Trong các tác phẩm phim truyện điện ảnh, để có một câu chuyện hay và hấp dẫn, trước hết cần xây dựng một chuỗi hành động, trong đó không đơn thuần liệt kê một chuỗi các sự kiện mà phải xâu chuỗi, tổ chức các sự kiện đó theo một hình thức rõ ràng và có sức thuyết phục bởi sự liên kết chặt chẽ với mô tả số phận nhân vật. Với ý nghĩa đó, thủ pháp xâu chuỗi thường được nhiều nhà làm phim sử dụng để kể chuyện.
Cảnh trong phim Tướng về hưu - Nguồn: internet
1. Xâu chuỗi hành động
Ba đối tượng trọng tâm của thủ pháp kể chuyện xâu chuỗi
Trong các thủ pháp tự sự và kể chuyện, “nếu tự sự là chỉ những gì xảy ra hoặc được mô tả trong phim (cũng như trong tiểu thuyết), liên quan đến các hành động, sự kiện và nhân vật thì kể chuyện là chỉ cách thức tự sự đó được giới thiệu đến khán giả”; tức “mô tả phương pháp chuyển tải các thông tin về hành động, sự kiện và nhân vật đó đến khán giả” (1). Tự sự trong phim truyện điện ảnh thường có cấu trúc ba phần, gồm phần đầu (trạng thái cân bằng ban đầu), phần giữa (trạng thái mất cân bằng) và phần kết (khôi phục trạng thái cân bằng). Trong đó, phần giữa của tự sự có thể được gọi là giai đoạn chuyển tiếp vì nó mô tả các hành động không thuộc thói quen và công việc hằng ngày. Bên cạnh đó, kể chuyện trong phim thường được xây dựng bằng năm yếu tố: sự mô tả, nguyên nhân bỏ lửng, vật cản, thời hạn cuối cùng và câu thoại nối. Hơn nữa, các sự kiện tự sự không nhất thiết phải được giới thiệu theo tuyến thẳng và trình tự thời gian.
Như vậy, 3 đối tượng trọng tâm của thủ pháp kể chuyện xâu chuỗi bao gồm hành động, sự kiện và nhân vật. Nhờ mối quan hệ biện chứng của chúng, các đối tượng đó đã trở thành xương sống của tác phẩm mang tính tự sự và được giới thiệu đến khán giả bằng các cách thức và phong cách khác nhau của nhà làm phim.
Tính phụ thuộc của xâu chuỗi hành động
Xâu chuỗi hành động trong tác phẩm phim truyện điện ảnh là sự tập hợp, liên kết các hành động lại thành một chuỗi, một tuyến nhằm tăng tính logic và sức hấp dẫn của câu chuyện. Có nhiều loại và tính chất hành động, chẳng hạn, hành động khám phá (khi nhân vật muốn tìm kiếm sự thật về ai hoặc điều gì đó); hành động lôi kéo (khi ai đó muốn dẫn dụ người nào đó làm một cái gì đó); hành động trả thù (khi ai đó muốn thanh toán kẻ khác); hành động chạy trốn (khi ai đó muốn chạy xa khỏi chỗ hay người nào đó)… Việc xâu chuỗi các hành động đó phụ thuộc trước hết đến thể loại phim, liên quan đến tác giả kịch bản và quan hệ thẩm mỹ của nhà làm phim trong việc áp dụng xâu chuỗi hành động để xây dựng các nhân vật khác nhau. Phim Tướng về hưu (đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi, 1988) gồm một xâu chuỗi những hành động mang tính bi kịch, hết bi kịch này đến bi kịch khác, trong từng chi tiết mang tính hệ thống: 1. Dù đã hòa bình, tướng Thuấn vẫn phải “chiến đấu” từng ngày trong ngôi nhà của mình; 2. Con dâu lấy nhau thai nuôi chó, ông là người lính hy sinh mạng sống vì hòa bình nhưng khi có hòa bình, con người lại dã man hơn cả trên chiến trường; 3. Ông giúp Tuân, con trai ông Bổng lấy được vợ, nhưng lại gián tiếp đẩy họ vào bi kịch khác. Hiệu quả của cách kể xâu chuỗi này khiến các hành động bi kịch có mở, có cao trào, nhưng không kết thúc ngay mà bồi đắp, chồng lên nhau, đến cuối phim như hàng trăm viên đạn được bắn ra, ghim vào người tướng già khiến ông gục ngã. Như vậy, sự phụ thuộc tiếp theo của xâu chuỗi các hành động liên quan đến thái độ, trách nhiệm, khả năng áp dụng kỹ thuật và tài năng nghệ thuật trong việc xây dựng các nhân vật.
