Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, sau khi rời quân ngũ, cựu chiến binh Lê Văn Đấu (SN 1947) ở ấp Long An A, xã Phú Thành A, huyện Tam Nông (ảnh) đã khởi nghiệp thành công từ nguồn tài nguyên bản địa với sản phẩm gạo lứt huyết rồng và bột gạo huyết rồng Năm Đấu!
Thường xuyên làm việc thiện
Không chỉ chú tâm phát triển sản xuất, kinh doanh, doanh nhân - cựu chiến binh Lê Văn Đấu rất chú tâm làm việc thiện. Hằng năm, ông đều trích cả trăm triệu đồng từ lợi nhuận để làm công tác từ thiện. Ông luôn tìm hiểu những thông tin liên quan đến các học sinh đang gặp khó khăn, hộ dân, người cơ nhỡ, tật nguyền, neo đơn để chia sẻ, giúp đỡ và đóng góp xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn ở địa phương. Dù dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ông Đấu vẫn đến từng nhà tặng tiền và quà cho các hộ khó khăn. Mỗi phần quà trị giá từ 300.000 đến 500.000 đồng. Ông Lê Văn Đấu bộc bạch: “Là một doanh nghiệp, tôi làm ăn cũng được. Trong dịch COVID-19, các hộ nghèo đã khó khăn lại càng khó khăn hơn nên tôi trích một phần lợi nhuận nhỏ để chia sẻ khó khăn ấy cùng … Tôi mong muốn dịch COVID sớm qua và các hộ làm ăn bình ổn hơn”.
Ông Đấu tặng quà hộ khó khăn và CCB khó khăn trong mùa dịch COVID-19
Khởi nghiệp từ 3 ký lúa giống huyết rồng…
Năm 2020, sản phẩm gạo lứt huyết rồng và bột gạo lứt huyết rồng Năm Đấu đã được UBND tỉnh Đồng Tháp cấp giấy chứng nhận đạt OCOP xếp hạng 3 sao. Cựu chiến binh Lê Văn Đấu đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tặng Bằng khen; Chủ tịch UBND huyện Tam Nông tặng Giấy khen danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở tại Hội nghị vinh danh các nông dân tiêu biểu năm 2018 của huyện Tam Nông và được Chủ tịch UBND huyện Tam Nông khen thưởng cho thành tích xuất sắc về thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 - 2019, cùng nhiều giải thưởng cao quý khác… Ông Đấu cho biết: Quê ông ở vùng Cù lao Tây, xã Tân Huề, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Vào những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, ông đã từng tham gia hoạt động cách mạng hợp pháp ở vùng cù lao Ngũ Tân là Tân Huề, Tân Quới, Tân Long, Tân Hòa và Tân Bình, huyện Thanh Bình. Đến năm 1973, do bị lộ bí mật nên ông phải rời quê nhà sang xã Phú Thành A lánh nạn và được cấp 4.000m2 đất ruộng để mưu sinh. Trong những năm tháng vừa làm mướn vừa làm ruộng tại đây, anh thanh niên Lê Văn Đấu đã gặp và kết duyên vợ chồng với cô thôn nữ xinh đẹp Trần Thị Bén. Hai người chung sống hạnh phúc với nhau, đến nay 6 người con đều trưởng thành và lập gia đình, sống riêng. Cựu chiến binh Lê Văn Đấu bày tỏ: “Sau khi lập gia đình, có con, vợ chồng tôi cùng làm ăn, chuyên tâm tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và quyết tâm làm giàu chính đáng. Đến tháng 8/1983, khi huyện Tam Nông được tái lập, tôi bắt tay khởi nghiệp bằng việc mở hãng sản xuất thau, nồi, chảo… nhôm bán cho người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh. Sản phẩm làm ra có mẫu mã đẹp, đạt chất lượng cao nên bán rất chạy, chủ yếu giao sỉ cho các công ty thương nghiệp, thu về một khoản lợi nhuận đáng kể, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Chưa đầy 10 năm hành nghề này, tôi đã có trong tay cả trăm lượng vàng. Sau năm 1991, hãng sản xuất đồ nhôm của tôi không cạnh tranh nổi với các công ty, cơ sở sản xuất đồ nhôm ở Thành phố Hồ Chí Minh nên tôi bán vàng, đầu tư mua 4 ha đất ruộng để trồng lúa… Nhờ cần mẫn chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa nên vụ mùa nào gia đình tôi cũng có thu nhập cao. Mỗi năm, tôi đều trích lợi nhuận để mua thêm đất ruộng, mở rộng sản xuất… Hơn 10 năm nay, tôi đã có trong tay trên 100 công đất ruộng làm 2 vụ lúa/năm, trồng hoa màu, lập vườn cây ăn trái, đào ao nuôi cá, xây hồ xi măng nuôi lươn… đạt doanh thu bình quân từ 700 triệu đến trên 1 tỷ đồng. Trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc khoảng 300 - 500 triệu, gia đình tôi còn lãi cả nửa tỷ đồng. Nhiều năm liền, tôi đều đạt danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi cấp huyện và cấp tỉnh”.
