bất cánh nhị phu” (Bề tôi trung không thờ hai vua, liệt nữ không lấy hai chồng).

Đáng tiếc là vận nước lúc bấy giờ không chiều theo lòng người. Ngoài thủ đoạn lôi kéo, mua chuộc, hứa hẹn bổng lộc, chức tước thì lực lượng trong tay Mạc Đăng Dung vẫn là một đội quân mạnh, thiện chiến hơn những người dám “sát thân thành nhân”. Mạc Đăng Dung lần lượt đàn áp, đánh bại các đạo quân phất cờ nghĩa, đưa lên đoạn đầu đài hoặc hành hình nhiều người chống đối; thậm chí bắt cả Lê Chiêu Tông (năm 1525), giam cầm một thời gian rồi giết hại (cuối năm 1526 âm lịch). Thấy không thể thay đổi được tình hình, diễn biến mỗi lúc một xấu, ngày 3 tháng 8 âm lịch năm 1526, Đàm Thận Huy và những người cùng chí hướng, trông về Lam Sơn - nơi phát tích của nhà Lê - lạy khóc, rồi uống thuốc độc tự tử. Trước khi chọn cái chết để bảo toàn khí tiết, phẩm giá, ông có nhắn gửi gia đình rằng: “Con người ta sinh ra trong khoảng trời đất, lấy trung, hiếu làm vinh (…) phải biết thế nào là trung, thế nào là hiếu. Sau khi ta chết hãy thận trọng, chớ có theo ngụy triều, nhận chức tước của ngụy triều, được thế thì ý nguyện của ta cũng thỏa”… Vợ và hai con gái ông, sau đó đều tuẫn tiết!

Ngày 15 tháng 6 âm lịch năm 1527, Mạc Đăng Dung đoạt ngôi nhà Lê. Đăng Dung một mặt vẫn xem Đàm Thận Huy là người tiết nghĩa; mặt khác, không muốn thất nhân tâm thêm, đã cho rước hài cốt ông về quê an táng rồi ban sắc, phong tước. Thế nhưng, tương truyền khi sắc về đến chợ Dầu, không có lửa vẫn bị cháy. Dân gian cho đấy là điềm báo Đàm Thận Huy “sống khôn, thác thiêng” vì ông từng nhắn gửi gia đình “Chớ có theo ngụy triều, nhận chức tước của ngụy triều”!

Một trăm bốn mươi năm sau khi mất - năm Cảnh Trị thứ 4 (1666) - Đàm Thận Huy được nhà nước quân chủ lúc bấy giờ truy phong làm Tiết nghĩa Đại Vương, ban tên thuỵ là Trung Hiến, cho dân lập đền thờ ở quê (làng Hương Mạc), đặt tên là "Tiết nghĩa từ", lệnh cho các quan sở tại xuân thu nhị kỳ tế lễ. Vua Tự Đức thời Nguyễn từng có thơ vịnh Đàm Thận Huy: “Tao Đàn tứ thất liệt quần tinh/ Sinh hữu tài danh, tử hữu linh/ Ngụy chiếu truy bao hà xứ vãng?/ Trung đồ quỷ hỏa dĩ huỳnh huỳnh” (Tao Đàn hăm tám vị minh tinh/ Sống có tài danh, chết có linh/ Ngụy chiếu truy phong sao thế nhỉ?/Giữa đường bị cháy lửa vô hình). 

Tam Môn - di tích quốc gia đền thờ cụ Đàm Thận Huy

 

 

Nguồn: Tạp chí VHNT số 486, tháng 1-2022

 

 

;