Xâu chuỗi hành động tương phản và tương đồng
Để kể chuyện, những hành động tương phản xâu chuỗi với nhau nhằm nhấn mạnh tính cách nhân vật. Ngược lại, một số hành động tương đồng cũng được nhân rộng trong các bộ phim, với thành phần, tính chất hành động gần như giống hệt nhau, nhưng trong ngữ cảnh khác nhau và mức độ quan trọng trong đó thay đổi khi những câu chuyện mở ra và kết thúc. Phim Mother (Người mẹ, đạo diễn Bong Joon Ho, Hàn Quốc, 2009) gồm sự xâu chuỗi một số hành động trong những hình ảnh tương phản, như cảnh người mẹ là Hye Ja bỏ đi khỏi đồn cảnh sát dưới mưa, trong khi ông lão nhặt rác đẩy xe đồng nát đi lại phía Hye Ja và chiếc xe ô tô màu đen sáng bóng của ông luật sư vượt qua bên phải của bà. Còn những hành động tương đồng được xâu chuỗi khi Hye Ja nhảy múa trên một ngọn núi như hình ảnh đầu phim, sau đó trên một chiếc xe buýt; Hye Ja cắt nhân sâm từ bên trong cửa hàng của bà khi nhìn thấy Doo Joon bên kia đường qua cánh cửa mở của mình; mẹ và con trai chia sẻ một bữa ăn ở nhà; mẹ và con trai ngủ cùng giường… tạo hiệu quả khi đã nhấn mạnh hình ảnh một người mẹ luôn đau đáu, bao bọc cậu con trai, sẵn sàng đi ngược chiều với tất cả mọi thứ xung quanh để che chở cho con mình.
Xâu chuỗi hành động trong các thể loại phim khác nhau
Trong phim hành động, giật gân, tội phạm 21 Bridges (21 cây cầu, đạo diễn Brian Kirk, Mỹ, 2019), hệ thống hành động thông qua cốt truyện tuy đơn giản khiến dễ nắm bắt, nhưng tạo được bất ngờ và kịch tính nhờ câu chuyện được xâu chuỗi hành động, sự kiện xung quanh nhân vật chính là thám tử da màu Andre Davis (ở từng thời gian và địa điểm cụ thể, chỉ trong một đêm), tạo nên hiệu quả dẫn dắt, kết nối với nhiều nút thắt, bước ngoặt và cao trào rải rác trong suốt mạch truyện phim.
2. Xâu chuỗi sự kiện
Xâu chuỗi một loạt các sự kiện có liên quan đến nhau theo chuỗi nguyên nhân - kết quả và để kiểm soát các xung đột
Tự sự là một chuỗi những sự kiện trong một mối liên hệ nhân quả xảy ra trong không gian và thời gian. Trong John Wick (đạo diễn Chad Stahelski, Mỹ, 2014) , chuỗi nguyên nhân (một nhóm xã hội đen đột nhập vào nhà của cựu sát thủ John lúc nửa đêm, đánh lén, cướp chiếc xe hơi Mustang của John mà chúng hỏi mua không được và giết luôn cả con chó (món quà kỷ niệm của Helen - người vợ quá cố - ngay trước mặt John), dẫn đến chuỗi kết quả (tất cả các sự kiện đó thổi bùng lên cơn thịnh nộ tưởng đã nguội lạnh bên trong gã cựu sát thủ lành nghề, khiến John dù đã “rửa tay gác kiếm”, nhưng một lần nữa phải cầm súng để trả thù: thiêu rụi toàn bộ số tiền và tài liệu quan trọng của ông trùm tội phạm Vigo, giết hết những tên thuộc hạ cuối cùng, trong đó Iosef - con trai của Vigo và hạ gục ông ta…). Chính việc xâu chuỗi hệ thống chuỗi nguyên nhân - kết quả trong phim đã giải thích cho việc báo thù của John là điều tất yếu, dù mang tính bạo lực, nhưng khiến người xem được thỏa mãn khi cái ác phải trả giá.
