Cảnh trong phim Thằng Bờm - Nguồn ảnh: internet
Trong kho tàng điện ảnh Việt Nam, có 7 phim truyện điện ảnh tiêu biểu khai thác từ văn học dân gian, đó là: Thằng Bờm (biên kịch: Bành Châu, đạo diễn: Lê Đức Tiến, sản xuất năm 1987); Học trò thủy thần (biên kịch: Nguyễn Khắc Phục, đạo diễn: Nguyễn Khánh Dư, sản xuất năm 1990); Truyền thuyết tình yêu của thần nước (biên kịch, đạo diễn: Hà Sơn, sản xuất năm 1991); Dã tràng xe cát biển Đông (biên kịch: Nguyễn Thị Hồng Ngát, đạo diễn: Nguyễn Khánh Dư, sản xuất năm 1995); Cuộc chiến với Chằn Tinh (biên kịch, đạo diễn: Nguyễn Quang Hải Âu, sản xuất năm 2014); Tấm Cám chuyện chưa kể (biên kịch: Hoàng Anh, Jun Phạm, Aaron Toronto, Nhã Uyên, Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn: Ngô Thanh Vân, sản xuất năm 2016); Trạng Quỳnh (biên kịch: Đỗ Đức Thịnh, Nguyễn Khoa Hồng Thành, Windy Phạm, Nhựt Tân, Nguyễn Lan Chi, đạo diễn: Đỗ Đức Thịnh, sản xuất năm 2019).
Bên cạnh việc khai thác văn học dân gian từ những câu chuyện, nhân vật hay đời sống, cách nói, ngôn ngữ, những tín hiệu văn hóa, phong tục tập quán, những thực hành văn hóa… các nhà làm phim còn cố gắng khai thác những giá trị văn hóa mang bản sắc riêng của dân tộc ẩn sâu trong đó. Đó chính là những giá trị nhân văn truyền thống của nhân dân được chuyển tải trong văn học dân gian.
Các giá trị nhân văn nổi bật ở bảy tác phẩm văn học dân gian này được các nhà làm phim chọn lựa là tình yêu nước, tình yêu thương con người, tôn sư trọng đạo, khát vọng chinh phục tự nhiên, khát vọng công lý… Tất cả những giá trị đó đều được chi phối bởi tư duy thực tiễn rất đặc trưng của người Việt Nam. Lối tư duy ấy xuất phát từ hoàn cảnh đời sống thực tế của nhân dân ta. Mưu sinh trên vùng đất phì nhiêu, sản vật phong phú, nhưng luôn phải đối mặt với thiên tai khắc nghiệt, chịu sự tác động của hoàn cảnh lịch sử riêng biệt. Đặc biệt, với vị trí địa lý là ngã tư của sự giao lưu văn hóa, kinh tế Đông Tây khiến văn hóa Việt Nam có bản sắc riêng không thể trộn lẫn. Con người ở dân tộc nào cũng có những giá trị nhân văn của mình. Tuy nhiên, người Việt có lối cư xử, quan niệm nhân sinh và triết lý về tâm linh khác với nhiều dân tộc khác. Tất cả phụ thuộc vào tư duy thực tiễn. Chúng tôi cho đây là một trong những đặc điểm quan trọng nhất, chi phối mọi ứng xử, nếp sống, làm nên bản sắc riêng trong tính cách người Việt Nam.
Chính lối tư duy này đã tạo nên tính cần cù, chịu khó, sinh ra lòng vị tha, biết đặt mình vào người khác. Tư duy thực tiễn khiến những tác phẩm văn học dân gian dù có chi tiết kỳ ảo, mơ hồ nhưng vẫn chủ yếu bám rễ trực tiếp vào thực tế cuộc sống của chính người dân lao động, không sa đà, tưởng tượng vào những chuyện không phải của mình. Họ nói về câu chuyện đời thường của họ với sự trải nghiệm và ước mơ vượt thoát mọi bế tắc hiện tại. Chi tiết kỳ ảo, những bậc thần thánh, bụt, tiên nếu có cũng chỉ để nâng tầm nhân vật chính - đó là nhân dân lao động.