Trong một lần tham dự Đại hội nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh Đồng Tháp, cựu chiến binh Năm Đấu được tặng 3 kg lúa giống huyết rồng. Ông Năm Đấu đem về cấy thử trên 700m2 đất ruộng nhà. Sau khi thử nghiệm thành công và đem lúa huyết rồng xay thành gạo, nấu cơm ăn thấy thơm, ngon, ngọt tự nhiên… ông quyết định dành 13.000m2 đất làm giống lúa huyết rồng để có vùng nguyên liệu chế biến thành sản phẩm gạo huyết rồng nguyên hạt và bột gạo huyết rồng. Ông chia sẻ: “Qua một chương trình y học, tôi biết gạo lứt ăn trị bệnh tiểu đường, ổn định đường huyết nên đi vào con đường đó. Và may mắn có người bạn cho mấy ký giống gọi là rồng huyết. Tôi về cấy thử, làm được 700m, tôi ăn thì thấy đường huyết tương đối ổn định nên quyết định nhân giống. Và tôi mới nghĩ ra, mình phải làm sao cho nó lợi nhuận cao hơn trên cái sản phẩm của mình nên mới chế biến ra bột gạo lứt huyết rồng và đưa ra thị trường thì thấy thị trường chấp nhận”.
Lúa huyết rồng sau thu hoạch phải kiểm tra chất lượng, đảm bảo an toàn, không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mới được cựu chiến binh Năm Đấu đưa vào nhà máy xay xát chế biến ra gạo lứt huyết rồng và bột gạo huyết rồng thành phẩm. Lúc đầu, ông chỉ làm để ăn trong gia đình và bán lẻ cho bà con chòm xóm. Được nhiều người khen ngon nên cuối năm 2017, ông Năm Đấu mạnh dạn sản xuất sản phẩm và đăng ký thương hiệu độc quyền mang tên Gạo lứt huyết rồng Năm Đấu và Bột gạo huyết rồng Năm Đấu. Sản phẩm làm ra được đóng gói mỗi loại từ 500 gram đến 2kg, dán nhãn đẹp mắt..., giá bán cũng phù hợp nên được người tiêu dùng ưa chuộng, mua nhiều. Bà Phạm Thị Ngọc ở xã Phú Thành A thường xuyên mua Gạo huyết rồng Năm Đấu và Bột gạo huyết rồng Năm Đấu về sử dụng hằng ngày cho biết: “Từ khi uống bột gạo huyết rồng Năm Đấu tới giờ, tôi không phải uống thuốc nữa. Tôi thấy khỏe. Sáng tôi không ăn gì hết, tôi uống 1 ly, miệng ngán thì cho thêm chút sữa, còn không ngán thì để vậy uống mà thấy tiểu đường cũng giảm. Chị em người ta bị tiểu đường đó, người ta nói uống cái này có hiệu quả lắm. Thấy cơ sở anh Năm làm cũng sạch sẽ. Giá thì cũng hợp lý có 60 ngàn 1 bịch nửa ký.
Chỉ tính từ năm 2018 đến nay, các sản phẩm Gạo lứt huyết rồng Năm Đấu và Bột gạo huyết rồng Năm Đấu đã đạt doanh thu từ 130 - 170 triệu đồng/tháng, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng/tháng trở lên. Đặc biệt, 2 sản phẩm độc đáo vừa được chứng nhận OCOP 3 sao nên sản xuất ra không đủ cung ứng cho thị trường. Cựu chiến binh Năm Đấu đã đầu tư vốn mở rộng nhà xưởng, mua trang bị thiết bị, máy móc, đáp ứng đủ sản phẩm cho người tiêu dùng. Cơ sở Năm Đấu vừa được Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ 300 triệu đồng trong tổng số trên 600 triệu đồng lắp đặt hệ thống máy xay xát và máy tách màu gạo với công nghệ hiện đại để tăng nhịp độ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Ông Trịnh Văn Lớn - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tam Nông nhận xét: “Anh Lê Văn Đấu là doanh nhân đầu tiên của huyện trồng lúa huyết rồng. Trong những năm qua, hiệu quả từ sản xuất lúa bán và tạo ra sản phẩm hàng hóa mang lại hiệu quả rất cao. Từ hiệu quả đó, thường trực Hội Cựu chiến binh huyện cũng nghiên cứu, trao đổi với các hội viên khác để học hỏi kinh nghiệm trồng lúa huyết rồng, tạo ra sản phẩm để nhân rộng trong hội viên toàn huyện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, đảm bảo đời sống, an sinh xã hội cho hội viên cựu chiến binh”.
Không chỉ sản xuất thành công, từ sản phẩm gạo lứt huyết rồng và bột gạo huyết rồng, ông Lê Văn Đấu còn tự canh tác các loại đậu trên diện tích đất nhà để chế biến và bán các sản phẩm từ tài nguyên bản địa mang thương hiệu Năm Đấu như: Bột đậu đen lòng xanh, bột của 5 loại đậu cùng 2 sản phẩm gạo lứt huyết rồng sấy muối mè và trà đậu đen xanh lòng… đang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Tin rằng, các sản phẩm từ gạo lứt huyết rồng, bột đậu đen lòng xanh, bột của 5 loại đậu, gạo lứt huyết rồng sấy muối mè và trà đậu đen xanh lòng… của ông Lê Văn Đấu sẽ vươn xa hơn trong thời gian tới, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển”.
TRẦN TRỌNG TRUNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 489, tháng 2-2022