Việc xâu chuỗi, xây dựng câu chuyện thường được áp dụng theo cấu trúc 4 phần: phần đầu là một sự kiện mở đầu hoặc thiết lập xung đột trong mối quan hệ, hoặc bắt đầu gieo xung đột…; phần 2 và 3 là phát triển xung đột chính và phần 4 là giải quyết xung đột trung tâm. Do được xâu chuỗi nên các sự kiện diễn ra trong tính logic với cấu trúc vững chắc của một khuôn mẫu với các xung đột được kiểm soát. Với xâu chuỗi theo cấu trúc này, trong phim Tro tàn rực rỡ (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, 2022), mỗi nhân vật lại có những sự kiện/ câu chuyện khác nhau. Các ẩn tình và xung đột giữa 4 nhân vật chính là Tam, Nhàn, Dương và Hậu (cùng nhân vật thứ chính là Loan) đã được kiểm soát bởi các sự kiện xâu chuỗi với các cách thức/ sự kiện khác nhau. Hậu trẻ đẹp, căng tràn sức sống và yêu chồng, nhưng lại bị chồng là Dương ghẻ lạnh (né tránh vợ bằng cách/ sự kiện đi biển để mong rời khỏi nhà); trong khi Dương lại yêu Nhàn (người phụ nữ chịu thương chịu khó và yêu chồng tới mù quáng là Tam bằng cách/ sự kiện nấu và mang cơm ngon cho chồng); trong khi Tam chăm chỉ, say xỉn thể hiện sự khùng điên bằng cách/ sự kiện gặp chuyện bất bình thì lại đốt nhà mình…). Còn người phụ nữ tâm thần tên Loan say mê và căm hận Khang (trụ trì chùa Thổ Sầu là tội phạm hoàn lương) bằng cách/ sự kiện thả rắn vào chùa. Nhờ xâu chuỗi một hệ thống sự kiện, nhà làm phim đã mô tả những biến động li ti trong tâm lý và nội tâm của họ trong một giới hạn vừa đóng, vừa mở, vừa chặt chẽ, vừa khoáng đạt.
Liên kết các sự kiện thông qua các tam giác nhân vật và tạo nên các cấu trúc khác nhau
Việc xâu chuỗi các sự kiện trong một bộ phim không chỉ liên kết câu chuyện trong tính tổng thể mà còn cho thấy các sự kiện đó có vai trò gắn kết các tam giác nhân vật với hệ thống hành động và tính cách, số phận của họ. Trong phim Đời cát (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, 1999), nhà làm phim nỗ lực tạo nên một tính liên tục trong tự sự về những nạn nhân của chiến tranh, bị đặt vào những tình huống trớ trêu, ngặt nghèo để cuối cùng lòng tốt và sự tử tế chiến thắng. Sự kết nối nhiều tam giác nhân vật, trong đó một tam giác gồm ông Huy (du kích xã năm xưa nay là thương binh cụt một chân) không đáp lại tình cảm của chị Hảo (người mất cả hai chân vì vướng phải mìn, dành tình cảm cho ông Huy, khát khao một đứa con cùng ông để đỡ cô quạnh nơi làng Cát) mà yêu thầm bà Thoa (người vợ cả héo mòn, một lòng đằng đẵng chờ chồng trở về), nên thường mang rượu đến ngôi nhà tranh của bà để uống trong nỗi tuyệt vọng và bị bà xua đuổi… đã xâu chuỗi được sự kiện/ mọi câu chuyện về đời sống của tam giác nhân vật khác để thể hiện điểm mạnh trong kể chuyện về giải quyết các chằng chịt tâm lý và đẩy kịch tính câu chuyện phim lên cao trào.
Cấu trúc của hành động tự sự phụ thuộc vào một nghịch lý hai mặt. Một mặt, các sự kiện nằm trong tự sự phải có vẻ trôi chảy một cách tự nhiên, tình cờ, gây ngạc nhiên; không điều gì được trông đợi cũng như có thể đoán trước và mặt khác, “các sự kiện trong tự sự đều được chuẩn bị từ trước, có thể biện luận, được báo trước, không điều gì là không được chờ đợi, mọi thứ đều được nhìn thấy trước” (2). Trong phim Cánh đồng hoang (đạo diễn Hồng Sến, 1979), đó là cấu trúc về sự đối lập (cuộc chiến không cân sức giữa thô sơ và hiện đại, giữa con người bình dị và cỗ máy tối tân, giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa các thái cực sinh và tử…). Tuy vậy, cấu trúc này sẽ trở nên không chặt chẽ nếu một cấu trúc khác là ba tầng không gian (trên không: máy bay trực thăng của Mỹ; trên mặt nước: căn chòi và chiếc thuyền của vợ chồng Ba Đô; dưới mặt nước: nơi ẩn nấp khỏi sự bố ráp của máy bay và súng đạn Mỹ) không được xâu chuỗi để nhấn mạnh những sự đối lập khác, nhằm tạo nên một bản anh hùng ca về chiến tranh du kích trong cuộc chiến tranh chống Mỹ của người dân Nam Bộ.