Vì tư duy thực tiễn, thằng Bờm không chấp nhận đổi ba bò chín trâu, ao sâu cá mè, ba bè gỗ lim, con chim đồi mồi, mà chỉ đổi cái quạt mo của mình với nắm xôi. Không thấy tín hiệu nào chứng tỏ Bờm chấp nhận đổi cái quạt lấy nắm xôi mà chỉ là cái cười đa nghĩa. Và dù ngả theo hướng nào thì rõ ràng vẫn khiến ta nhận thấy óc thực tế ở đây. Nghĩa là đổi hay không đổi nắm xôi thì Bờm cũng chả hão huyền đổi lấy những thứ vật chất lớn lao không ngang giá, không tương đồng với thứ mình có. Bờm không hề ảo vọng vào bản thân, ảo vọng về thứ giá trị mình sở hữu. Văn học dân gian xây dựng nhân vật Bờm đa nghĩa và có nhiều cách hiểu, sang phim truyện điện ảnh, các nhà làm phim vẫn lấy nhan đề bài ca dao nhưng không dựa vào mâu thuẫn Phú ông và Bờm để khai thác. Bài ca dao Thằng Bờm chỉ là cái cớ để người làm phim nhặt lấy nhân vật Bờm. Hình ảnh Phú ông xuất hiện trở đi trở lại trong mơ, không tham gia vào đường dây truyện phim. Thằng Bờm ở đây không đa nghĩa, không ranh mãnh như trong văn học dân gian, mà đơn nghĩa là một người ngốc. Phim lấy loạt tích truyện cười trong kho tàng truyện cười dân gian Việt Nam xâu chuỗi thành kịch bản. Đó là truyện: Anh buôn vịt giời; Tay ải tay ai; Vợ khôn chồng dại; Đồng mua muối, đồng mua tương…
Truyện phim kể về Bờm cố học khôn để đi hỏi vợ. Bố Bờm, ông Bờm nhờ thày đồ bày mưu, giúp sức để anh lấy được người vợ vừa có học, vừa xinh đẹp, mong thay đổi thân thế. Nhưng khi lấy được vợ khôn thì vô vàn bi kịch xảy đến bởi sự dốt nát của anh. Phát hiện mình lấy phải chồng dại, vợ Bờm ra sức dạy chữ cho chồng. Nhưng chỉ học được ba chữ, Bờm cho rằng đã đủ, liền làm nhiều nghề: thày thuốc, đi buôn, đi thi Trạng nguyên, và Bờm làm hỏng tất cả. Anh bị bệnh nhân đuổi đánh, đi buôn thì bị lừa mua phải vịt giời, cuối ngày vịt bay hết... Dù vậy, Bờm vẫn nghĩ mình sẽ làm được mọi thứ. Anh thường xuyên mơ Phú ông xin đổi trâu, bò, gỗ lim, ao cá mè… Anh luôn kỳ vọng về tương lai sau khi thi đỗ làm quan sẽ được võng vinh quy bái tổ, được trân trọng. Khi mọi việc thất bại, Bờm mới đành quay về.
Triết lý nhân sinh từ đó thể hiện rằng chẳng giấc mơ nào có thật nếu không có đường đi, không phải đổ mồ hôi cho học tập, trải nghiệm, phấn đấu, nếu không có năng lực trí tuệ. Đây chính là sự kế thừa xuất sắc tư duy thực tế của giá trị nhân văn truyền thống vào phim truyện. Bộ phim gặt hái được nhiều thành công, có lẽ vì mang phong vị riêng, rất đặc trưng của Việt Nam, vừa truyền thống, vừa hiện đại; vừa giễu nhại vừa sâu cay, vừa hồn nhiên, vừa thâm thúy.