Xâu chuỗi các sự kiện của câu chuyện trong hình thái trọn vẹn của kết cấu tác phẩm và bằng cách xáo trộn trật tự câu chuyện
Trong nhiều trường hợp xâu chuỗi để kể chuyện, đó là việc chọn đầu mối kết nối các sự kiện. Trong phim Greta (Móc câu, đạo diễn Neil Jordan, Mỹ, 2018), nhà làm phim đã xâu chuỗi các tình tiết bất thường ban đầu và lúc gần cuối phim để làm sáng tỏ những điểm đáng ngờ, liên quan đến chiếc túi xách và dùng nó làm đầu mối kết nối. Nhân vật cô gái trẻ Frances tìm thấy một chiếc túi xách trên tàu điện ngầm; sau đó, vào một đêm khác, khi đang ở nhà góa phụ Greta chuẩn bị bữa tối, Frances tìm thấy những chiếc túi xách giống hệt chiếc túi mà cô tìm thấy. Một khoảng thời gian sau, Greta để một chiếc túi xách khác trên tàu điện ngầm và một phụ nữ trẻ đội tóc giả (Erica, bạn thân của Frances) mang chiếc túi đến nhà Greta và được mời vào. Đồng thời, với việc tạo những nút thắt, mở hợp lý và bất ngờ (dùng Erica vạch trần chân tướng Greta), phim đã được đẩy lên cao trào trong hình thái trọn vẹn của câu chuyện.
Trong nhiều trường hợp, nhà làm phim không chỉ điều khiển quan hệ nhân quả của cốt truyện bằng việc giữ lại các sự kiện chủ chốt mà còn xáo trộn trật tự câu chuyện. Một trong những cách hữu hiệu nhất để phân tích chuỗi nguyên nhân - kết quả trong phim tự sự là tưởng tượng các cảnh quay được sắp xếp theo trật tự khác. Trong phim Người vợ cuối cùng (đạo diễn Victor Vũ, 2023), câu chuyện tình giữa Linh và Nhân (vốn là thanh mai trúc mã, nhưng Linh lại nhanh chóng phụ bạc tình yêu để về làm vợ ba cho quan huyện Đức Trọng) được sắp xếp như sự kiện bắt đầu phim, còn câu chuyện chuyển về mốc thời gian 7 năm sau (khi Linh đã có con, vô tình gặp lại Nhân và thừa nhận vẫn còn tình cảm với anh, đồng thời tiết lộ lý do thực sự khi phải bước vào nhà quan) được sắp xếp như sự kiện của trật tự tiếp theo. Trong khi đó, sự kiện Linh luôn phải hứng chịu nhiều đòn tra tấn (cả về thể chất lẫn tinh thần) dẫn đến sự kiện tiếp là điều đó khiến cô càng tin vào tình yêu với Nhân và quyết tâm đi theo anh đến cuối cuộc đời. Nếu xâu chuỗi bằng cách xáo trộn hai cặp sự kiện trên trong trật tự câu chuyện thì có thể mối quan hệ nhân quả ít nhiều sẽ bị thay đổi.
3. Xâu chuỗi nhân vật
Xâu chuỗi hai tuyến nhân vật chính và hệ thống nhân vật đối lập
Thủ pháp này khiến các nhân vật được liên hệ với nhau một cách chặt chẽ, hơn nữa, luôn tác động qua lại lẫn nhau (theo cả hướng tích cực và tiêu cực). Trong nhiều thủ pháp, người ta có thể tạo lập hai kiểu kể chuyện xâu chuỗi mà các tuyến nhân vật chỉ có ý nghĩa khi được gắn kết. Trong kiểu thứ nhất, nhân vật chính có vai trò trung lập và đa tính cách, những cuộc phiêu lưu cứ bám riết lấy anh ta dù đi bất kỳ đâu; trong kiểu thứ hai, cách hành xử của anh ta chỉ được kiểm chứng, làm tăng (hoặc giảm) giá trị nhiều mặt của hành động trong tương quan với những hành xử khác trong cùng một bối cảnh mang đậm tính vùng miền của bối cảnh. Áp dụng thủ pháp kể chuyện thứ hai, trong phim Trúng số (đạo diễn Dustin Nguyễn, 2015), hai tuyến nhân vật chính được xâu chuỗi gồm bà mẹ trẻ tốt bụng, giàu tình thương người, đạp xe đi bán vé số nuôi con (và cô nhà quê học đòi phẫu thuật thẩm mỹ để mơ đổi đời và cặp vợ chồng bán xà bần có tính cách nông dân thực thụ và hào hiệp) với ông quan chức mới ra tù sau 20 năm, tính dễ dãi ai đưa gì cũng ký (và các nhân vật khác) tưởng không liên quan đến nhau, nhưng lại gặp nhau ở những điểm quan trọng về tính cách và số phận, làm đa dạng hóa bộ mặt làng quê Nam Bộ thời đổi mới. Việc xâu chuỗi hai tuyến nhân vật chính trong phim này khiến hành động của các nhân vật tưởng như kỳ lạ trong phim đã mang tới hiệu quả mà nhà làm phim mong đợi: hiệu ứng và sự kết nối với khán giả. Điều đó không chỉ tạo nên mà còn cắt nghĩa đặc điểm hình thức hoặc tổ chức nổi bật: một chuỗi những trái ngược và những lặp lại khi được gắn kết chặt chẽ với những trường đoạn tưởng không có gì liên kết với nhau khiến xâu chuỗi có vai trò quan trọng đối với ý nghĩa của phim.
Trong phim Tướng về hưu, nhân vật là xương sống để xâu chuỗi là tướng Thuấn (vị tướng già từ cuộc chiến trở về nhà) và bà vợ già (dở điên dở tỉnh, bị đẩy xuống nhà ngang), cha con ông Cơ và cô Lài (hai người giúp việc làm lụng quần quật và luôn cúi mặt xuống đất vì thân phận ở đợ thấp hèn) được xây dựng đối lập với cô con dâu là Thủy, anh con trai là Hòa, ông em trai là Bổng và Tuân - thằng con trai của ông ta (những nhân vật tiêu biểu cho sự hỗn loạn, bị tha hóa, lưu manh, trở mặt…).
Trong trường hợp này, nhiều truyện (mà mỗi truyện là một chính thể toàn vẹn) kế tiếp nhau và được thống nhất bởi một nhân vật xương sống (qua hệ thống nhân vật thành các tuyến đối lập). Trong các truyện kể đa âm điệu, vốn áp đặt cho nhân vật chính nhiều nhiệm vụ, cũng như để một truyện thu nạp vào mình chủ đề xuyên suốt của một truyện khác, nhà làm phim thường chọn cấu trúc xâu chuỗi hệ thống nhân vật đối lập. Lúc này, khán giả sẽ tiếp cận những truyện gồm hai hay thậm chí bốn truyện. Trong One flew over the cuckoo’s nest (Chuyến bay qua tổ cúc cu, đạo diễn Milos Forman, Mỹ, 1975), với nhân vật xương sống là McMurphy, việc xâu chuỗi hệ thống nhân vật đối lập thông qua sự đặc tả tỉ mỉ nửa thế giới bên trong viện tâm thần (đã bóp chết cá tính và lòng trắc ẩn) để đối lập, ẩn dụ về nửa thế giới bên ngoài (vô cảm, vô can với nỗi đau của chúng sinh trong những xã hội nhất định). Đó là thủ pháp xâu chuỗi không chỉ hệ thống nhân vật mà còn hệ thống yếu tố đối lập giữa các bệnh nhân tâm thần và ban quản lý viện (đối lập giữa người và không phải người; giữa trật tự và hỗn loạn; giữa cá nhân và cộng đồng; giữa ngấm ngầm và công khai; giữa ngoại hình và nội tâm; giữa tính thiện và cái ác, dã tâm; giữa sự tỉnh táo, và sự điên loạn; giữa người điên và người bình thường; giữa người tỉnh táo, nhưng lại là người điên nhất và giữa người điên, nhưng lại là người tỉnh táo nhất…). Trong phim này, kể chuyện xâu chuỗi chính là để thể hiện chủ đề về hệ thống những sự đối lập trong cuộc sống.