Ở Học trò thủy thần, ta bắt gặp tư duy thực tiễn về bài học làm người. Bài học đó không hề trừu tượng, khó hiểu mà áp dụng ngay vào cuộc sống hiện tại của người trong cuộc. Anh không chỉ cần thuộc bài mà cần áp dụng vào thực tế để cống hiến, hy sinh tài năng, giá trị của mình vì nghĩa lớn, vì loài người, vì cuộc sống của những người xung quanh. Đó là biểu hiện cao nhất của tính người, của nhân cách được chứng minh qua hiện thực. Tư duy thực tế còn thể hiện ở cách nhìn, cách quan niệm về thần thánh không hề siêu hình, kỳ ảo, quá khác biệt như nhiều dân tộc khác. Thần ở đây hết sức gần gũi với con người. Thần làm bạn với dân, đi học cùng dân, cũng là học trò, cũng có quan hệ gia đình cha - con, và sở hữu những giá trị tốt đẹp của con người như: lòng biết ơn, tình thương người, tôn sư trọng đạo, đặc biệt là hy sinh vì nghĩa, vì người khác, vì chữ tín, vì lý tưởng.
Tư duy thực tiễn khiến Dã Tràng dù sở hữu viên ngọc quý, hiểu được ngôn ngữ loài vật vẫn không ỷ vào đó để hưởng thụ, không biến chất, sa đọa mà tiếp tục chăm chỉ lao động, sống giản dị, biết điều. Dã Tràng mang tâm thế của người dân lao động thực tế nhưng không thực dụng, biết vị thế mình ở đâu, để lấy đạo đức làm lẽ sống, lấy phép màu làm niềm vui và không ngừng nỗ lực để cải thiện cuộc sống một cách chân chính. Cái kết của câu chuyện thể hiện cao độ cách nhìn đời sống thực tế của nhân dân ta. Họ không ảo tưởng vào sự tốt đẹp sẵn có, vào một ngày mai tự nhiên xán lạn. Sự hóa kiếp của Dã Tràng thành loài vật cả đời đào đất lấp biển để đi tìm công lý, tìm niềm tin, tìm lại ngọc quý chính là ẩn dụ cho lời khẳng định một thực tế rõ ràng rằng đó là việc làm không bến bờ. Cuộc đời này bên cạnh cái tốt, cũng có cái xấu. Để tồn tại, để tìm lý tưởng tốt đẹp, loài người không ngừng chiến đấu, phấn đấu...
Óc thực tế bộc lộ ở hình tượng nhân vật Thạch Sanh. Thạch Sanh chính là hiện thân của những anh hùng áo vải, những thủ lĩnh hùng mạnh thời cổ đại, khởi nguồn từ dân, đi ra từ dân, lớn mạnh lên từ dân, và sau đó quay lại làm thủ lĩnh - làm vua - phục vụ nhân dân. Ở Thạch Sanh hun đúc sức mạnh phi thường trời ban, lòng quả cảm, sự nhân hậu, tình yêu bao la với người thân, đồng loại. Dù bị hại hết lần này đến lần khác, Thạch Sanh vẫn vượt thoát và tỏa sáng. Đó không phải là cái nhìn của chủ nghĩa anh hùng lãng mạn. Bởi trong tâm thức dân gian nói rõ một thực tế về những người thủ lĩnh xưa, vừa đức vừa tài, văn võ song toàn. Họ phải được rèn giũa và trải qua những cam go khủng khiếp, sẵn sàng cứu dân giúp nước, dám hy sinh vì sự bình yên của nhân dân thì mới có thể chứng minh và khẳng định bản thân; mới được nhân dân tôn vinh, kính trọng, tâm phục đi theo. Không phải thứ anh hùng đi xâm lấn, mở mang bờ cõi như một số quốc gia, cũng chẳng phải đại diện cho một thứ tài năng bác học xa vời, hay cha truyền con nối đơn thuần. Và chính sức mạnh của tài đức ấy đã khiến những kẻ phản diện như Lý Thông bị lu mờ, đến lúc bộc lộ bản chất xấu xa và bị hủy diệt. Khi đã thành vua, Thạch Sanh vẫn không ngừng nỗ lực lao động, vì quần chúng nhân dân. Truyện kể rằng lên ngôi, công việc đầu tiên của Thạch Sanh là xóa thuế, phóng thích tù nhân và khuyến khích muôn dân trăm họ theo nghề nông trang. Từ đó, nhân dân mới được yên ổn làm ăn nhà nhà được no ấm, đông vui.