Xâu chuỗi tự sự nguyên nhân - kết quả được thúc đẩy bởi nhu cầu và mong muốn của nhân vật
Trong nhiều phim, có thể thấy “sự phát triển tự sự phụ thuộc vào cách thức chuỗi nguyên nhân - kết quả được thực hiện trong mối quan hệ với nhân vật (hoặc các nhân vật) trong phim, những nhân tố sẽ thúc đẩy chuỗi nguyên nhân - kết quả” (3). Chuỗi nguyên nhân - kết quả được thực hiện trong tác động qua lại của mối quan hệ các nhân vật cặp đôi hoặc một nhân vật mang tính tư tưởng với các nhân vật khác. Trong phim Tướng về hưu là tướng Thuấn với bà vợ, cô con dâu Thủy; trong phim Cô gái trên sông (đạo diễn Đặng Nhật Minh, 1987) là Nguyệt (trước đó định lao vào xe tải tự tử và được cứu sống) và người chiến sĩ cách mạng (đã lảng tránh và từ chối gặp lại ân nhân khi là cán bộ cấp cao trong thành phố); trong phim Sống trong sợ hãi (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, 2005) là nhân vật Tải với hai người vợ (Ba Thuận và Út), ông anh rể Hai Dân, anh du kích Năm Đực hay Uyên (cô cán bộ cộng sản có chồng chết trận đúng ngày giải phóng); trong phim Đời cát là nhân vật ông Cảnh với bà Thoa (người vợ cả héo mòn và chung thủy) và Tâm (người vợ hai trẻ trung)…
Trong một số phim, lối kể chuyện xâu chuỗi thường gắn việc tái hiện lại câu chuyện của phim với chỉ một nhân vật cụ thể, nên khán giả chỉ biết được những phần tự sự mà nhân vật này biết. Do đó, cách kể chuyện xâu chuỗi như một bộ lọc hoặc thanh chắn cho phép khán giả tiếp cận với các sự kiện tự sự trong một giới hạn nhất định. Chuỗi tự sự nguyên nhân - kết quả nhiều khi phụ thuộc vào diễn biến từ trạng thái mất cân bằng ban đầu đến khi khôi phục trạng thái cân bằng… thường luôn bao gồm sự biến đổi (thường là của nhân vật chính trong phim). Đó là các nhân vật như Giang Minh Sài trong Thời xa vắng (đạo diễn Hồ Quang Minh, 2004); Hòa trong Mùa ổi (đạo diễn Đặng Nhật Minh, 1987); Nương trong Cánh đồng bất tận (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, 2010); An trong Đất rừng phương Nam (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, 2023); hoặc các nhân vật xưng “tôi” trong nhiều phim tự truyện…
Xâu chuỗi các nhân vật trong một khoảng thời gian và không gian hữu hạn, kết hợp với dàn cảnh, lấy cảnh quay và tưởng tượng các cảnh quay được sắp xếp theo trật tự khác
Tương tự về thời gian hữu hạn như trong phim 21 cây cầu ở trên, phim Đào, phở và piano (đạo diễn Phi Tiến Sơn, 2023), câu chuyện phim chỉ diễn ra trong một ngày đêm, về một đôi tình nhân trẻ vượt muôn vàn khó khăn, hiểm nguy để tìm lại nhau vào 17-2-1947, ngày cuối cùng của cuộc chiến sáu mươi ngày đêm cầm giữ chân Pháp để xây dựng chiến khu. Khi tìm thấy nhau trên chiến lũy, họ chỉ còn lại vài tiếng đồng hồ để kịp cưới, để tận hưởng cuộc sống vợ chồng giữa mong manh sống chết. Mối tình nồng nàn và lãng mạn của anh tự vệ và cô tiểu thư Hà thành được chăm chút, vun đắp bởi ông họa sĩ già tài năng, chú bé đánh giày lanh lẹ, hồn nhiên trong sáng, công tử nhà giàu chịu chơi, ông cha sứ tốt bụng, vợ chồng ông bán phở gánh yêu nghề. Được kết nối bởi những khoảnh khắc cuối cùng của họ - khoảnh khắc của tình yêu (yêu sự sinh tồn, yêu cái đẹp, yêu tự do…) và nhờ xâu chuỗi nên thời gian và không gian (câu chuyện trong 24 giờ, mùa đông 1946, xảy ra trên chiến lũy một khu phố cổ) được nén chặt, tạo cho cách kể chuyện, cấu trúc, tổ chức nhân vật có sự mới mẻ.
Xâu chuỗi tự sự nguyên nhân - kết quả thông qua các cảnh phim cũng như các cảnh quay được liên kết với nhau. Một số dàn cảnh trong Mùa hè chiều thẳng đứng (đạo diễn Trần Anh Hùng, 2000) như cảnh ba chị em gái Sương, Khanh và Liên chuẩn bị cho bữa cỗ ngày cúng giỗ mẹ (máy quay đặt từ góc trên cao xuyên qua vòm lá để ghi hình ba chị em trò chuyện về cách bày biện mâm cỗ theo lối xưa) được xâu chuỗi với cảnh trong ngôi nhà cổ được trang hoàng tao nhã, ba chị em nằm trên giường khi bữa cỗ kết thúc và suy đoán, đặt giả thiết về mối tình đầu của người mẹ. Trong dàn cảnh và lấy cảnh quay những không gian đặc biệt (nơi các nhân vật hòa hợp và đắm chìm vào) mang đậm chất điện ảnh thị giác (visual movie) đó, các nhân vật được xâu chuỗi bởi sự hài hòa với câu chuyện về những đam mê mãnh liệt ẩn dưới vẻ ngoài bình thản, tưởng như không có biến cố nào xảy ra.
Một trong những cách hữu hiệu nhất để phân tích chuỗi nguyên nhân - kết quả của hệ thống nhân vật trong phim tự sự là tưởng tượng các cảnh quay được sắp xếp theo trật tự khác. Trong nhiều phim, thử tưởng tượng một số cảnh được xâu chuỗi, sắp xếp theo trật tự khác, khi đó ý nghĩa của phim có thể sẽ khác. Chẳng hạn như một số cảnh đầu trong phim Cánh đồng bất tận (cảnh Sương bị săn đuổi xếp sau cảnh cô ăn cơm với ba cha con ông Võ) được thay bằng một số cảnh cuối trong phim này (cảnh Nương bị hiếp được sắp xếp trước cảnh ngôi nhà bị đốt, ông bố đưa hai chị em đi nơi khác). Tương tự trong phim Tro tàn rực rỡ, cảnh sau (Dương khỏa thân khi sống trên lều ngoài đăng trông cá ngoài biển) được sắp xếp trước một cảnh trước đó (Dương và người vợ trẻ đẹp là Hậu làm tình trên con thuyền khi trở về sau đám cưới của mình).
4. Kết luận
Do ý nghĩa và sự liên quan trên nhiều phương diện đến tự sự và kể chuyện nói trên nên trong nhiều phim, thủ pháp kể chuyện kiểu xâu chuỗi mang tính phổ biến. Trong nhiều tác phẩm phim truyện điện ảnh, xâu chuỗi các hành động, sự kiện và nhân vật lại với nhau là một trong các thủ pháp quan trọng góp phần tăng tính hấp dẫn và giá trị nội dung và nghệ thuật cho bộ phim đồng thời thu hút khán giả thông qua nghệ thuật kể chuyện.
Trên phương diện tiếp nhận, nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa hành động, sự kiện và nhân vật trong tự sự, thủ pháp xâu chuỗi là phương tiện (trong số nhiều phương tiện khả thi khác) nhằm hướng đến đích đến cao nhất của bộ phim là trải nghiệm và cảm xúc của khán giả. Trên phương diện ảnh hưởng và chi phối mối quan hệ giữa tự sự và phong cách tác giả, thủ pháp xâu chuỗi nói riêng và các thủ pháp khác nói chung cho thấy những lựa chọn cá nhân trong sáng tạo, sự độc đáo, mới lạ và tính độc bản của tác phẩm; khiến bộ phim hay, hấp dẫn và tạo nên các giá trị trên nhiều phương diện.
___________________
1, 3. Warren Buckland, Nghiên cứu phim, Nhã Nam - Nxb Tri thức, 2011, tr.66, 71.
2. Timothy Corrigan, Hướng dẫn viết về phim, Nhã Nam - Nxb Trẻ, 2011, tr.98.
PGS, TS VŨ NGỌC THANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 584, tháng 10-2024