Phim Truyền thuyết tình yêu của thần nước chuyển thể từ truyện ngắn Sự tích những ngày đẹp trời của nhà văn Hòa Vang. Tác phẩm này lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học dân gian Sơn Tinh - Thủy Tinh và từng được đánh giá là một trong những khúc hát ca ngợi tình yêu say đắm nhất.
Bằng tư duy thực tiễn, tác giả điện ảnh đã tái hiện nhân vật thần như Sơn Tinh, Thủy Tinh trở nên trần thế hóa một cách cụ thể nhất. Thần cũng giống người. Mà cái tôi con người trần thế thường đan xen cả tốt lẫn xấu. Hòa Vang cũng như Hà Sơn đã quay ngược dòng ý thức không theo lối mòn định sẵn. Biến gương mặt hung thần Thủy Tinh thành nhân vật cất giấu phẩm giá tốt đẹp đầy tình yêu. Tình yêu ở đây nổi lên là ái tình - một thứ tình cảm đầy mê hoặc của loài người. Họ lý giải Sơn Tinh có được lợi thế do sự ưu ái, sắp đặt ngầm của vua Hùng. Thủy Tinh thì hành động bạo liệt bằng tình yêu dữ dội.
Lấy cuộc sống nhân thế xây dựng tính cách nhân vật, nhà làm phim đã chuyển từ khát vọng chinh phục tự nhiên sang niềm tin vào tình yêu. Trên mảnh đất tình yêu, Thủy Tinh là sự phản ánh của những số phận thường gặp bất trắc. Vì thế, cơn bão lòng của chàng nén đến đâu cũng khó yên ả. Và dễ hiểu khi người như chàng lại có lúc mềm yếu. Nhân tính, nhân tình hiện hữu thấm đẫm vì người biết yêu cũng là người biết khóc trước thất vọng, cay đắng.
Thông điệp phim truyện muốn gửi không như ngọn gió đi tìm sự đồng cảm mà là lời khẩn cầu về lẽ công bằng cho cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc. Minh oan cho Thủy Tinh, nhà làm phim cố làm thay đổi cái nhìn đơn giản, một chiều, duy lý về nhân vật luôn bị xem là tội đồ của dân gian. Họ không nhắm đến cái cần nhận thức lại mà có lẽ muốn cùng độc giả mở rộng biên độ tầm nhìn về con người đa chiều, đa thanh, đa diện.
Cảnh trong phim Tấm Cám chuyện chưa kể - Nguồn ảnh: internet
Vẫn theo dòng chảy của tư duy thực tế, Tấm Cám là minh chứng sống động tiêu biểu. Đây là câu chuyện dựa theo môtip cô gái nhà nghèo lấy hoàng tử, điển hình là truyện cổ tích Cô bé Lọ Lem. Điểm chung của các câu chuyện này đều là về một cô bé có hoàn cảnh bi đát, bị ngược đãi, bắt nạt. Sau đó với sự trợ giúp của một số thế lực kỳ diệu mà có thể cưới được hoàng tử, rồi sống bên nhau hạnh phúc trọn đời trọn kiếp. Truyện đã được hãng Walt Disney thể hiện rất thành công qua bộ phim hoạt hình Cinderella huyền thoại. Trong kho tàng truyện cổ của người da đỏ tại Bắc Mỹ, có câu chuyện tương đồng mang tên: Cô gái xấu xí. Nhiều nơi khác trên thế giới cũng có phiên bản về môtip truyện này như ở châu Phi, ở Anh (Cô bé áo rách)…
Dễ thấy môtip Tấm Cám ở các dân tộc khác thường kết thúc khi cô gái nghèo lấy được hoàng tử (hoặc nhà Vua) rồi từ đó sống hạnh phúc trọn đời. Nhưng Tấm Cám của Việt Nam thì không. Sau khi tìm thấy chiếc hài đánh rơi, lấy được Vua rồi, cô Tấm bắt đầu những kiếp nạn khác của mình. Đầu tiên là bị giết khi trèo hái cau vào ngày giỗ bố. Hóa thành chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi, cô vẫn bị hủy diệt hết lần này đến lần khác. Có nhà nghiên cứu cho rằng đó là cách lý giải theo Phật giáo. Cô Tấm hiền lành, tốt bụng chết mà không hết. Cô luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác, cuối cùng vẫn trở lại làm người, sống hạnh phúc bên đức Vua. Nhưng nếu nhìn vào cách xử lý số phận trong truyện thì không chỉ vậy. Nhân dân ta không nhìn cuộc đời lãng mạn màu hồng như nhiều dân tộc khác mà nhìn bằng đôi mắt thực tế, bằng tư duy thực tiễn xuất phát từ chính cuộc sống của mình. Phải khổ tận cam lai mới thấy được ánh sáng của hạnh phúc.
Có thể thấy người Việt có nguyên lý để phát triển: đi từ không đến có, xuất phát từ chân đất, áo vải mà làm nên, mọi thành quả đạt được đều nhờ vào sự nỗ lực của bản thân, nhờ sự chắt chiu mọi giá trị trong đời. Chiến thắng bản thân trước khi chiến thắng hoàn cảnh và chinh phục lòng người. Họ tôi rèn, lớn mạnh trong chính cuộc sống thực tế chật vật, khổ đau, éo le của mình. Họ không cần xuất phát điểm nào nâng đỡ. Chỉ cần “có chí thì nên”, “có đức mặc sức mà ăn”, ngụp trong bùn lầy mà “chẳng hôi tanh mùi bùn”, luôn ngạo nghễ tỏa hương, khoe sắc. Chính sự trải nghiệm, nỗ lực bền bỉ không ngừng đã làm tiền đề cho những phát sáng, những điều kỳ diệu, những thành công khó lường. Điều này trở thành truyền thống xuyên suốt lịch sử phát triển của dân tộc Việt, trở thành giá trị nhân văn riêng được trao truyền từ đời này sang đời khác một cách vô hình nhưng bền chặt. Thực tế đã chứng minh, người Việt làm được bao điều lớn lao nhờ logic ngầm này. Đó là những kỳ tích chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, những con người tài năng về các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, tài chính, thể thao, văn hóa, nghệ thuật…
Sang truyện Trạng Quỳnh, nhờ tài quan sát và tùy cơ ứng biến từ đời sống thực mà Trạng Quỳnh bách chiến, bách thắng trước mọi uy vũ cường quyền, mọi thế lực lớn mạnh trong xã hội. Và chỉ cần trí thông minh, tâm đức trong sáng, không cần đỗ đạt, không cần mũ mão, cân đai, quyền cao chức trọng, nhân dân vẫn tôn Quỳnh làm Trạng - tương đương với người tài trí của đất nước. Đó là sự đánh giá công bằng, thực tế nhất…
Văn học dân gian và phim truyện điện ảnh đều là con đẻ của nền văn hóa. Để tồn tại và phát triển, nó phải bắt rễ vào các giá trị nhân văn truyền thống của dân tộc. Đó chính là nơi “nối kết” tinh hoa dân tộc, đồng thời là nguồn dưỡng chất bất tận cho văn học nghệ thuật của chúng ta hôm nay, là nhân tố kích thích, là nguồn cảm hứng lớn cho sự sáng tạo văn học nghệ thuật.
Điện ảnh là sản phẩm hàng hóa đặc thù của công nghiệp văn hóa. Phim truyện điện ảnh vì thế là một thứ hàng hóa, đồng thời cũng là sản phẩm văn hóa, được kết tinh từ những giá trị văn hóa. Cho nên, đến với những giá trị nhân văn truyền thống là nhu cầu tự nhiên sống còn của điện ảnh. Nó có thể giúp cho điện ảnh có cái nhìn sâu sắc về cuộc sống nhân sinh và hiện thực mà nó diễn tả, giúp điện ảnh gần với cuộc đời. Văn học dân gian là nghệ thuật đại chúng, phim truyện điện ảnh cũng là nghệ thuật đại chúng. Vấn đề là các nhà điện ảnh của ta khi “đọc” các tác phẩm văn học dân gian, hiểu và kể lại bằng ngôn ngữ điện ảnh như thế nào; có cách nhìn, cách cảm mới và sáng tạo không, để thổi vào vào đó hơi thở của thời đại, lấp lánh tư tưởng nhân văn, hấp dẫn công chúng!.
NGUYỄN THỊ HUỆ NINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 518, tháng 12-2022